Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?
(Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa,
Người đời ai khóc Tố Như chăng?)
Trái tim của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du đã ngừng đập gần hai thế kỉ. Bao vật đổi sao dời, cuộc đời bãi biển hóa nương dâu mà tâm sự đau đáu của một con người suốt đời khắc khoải về con người, về lẽ đời vẫn thẳm sâu như nước sông Lam dưới chân núi Hồng. Con người ấy như đang sống giữa chúng ta đây- “
Khác thời đại, thương nhau chỉ rớt nước mắt”.
Người đã để lại cho mai hậu những châu ngọc của một trái tim nhân đạo cao cả, một tầm nhận thức tư tưởng văn hóa mang tính nhân loại sâu sắc cao vời.
Tất thảy chúng ta đều thừa nhận để hun đúc nên một tài năng lớn không thể không kể đến yếu tố gia đình - quê hương và thời đại. Có thể nói đây chính là căn cốt nền tảng cho việc hình thành tài năng và bản lĩnh văn chương Nguyễn Du. Quê cha Tiên Điền - Nghi Xuân- Hà Tĩnh. Quê mẹ Bắc Ninh. Sinh tại kinh thành Thăng Long trong một gia đình quý tộc quyền quý, có truyền thống yêu văn chương. Sống trong thời đại có những biến cố lịch sử dữ dội, nhiều phen thay đổi sơn hà. Mười năm gió bụi “ thập tải phong trần” với cuộc sống nghèo khổ, bần hàn loạn lạc. Chuyến đi sứ Trung Quốc…Tất cả những yếu tố mang tính tiền đề trên kết hợp một cách kì diệu với tài năng thiên bẩm và một trái tim luôn nhạy cảm đớn đau trước những điều trông thấy đã tạo nên một Nguyễn Du “
có con mắt nhìn thấu sáu cõi và tấm lòng nghĩ tới muôn đời”.
Tượng đài Đại thi hào Nguyễn Du
Nguyễn Du để lại cho hậu thế một di sản văn học tư tưởng nhân đạo nhân văn sâu sắc. Dù đó là những sáng tác được viết bằng chữ Hán hay chữ Nôm. Thơ chữ Hán có thể được xem là phát ngôn viên chính thức của Nguyễn Du. Đối với Nguyễn Du thì cái vĩ đại là văn hóa, thành tựu của các thời đại đã qua thể hiện ở văn hóa. Văn hóa là cuộc đấu tranh bi tráng của con người trong trường kì lịch sử để khẳng định và phát triển bản chất người. Các triều đại trôi qua, quyền lực của vua chúa, công danh của tướng lĩnh, công hầu, thảy đều trôi qua, đều tàn lụi. Chỉ còn có con người, chỉ còn có nhân văn. Có thể nói đó là cái nhìn mang tầm vượt ngưỡng mà nhân loại sống trong thế kỉ 21 chúng ta càng thấm thía hơn bao giờ hết.
Nói đến Nguyễn Du, ta nhớ ngay đến tập thơ chữ Nôm
Đoạn trường tân thanh
mà chúng ta vẫn quen gọi là
Truyện kiều
. Cách đây 50 năm, kỉ niệm 200 năm ngày sinh đại thi hào giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ ác liệt đang lan rộng ra miền Bắc, nhà thơ Tố Hữu đã khẳng định sức sống vĩnh cửu của Truyện Kiều trong lòng dân tộc:
Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời ngàn thu
Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày
Quả vậy, Truyện Kiều là tiếng thơ của tình người vươn lên tầm nhân loại. Ông viết về số phận đau đớn dập vùi của con người, về khát vọng hạnh phúc, về giấc mơ công lí chính nghĩa, ngợi ca tài năng và phẩm giá của con người…Những điều ấy được nói ra từ một tấm lòng tê tái thương yêu và một tài năng văn chương lỗi lạc “
Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn”
. Truyện Kiều đã đi vào lòng người bằng nhiều con đường khác nhau, tồn tại xuyên suốt với chiều dài lịch sử văn hóa dân tộc, gắn bó với mỗi người dân đất Việt. Bởi vậy mà nó đã trở thành lời non nước, tiếng mẹ ru, vừa vang vọng lớn lao, vừa gần gũi tha thiết với mỗi tâm hồn từ tấm bé. Một người học trò hỏng thi, có thể lấy hai câu thơ Truyện Kiều phát biểu như một định luật để an ủi :
Có tài mà cậy chi tài. Chữ tài liền với chữ tai một vần.
Tiễn đưa một người đi xa và hứa hẹn một cuộc gặp gỡ, đọc hai câu Kiều sau đây, vừa đầy đủ lại vừa tình tứ thâm trầm:
chén đưa nhớ bữa hôm nay. Chén mừng xin đợi ngày này năm sau
. Và Bác Hồ vô vàn kính yêu của chúng ta, trong đại hội Đảng lần thứ hai, xúc động trước sự trưởng thành nhanh chóng của Đảng, cũng đọc lại hai câu Kiều:
Đến bây giờ mới thấy đây. Mà chắc lòng đã những ngày một hai…
Và cũng thật thú vị, vào những năm khép lại thế kỉ 20 đầu thế kỉ 21, trong mối bang giao mở rộng, nhiều nguyên thủ quốc gia khi đến Việt Nam đã mượn hình thức lẩy Kiều như một sự thể hiện coi trọng văn hóa, coi văn hóa là cầu nối để xây đắp tình hóa hiếu, hướng tới tương lai. Có thể nói ở đâu có cuộc sống, ở đó có Nguyễn Du. Bởi vậy, di sản văn hóa cuả Nguyễn Du là sản phẩm kết tinh trí tuệ, tâm hồn, vẻ đẹp văn hóa dân tộc Việt Nam qua tài năng trác tuyệt của ông và cùng với thời gian, di sản ấy đã trở thành một phần tinh hoa văn hóa nhân loại.
Hồ Thái Sơn