Chiều ngày 8/7/2019, Ban Giám khảo Cuộc thi tìm hiểu “Huyện Hương Sơn 550 năm hình thành và phát triển” huyện đã tổ chức họp, thống nhất các nội dung liên quan đến công tác chấm thi. Đồng chí Lê Nhật Lệ - UVBTV Huyện ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo - Giám đốc Trung tâm BDCT huyện, Trưởng Ban Giám khảo Cuộc thi chủ trì cuộc họp.
Toàn cảnh cuộc họp Ban Giám khảo cuộc thi
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Giám khảo đã thảo luận, tham gia ý kiến về công tác tổ chức chấm bài dự thi; phiếu chấm điểm và nhất là đi sâu vào đề cương gợi ý đáp án và thang điểm từng phần nhỏ trong câu hỏi tự luận. Đến ngày 1/7/2019, toàn huyện đã có 18.549 bài dự thi (trong đó có 194 bài được các địa phương, đơn vị lựa chọn tham gia vào cuộc thi cấp huyện).
Hội đồng Ban Giám khảo đã thống nhất thời gian chấm bài dự thi bắt đầu từ ngày 10/7 và kết thúc ngày 10/8/2019.
Về dự và chỉ đạo, đồng chí Nguyễn Duy Trinh - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi đã đánh giá rất cao công tác chuẩn bị của cơ quan thường trực (Ban Tuyên giáo), từ phân công các tổ chấm bài đến đề cương gợi ý đáp án, phiếu chấm điểm… cũng như công tác đôn đốc, chỉ đạo các địa phương, đơn vị trong quá trình triển khai cuộc thi ở cơ sở, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Và khẳng định đây là cuộc thi có ý nghĩa đặc biệt nên số người tham gia nhiều nhất so với các cuộc thi tìm hiểu từ trước đến nay. Đồng thời, kỳ vọng, tin tưởng vào đội ngũ Ban giám khảo sẽ công tâm, khách quan, trách nhiệm, đánh giá đúng thực chất để lựa chọn ra những bài thi chất lượng nhất thể hiện được trách nhiệm của người con Hương Sơn trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, đề xuất các giải pháp góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện của huyện nhà trên chặng đường mới.
Đ/c Nguyễn Duy Trinh - PBT Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi phát biểu chỉ đạo
Kết luận tại cuộc họp, đồng chí Lê Nhật Lệ đề nghị các thành viên Ban Giám khảo Cuộc thi thực hiện theo đúng Quy chế đã ban hành; hoàn thành việc chấm thi đúng tiến độ; trong quá trình chấm thi cần quan tâm tới tính sáng tạo, cái riêng nhưng đảm bảo chất lượng và có tính pháp lý; bên cạnh đó, kịp thời phát hiện các nội dung còn khó khăn, những vấn đề phát sinh cần tháo gỡ, có những kiến nghị, đề xuất kịp thời với Trưởng Ban Giám khảo để xử lý theo chức năng, nhiệm vụ. Cơ quan thường trực Cuộc thi giao đầy đủ số lượng bài dự thi cấp huyện của địa phương, đơn vị cho các thành viên Ban Giám khảo; Thư ký Ban Giám khảo hoàn chỉnh nội dung các văn bản sau cuộc họp; tổng hợp điểm thi sau khi có kết quả chấm điểm, tham mưu cho Ban Thường vụ tổ chức tổng kết, trao giải ở thời gian phù hợp./.
Phan Hoài Thương