Được thành lập từ năm 2011, sau 5 năm đi vào hoạt động, đã khẳng định Hội doanh nghiệp huyện Hương Sơn là mái nhà chung, nơi hội tụ, liên kết, hợp tác, hỗ trợ và giúp đỡ các doanh nghiệp phát triển nghề nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; góp phần tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội huyện nhà.

Ngày 21 tháng 4 năm 2011, Hội doanh nghiệp huyện Hương Sơn chính thức đi vào hoạt động, mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ từ việc suy thoái của nền kinh tế nhưng bằng tinh thần quyết tâm vượt lên chính mình, các doanh nghiệp huyện nhà đã luôn vượt qua khó khăn, nỗ lực tìm kiếm, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm để xây dựng hình ảnh, thương hiệu, uy tín của các doanh nghiệp trong hội.

Sau 5 năm đi vào hoạt động, đội ngũ doanh nghiệp trong tổ chức Hội đã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Với 33 doanh nghiệp từ những ngày đầu thành lập, đến nay, Hội doanh nghiệp huyện đã có 45 doanh nghiệp tham gia, trong đó xuất hiện nhiều doanh nhân trẻ dám nghĩ, dám làm, cống hiến cho sự phát triển chung của cộng đồng doanh nghiệp trong huyện. Đánh giá về hoạt động của Hội doanh nghiệp cũng như vai trò của các doanh nghiệp trên địa bàn đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của huyện, ông Trần Bình Thân - PCT UBND huyện Hương Sơn cho biết: “ Với chức năng của mình, Hội doanh nghiệp huyện đã làm tốt vai trò là cầu nối giữa các doanh nghiệp hội viên với cơ quan hữu quan của Nhà nước và bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp trong mọi hoạt động. Các doanh nghiệp hoạt động theo các lĩnh vực ngành nghề khác nhau đã thu hút, tạo việc làm cho trên 1 ngàn lao động địa phương với mức thu nhập ổn định, đóng góp đầy đủ nghĩa vụ thuế cho nhà nước. Kể từ khi đi vào hoạt động tính đến hết tháng 9 năm 2017, các doanh nghiệp trong hội doanh nghiệp huyện đã nộp ngân sách nhà nước trên 40 tỷ đồng, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của nền kinh tế, xã hội.

Dây chuyền sản xuất gạch bê tông của công ty TNHH Thành Nhân

Nhiệm kỳ qua, Hội đã tích cực tham gia ý kiến xây dựng các văn bản chính sách pháp luật và quy định của địa phương có liên quan đến doanh nghiệp, công tác phối hợp, đại diện, bảo vệ quyền lợi hội viên cũng luôn được hội doanh nghiệp huyện trú trọng.

Hàng năm, hội đã chủ động tổ chức hoặc phối hợp với hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và các ngành chức năng như chi cục thuế, phòng công thương tổ chức phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các luật, nghị định, thông tư và các nội dung liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp như chính sách ưu đãi, khuyến khích về thuế, các ưu đãi về đất đai, ngân hàng, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề... Thông qua đó đã giúp doanh nghiệp thành viên hiểu rõ, thực hiện đầy đủ các cơ chế, chính sách của Nhà nước, tránh được các sai sót có thể xảy ra khi hoạt động kinh doanh.

Đặc biệt, trong điều kiện kinh tế hiện nay và mong muốn đóng góp công sức của doanh nghiệp, doanh nhân vào sự phát triển bền vững ở địa phương, Hội doanh nghiệp huyện đã làm tốt công tác vận động, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển nghề mới, chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng bền vững, đảm bảo vệ sinh môi trường, hướng sự quan tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Đứng chân trên vùng đất khó Sơn Kim2, Xí nghiệp chè Tây Sơn đã trải quan nhiều khó khăn, thử thách để tạo vùng nguyên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm và ổn định thị trường. Hiện tại, xí nghiệp đã ký hợp đồng liên kết trồng, tiêu thụ chè với gần 1 ngàn hộ dân, với diện tích chè lên tới 350 ha. Nhờ áp dụng kỹ thuật mới, nên bình quân  mỗi ha chè đạt 15 tấn/ha, một số diện tích thâm canh tốt có thể đạt 30 tấn/ha, sản lượng mỗi năm trên 4 ngàn tấn chè búp tươi, tạo việc làm và thu nhập ổn đinh cho trên 2 ngàn lao động địa phương. Ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Xí nghiệp chè Tây Sơn chia sẻ: “ Với việc bám sát chỉ đạo của huyện về chiến lược phát triển sản phẩm theo hướng chè sạch, chè hữu cơ như cam kết chất lượng với khách hàng, chúng tôi đã trăn trở tìm cách đưa giống chè mới, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, tích cực thực hiện các biện pháp kỹ thuật thâm canh tiên tiến theo quy trình Việt gáp để nâng cao chất lượng sản phẩm; Đồng thời, có nhiều giải pháp hỗ trợ người nông dân trồng chè cả về kỹ thuật lẫn nguồn vốn đầu tư… nhờ vậy, người trồng chè hoàn toàn yên tâm, tin tưởng vào xí nghiệp, tích cực tham gia sản xuất chè sạch”

Xác định rõ, lợi ích của doanh nghiệp gắn liền với lợi ích của nhân dân địa phương, trong những năm qua, Hội doanh nghiệp huyện đã khuyến khích các doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, hỗ trợ các địa phương xây dựng NTM phát triển bền vững.

Sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xây dựng NTM đã góp phần đưa bộ mặt nông thôn, đô thị ngày càng khởi sắc, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trên địa bàn thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Trong đó, điển hình về phát triển nông nghiệp, vật liệu xây dựng bền vững có Công ty TNHH Sơn Nguyệt, doanh nghiệp Việt Thắng; về sản xuất bê tông đúc sẵn giảm thiểu ô nhiễm môi trường có Công ty TNHH Thành Nhân, về phát triển kinh tế bền vững, đóng góp xây dựng NTM có Công ty CPTM& DV Dũng Lợi; Về phát triển mở rộng tuyến hành khách sang nước bạn và tuyến xe buýt phục vụ nhân dân miền núi phía Tây Hà Tĩnh như: doanh nghiệp vận tải Thọ Lam, Trường Vịnh; Về phát triển du lịch sinh thái như Công  ty TNHH Quý Gia; Về việc trăn trở tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn như  doanh nghiệp Tân Phố, Trang Thơ, Hùng Bình, Bình Thiên… Nhiều công ty đã làm ăn có hiệu quả tạo thương hiệu, uy tín trong và ngoài huyện, được chủ đầu tư tin tưởng giao nhiều công trình quan trọng của địa phương. Điển hình như Công ty CPTM& DV Dũng Lợi – TTPC. Hiện tại công ty đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công cầu Hải Thượng nối quốc lộ 8A với xã Sơn Quang. Công trình có số vốn đầu tư lên đến 82 tỷ đồng.

Không chỉ làm tốt trong công tác sản xuất kinh doanh, hưởng ứng các chương trình, hoạt động chính sách xã hội do các cấp phát động, Hội doanh nghiệp đã tuyên truyền vận động các doanh nghiệp, doanh nhân tích cực ủng hộ xây dựng “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”, “Quỹ chất độc màu da cam”, “Quỹ mái ấm tình thương”, “Quỹ khuyến học”, “Quỹ vì người nghèo”, “ủng hộ quỹ đồng bào bị thiệt hại do bão lũ”... với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng. Tiêu biểu cho phong trào từ thiện nhân đạo là các doanh nghiệp thành viên như: Doanh nghiệp Sơn Nguyệt, Doanh nghiệp Thành Nhân, Ngân hàng nông nghiệp PTNT Hương Sơn…

Sản xuất chè sạch theo quy chuẩn VietGAP tại Xí nghiệp chè Tây Sơn

Ông Trần Minh Quế, PCT Hội doanh nghiệp huyện cho biết thêm: “ Trong thời gian tới để hội doanh nghiệp thực sự là ngôi nhà chung của cộng đồng doanh nghiệp trong huyện, Hội doanh nghiệp huyện Hương Sơn sẽ tích cực chủ động, đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng hội vững mạnh, tổ chức tốt việc liên kết và hỗ trợ trong việc phát triển nghề nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên, giữ vai trò là cầu nối giữa các cơ quan đảng, chính quyền với các doanh nghiệp thành viên

Có thể nói, sau 5 năm đi vào hoạt động Hội doanh nghiệp huyện Hương Sơn đã đại diện cho sức sản xuất mới trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng hành với các doanh nghiệp tạo ra bước đột phá, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, phát huy tinh thần tự lực, tự cường và lao động sáng tạo, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Hương Sơn cũng sẽ vượt qua mọi thử thách để duy trì và phát triển doanh nghiệp một cách mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội, xây dựng huyện nhà ngày càng đổi mới, giàu mạnh./.

Hương Hà


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ hành chính
PHÁT THANH HƯƠNG SƠN
Thống kê: 9.118.856
Trong năm: 965.696
Trong tháng: 115.807
Trong tuần: 11.723
Trong ngày: 1.447
Online: 24