Để phát triển bền vững các sản phẩm OCOP địa phương, các thủ thể OCOP Hương Sơn đã chú trọng trong khâu sản xuất nguyên liệu đầu vào đảm bảo chất lượng và đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại, tăng cường quảng bá sản phẩm. Nhờ đó, sau khi được chứng nhận OCOP các sản phẩm đã được người tiêu dùng đón nhận, tiêu thụ ổn định, tạo việc làm cho người dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.
Phát huy thế mạnh của huyện miền núi, sau gần 5 năm tích cực triển khai xây dựng sản phẩm OCOP, đến nay huyện Hương Sơn đã có 56 sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó, chủ yếu là các sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt, chế biến nông sản địa phương. Qua thời gian ngắn có mặt trên thị trường, phần lớn các sản phẩm đã trở thành những thương hiệu uy tín đối với người tiêu dùng, góp phần nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho người dân và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Sản phẩm Cao xương hươu Trầm Nhân được đầu tư bao bì, mẫu mã đẹp, sang trọng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng
Công ty TNHH Thương mại& Dịch vụ Trầm Nhân với thương hiệu Nhung hươu Hương Sơn Trầm Nhân là đơn vị có gần 15 năm trong nghề sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ Hươu sao Hương Sơn. Sau khi tạo dựng được uy tín, đứng vững trên thị trường với lượng khách hàng khá lớn và ổn định, doanh nghiệp đã quyết định đầu tư bài bản hơn về nhà xưởng, máy móc, thiết bị để xây dựng thương hiệu phát triển bền vững. Tham gia vào sản phẩm OCOP và đạt chứng nhận 3 sao, doanh nghiệp tiếp tục mở rộng chuỗi cửa hàng, chi nhánh tại các tỉnh, thành phố, xây dựng hệ thống bán hàng trực tuyến trên các nền tàng số. Do vậy, doanh số không ngừng tăng lên, tạo công ăn, việc làm ổn định cjo cán bộ nhân viên và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho Nhân dân địa phương.
Chị Phạm Thị Trầm – Giám đốc công ty cho biết: “Hiện nay, doanh nghiệp đang mở rộng sản xuất, đa dạng các sản phẩm từ Hươu sao như: Nhung hươu tươi, Nhung hươu khô, Bột Nhung hươu, Rượu Nhung hươu, Nhung hươu mật ong, Cao xương hươu, cao đế hươu….Đồng thời đầu tư bao bì, mẫu mã sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng”.

Chị Võ Thị Thu Hằng sử dụng công nghệ số thường xuyên livestream giới thiệu sản phẩm để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm tốt hơn
Cũng nằm trong top các sản phẩm OCOP 3 sao có lượng tiêu thụ khá lớn và ngày càng tăng là sản phẩm Tinh bột nghệ, tinh bột sắn dây, ngũ cốc Thu Hằng của cơ sở sản xuất nông sản sạch Thu Hằng, xã Mỹ Long, huyện Hương Sơn.
Từ một hộ sản xuất nhỏ lẻ, sau hơn 5 năm nỗ lực xây dựng thương hiệu, đến nay, cơ sở sản xuất đã đứng vững trên thị trường, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng cũng như các giá trị cuộc sống mà sản phẩm mang lại.
Nguồn nguyên liệu đầu vào là các sản phẩm nông sản địa phương được sản xuất hữu cơ, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, cùng với sự tận tâm, đạo đức làm nghề, kết hợp với máy móc, thiết bị cơ sở đã cho ra các sản phẩm dinh dưỡng bảo vệ sức khỏe từ thiên nhiên, đáp ứng với yêu cầu khắt khe của người tiêu dùng hiện nay.
Chị Võ Thị Thu Hằng – Chủ cơ sở phấn khởi chia sẻ: “Sau khi sản phẩm đạt hạng 3 sao, chúng tôi luôn duy trì, đảm bảo yêu cầu về chất lượng sản phẩm; đồng thời tích cực tham gia các hội chợ ở nhiều tỉnh thành trong cả nước; quảng bá và bán hàng trên các trang thương mại điện tử; Thường xuyên tổ chức các hoạt động livestream giới thiệu về quy trình sản xuất các sản phẩm, về quá trình sản xuất và thu hoạch nông sản làm nguyên liệu đầu vào cho các sản phẩm; giới thiệu các sản phẩm và hướng dẫn cách sử dụng sản phẩm để đạt hiệu quả cao nhất… Thông qua các hoạt động này, góp phần quảng bá sản phẩm và tạo dựng niềm tin, thu hút khách hàng tương tác, sử dụng sản phẩm”.


Ổi Mai Sinh được sản xuất theo quy trình sản xuất hữu cơ, đảm bảo yêu cầu về chất lượng và an toàn được người tiêu dùng tin tưởng tiêu thụ
Sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng dựa trên nhiều khía cạnh như: Chất lượng, giá trị cộng đồng, giá trị văn hóa, năng lực sản xuất và thương mại của chủ thể… Đây là cơ hội để các sản phẩm nông sản địa phương khẳng định được chất lượng, tiếp cận tốt hơn với khách hàng. Từ đó, có tác động tích cực đến sự phát triển của nền nông nghiệp, nông thôn, chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ, lạc hậu sang sản xuất hàng hóa liên kết chuỗi giá trị theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc… Đặc biệt là nguồn nguyên liệu đầu vào của các sản phẩm được sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng, chất lượng đảm bảo.
Ông Nguyễn Kiều Hưng – PCT UBND huyện Hương Sơn cho biết: “Cũng nhờ ứng dụng công nghệ số, việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói chung, sản phẩm OCOP nói riêng thông qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội đã được đẩy mạnh. Đặc biệt, với mục tiêu nâng tầm và phát triển bền vững sản phẩm OCOP trên thị trường, huyện Hương Sơn đã thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện và nâng cấp sản phẩm đã có thông qua các hoạt động tư vấn, tập huấn, đào tạo, học tập kinh nghiệm. Đồng thời, tập trung xây dựng các dự án liên kết chuỗi đối với các sản phẩm OCOP chủ lực, góp phần nâng cao giá trị kinh tế, tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm”.
Trên cơ sở phát huy những kết quả đã đạt được, huyện Hương Sơn tiếp tục chú trọng việc chuyển giao và ứng dụng tiến bộ công nghệ trong sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP, thiết kế tem nhãn, bao bì, mã số, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm... Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm thông qua các phương tiện truyền thông, tăng cường kết nối giao lưu tại các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh... Từ đó, nâng cao sức cạnh tranh và giá trị kinh tế của các sản phẩm OCOP Hương Sơn.