Làng Thái Hòa, đến khoảng thế kỷ 19 đổi thành làng Bình Hòa, được biết đến qua các thư tịch cổ như tộc phả, sắc phong, văn bia.. bằng chữ Hán còn được lưu giữ trong các dòng họ, nhà thờ, đền miếu… thuộc các xóm từ 1 đến 5 trong số 11 xóm hiện nay của xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Cho đến nay cũng chưa tìm thấy được tài liệu nào cho biết đơn vị hành chính “Thái Hòa thôn” được hình thành và sau đó đổi tên thành “Bình Hòa thôn” chính xác vào thời gian nào. Hai làng Bình Hòa và Gôi Mỹ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 được gộp lại thành một đơn vị hành chính là xã Mỹ Hòa. Sau khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc năm 1954, các xã của huyện Hương Sơn đều được đổi tên thống nhất bắt đầu bằng từ Sơn. Xã Sơn Hòa có tên từ đó.
Ảnh 1. Mặt sau bia đền Thái Hòa với 4 chữ “Thái Hòa thôn khoán điền bi”
Trong địa phận của làng Thái Hòa, Bình Hòa xưa hiện còn lưu giữ được một số tấm bia cổ như “Thái Hòa thôn khoán điền bi” khắc dựng vào năm Cảnh Hưng thứ hai mươi (1760) hiện được lưu giữ trong khuôn viên của trường Trung học Phổ thông Lê Hữu Trác 2, “Tụy Anh từ bi” khắc dựng vào năm Tự Đức thứ mười tám (1865), hiện được lưu giữ bên cạnh nhà ông Nguyễn Ngọ, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Nguyễn Khắc Viện, “Tống tiến sĩ thế hưởng bi” được khắc dựng vào năm Tự Đức thứ hai mươi (1867) hiện được lưu giữ trong thượng điện nhà thờ Tống Tất Thắng, nhà thờ đại tôn của dòng họ Tống Trần…. Nhà thờ này đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cấp bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa năm 2007. Trong các tấm bia cổ nói trên thì bia đền Tụy Anh chính là dấu tích của Văn chỉ, Văn từ làng Việt cổ, làng Thái Hòa.
Ảnh 2. Mặt trước bia đền Thái Hòa với 6 chữ trên trán bia trên trán bia “Lưu phổ vạn đại”
Cũng như các làng khác trong tổng An Ấp trước đây nói riêng và các thôn làng ở nước ta nói chung, mỗi làng đều có một ngôi đền mang tên làng mình. Làng Thái Hòa có đền Thái Hòa, nay không còn nữa mà chỉ còn lại một tấm bia đá ghi rõ đền Thái Hòa của làng Thái Hòa như đã nói ở trên. Khuôn viên của trường Trung học phổ thông Lê Hữu Trác 2 cũng chính là nơi đền Thái Hòa, sau đổi tên là đền Bình Hòa, tọa lạc trước đây. Còn làng Gôi Mỹ có đền Gôi Mỹ. Đền Gôi Mỹ nay vẫn còn và đã được công nhận và xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, thành phố. Các ngôi đền này được xây dựng để thờ phụng các vị Thiên Thần, các vị Nhân Thần đại diện cho hệ thống Nho học của Khổng Mạnh. Những ngôi đền này còn là nơi tế lễ của Văn hội và thông thường tại đây còn có thể có Văn chỉ của làng.
Theo Việt Nam phong tục của tác giả Phan Kế Bính thì Văn chỉ là cái nền đất để tế lễ tại các làng xã hay quận huyện, còn nơi tế lễ này nếu được xây dựng thành đền thờ có lợp mái thì được gọi là Văn từ. Văn từ, Văn chỉ được làng xã hay quận huyện lập để thờ tất cả các bậc khoa bảng, quan lại tiên hiền của các làng xã hay quận huyện đó. Có làng chưa có người đỗ đạt khoa bảng thì lập Văn chỉ, Văn từ thờ Đức Khổng Tử, gọi là Tiên Thánh Sư để tôn vinh và khuyến khích việc học trong làng mình. Thông thường thì tại Văn chỉ, Văn từ,
những người đỗ Đại khoa (Tiến sĩ) và những người làm quan từ Tứ phẩm trở lên được thờ ở ban giữa, những người đỗ Trung khoa (Cử nhân) và những người làm quan từ Thất phẩm trở lên ở ban bên phải. Còn những người đỗ Tiểu khoa (Tú tài) và những người làm quan đến Bát, Cửu phẩm thì được thờ ở ban bên trái. Tuy vậy, có nhiều địa phương chỉ coi trọng sự học thì chỉ có những bậc khoa bảng mới được liệt tự, còn những người dù từng làm quan đến Nhất phẩm mà không đỗ đạt thì cũng không được thờ. Chỉ đến lúc làng tổ chức tế lễ thì những vị này mới được phối hưởng cùng với các bậc tiên liệt là hào mục, tổng lý, thầy đồ trong làng. Vào tháng hai và tháng tám hàng năm, làng tổ chức tế lễ, gọi là Xuân Thu nhị đình. Có nơi mọi người trong làng đều được tham dự, nhưng cũng nhiều làng qui định chỉ những người trong Văn hội mới được dự tế lễ mà thôi. Năm nào triều đình mở khoa thi thì sĩ tử trong làng hoặc cả làng cùng tổ chức lễ kỳ khoa để cầu cho làng mình sẽ có được nhiều người đỗ đạt. Sau khoa thi, người nào trong làng được đỗ đạt, đăng khoa thì lúc vinh qui phải đem lễ vật ra Văn từ, Văn chỉ của làng để làm lễ tạ ơn. Văn chỉ, Văn từ còn là nơi làng xã ghi danh vào bia đá những nhân vật của làng mình đã đỗ đạt các khoa thi của các triều đại trước đây có học vị từ Tú tài trở lên. Tương tự, ở cấp huyện cũng có Văn chỉ, Văn từ, có phủ huyện là Văn miếu, để ghi danh các vị đỗ đạt từ Cử nhân trở lên. Riêng Văn miếu cấp tỉnh, cấp quốc gia thì chỉ có các vị đỗ Đại khoa mới được ghi danh vào bia đá.
Hiện nay chưa có đủ cứ liệu để biết được đền Thái Hòa, tức là đền Bình Hòa được xây dựng năm nào, thờ phụng các vị Thiên Thần, Nhân Thần nào và có phải đồng thời từng là Văn từ hayVăn chỉ của làng Thái Hòa thời nhà Lê và của làng Bình Hòa thời nhà Nguyễn sau đó hay không? Với những nội dung được ghi trong bia đền Tụy Anh thì có thể nói là trước năm 1865, Văn chỉ của làng Bình Hòa đã được tạo lập tại địa điểm xây đền Tụy Anh tức là nơi hiện nay, tấm bia đang được dựng. Điều này được ghi rõ trong nội dung của văn bia đền Tụy Anh là “Các bậc Thánh hiền trước đây hàng trăm, ngàn năm đã lo chọn đất bằng có khí mạch và phong thủy mang lại những điều tốt lành cho hậu thế để thờ phụng các bậc tiên liệt anh tài của quê hương ta. Do vậy, việc tìm đá dựng bia, xây đền Tụy Anh trên quê hương văn vật của chúng ta là hợp lẽ trời lắm thay”. Tại mảnh đất bằng có khí mạch là Văn chỉ của làng Bình Hòa này, vào năm 1865, các bậc tiên liệt trong làng đã cùng nhau xây thành Văn từ của làng mình và đặt tên là “Tụy Anh từ”. Như vậy, có thể nhận định rằng, làng Thái Hòa xưa đã lập Văn chỉ tại vị trí đền Tụy Anh sau này chứ không đặt Văn chỉ tại đền Thái Hòa. Điều này cũng chứng tỏ làng Thái Hòa từ xa xưa, ít nhất là cách đây gần ba trăm năm đã rất coi trọng việc học. Tấm bia đá của đền Thái Hòa còn được lưu giữ được khắc dựng từ thời vua Cảnh Hưng nói trên với nét chữ rất đẹp và rất sắc nét cũng phản ánh rất rõ điều này.
Ảnh 3: Mặt trước bia đền Tụy Anh với 4 chữ
“Tụy Anh từ bi” trên trán bia
Trên trán bia đền Tụy Anh ở mặt trước ghi
“Tụy Anh Từ Bi”
, nghĩa là bia của đền Tụy Anh
(Tụy Anh có nghĩa là nơi hội tụ của các anh tài)
. Tại mặt trước này, sau một bài minh với câu mở đầu “Tư văn mệnh mạch thế hưng”
(Lễ nhạc, văn hóa là mạch hưng thịnh, sống còn của thế gian)
là danh sách 18 vị hương hiền được làng Bình Hòa ghi nhận và theo thông lệ thời đó, cũng giống như ở nhiều ngôi đền khác, còn một vị đứng trên 18 vị này là Cao Sơn Cao Các Đại Vương Thượng Đẳng Thần. Mặc dầu tại thời điểm này, căn cứ vào các sắc phong của vua Lê Hiển Tông còn được lưu giữ trong nhà thờ đại tôn họ Tống Trần, làng Bình Hòa còn có những quan võ có phẩm trật Tam, Tứ phẩm như Huyền trung Hầu, Phó thiên hộ Trần Viết Nhã, hay anh ruột của ông là Tướng sĩ Lương Thái y Trần Xuân Huyên, tước Nam, nhưng trong 18 vị hương hiền được khắc ghi trong bia đền Tụy Anh đã không có danh tính các vị này. Điều này chứng tỏ làng Thái Hòa xưa rất coi trọng sự học nên chỉ có những bậc khoa bảng, dù chỉ đỗ Tiểu khoa vẫn được ghi danh, liệt tự, còn những người dù từng làm quan có phẩm trật cao mà không đỗ đạt thì cũng không được thờ tự ở Văn chỉ, Văn từ. Một điều đặc biệt khác nữa là trong 18 vị hương hiền tiên liệt được khắc ghi trong bia đền Tụy Anh và được thờ phụng, tế lễ thì có đến 6 vị không phải là những người từng sinh sống trên mảnh đất của làng Bình Hòa. Đó là Tiến sĩ triều Lê, Nghĩa Quận công Tống Tất Thắng, người làng Trung Cần ở Nghệ An, là Thủy tổ của những người họ Tống sinh sống tại làng Thái Hòa, nhưng lúc bấy giờ do các biến cố lịch sử nên đều mang họ Trần. Đó là 5 vị tiên liệt của dòng họ này gồm các ông Trần Phúc Hưởng, Trần Xuân Toàn, Trần Phúc Đôn, Trần Xuân Nguyên và Trần Tất Tu, sinh thời là người ở làng Văn Giang gần đó. Họ đều là hậu duệ của Nghĩa Quận công Tống Tất Thắng (xin xem thêm phần văn bia và phần chú thích). Mặt sau bia ghi năm dựng bia và danh tính các vị khoa bảng, chức sắc của làng Bình Hòa tham gia khắc dựng bia.
Ảnh 4. Mặt sau bia đền Tụy Anh
Bia đền Tụy Anh và những nội dung được khắc ghi trên đó đã chứng tỏ và nói lên tinh thần hiếu học, coi trọng văn hóa lễ nhạc của mảnh đất Thái Hòa, Bình Hòa nói riêng và của các làng xã trong vùng Nghệ Tĩnh nói chung. Coi trọng sự học, coi trọng, đề cao văn hóa, lễ nhạc tức là coi trọng sự nâng cao dân trí để cải thiện dân sinh, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân trong làng, tiền đề và gốc rễ của sự nghiệp chấn hưng đất nước trong hoàn cảnh lịch sử của nước ta cách đây mấy trăm năm là một việc làm cần được trân trọng giữ gìn, tiếp tục noi theo và tiếp tục phát triển. Chính vì vậy, bia đền Tụy Anh cần được coi trọng, bảo quản, gìn giữ, đền Tụy Anh cũng cần được khôi phục tôn tạo để các thế hệ sau này thấy rõ niềm tự hào về mảnh đất văn vật của quê hương mình, noi gương truyền thống hiếu học, coi trọng và đề cao sự học hành, coi trọng văn hóa truyền thống của quê hương mình, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy nền văn hóa tri thức để xây dựng nền kinh tế tri thức của làng xã mình nói riêng và đất nước, dân tộc mình nói chung.
Tiếp theo, xin được tạm lược dịch ra tiếng Việt nội dung đã được khắc ghi trên bia đền Tụy Anh như sau:
Mặt trước bia
:
Bia đền Tụy Anh
Lễ nhạc, văn hóa là mạch hưng thịnh, sống còn của thế gian nên cần được sưu tầm, gìn giữ để thờ tự ngay trên mảnh đất quê hương của chúng ta.
Các bậc Thánh hiền trước đây hàng trăm, ngàn năm đã lo chọn đất bằng có khí mạch và phong thủy mang lại những điều tốt lành cho hậu thế để thờ phụng các bậc tiên liệt anh tài của quê hương ta.
Do vậy, việc tìm đá dựng bia, xây đền Tụy Anh trên quê hương văn vật của chúng ta là hợp lẽ trời lắm thay.
Làng xã chúng tôi xin được khắc ghi danh tính, khoa bảng của các chư vị hương hiền tiên liệt sau đây lên bia đá này để thờ tự:
- Thượng đẳng Thần, Đại Vương Cao Sơn, Cao Các.
- Tiến sĩ triều Lê là quan Nhập nội hành khiển, Thượng thư bộ Lại kiêm Đông các Đại học sĩ, Tổng thống thiên hạ binh mã Đô nguyên soái, Thái bảo Nghĩa Quận công, Thống Chinh chiêu nghĩa Thượng đẳng Tối linh Đại vương, được triều đại hiện nay (tức triều vua Tự Đức) gia phong Thượng, Thượng, Thượng đẳng Thần, Tống (Tất Thắng) Tướng công, được rước vào đền để thờ phụng.
- Nho sinh trung thức triều Lê, Giám sinh Quốc tử giám, Trần viên công tự Phúc Hưởng, Trần tiên sinh (1).
- Hương cống triều Lê, Giám sinh Quốc tử giám Minh Luân đường, Trần viên công tự Xuân Toàn, Thanh Tĩnh Am tiên sinh (1).
- Hương cống triều Lê, Giám sinh Quốc tử giám, Trần viên công tự Phúc Đôn, Trần tiên sinh (1)
- Hương cống triều Lê, Giám sinh Quốc tử giám Ước lệ đường, Trần viên công tự Xuân Nguyên, Trần tiên sinh(2)
- Đích thống hiệu sinh triều Lê, bản ấp Tổng giáo trưởng, Trần Tử Hoán tiên sinh(3).
- Bản phủ Hiệu sinh triều Lê, tự Trung Hưng, Hà tiên sinh
- Hương cống triều Lê, Giám sinh Quốc tử giám Minh Luân đường, Trần lệnh công tự Tống …Anh Mại tiên sinh (4)
- Hương cống triều Lê, Giám sinh Quốc tử giám, làm quan Linh sử cơ Cai hợp, tự Tống Lý, Trần tiên sinh (5).
- Hiệu sinh trung dịch Lê triều, Hà tiên sinh
- Hương cống triều Lê, Giám sinh Quốc tử giám, tự Nho Cần, Đinh tiên sinh
- Nho sinh Lê triều, Quan viên tử, Đinh tiên sinh
- Bản phủ Hiệu sinh tự Văn Tu, Trần tiên sinh (6)
- Tiên thống Nho sinh đồ Thịnh khoa triều Lê (1777), bản tổng Tổng giáo, tự Dưỡng Hạo, Trần tiên sinh (6).
- Cử nhân khoa thi Mậu Tý (1828) triều vua Tự Đức, Hàn lâm viện Thừa chỉ, Hàn lâm viện Thị độc tự Học Hải, hiệu Hương Công Sơn Nam, Hà tiên sinh (7).
- Tú tài khoa thi Nhâm Dần (1842), tự Tống Ái, Trần tiên sinh (8).
- Cử nhân khoa thi năm Bính Ngọ (1846) triều vua Tự Đức, Trần Văn phủ, tự Tống Thịnh (9), Trần tiên sinh (10)
- Tú tài khoa thi năm Đinh Mùi (1848), tự Văn Hùng, Nguyễn tiên sinh.
Mặt sau bia:
Triều vua Tự Đức năm thứ 18 (1865), tháng 6 ngày mồng một
Làng Bình Hoà
Tú tài khoa Canh Tuất (1850) Trần Tống Trạc
Tú tài khoa Tân Dậu (1861) Hà Học Tâm
Tú tài khoa Giáp Tí (1864) Hà Học Tiến
Cùng các vị Hương lão, Hào trưởng: Trần Tống Đào, Hà Chân, Nghĩa Dân, Trần Tống Nghi, Đinh Văn Phụng, Hà Văn Bản, Phan Huy Đệ, Hà Văn Dương, Trần Tống Phái, Trần Tống Đệ, Đinh Văn Phục, Hà Văn Huynh, Võ Sĩ Đinh, Trần Lợi, Trần Xứng, Trần Trang, Hà Học Lại, Trần Văn Phong, Trần Văn Ấn, Hà Quốc, Nguyễn Mỹ, Đinh Phổ, Trần Tống Oanh, Nguyễn (??).
Cùng văn thân sĩ tử hào tư trong làng.
Tống Trần Tùng
Chú thích:
(1). Đây là các ông Trần Phúc Hưởng, Trần Xuân Toàn, Trần Phúc Đôn thuộc chi họ Tống ở Văn Giang, là các bậc tiên liệt của ông Đâu, Tiên tổ của chi họ Tống Bình Hòa.
(2).Ông Trần Xuân Nguyên thuộc chi họ Văn Giang là thân phụ của ông Trần Tống Đâu, Tiên tổ khai cơ của họ Tống ở Bình Hòa.
(3). Ông Trần Tử Hoán là con trai thứ 3 của ông Đâu.
(4). Vì một số chữ bị mờ không đọc được nhưng theo phả họ Tống Bình Hòa thì vị này chính là ông Trần Quí Diễn, con trai của ông Trần Tử Hoán. Ông Diễn theo tộc phả ghi đậu Cống sinh (Cử nhân), Giám sinh Quốc tử giám, làm Huấn đạo Hương sơn, sau thăng Đề đốc, được ban Linh phù, Đoan túc.
(5). Ông Trần Tống Lý cũng là con trai của ông Trần Tử Hoán. Ông là em ruột ông Trần Quí Diễn. Cả hai anh em đều đậu Cống sinh (học vị cử nhân theo cách gọi của thời nhà Lê) nên ông Diễn được gọi là “Cống Nhất” còn ông Lý được gọi là “Cống Nhì”.
(5). Phả họ Tống Văn Giang và Bình Hòa chép tên ông là Trần Tất Tu.
(6). Ông Trần Dưỡng Hạo là con trai quan võ Phó Thiên hộ, Huyền trung Hầu Trần Viết Nhã, cháu nội của ông Trần Tống Đâu, là Tiên Tổ khai cơ của họ Tống ở Bình Hòa. Phả họ Tống Bình Hoà chép ông Trần Dưỡng Hạo đậu Đích thống sinh đồ (Cử nhân) khoa Đinh Dậu (1777), là Tổng giáo tổng An Ấp (nay là 6 xã Sơn Ninh, Sơn Thịnh, Sơn Hoà, Sơn An, Sơn Lễ và Sơn Tiến).
(7) Từ Điển Hà Tĩnh, tác giả Bùi Thiết, NXB Văn Hoá Thông tin, ghi là ông Hà Học Hải, đậu Cử nhân khoa Mậu Tí (1828) thời nhà Nguyễn, Tri huyện, Hàn lâm viện Thừa chỉ, sau được phong Hàn Lâm viện Thị độc (?), được thờ ở miếu thờ hàng huyện. (Lưu ý là theo quan chế nhà Lê thì phẩm trật của Hàn lâm viện Thừa chỉ cao hơn Hàn lâm viện Thị độc).
(8) Ông Trần Tống Ái là con ông Trần Tống Cầu, cháu nội ông Trần Quí Diễn, đậu Tú tài khoa Nhâm Dần (1842).
(9) Theo Khoa lục của trường thi Nghệ An được tác giả Bùi Thiết chép lại trong Từ điển Hà Tĩnh thì ông là Trần Văn Thịnh, đậu Cử Nhân khoa Bính Ngọ (1846), đúng như đã được ghi trong bia đền Tuỵ Anh này. Còn Phả họ Tống Bình Hoà chép nhầm thành khoa Canh Ngọ (1870). Ông thuộc đời thứ 5, nhánh thứ 3 của chi họ Tống Bình Hoà.
(10) Những năm cuối thế kỷ 19, những người họ Tống ở Bình Hoà cũng như ở Văn Giang vẫn mang họ Trần, sau đó mới đổi thành họ Trần Tống và đến năm 1912 trở đi mới đổi thành Tống Trần.