Hương Sơn là địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế trong phát triển kinh tế từ rừng. Hai năm trở lại đây, với sự hỗ trợ tích cực từ Dự án trồng rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC, bà con đã đay đổi suy nghĩ cũng như cách trồng và khai thác rừng sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế về chứng chỉ rừng bền vững. Đây là hướng đi mới trong phát triển kinh tế lâm nghiệp của địa phương nhằm nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp, tăng cường quản lý và phát triển rừng bền vững.
Ảnh: Trên 454ha rừng ở Hương Sơn đang thực hiện mô hình trồng rừng bền vững theo chuẩn quốc tế FSC
Dự án trồng rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC được triển khai tại huyện Hương Sơn vào năm 2017, với sự tham gia của 240 hộ ở xã Sơn Lĩnh và Sơn Tây trên diện tích 454 ha rừng.
Ông Hồ Văn Sơn, trưởng nhóm hộ trồng rừng thôn 7, xã Sơn Lĩnh là một trong những nông dân tích cực tham gia thực hiện trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC. Được tìm hiểu mô hình và tập huấn kỹ thuật ông đã nhận biết phương pháp kinh doanh rừng để tiến tới làm giàu từ sản phẩm lâm nghiệp. Cùng với ông Sơn, hàng chục hộ tham gia dự án cũng đã thấm nhuần các phương pháp sản xuất rừng bền vững. Từ chỗ trồng keo sau 4 đến 5 năm thì chặt bán với mức giá thấp, nay các hộ dân sẽ chăm sóc đến khi cây trưởng thành từ 7 đến 10 năm mới xuất bán. Ông Sơn phấn khởi chia sẻ: “
Chúng tôi mới áp dụng các phương pháp sản xuất 2 năm nay nhưng cho thấy chuyển biến rõ rệt. Những diện tích rừng được trồng và chăm sóc theo mô hình này có sự phát triển tốt hơn các hộ lân cận không tham gia. Một số diện tích rừng đáng ra chúng tôi đã thu hoạch vào khoảng 2 năm trước nhưng nay để lại cây phát triển rất tốt. Theo đà này, dự ước khi thu hoạch trữ lượng gỗ sẽ tăng lên gấp 2 đến 3 lần, và giá thành cũng sẽ tăng cao hơn rất nhiều
”.
Ảnh: Ông Hồ Văn Sơn, thôn 7, xã Sơn Lĩnh cùng các hộ dân chăm sóc, sẻ phát rừng định kỳ trước mùa nắng nóng
Tại xã Sơn Lĩnh có 189 hộ tham gia Dự án trồng rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC với diện tích 275ha. Các hộ dân đã được tập huấn các tiến bộ kỹ thuật trồng, chăm sóc, đánh giá trữ lượng và đặc biệt là bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Theo đó, 100% hộ tham gia dự án đã thay đổi suy nghĩ, cách làm, nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế bền vững từ rừng vừa đem lại thu nhập cao, vừa góp phần bảo vệ rừng, môi trường sinh thái. Sơn Lĩnh hiện có 625ha rừng trồng keo được giao cho trên 500 hộ dân quản lý. Ông Nguyễn Minh Tuấn – Chủ tịch UBND xã Sơn Lĩnh cho biết: “
Từ kết quả bước đầu, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng mô hình sản xuất rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC. Đồng thời cũng sẽ có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích nhân dân thực hiện nội dung này. Phấn đấu để 100% diện tích rừng trồng hiện nay đều áp dụng tiêu chuẩn FSC
”.
Ảnh: Nếu như trước đây thì diện tích rừng này (4 năm tuổi) chỉ sau khoảng 1 năm nữa là sẽ chặt trắng bán gỗ dăm. Nhưng nay bà con sẽ chăm sóc trên 8 năm mới xuất bán
Tại thôn Trung Lưu, xã Sơn Tây hiện có khoảng 90ha rừng được chăm sóc theo tiêu chuẩn FSC. Các hộ dân đã thực hiện tốt 10 nguyên tắc, 56 chỉ tiêu và 151 tiêu chí của FSC trong suốt quá trình trồng, chăm sóc và khai thác rừng. Trong đó, bà con ko xử lý thực bì bằng cách đốt, tuân thủ các hướng dẫn về an toàn lao động, thực hiện phương pháp khai thác tác động thấp và để lại cây tái sinh…Đồng thời, sẽ giữ cây đến 7 năm tuổi trở lên, tăng đường kính thân gỗ rồi đo đếm, đánh giá trữ lượng gỗ và bán nguyên khối. Các khu rừng cũng sẽ được khai thác luân phiên để đảm bảo diện tích rừng đúng theo hướng dẫn. Điều đặc biệt là tham gia mô hình nhóm hộ trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC các hộ dân không những có nguồn lợi cao về kinh tế mà còn thúc đẩy mối đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau trong việc chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Huyện Hương Sơn hiện có tới 14.000 ha rừng keo là rừng sản xuất có tiềm năng thực hiện FSC thời gian tới. Trồng rừng theo chứng chỉ FSC đã mở ra hướng đi mới, góp phần quản lý và phát triển rừng bền vững, phòng chống xói lở và đặc biệt đem lại hiệu quả kinh tế cho người trồng rừng. Mô hình này cũng phù hợp với chủ trương trồng rừng gỗ lớn mà huyện đang theo đuổi nhiều năm nay. Ông Nguyễn Kiều Hưng – PCT UBND huyện cho biết thêm: “
Nhìn chung, người dân các địa phương hết sức phấn khởi và tin tưởng khi thực hiện FSC vì nó sẽ mang lại nhiều lợi ích. Về kinh tế, người dân sẽ có chất lượng cây giống ban đầu tốt, chăm sóc có khoa học nên năng suất cao hơn. Gỗ có chứng chỉ FSC, có nguồn gốc xuất xứ dễ tiêu thụ hơn, bán được giá cao hơn từ 15 - 20%, không bị tư thương ép giá. Ngoài ra, còn thu được lợi ích về môi trường, về xã hội khi tuân thủ các hướng dẫn về an toàn lao động của bộ tiêu chuẩn FSC. Chúng tôi mong muốn 2 xã điểm Sơn Tây và Sơn Lĩnh sớm được cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC để có thể nhân rộng cách làm và mở rộng diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC
”.
Ảnh: Các hộ tham gia dự án hỗ trợ nhau trong việc chăm sóc, PCCCR cho diện tích rừng của nhóm hộ.
Qua kiểm tra của dự án vào cuối năm 2018, các chuyên gia đã đánh giá cao về việc thực hiện các tiêu chuẩn, tiêu chí FSC trong phát triển rừng bền vững của các hộ dân và đang tiến hành các thủ tục cần thiết để tiến tới cấp chứng chỉ rừng cho bà con. Sau khi diện tích thí điểm đạt tiêu chuẩn để được cấp chứng FSC, Ban Chứng chỉ rừng Hương Sơn sẽ tiếp tục phối hợp hợp với chính quyền địa phương từ cấp thôn trở lên thúc đẩy mở rộng diện tích trồng rừng FSC ra toàn huyện, có chính sách khuyến khích nhân dân, đồng thời, kết nối các nhóm chứng chỉ để cùng trao đổi kinh nghiệm và tạo thành vùng nguyên liệu gỗ bền vững. .
Hương Hà