Bước sang tháng 5/2021, nhiều quy định pháp luật mới chính thức có hiệu lực thi hành như tăng tiền hỗ trợ học nghề cho lao động thất nghiệp; phí cấp hộ chiếu điện tử 200.000 đồng, cho phép dạy trực tuyến thay thế dạy trực tiếp... là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 5/2021.
Tra cứu thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bằng tin nhắn: Theo Nghị định 37/2021 hướng dẫn thi hành Luật Căn cước công dân, có hiệu lực từ 14/5, khi cần tra cứu dữ liệu của bản thân để đối chiếu, tránh sai sót, người dân có thể yêu cầu cung cấp dữ liệu bằng văn bản hoặc nhắn tin . Trưởng công an cấp xã có thẩm quyền cho phép cá nhân đăng ký thường trú hoặc tạm trú trên địa bàn khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia. Hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về dịch vụ nhắn tin nêu trên. Quy trình dự kiến là người dân có thể gửi văn bản hoặc tin nhắn đến trưởng công an xã, vị này sẽ xem xét và ra quyết định cho phép tra cứu, phản hồi dân trong thời hạn tối đa 3 ngày làm việc. Nếu từ chối, trưởng công an xã sẽ phải phản hồi lý do không đồng ý. Trước đó người dân có thể tra cứu thông tin qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, hệ thống một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh.
Tăng tiền hỗ trợ học nghề cho lao động thất nghiệp: Từ ngày 15/5, chi phí hỗ trợ học nghề cho lao động mất việc tăng từ một lên 1,5 triệu đồng/tháng, theo Quyết định 17/2021 của Thủ tướng. Chính sách mới này áp dụng cho lao động thất nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội. Người lao động tùy nhu cầu có thể lựa chọn một trong hai gói. Với gói học nghề ngắn hạn dưới ba tháng, mức hỗ trợ tính theo tiền học phí của trường nghề và thời gian học thực tế, tối đa không quá 4,5 triệu đồng mỗi khóa. Với người tham gia khóa trên 3 tháng đến dưới 6 tháng, mức hỗ trợ tính theo tháng, học phí và thời gian học nghề thực tế, nhưng tối đa không quá 1,5 triệu đồng mỗi người một tháng.
Cho phép dạy trực tuyến thay thế dạy trực tiếp: Từ ngày 16/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép nhà trường tổ chức dạy trực tuyến một phần hoặc toàn bộ nội dung bài học để hỗ trợ hoặc thay thế dạy trực tiếp. Quy định này được nêu cụ thể trong Thông tư 09 về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Theo Bộ Giáo Dục và Đào tạo, việc dạy học trực tuyến được xác định hỗ trợ và thay thế dạy học trực tiếp, giúp nâng cao chất lượng dạy học, phát huy năng lực sử dụng công nghệ thông tin. Dạy học trực tuyến sẽ được thực hiện theo các bài học hoặc chủ đề trong chương trình giáo dục phổ thông, bảo đảm sự tương tác giữa giáo viên và học sinh. Hiệu trưởng được quyền quyết định hình thức tổ chức dạy học trực tuyến hỗ trợ hay thay thế dạy học trực tiếp tại trường trong thời gian học sinh không đến trường vì lý do bất khả kháng...
Phí cấp hộ chiếu gắn chip điện tử 200.000 đồng: Lần đầu Bộ Tài chính quy định lệ phí cấp hộ chiếu gắn chip điện tử và hộ chiếu không gắn chip có mức phí bằng nhau là 200.000 đồng. Quy định có hiệu lực từ ngày 25/5 theo Thông tư 25 của Bộ Tài Chính. Bộ Tài chính cũng quy định điểm mới về lệ phí và thời hạn cấp thẻ tạm trú cho công dân nước ngoài. Thay vì có thời hạn 2-5 năm thì quy định mới tăng 5-10 năm và phí cấp thẻ tạm trú tăng từ 155 USD (3,5 triệu đồng) lên 165 USD (3,7 triệu đồng) mỗi thẻ. Ngoài ra, Bộ bỏ quy định thu lệ phí khi gia hạn hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ 100.000 đồng/lần.
Lộ trình xây dựng công an xã, thị trấn chính quy: Đây là nội dung nêu trong Nghị định 42/2021/NĐ-CP của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 16/5/2021. Theo đó, lộ trình bố trí công an xã, thị trấn chính quy trên cả nước được quy định như sau: Trước ngày 30/6/2021: Hoàn thành tổ chức công an xã chính quy ở các xã, thị trấn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự; Trước ngày 30/6/2022: Hoàn thành tổ chức công an xã chính quy ở các xã, thị trấn còn lại. Đối với xã, thị trấn đã tổ chức công an chính quy, trường hợp công an xã bán chuyên trách được đồng ý tiếp tục sử dụng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự cơ sở thì được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của Pháp lệnh Công an xã cho đến khi có văn bản khác.
Ngân hàng miễn, giảm lãi vay do ảnh hưởng của covid -19: Tại Thông tư 03, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài miễn, giảm lãi, phí đến ngày 31/12/2021 đối với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cấp tín dụng, mà nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong thời gian từ 23/01/2020 đến 31/12/2021 và khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận theo doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của Covid-19. Đồng thời, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng được yêu cầu cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ của khoản nợ đến ngày 31/12/2021 nếu khách hàng đáp ứng các điều kiện như: Phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính; Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 31/12/2021…
Yêu cầu về người đại diện theo pháp luật của DN thẩm định giá: Nghị định 12/2021 sửa đổi Nghị định 89/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật giá về thẩm định giá có hiệu lực từ ngày 1-5. Theo đó, Nghị định bổ sung quy định về yêu cầu đối với người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá. Cụ thể, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thẩm định giá phải đáp ứng các yêu cầu sau: Là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp theo quy định tại Điều 39 Luật giá 2012; Có ít nhất ba năm (36 tháng) là thẩm định viên về giá hành nghề trước khi trở thành người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thẩm định giá; Không là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thẩm định giá đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá trong khoảng thời gian một năm (12 tháng) tính tới thời điểm nộp hồ sơ cấp, cấp lại Giấy chứng nhận này.
Thu Huyền (Theo Thư viện pl)