"Thoang thoảng hương cau lồng phía trước, Chập chờn lá mít ánh đằng sau..."

Trận lụt cuối cùng trong năm của con sông Ngàn Phố đã qua. Đường làng ngõ xóm đã khô ráo dần. Dọc hai bờ nhánh sông cổ của Ngàn Phố có tên gọi là Bàu Hạc vẫn còn nhìn rõ vết bùn đất phù sa phủ đầy trên các cành lá đang ngả dần sang màu trắng. Nắng hanh vàng cuối thu đầu đông đã bắt đầu rực rỡ. Đã qua rồi những ngày ẩm ướt, nhớp nháp của những trận mưa lụt nối tiếp nhau. Theo niên lịch thì mùa thu sắp qua nhưng tiết thu mới thực sự đến với vùng bán sơn địa Hương Sơn này. Mùa bửa cau đã tới.

Không biết từ thuở nào nhưng khi tôi lớn lên thì Hương Sơn đã nổi tiếng bởi cau, trầu. Chẳng thế mà nhà thơ Xuân Diệu khi đến đất Hương Sơn đã thốt lên:

Ôi cái cuộc bao vây huyền diệu

Những là chè, là mít, những là cau.

Những là làng là xóm đẹp như nhau,

Là tất cả một màu đất nước.

Thoang thoảng hương cau lồng phía trước,

Chập chờn lá mít ánh đằng sau .

Ông nội tôi, một nhà nho lỡ thời của những năm mà Tây học đã dần chiếm chỗ ngay tại cái làng quê heo hút này đã quyết chí lập vườn, trồng cau, trồng trầu. Chỉ với dăm bảy sào vườn với hàng trăm gốc cau trồng thẳng hàng thẳng lối, mỗi gốc cau là một bụi trầu tươi tốt ôm quanh, mà ông bà nội tôi đã nuôi các bác và ba tôi ăn học , có công ăn việc làm ở các công sở thời đó.
Cách mạng tháng Tám thành công, rồi kháng chiến chống Pháp. Ba tôi thoát li tham gia kháng chiến. Mẹ tôi tần tảo nuôi chúng tôi và kiếm sống bằng những nghề quen thuộc của vùng quê. Nuôi tằm, kéo tơ, dệt vải, chạy chợ. Và đến mùa bửa cau, cả nhà tôi đều tất bật.

Ảnh minh họa

Hôm nay theo âm lịch là ngày lẻ, cũng là ngày phiên chợ Gôi. Từ xa xưa, chợ Gôi quê tôi đã là một trong những chợ sầm uất, nổi tiếng.

Thượng , Hạ, Gôi, Choi, Nầm, Trị, Phố,

Trăn, Tro, Sáo, Vực, Liễu, Rồng, Đồn

là những chợ có tiếng của vùng đất Đức Thọ, Hương Sơn, Nam Đàn mà một câu đối cổ còn ghi lại. Từ sáng sớm, các bà các chị từ các làng vùng thượng Hương Sơn như Kẻ Sét, Hữu Bằng, Trị Yên, Kẻ Mui náo nức xuôi chợ. Người gánh, người đội trên đầu những đúa, những thúng, những sảo đầy ắp những sản vật của làng quê. Những cạo tro, những đúa khoai từ, khoai vạc, những gánh chè tươi, những sảo khoai lú, khoai nưa, khoai sọ, nhưng nhiều nhất vẫn là những buồng cau trĩu quả. Trời trong xanh, se lạnh hứa hẹn những ngày nắng hanh tuyệt vời cho công việc bửa cau.

Mẹ tôi ra ngõ đón mua cau của các bà các chị xuôi đường Bàu Hạc đi chợ Gôi. Tôi vác thang dài, câu liêm ra vườn để chuẩn bị hái những buồng cau trong vườn của mình, những cây cau mà ông nội tôi đã trồng trứơc đây. Nói hái cau là nói theo từ phổ thông bây giờ, còn chúng tôi vẫn quen gọi công việc này là “trặc buồng cau”. Để trặc buồng cau, phải khéo léo đưa mũi sắc của câu liêm móc vào một bên của bẹ buồng cau đang ôm chặt thân cây cau và kéo mạnh xuống dưới để cắt đứt một bên bẹ. Sau đó nâng câu liêm lên sao cho cái móc cong của câu liêm khi xoay sẽ quấn vào cuống của các gié của buồng cau và bóc bẹ buồng khỏi thân cây cau. Lúc này phải cố gắng trả lại tư thế thẳng đứng của cây sào có buồng cau trĩu quả đang treo trên đầu câu liêm rồi từ từ hạ sào câu liêm để lấy buồng cau đang mắc trên đó. Nếu không giữ được sào câu liêm thẳng đứng thì sẽ có nguy cơ câu liêm cùng với buồng cau nặng trĩu ở đầu sẽ đổ vật xuống. Người trèo thang nếu may có thể không bị ngã nhưng buồng cau thì thể nào cũng bị rớt bịch xuống đất làm các quả cau bắn tung toé. Lại phải mất công vạch các bụi cây, dò tìm để nhặt nhạnh các quả cau bị rơi. Những cây “cau vọt” cao đến mức thang dài, rồi câu liêm vẫn không với đến bẹ của buồng cau để ngoắc xuống thì phải dùng “năn” để trèo lên. “Năn” được làm bằng cách lấy những bẹ của tàu lá chuối đã khô bện thành cái vòng dây chắc chắn để xỏ hai bàn chân vào đó khi trèo những cây “cau vọt”. “Năn” càng dai, chắc và càng ôm khít hai bàn chân thì càng dễ trèo. Đứng sát thân cây cau, xỏ hai bàn chân vào “năn”, hai tay ôm chặt thân cây cau, nhấc hai bàn chân đã được bó chặt bằng “năn” lên kẹp chặt vào thân cây cau. Tiếp đó, duỗi thẳng người, hai tay ôm cây cau ở mức cao hơn rồi nhấc hai bàn chân đang kẹp vào thân cây cau lên, kẹp chặt ở mức cao hơn. Thế là bạn đã giống như một con sâu đo, có thể đo dần từng bước để trèo lên cây cau một cách tự tin. Đến một độ cao vừa đủ thì một tay ôm cây cau, một tay nắm sào câu liêm “trặc” buồng cau xuống. Nếu cây “cau vọt” không mảnh đến mức bị uốn cong nhiều khi trèo thì bạn có thể “đo” lên tận ngọn để dùng dao con cứa đứt một bên bẹ rồi tách buồng cau khỏi thân cây và mang xuống.
Khi mặt trời lên khỏi ngọn các cây cau trong vườn thì cũng là lúc mẹ tôi rinh mấy đúa chất đầy các buồng cau đón mua được ngoài ngõ vào sân. Trên sân lúc này đã có hàng chục buồng cau do chúng tôi trặc trong vườn xuống, lúc lỉu quả, nằm lổm ngổm. Anh em chúng tôi cùng bứt cau khỏi buồng quăng vào thúng. Buồng cau khi bứt hết quả trơ lại cọng và cái bẹ màu trắng xanh, một bên bẹ bị cắt khi “trặc” trông giống như con trâu có một sừng bị cắt ngang nhưng sừng còn lại thì cong vút, nhọn hoắt. Bọn trẻ ngồi đợi lấy những buồng cau to nhất đã bị vặt hết quả để giả làm trâu, tay nắm lấy hai cái sừng một dài một ngắn vờ cưỡi lên cùng phi quanh sân, chơi trò “chọi trâu” không biết chán.
Ăn trưa xong, anh em chúng tôi mỗi đứa một việc. Công việc đầu tiên nhưng cũng đòi hỏi phải khéo tay, chính xác là “cắt ngàu”. “Ngàu” là một phần quả cau nối với cuống gié cau, giống như cái đài hoa nhiều cánh để quả cau ngồi lên đó. Cắt ngàu nếu “phạm” quá sẽ làm miếng cau khô sau này bị ngắn, trông xấu mã và khi ăn trầu với miếng cau ngắn “ngàu” sẽ có cảm giác cứng, khô, không ngọt. Cắt ngàu nếu ít quá sẽ làm miếng cau khô có ngàu quá dài, nhọn một đầu, không ưa nhìn, ngàu nhiều phơi lâu khô và và miếng cau vì thế dễ bị mốc. Cắt ngàu nếu không cẩn thận sẽ dễ bị đứt tay, chảy máu vì dao dùng cắt ngàu phải sắc ngọt. Có câu tục ngữ “Sắc như dao cau” đấy thôi. Thường thì mẹ tôi cắt ngàu, còn chúng tôi làm công việc dễ hơn là róc vỏ. Hàng thúng cau vỏ màu xanh sẫm, ngàu trắng muốt được chúng tôi róc hết vỏ biến thành những quả trứng màu trắng ngà có cái chũm sót lại chút màu xanh trông như những con búp bê tròn xoay ngộ nghĩnh, đội những cái nón bé xíu trên đầu. Vỏ cau mỏng mảnh dần chất thành đống dưới chân, chạm vào mát lạnh và mềm êm. Trong khi mẹ tôi đi nấu khoai từ hoặc khoai vạc, rang lạc cho chúng tôi ăn thêm bữa chiều thì tôi đảm nhận trọng trách xiết chũm, hay còn gọi là tiện chũm. Tôi là con trai thứ hai nhưng có sức nhất nhà. Anh trai cả của tôi tuy bị tàn tật từ nhỏ, chân tay run rẩy nhưng vẫn đòi được xiết chũm. Thanh gỗ dổi mỏng, có khoét hai cái lỗ già nửa hình tròn, một to, một nhỏ, được đóng đinh chắc vào thành một cái chõng, hơi nghiêng về phía trước để làm chỗ tựa cho việc cắt chũm được gọi là “cò”. Tay trái nhặt quả cau đã róc vỏ đưa vào lỗ khoét trên “cò”và điều chỉnh sao cho phần chũm cau sẽ bị cắt không dài quá mà cũng không ngắn quá. Xiết chũm ngắn quá sẽ làm miếng cau dài, đầu nhọn trông xấu, khi ăn trầu sẽ khó nhai vì cứng, còn xiết phạm sẽ làm miếng cau quá ngắn và tỉ lệ trọng lượng cau khô thu được sẽ thấp. Quả cau nếu to sẽ đưa vào lỗ to, quả bé đưa vào lỗ bé. Tay phải cầm dao phay thật sắc ép sát thành bên của cò để xiết sao cho phần chũm bị tiện đi được cắt rất ngọt và dứt khoát.

Sau khi xiết chũm, các quả cau được bửa ra thành miếng cau. Tuỳ thuộc to hay bé mà quả cau sẽ được bửa làm ba, làm tư hay làm nhiều miếng hơn, ít miếng hơn miễn sao các miếng cau đều nhau tăm tắp. Những người bửa cau đều thuộc câu ca dao:

Thương nhau cau sáu bửa ba.

Ghét nhau cau sáu bửa ra làm mười.

Hình ảnh bà, cháu đang bửa cau

Cau bửa xong được rải ra những chiếc nong đan thưa mà quê tôi gọi là những cái “ránh”. Các miếng cau được lật ngửa trên “ránh”. Những miếng cau với phần hạt màu hồng nhạt, phần ngàu cau trắng muốt chen sát nhau trên “ránh” nhìn xa như một tấm thảm hình tròn được dệt bởi những hoa văn lạ mắt.
Trong khi chúng tôi bửa và lật cau thì anh tôi tẩn mẩn dùng chiếc dao chìa vôi cạy các mẩu hạt cau trong đống chũm cau và bỏ chúng vào một cái nồi, đổ nước vào nấu. Tôi giúp mẹ tôi phun đều nước hạt cau đã được nấu này lên các miếng cau đã được lật ngửa trong “ránh”. Nước hạt cau sẽ làm cho phần “ngàu” của miếng cau khi khô chuyển sang màu đỏ. Miếng cau khô nhờ vậy sẽ trở nên hấp dẫn và nhìn ngon mắt.

Thường thì khi mẹ con chúng tôi lật và phun xong những miếng cau cuối cùng lên cái ránh cuối cùng thì cũng là lúc gà gáy sáng. Trời càng về đêm càng se lạnh và bầu trời hình như cũng trong hơn, xa hơn. Chúng tôi nhìn trời và tin chắc ngày mai sẽ là ngày nắng hanh tuyệt vời cho công việc phơi cau.
Sáng hôm sau, chúng tôi dậy sớm hơn mọi ngày. Trong gian nhà ngoài, mẹ tôi đang lúi húi chuẩn bị “hầm sinh” cho các “ránh” cau được bửa tối hôm qua. Một cái “hầm” đan bằng nứa giống như cái quây thóc được đặt giữa nhà. Chính giữa bên trong của “hầm” là một cái chảo đất nung chứa than củi đã bén lửa. Gói một ít lưu huỳnh, mà chúng tôi vẫn gọi là “sinh”, vào một miếng giẻ, mẹ tôi bỏ cái gói “sinh” đó vào cái chảo than đang cháy. Chúng tôi cùng mẹ hì hục xếp gần chục “ránh” cau chồng lên miệng hầm. Cuối cùng là một cái chăn chiên phủ kín các ránh cau và phần thừa rũ xuống của chăn được buộc chặt vào thành “hầm”. Sau khoảng thời gian “nhai giập bã trầu”, khói sinh bắt đầu toả trắng xung quanh “hầm” cau. Khi mùi hăng hắc của lưu huỳnh bị đốt cháy xông lên thì cũng là lúc tấm chăn phủ được tháo ra, các “ránh” cau được bưng ra đặt lên dàn phơi. Cau được “hầm sinh” sẽ chống được mốc trong khi phơi, lưng miếng cau khi khô sẽ có màu trắng đẹp.

Những miếng cau được phơi khô dưới nắng hanh và gió tỏa một mùi thơm ngọt ngào như mời mọc. Cũng có lúc trời chẳng chiều người, mưa phùn gió bấc đột ngột kéo về, cau chưa kịp khô là phải đem hầm than ngay. Một đống nhỏ than củi được quạt cháy đỏ giữa nhà. Cái hầm đan bằng nứa lại được đem ra. Các “ránh” cau được chồng lên. Cau được sấy khô tỏa mùi ngào ngạt. Ngôi nhà nhỏ của chúng tôi lại càng ấm cúng.

Khi những cây cau trong vườn không còn lúc lỉu quả và trong gánh hàng của các bà các chị đi chợ Gôi thưa thớt dần những buồng cau thì cũng là lúc mùa bửa cau sắp qua. Mẹ tôi lót lá chuối đã phơi khô dưới đáy những chiếc chum sành và đổ những thúng cau khô vào đó. Khi những chum cau đã đầy, một lớp lá chuối khô nỏ được phủ lên. Trên cùng là một con cúi bằng rơm cuộn tròn thành cái nắp lèn chặt miệng chum. Đến lúc này mùa bửa cau mới kết thúc.
Những ngày Tết đi qua sao quá nhanh đối với bọn trẻ chúng tôi. Chưa kịp cảm nhận được mùa xuân với những chồi biếc, hoa tươi như thơ văn vẫn viết thì gió Lào đã bắt đầu thổi. Quê tôi gọi gió Lào là “Nam im” hoặc “Nam cào”. Nam im là gió thổi khi trời râm mát, còn Nam cào là lúc gió Lào thổi mạnh làm cho cây cối trong vườn ngả nghiêng phơi trắng mặt dưới của những cành lá. Gió Lào ở Hương Sơn quê tôi không những không khắc nghiệt như cụ Nguyễn Tuân tả mà ngược lại còn làm cho mọi người thấy khoan khoái, dễ chịu. Khi hương hoa cau ngát bay trong gió Lào thì cũng là lúc cau khô trong chum được lấy ra để đem bán cho những người buôn cau khô xuôi chợ Vinh.

Bây giờ không còn nữa mùa bửa cau ở quê tôi. Cau chỉ còn được trồng lác đác dăm ba cây trong các mảnh vườn ở Hương Sơn. Cũng có một đôi nhà đến mùa bửa vài ránh cau để dùng lúc hiếm cau tươi. Nghe nói ở Quảng Nam, cây cau đang được trồng đại trà để xuất khẩu sang Đài Loan. Nhưng cau xuất khẩu ở Quảng Nam được sấy khô nguyên quả. Không biết rồi có lúc nào nghề trồng cau và mùa bửa cau lại trở lại với đất Hương Sơn. Nhưng những ngày tất bật của mùa bửa cau, mùi lưu huỳnh hăng hăng, mùi cau phơi nắng thơm ngọt và cái không khí ấm cúng trong những ngôi nhà nhỏ khi hầm sấy cau chắc chắn vẫn còn mãi trong tâm trí thế hệ chúng tôi, những người con của Hương Sơn đang sinh sống trên mọi miền đất nước./.

Tống Trần Tùng


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ hành chính
PHÁT THANH HƯƠNG SƠN
Thống kê: 9.118.544
Trong năm: 965.696
Trong tháng: 115.807
Trong tuần: 11.723
Trong ngày: 1.141
Online: 69