Quy định về mức đóng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; điều chỉnh giá dịch vụ y tế của đối tượng không có thẻ BHYT; khối lượng kiến thức của người học trình độ trung cấp, cao đẳng nghề…sẽ có hiệu lực trong tháng 6 tới đây.
1. Giảm 0,5 % mức đóng vào quỹ BHTN, bệnh nghề nghiệp.
Nghị định 44/2017/NĐ-CP được Chính phủ ban hành quy định tỉ lệ đóng 0,5 % của người sử dụng lao động vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Theo đó, từ 1/6/2017, người sử dụng lao động hằng tháng đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật an toàn, vệ sinh lao động với mức như sau:
0,5% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động được quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp lao động là người giúp việc gia đình.
0,5% trên mức lương cơ sở đối với người lao động được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội.
Theo Nghị định 44/2017/NĐ-CP, đối tượng tham gia điều chỉnh mức đóng như trên gồm: Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác…
2. Điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh tới đối tượng không có thẻ BHYT.
Theo Thông tư 02/2017/TT-BYT của Bộ Y tế, có 3 nhóm dịch vụ dành cho người chưa có thẻ BHYT được điều chỉnh khung giá tối đa, gồm: Giá dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khoẻ; giá dịch vụ ngày giường điều trị; giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm dành cho các hạng bệnh viện.
Trong 3 nhóm dịch vụ này, cả hai nhóm dịch vụ khám bệnh và dịch vụ ngày giường điều trị dự kiến có mức tăng giá cao gấp 2- 4 lần so với giá hiện tại. Cụ thể, tiền khám bệnh đã tăng gấp 4 lần ở phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã; tăng 2 lần ở bệnh viện hạng 1 và hạng 2.
Mức tăng này rất lớn với người bệnh phải điều trị nội trú, điều trị dài ngày. Ngoài ra, tác động mạnh nhất đến người bệnh chưa có thẻ BHYT phải là nhóm giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm dành cho các hạng BV bất kể người bệnh điều trị ngoại trú hay nội trú, điều trị ít ngày hay dài ngày.
Thông tư 02/2017/TT-BYT có hiệu lực từ 1/6/2017.
3. Ban hành danh mục, tỉ lệ thanh toán vật tư khám chữa bệnh với đối tượng có thẻ BHYT.
Thông tư 04/2017/TT-BYT ban hành danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với vật tư thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế.
Theo đó, mức thanh toán tổng chi phí vật tư y tế cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật không vượt quá 45 tháng lương cơ sở.
Ví dụ, mức thanh toán tổng chi phí vật tư y tế của người bệnh trong một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật tại thời điểm tháng lương cơ sở bằng 1.210.000 đồng, cụ thể như sau:
Trường hợp người bệnh là đối tượng tham gia bảo hiểm y tế có mức hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh: Mức thanh toán tổng chi phí vật tư y tế của người bệnh trong một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật = 45 x 100% x 1.210.000 = 54.450.000 đồng;
Trường hợp người bệnh là đối tượng tham gia bảo hiểm y tế có mức hưởng 95% chi phí khám bệnh, chữa bệnh nhưng chưa đủ thời gian tham gia bảo hiểm y tế liên tục trên 5 năm: Mức thanh toán tổng chi phí vật tư y tế của người bệnh trong một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật = 45 x 95% x 1.210.000 = 51.727.500 đồng...
Thông tư 04/2017/TT-BYT có hiệu lực từ 1/6/2017.
4. Quy chuẩn khối lượng kiến thức tối thiểu của người tốt nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng nghề.
Thông tư 12/2017/TT-BLĐTBXH quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng trong giáo dục nghề nghiệp.
Thông tư áp dụng cho trường cao đẳng, trường trung cấp và các cơ sở khác có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp ở trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.
Về trình độ trung cấp:
Khối lượng kiến thức tối thiểu đối với trình độ trung cấp là 35 tín chỉ đối với người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, 50 tín chỉ đối với người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở và có thời gian học tập từ 1 đến 2 năm học tuỳ theo từng ngành, nghề đào tạo
.
Khối lượng kiến thức lý thuyết và kỹ năng thực hành tùy theo từng ngành, nghề đào tạo phải đảm bảo tỷ lệ: lý thuyết chiếm từ 25% - 45%; thực hành từ 55% - 75%.
Về trình độ cao đẳng:
Khối lượng kiến thức tối thiểu đối với trình độ cao đẳng là 60 tín chỉ và có thời gian học tập từ 02 đến 03 năm học tuỳ theo từng ngành, nghề đào tạo
.
Khối lượng kiến thức lý thuyết và kỹ năng thực hành tùy theo từng ngành, nghề đào tạo phải đảm bảo tỷ lệ: lý thuyết chiếm từ 30% - 50%; thực hành từ 50% - 70%.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/6/2017.
Theo dantri.com.vn