Hiện nay, nghề nuôi dê núi truyền thống ở Hương Sơn đang được nhân rộng. Dĩ nhiên, tổng đàn không phát triển lớn như nhiều loại gia súc, gia cầm khác, bởi ngoài tính bướng bỉnh, sức khỏe dê khó thích ứng khi thời tiết thất thường. Nhưng thịt dê muôn thuở vẫn là món bổ dưỡng được nhiều người ưa thích...

Chuyện về ông lão nuôi dê

Làng Sơn Thủy quê tôi nằm dưới chân ngọn núi Nầm, ngọn núi chạy dài giống như con rồng xanh đang ngái ngủ. Dưới những tán thông rưng rức ấy chứa bao nhiêu cây cỏ, thung sâu và hang động thích ứng với nghề nuôi dê núi.

Thuở lên chín, lên mười, tôi theo cha đi chợ Gôi, trông lên núi Nầm đã thấy ngay đàn dê của ông Nuôi Thêm đang đua nhau gặm lộc nõn từ bụi cây hoang dại. Vừa ăn vừa chạy, dường như chúng sợ bị cướp mất khẩu phần. Với cái miệng hay la hét inh ỏi lại không thích xơi những lá già, tính tình hiếu thắng nên ít người thiện cảm với loài vật này. Một số gia đình mua về nuôi được một thời gian nhưng không chăm sóc nổi đành bỏ nghề. Chỉ có ông Nuôi Thêm là “nhân tố điển hình” của huyện Hương Sơn thời đó.

Dê núi Hương Sơn
Dê thích tự do nên cứ cho ăn thoải mái trên núi, nó luôn nhớ đường về.

Những năm bảy mươi, tám mươi thế kỷ trước, làng tôi cứ đến mùa giáp hạt, nhiều người đói ăn đứt bữa nhưng gia đình ông Nuôi Thêm thì vẫn thừa thóc, thừa gạo cho vay. Cổ nhân bảo “gia bần dưỡng dê” (nhà nghèo nuôi dê) nhưng ông Nuôi Thêm lại lấy nghề nuôi dê làm giàu. Buổi đầu, vợ ông làm nghề buôn mật, về sau dựng túp lều tạm ở QL 8 sát cầu Nầm, bán rượu nếp và kẹo cu đơ. Từ khoản tiền tiết kiệm được trong hơn 1 năm trời, gia đình ông Nuôi Thêm đã dắt về trên núi thả 4 con dê một lúc. Ông vẫn thường nói với bố tôi: “cố làm chuồng cho chắc chắn, đừng đánh nó nhiều. Dê thích tự do nên cứ cho ăn thoải mái trên núi, nó luôn nhớ đường về...”.

Chiếc chuồng dê làm bằng gỗ xoan đã được bố con ông đục đẽo và thiết kế hình chữ nhật trông vừa “bắt mắt” vừa tạo ra được không gian thoáng. Tuy vậy, buổi đầu, 2 cặp dê ông mua về đã “quậy” cho cả nhà mất ăn, mất ngủ. Sau 2 lần “phá hoại kinh tế và trật tự an ninh” gia đình, ông Nuôi Thêm đã dịch chuyển chuồng dê ở cách nhà hơn 100m, 4 phía hành lang chuồng che kín phên nứa. Cửa chuồng nhốt dê có thêm chiếc khóa sắt... Kể từ đó, công việc nuôi dê của ông bắt đầu thuận lợi.

Hàng chục năm trong nghề, ông thấm thía một điều: dê không bao giờ chết vì rắn độc, cũng chẳng lúc nào lạc đàn. Dê rất đoàn kết và đi đứng, sinh hoạt rất nền nếp; ăn theo đàn, ngủ theo đàn. Muốn dê dồi dào sức khỏe và sinh sản tốt phải kiêng tắm, dầu người dê luôn có mùi khét; kiêng cho dê ăn thức ăn ngấm nước mưa; kiêng chăn thả dê ở những vùng núi rừng có sên vắt. Gia đình ông đã có năm thất thu vì một số con bị chết bởi những lý do trên.

Thời ấy, chuồng dê nhà ông lúc nào cũng có 30 con trở lên, năm nhiều nhất hơn 50 con. Dê ông đưa lên chợ Phố hay xuống chợ Gôi, bán con nào khách hàng mua hết con ấy. Ruộng HTX thời ấy làm quần quật cả vụ không nổi dăm yến thóc. Tiền đong gạo, mọi khoản chi tiêu trong gia đình, con cái ăn học đều nhờ vào sự mát tay nuôi dê của ông.

Sau khi ông Nuôi Thêm qua đời, người con trai của ông từ chiến trường trở về lại kế nghiệp bố. Thời cơ chế thị trường, anh không chỉ chăn nuôi dê mà còn liên doanh, liên kết với các chủ hộ chăn nuôi khác. Anh mở quán phở thịt dê ngay tại Nầm. Khách lạ, khách quen đi qua về lại thường lui tới. Tiện thể, có người còn mua cả vú dê, chân dê... để tẩm bổ cho vợ trong thời kỳ sinh đẻ.

Cả huyện nuôi dê

Bí thư Huyện ủy Nguyễn Xuân Thọ tâm sự: “Trong các tiêu chí thì tiêu chí về chăn nuôi, nhiều xã hăng hái lắm. Nông dân không chỉ nuôi nhiều hươu, lợn mà còn nuôi nhiều dê nữa. Nếu so với các con vật khác, dê khó nuôi hơn nhiều nhưng không lo ế bởi lúc nào cũng bán được. Vả lại, nuôi dê vốn ít, dân nghèo được Ngân hàng Chính sách xã hội và huyện khuyến khích hỗ trợ, họ thấy an tâm hơn”. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện Hương Sơn, đến năm 2013, có tới 2/3 xã đều có các gia đình nuôi dê với tổng đàn trên 1.500 con. Hộ nuôi ít từ 2-4 con, hộ nhiều 20-30 con...

Dê núi Hương Sơn
Dê khó nuôi hơn nhiều nhưng không lo ế bởi lúc nào cũng bán được

Xã Sơn Tiến có đàn dê trên 900 con, chiếm khoảng 60% tổng đàn của huyện. Vào làng xóm nào cũng nghe tiếng dê kêu the thé. Chủ tịch Hội Nông dân Nguyễn Duy Mạnh vui vẻ nói: “Nghe tiếng dê, khách biết là nét đặc trưng riêng của xã này. Từ xưa tới nay, Sơn Tiến vốn dĩ là xã nghèo nhưng may còn có nghề nuôi dê nên có thêm thu nhập”.

Rong ruổi lên tận đập nước Khe Cò, gặp 3 ông chủ nuôi dê đang chụm đầu bên nhau hút thuốc lào, anh Mạnh giới thiệu: “Đây là bác Lê Đức Phúc, người nuôi dê có kinh nghiệm và có tổng đàn hơn 40 con”. Bác Phúc xua tay: “Tui chẳng có kinh nghiệm gì ghê gớm đâu, chẳng qua là kiên trì, nếu tính tình nóng nảy thì không nuôi dê, được đâu. Nó đau bụng mà mình không biết cách chữa là chết cả đàn. Dê ít bị dịch như trâu bò, lợn gà, nhưng hay đau bụng đột xuất. Thỉnh thoảng cho dê ăn thêm chanh, khế chua để thông đường ruột cho nó”.

Ngoài bán dê, ông Phúc còn có thêm dịch vụ “nhân giống” tổng đàn cho các gia đình trong xã. Tiền dịch vụ mỗi con phối giống từ 40 – 50 ngàn đồng. Gia đình nào kinh tế còn quá eo hẹp, ông Phúc “miễn phí” luôn. Người nuôi dê ở Sơn Tiến ý thức cộng đồng rất cao. Sự san sẻ và cảm thông với nhau càng làm cho nghề nuôi dê ở đây không bị mai một. Địa hình nhiều đồi núi, cây cối sạch và có hang động như Sơn Tiến là điều kiện thuận lợi cơ bản trong nghề nuôi dê núi... Một số hộ do neo người và bận công việc đồng áng thì nuôi dê nhốt nhưng họ vẫn cố vào rừng chặt đủ lá cây dê ưa thích. Ngoài ra, họ trồng cỏ, trồng mít để dành thức ăn cho dê.

Dê núi Hương Sơn
Một con dê có bầu vú thuộc "hàng khủng"

Đặc sản dê núi

Hầu như khách bình dân hay tầng lớp thượng lưu đến huyện Hương Sơn đều thích ăn thịt dê núi nên đã khuyến khích mạnh phong trào nuôi dê. Nuôi dê đã tạo ra 3 lợi ích: lợi ích người chăn nuôi, lợi ích dịch vụ nhà hàng và lợi ích khách hàng.

Tôi cũng là người rất khoái thịt dê, bởi thịt dê không những ngon, mát, bổ mà còn là thực phẩm sạch. Mỗi lần về quê, đưa các con vào thưởng thức thịt dê ở quán Quý Sâm (Sơn Hà) hay rẽ vào quán dê cạnh cầu treo Nầm, bao giờ khách cũng nườm nượp. Nhất là mùa hè, các nhà hàng thịt dê từ Phố Châu đến Sơn Hòa xe máy, xe con đậu đầy sân. Đoàn Quang Tạo, anh bạn của tôi từ Hà Nội về khi ngồi quán thịt dê cùng bạn hữu, bảo: “Mình đã đi nhiều nơi, trong nước có, ngoài nước có nhưng chẳng đâu thích bằng món dê núi Hương Sơn”.

 

PHAN THẾ CẢI


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin cùng chuyên mục
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH HƯƠNG SƠN
    Thống kê: 9.183.882
    Trong năm: 941.676
    Trong tháng: 118.167
    Trong tuần: 29.993
    Trong ngày: 1.372
    Online: 90