Ở xã Sơn Thịnh, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) có đền Bạch Vân, đây là một di tích kiến trúc nghệ thuật được xếp hạng cấp Quốc gia; di tích này còn lưu giữ những câu chuyện kể về tình bạn giúp nhau trong học tập của một vùng đất hiếu học.

Cổng vào Đền Bạch Vân

Đền Bạch Vân được xây dựng tại vùng Cồn Mai, làng Thịnh Xá, tổng Yên Ấp xưa, nay thuộc xóm Thịnh Nam, xã Sơn Thịnh, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Đền được xây dựng năm Canh Tuất đời vua Lê Huyền Tông niên hiệu Cảnh Trị thứ 8 (1670), đền thờ vị thần hương cống Trần Toản quê ở Thanh Hóa do ông Đinh Nho Công là bạn học lập nên sau khi ông đậu Tiến sĩ khoa Canh Tuất (1670).

Sự tích đền Bạch Vân kể lại rằng, năm ông Đinh Nho Công khoảng 30 tuổi, một hôm trong lúc vừa chợp mắt ông thấy mình đang đi cày trên đồng ruộng ở xứ Đồng Lầy, bỗng có một bà lão đi đến, dáng người đức độ, thanh nhã, gặp ông bà lão rất vui mừng cúi chào ông: " Xin chào ngài Đô Ngự Sử ", rồi bà lão bảo: " Theo tôi thì Ngài nên về lo việc bút nghiên thì tốt hơn, về sau sự nghiệp sẽ hiển hách, ở nhà đi cày sẽ phí mất một nhân tài của đất nước" . Nói xong bà lão biến mất. Tỉnh dậy ông Đinh Nho Công đem câu chuyện đó kể lại với người mẹ của mình, bà rất vui mừng và khuyên con nghe theo lời của bà lão đó. Sau đó ông đã nuôi chí đèn sách và ra Thanh Hóa tìm thầy giỏi để học tập. Đến Thanh Hóa ông đã kết bạn với một nho sinh học giỏi, thông minh lỗi lạc đó là Trần Toản nay là Đức thành hoàng của đền Bạch Vân. Sau 3 năm đèn sách miệt mài cả hai ông đều đỗ Cử nhân. Trước lúc chia tay, hai người đã ước hẹn với nhau rằng về nhà chăm học để 03 năm sau cùng ra kinh đô Thăng Long dự khoa thi Hội. Sắp đến ngày hẹn đi thi, ông Đinh Nho Công lại nằm ngủ và mơ thấy mình đang trên đường đi thi, vừa đến Bích Kiều gần chợ Thượng huyện Đức Thọ thì gặp ngài Trần Toản cưỡi con ngựa trắng đi lên huyện Hương Sơn quê mình. Gặp nhau hai người tay bắt, mặt mừng và ông Trần Toản nói: " Khoa thi này chỉ có mình chú đi thi còn ta đã về trời hơn một tháng nay rồi. Bài vở ôn thi tôi đã soạn đang để ở nhà, chú ra gặp nhà tôi mà lấy. Phen này ta mừng cho chú đậu Tiến sĩ, nhưng đậu rồi đừng quên ơn ta. Chú làm cho ta một cái đền ở làng Thịnh Xá để thường xuyên qua lại cho vui ". Tỉnh dậy Đinh Nho Công không thấy Trần Toản đâu nữa. Sau đó ông ra Thanh Hóa thì quả nhiên đúng như vậy.

Đền Bạch Vân đang được trùng tu, sửa chữa lại

Khoa thi năm Canh Tuất (1670) Đinh Nho Công đậu Tiến sĩ, ngày vinh quy, đêm hôm ấy Đinh Nho Công nằm mộng thấy Trần Toản đến làm lễ mừng đại khoa cho mình và dặn rằng: " Ngày mai xuống làng Thịnh Xá thấy đám mây tụ ở đâu thì dựng đền cho ta ở đó để nhớ ơn tình ban tri kỷ không bao giờ phai ". Ngày hôm sau, Tiến sĩ Đinh Nho Công thấy một đám mây trắng đồn tụ dày đặc ở vùng Cồn Mai, làng Thịnh Xá, xã Sơn Thịnh ông đã liền cho xây dựng đền ở đó và đặt tên là  Bạch Vân (đền mây Trắng).

Sau này, khi Tiến sĩ Đinh Nho Công mất nhân dân làng Thịnh Xá đã thờ ông trong đền Bạch Vân với nghi thức như Thành hoàng của làng

Đền Bạch Vân là một di tích kiến trúc nghệ thuật độc đáo, đây còn là nơi tưởng niệm những nhân vật lịch sử học hành đỗ đạt cao, có nhiều công lao đóng góp cho quê hương đất nước. Đây là một bằng chứng về đạo lý uống nước nhớ nguồn, đức tính hiếu học của nhân dân Hương Sơn cần được giữ gìn và phát huy. Đồng thời qua câu chuyện hư hư thực thực về sự gặp gỡ trong mộng ảo giữa vị thần hương cống Trần Toản và Tiến sĩ Đinh Nho Công mà tình bạn thủy chung giúp nhau lúc thi cử, trả ơn nhau khi thành danh đáng để cho người đời ngưỡng mộ và noi theo. Đây là một bằng chứng của tình bằng hữu về truyền thống hiếu học của vùng đất học xứ Nghệ.

Lê Nhật Tân


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ hành chính
PHÁT THANH HƯƠNG SƠN
Thống kê: 8.869.112
Trong năm: 1.119.634
Trong tháng: 130.947
Trong tuần: 29.302
Trong ngày: 3.059
Online: 84