Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh sức sống của tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc. Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc và việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc của Người là cống hiến đặc sắc, có giá trị lý luận và giá trị thực tiễn hết sức quan trọng.

Chủ tịch Hồ chí Minh-người khởi xướng, xây dựng và hết lòng chăm lo khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ảnh: Dẫn theo báo Đảng Cộng sản Việt Nam

Trong những cống hiến to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam, tư tưởng đại đoàn kết dân tộc và  xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc của Người là một cống hiến đặc sắc, có giá trị lý luận và giá trị thực tiễn hết sức quan trọng.

GS. Trần Văn Giàu từng nhận xét: “Đến Cụ Hồ thì đại đoàn kết được xây dựng trên cả một lý luận chứ không còn đơn thuần là tình cảm tự nhiên của người trong một nước phải thương nhau cùng”…

Ngay từ năm 1925, khi còn hoạt động cách mạng tại Quảng Châu, Trung Quốc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã viết bài thơ “Hãy yêu thương nhau và cùng nhau đoàn kết” trong đó có những lời kêu gọi: “Hãy yêu thương nhau và cùng nhau đoàn kết/Nghĩa vụ của một người dân là phải yêu Tổ quốc/Mau cải thiện tâm, tài, lực cho dân ”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại đoàn kết toàn dân tộc không phải là sách lược hay thủ đoạn chính trị mà là chiến lược lâu dài, nhất quán của cách mạng Việt Nam, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công” .

Thành công của Cách mạng tháng Tám 1945 là một kết quả rực rỡ của tư tưởng đó. Sức mạnh dân tộc của Việt Nam được phát huy mạnh mẽ và triệt để trên cơ sở tư tưởng độc lập, tự do và chiến lược đại đoàn kết dân tộc Hồ Chí Minh được tập hợp trong Mặt trận Việt Minh do chính Người sáng lập và lãnh đạo.

Vì thế, không chỉ có sĩ, nông, công, thương, binh, mà cả vua quan triều Nguyễn cũng ngả theo cách mạng. Nhờ đó kẻ xâm lược mất đi chỗ dựa ban đầu. Kẻ thù trong nước bị tê liệt. Còn những người có tâm huyết với nước với dân thì được thu phục và tận tụy đến cùng với cách mạng. Kết quả là chỉ với hơn 5.000 đảng viên và hơn 20 triệu đồng bào kết thành một khối, dân tộc ta đã làm một cuộc cách mạng long trời, lở đất, lật đổ chế độ phong kiến, bẻ gẫy xiềng xích nô lệ của chủ nghĩa thực dân, giành lại độc lập dân tộc, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà - Nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực.

Ngay sau Cách mạng tháng Tám, để tập hợp được tối đa sức mạnh của các thành phần dân tộc, giai cấp, tôn giáo, đảng phái, ngày 10/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 23 cử nhiều quan chức của chính quyền cũ tham gia chính quyền mới, tạo điều kiện cho họ đóng góp vào sự nghiệp chung của dân tộc. Cũng trong Sắc lệnh này, cựu hoàng Bảo Đại, người vừa mới tuyên bố thoái vị, giao nộp ấn kiếm của nhà vua cho Chính phủ lâm thời, được cử làm cố vấn Chính phủ.

Không chỉ có cựu hoàng Bảo Đại, nhiều quan lại cao cấp của chính quyền cũ, hầu hết là các trí thức hàng đầu, nhiều chức sắc và nhà hoạt động tôn giáo, nhà tư sản lớn, các văn nghệ sĩ tài danh… đều ủng hộ cách mạng, tham gia các hoạt động cách mạng. Và các nhân vật nổi tiếng này đã có những tác động tích cực trong sự nghiệp tập hợp, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trước những khó khăn chồng chất của cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã vận động nhân dân cả nước tham gia “Tuần lễ Vàng” và xây dựng “Quỹ Độc lập” (năm 1945).

Kết quả là chỉ trong một thời gian ngắn, nhân dân cả nước đã quyên góp được 20 triệu tiền đồng và 370 kg vàng. Điều này không chỉ giúp Chính phủ cách mạng non trẻ vượt qua những thiếu thốn về tài chính mà còn là minh chứng rõ nét cho sức mạnh vô địch của quần chúng nhân dân.

Cũng trong thời gian này, phong trào “diệt giặc đói, diệt giặc dốt” được Hồ Chủ tịch phát động. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhân dân cả nước đã quyên góp được hàng vạn tấn gạo cứu đói. Phong trào tăng gia sản xuất được đẩy mạnh, diện tích trồng lúa và hoa màu tăng lên, nạn đói đã sớm được khắc phục và cũng chỉ 1 năm sau Cách mạng tháng Tám, đã có 2,5 triệu người dân biết đọc, biết viết.

Thắng lợi bước đầu trong cuộc đấu tranh xây dựng nền móng chế độ mới, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân có ý nghĩa chính trị hết sức to lớn. Nhân dân được hưởng quyền tự do dân chủ càng thêm tin tưởng, gắn bó và quyết tâm bảo vệ chế độ mới. Đó là sức mạnh để bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, giữ vững quyền lãnh đạo của Đảng, là sức mạnh chiến thắng “thù trong giặc ngoài”.

Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh sức sống của tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong kháng chiến chống Pháp, với ý chí quyết tâm sắt đá: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” , nhân dân ta đã giành thắng lợi sau chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với khát vọng cháy bỏng: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” , tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc của lãnh tụ Hồ Chí Minh đã được vận dụng một cách sáng tạo, phát huy tới đỉnh cao với nhiều hình thức phong phú trong điều kiện lịch sử mới.

Với nguồn sức mạnh nội lực của ý chí thống nhất đất nước và khát vọng hòa bình của nhân dân ta, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã lãnh đạo quân dân cả nước giành thắng lợi cuối cùng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày nay, dù đất nước còn bộn bề khó khăn sau chiến tranh nhưng tinh thần Việt Nam hơn lúc nào hết lại hừng hực những dòng máu nóng cuồn cuộn chảy trong huyết quản của mỗi người dân với quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam “đàng hoàng hơn to đẹp hơn” như Bác Hồ từng mong muốn.

Rồi những lúc thiên tai dịch bệnh, tinh thần tương thân, tương ái, sẻ chia miếng cơm, manh áo lại trỗi dậy trong mỗi người Việt Nam.

Hơn một năm qua, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát hồi đầu năm 2020, chưa bao giờ từ “Đoàn kết” lại được nhắc đến nhiều như vậy và tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam một lần nữa thể hiện sức mạnh, hiệu quả to lớn trong phòng, chống dịch.

Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành, các đoàn thể và toàn dân ta chung tay, góp sức đối phó với một thứ giặc mới đang hằng ngày, hằng giờ đe doạ đến sức khoẻ, tính mạng của người dân. Các tầng lớp nhân dân biểu hiện lòng yêu nước bằng những hành động thiết thực, hiệu quả; nhiều nguồn lực trong xã hội được huy động cho phòng chống dịch.

Thật xúc động khi chúng ta chứng kiến nhiều cụ bà tuổi cao, các mẹ liệt sĩ,… chống gậy mang tiền, quà ủng hộ những người đang làm nhiệm vụ trên tuyến đầu chống dịch. Các doanh nghiệp đã thể hiện rõ vai trò trụ cột của nền kinh tế, có doanh nghiệp đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng góp sức chống dịch.

Trên tuyến đầu là hàng chục nghìn cán bộ, nhân viên y tế, các chiến sĩ quân đội không quản khó khăn, nguy hiểm túc trực 24/7 tại vị trí phân công. Ở cơ sở, lực lượng công an cùng hệ thống chính trị tăng cường chốt chặn kiểm soát vùng dịch, đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống dịch.

Hàng nghìn sinh viên các trường y tình nguyện tham gia chống dịch; hàng nghìn y sĩ, bác sĩ đã nghỉ hưu đăng ký, sẵn sàng tham gia cùng đồng đội trên tuyến đầu chống dịch; hàng trăm khách sạn, resort tự nguyện trở thành nơi cách ly... Và trong những ngày chống dịch căng thẳng, Tổ quốc giang rộng vòng tay đón hàng vạn công dân từ nước ngoài trở về…

Có thể thấy rõ rằng tinh thần đoàn kết của nhân dân Việt Nam không phải ngẫu nhiên mà có được. Tinh thần ấy được hun đúc và rèn luyện trong suốt lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước của nhân dân ta mà người thắp nên ngọn lửa đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Tin tưởng rằng, với truyền thống đoàn kết của dân tộc được phát huy, chắc chắn chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch này.

 

Nguồn: ThS. Vũ Thị Kim Yến (Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch)/chinhphu.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH HƯƠNG SƠN
    Thống kê: 9.183.873
    Trong năm: 941.676
    Trong tháng: 118.167
    Trong tuần: 29.993
    Trong ngày: 1.364
    Online: 77