Phát huy quyền làm chủ của nhân dân là một trong những nội dung quan trọng trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, vừa kế thừa quan điểm nhất quán của Đảng, vừa đặt ra mục tiêu, yêu cầu cao hơn trong thời kỳ mới.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để đưa đất nước ta bước sang một thời kỳ mới, thời kỳ tổ chức kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2025 và chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2030, tạo nền tảng nâng cao vị thế của đất nước. Để triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả nhiệm kỳ là “ Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời tăng cường pháp chế, đảm bảo kỹ cương xã hội, trước hết là sự gương mẫu tuân theo pháp luật, kỷ cương, thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, của cán bộ, đảng viên, tăng cường đoàn kết toàn dân tộc”.
Như vậy ngoài các vấn đề đã được các nghị quyết Đại hội trước đó nhấn mạnh như: “tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ theo tinh thần cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân…”. “ Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước tạo nền tảng chính trị, pháp lý để nhân dân thực hiện quyền làm chủ và pháy huy vai trò của nhân dân trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước. Xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, gây rối nội bộ, làm mất ổn định chính trị - xã hội hoặc vi phạm dân chủ, làm phương hại đến quyền làm chủ của nhân dân”.
Nội dung phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng có nhiều vấn đề mới, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng trong tình hình mới. Trên thế giới, tình hình diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp khó lường. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực tạo ra thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc. Kinh tế thế giới tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng và suy thoái chu kỳ. Vấn đề hội nhập, toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu… tiếp tục tác động đến tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Nghị quyết Đại hội XIII thông qua Báo cáo chính trị, trong đó có những vấn đề mới, rõ hơn các nhiệm kỳ trước đây như: “Dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện phải được thực hiện đúng, hiệu quả, đặc biệt là dân chủ cơ sở. Thực hiện tốt, có hiệu quả trên thực tế phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng thụ”. Như vậy, Nghị quyết yêu cầu rất cao tính hiệu lực, hiệu quả của việc thực hành dân chủ, người dân vừa thường xuyên kiểm tra vừa thường xuyên giám sát hoạt động của các cơ quan, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhà nước, đặc biệt là sự gương mẫu trong thực thi nhiệm vụ, trong đạo đức, lối sống, đồng thời người dân được thụ hưởng thành quả đóng góp của mình.
Việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân được văn kiện Đại hội định hướng rõ cho cả hệ thống chính trị: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ”. Văn kiện Đại hội đặc biệt đề cao vai trò nêu gương của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực hành dân chủ, tuân thủ pháp luật, giữ gìn đạo đức, lối sống: “Cấp ủy, tổ chức đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị , đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải nêu gương thực hành dân chủ, tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức xã hội”. Nghị quyết Đại hộ XIII của Đảng còn đặt ra nhiệm vụ cho hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo là phải tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, khẳng định nhân dân là chủ thể của công cuộc đổi mới đất nước. Đây là vấn đề được Đảng tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán: “Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, nhân dân là chủ, nhân dân làm chủ”.
Toàn cảnh Đại hội XIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025
Như vậy, qua các nhiệm kỳ Đại hội của Đảng, nhất là sau 35 năm đổi mới (1986 - 2021) và Nghị quyết Đại hội XIII, Đảng ta đã nhận thức ngày càng sâu sắc hơn tầm quan trọng và vai trò phát huy quyền làm chủ của nhân dân, khẳng định dân chủ là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới. Đồng thời, nhận thức đầy đủ hơn về tính chất khách quan việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nhất là các hình thức dân chủ trực tiếp trong tình hình mới.
(Lê Thư trích nguồn: Bản tin Dân vận Tỉnh ủy Hà Tĩnh)