.

  1. Chiến khu Đỗ Gia

Theo ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư [1], Đại Việt thông sử [2] và nhiều nguồn sử liệu khác,  sáu năm sau lễ Tế cờ (1418) truyền hịch đánh đuổi giặc Minh, cuối năm 1424 Bình Định vương Lê Lợi “thực hiện kế hoạch chiến lược của danh tướng Nguyễn Chích: đánh vào Nghệ An để tìm đất đứng chân” [7] đưa quân từ Lam Sơn vào Nghệ An chiếm thành Trà Long (Tương Dương) và Đỗ Gia (Hương Sơn). Đó cũng là năm Thành Lục Niên trên núi Thiên Nhận được xây dựng ở phía Hữu ngạn đối diện Lam Thành phía Tả ngạn sông Lam (ảnh 1, 2&3).

       

Ảnh 1,2&3: Lục Niên thành nhìn sang Lam thành (st)và sơ đồ tiến quân của nghĩa quân Lam Sơn vào Nghệ An theo[7]

 

Có thể khẳng định tên đầy đủ của hệ thống thành lũy này là “Bình Định vương Đệ lục niên thành平定王第六年城„ được gọi tắt là thành Lục Niên và có người còn dịch là thành Sáu Năm. Cách hiểu này đã  dẫn đến việc nhiều người vẫn cho rằng đây là nơi trong 6 năm trời Lê Lợi đã  từng đóng quân. Thế nhưng theo ghi chép của các bộ Chính sử, Lê Lợi đóng quân ở Đỗ Gia chỉ vào cuối năm 1424 và 1425. Và bắt đầu từ năm Ất Tỵ (1425), Đỗ Gia đã trở thành chiến khu, thành căn cứ quân sự chủ yếu của nghĩa quân Lam Sơn với đại bản doanh ở Đảng Phủ. Đảng Phủ là một nhánh phía Tây Bắc của dãy núi Mồng Gà. Một số tài liệu còn chép cụ thể hơn là  động Tiên Hoa, còn gọi là động Tiên hay động Tiên Soa ở trên núi Hoa Bảy, nay thuộc xã Sơn Phúc, huyện Hương Sơn. Hoàng Giáp Bùi Dương Lịch (1758-1828) có bài thơ về núi Mồng Gà được dịch giả Đỗ Ngọc Toại dịch ra tiếng Việt như sau [5]:

Cùng trong mạch đất phát ra

Riêng đây hình núi nguy nga khác vời

Đứng ngay như chặn giặc ngoài

Thế hăng như muốn trổ trời xông lên

Hai sông La, Phố hợp liền

Thanh, Hương hai cánh giữ liền cả hai

Vua Lê xưa phá giặc trời

Đã từng có trận thét roi chốn này      

Theo GS Phan Huy Lê [6], tại xã Sơn Phúc ngày nay còn có các địa danh như xóm Hào, xóm Kho, xóm Cấm, bãi nhà Dinh, khe Tiền, bãi Triều Lương, đền Lam Sơn triều lĩnh … là những minh chứng cho các ghi chép lịch sử này. Câu chuyên dân gian về Hoàng hậu Bạch Ngọc, người được thờ ở chùa Am, Đức Thọ, đem giỏ nấm và đặc sản địa phương đến tiến dâng Bình Định vương Lê Lợi cũng diễn ra tại động Tiên Hoa nói trên. Theo câu chuyện truyền khẩu này thì tại đây Hoàng hậu Bạch Ngọc còn có một tối xướng họa văn thơ với  Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Đinh Liệt.

Cũng trên mảnh đất này, lúc bấy giờ danh tướng Nguyễn Tuấn Thiện đã lập ra đội quân Cốc Sơn lãnh đạo nhân dân trong vùng đứng lên chống giặc Minh xâm lược và Lê Lợi đã đích thân tìm đến kết nghĩa anh em với Nguyễn Tuấn Thiện và mời ông hợp quân với nghĩa quân Lam Sơn. Sau trận Khuất Giang, cả hai người cùng giết ngựa trắng uống máu, cắt tóc ăn thề ngay dưới gốc cây thị cổ thụ ở xóm Nậy (ảnh 4).

                                     

                                              Ảnh 4. Cây thị ăn thề ở xóm Nậy (st)

 

Đỗ Gia trở thành chiến khu của nghĩa quân Lam Sơn với 2 căn cứ trọng yếu. Thứ nhất là Thành Lục niên trên núi Thiên Nhận nằm ở phía hữu ngạn sông Lam, án ngữ phía Bắc - Đông Bắc,  đóng vai trò tiền đồn bao quát cả một vùng rộng lớn hậu cứ thuộc huyện Đỗ Gia và theo dõi trực tiếp Lam Thành trên núi Nghĩa Liệt, nơi giặc Minh đóng quân, nằm ở phía tả ngạn sông Lam. Thứ hai là trung tâm đầu não chỉ huy của Bình Định vương Lê Lợi ở động Tiên Hoa trên núi Hoa Bảy, nay thuộc xã Sơn Phúc. Hai căn cứ trọng yếu này cách nhau chỉ khoảng hơn chục cây số cả về đường bộ lẫn đường thủy trên sông Ngàn Phố (ảnh 6).

Phía Bắc trung tâm đầu não chỉ huy trên núi Hoa Bảy được ngăn cách bởi con sông Ngàn Phố và được bảo vệ trực tiếp bởi các đồn lũy  dọc con sông này. Đó là các đồn lũy đóng ở Vực Nầm, Cửa Khâu (thuộc xã Sơn Hà ngày nay), Khu Vực (đoạn sông cong sát chân núi Thiên Nhận, phía Hữu ngạn có Đền Trúc tọa lạc,  phía Tả ngạn là làng Văn Giang) và cuối cùng là đồn Tùng Lĩnh của tướng Đinh Lễ nằm ở ngã ba Tam Soa, nơi hợp lưu của hai con sông Ngàn Phố và Ngàn Sâu đổ vào sông La.                                                

Còn phía Tây thành Lục Niên theo [6], [7] là dãy đồn lũy tiền tiêu án ngự  ở Truông Mèn, Truông Trảy, Rú Rọoc, chiến lũy trên núi Ngũ Mã (thuộc Sơn Tiến ngày nay). Nơi đây hiện còn ngôi chùa có tên là chùa Côn Sơn do Nguyễn Trãi lập nên cũng trong khoảng thời gian này (ảnh 5). Tiếp đến cũng theo [6] thì phía Tây-Nam là hệ thống đồn lũy trên Rú Chuối, Rú Tháp, Rú Bút và thung lũng Khe Chài (thuộc Sơn Ninh và An Hòa Thịnh ngày nay).

Như vậy, tựa lưng vào dãy Mồng Gà, đại bản doanh của Lê Lợi được bao bọc bởi nhiều lớp thành lũy. Đó là tiền đồn - Thành Lục Niên. Tiếp đến là hệ thống tiền tiêu án ngự phía Tây ở Truông Mèn, Truông Trảy, Rú Rọoc, chiến lũy trên núi Ngũ Mã, sau đó còn là hệ thống đồn lũy trên Rú Chuối, Rú Tháp, Rú Bút, thung lũng Khe Chài và cuối cùng là hệ thống đồn lũy dọc sông Ngàn Phố bắt đầu từ Vực Nầm đến Tùng Lĩnh (ảnh 6).

                                   

                                

 Ảnh 5. Chùa Côn Sơn ở  xã  Sơn Tiến đang được trùng tu    

                                          

Vùng chiến khu này còn tạo được “sự liên thông với Thuận Hóa ở phía Nam, Thanh Hóa và các địa phương khác ở phía Bắc bằng con đường núi dọc theo dãy Giăng Màn nhằm đảm bảo cho nghĩa quân tập trung được lực lượng bao vây giặc Minh„ như Le Breton đã nhận định trong [3].

Theo Nguyễn Khắc Thuần trong [7] thì “…từ tháng 10 năm 1424 đến tháng 9 năm 1426, một vùng đất giải phóng rộng lớn và liên hoàn từ Thanh Hóa trở về Nam đã hình thành và không ngừng được củng cố. Quyết định táo bạo và rất đúng lúc của Bình Định Vương Lê Lợi đã đem lại kết quả rất mĩ mãn. Từ đây, tương quan thế và lực giữa Lam Sơn với quân Minh đã hoàn toàn thay đổi. Từ đây, Lam Sơn bắt đầu chuyển hóa, phá bỏ ranh giới chật hẹp của một cuộc khởi nghĩa vũ trang, vươn lên trở thành một cuộc chiến tranh giải phóng có quy mô ngày càng lớn”. 

Đỗ Gia trở thành “Chiến khu thứ hai„ sau Lam Sơn, là căn cứ quân sự tạo nên những điều kiện quyết định thắng lợi của các trận Bồ Ải, Khuất Giang, Thuận Hóa ...trong các năm 1424 - 1426, để từ đó nghĩa quân Lam Sơn tiến ra phía Bắc  và trong vòng 2 năm đã giải phóng Thăng Long, giành độc lập cho đất nước ta vào năm 1428, kết thúc 10 năm kháng chiến chống giặc Minh xâm lược.

Trong bản Tuyên ngôn độc lập “Bình Ngô đại cáo” do Nguyễn Trãi soạn thảo vào mùa xuân năm 1428, thay lời Bình Định Vương Lê Lợi để tuyên cáo về việc giành chiến thắng trong cuộc kháng chiến với nhà Minh, khẳng định sự độc lập của nước Đại Việt, có đoạn viết về các trận Bồ Ải, Khuất Giang ở Chiến khu Đỗ Gia như sau:

“... Trần Trí, Sơn Thọ nghe hơi mà mất vía,

Lý An, Phương Chính, nín thở cầu thoát thân.

Thừa thắng đuổi dài, Tây Kinh quân ta chiếm lại,

Tuyển binh tiến đánh, Đông Đô đất cũ thu về…”

 

 

 Ảnh 6. Căn cứ quân sự Đỗ Gia của nghĩa quân Lam Sơn (vẽ trên bản đồ h. Hương Sơn của www.tracdia viet.com)

(Chú thích: 1. Đại bản doanh;2. Tiền đồn thành Lục Niên; 3. Vực Nầm; 4. Cửa Khâu; 5. Khu Vực; 6. Tùng Lĩnh; 7,8,9,10. Truông Mèn, Truông Trảy, Rú Rọoc, núi Ngũ Mã; 11,12,13,14. Rú Chuối, Rú Tháp, Rú Bút, Khe Chài)

 

Đỗ Gia còn là nguồn cung cấp lương thảo, bổ sung quân số cho nghĩa quân của Lê Lợi. Trong ấn phẩm thông tin họ Trần Việt Nam “Hào khí Đông A” số 4 năm 2004, tác giả Trần Chí đã căn cứ vào gia phả họ Trần ở thôn Châu Diên, xã Đức Châu, Đức Thọ, Hà Tĩnh cho biết là sau khi triều Trần bị Hồ Quí Ly đọat ngôi, gia đình tôn thất nhà Trần của ông Trần Duy gồm hơn năm trăm người đã lánh về vùng Đức Quang, Đỗ Gia lập ấp, khai hoang, chiêu mộ nghĩa quân, tích trữ lương thảo. Khi nghĩa quân Lam Sơn về lập căn cứ ở Đỗ Gia, Trần Duy cùng cả gia tộc đã đứng dưới ngọn cờ kháng chiến cứu nước của Lê Lợi. Trần Duy về sau được mang họ Lê và trở thành Khai quốc Công thần và được phong là Thái phó Thạch Quốc công.

  1. Bàn thêm về các trận đánh lịch sử ở chiến khu Đỗ Gia

2.1.Trận Bồ Ải.

Theo Đại Việt Sử ký toàn thư [1] thì tháng 12 năm Giáp Thìn (1424): “Vua phục sẵn ở Bồ Ải, giữa nơi hiểm yếu.  Giặc lại không ngờ tới, đem hết quân ra đánh. Vua bèn tung phục binh xông vào trận giặc. Bọn Lê Sát, Lê Vấn, Lê Nhân Chú. Lê Ngân, Lê Chiến, Lê Tông Kiều, Lê Khôi, Lê Bôi, Lê Văn An tranh nhau lê trước phá quân giặc, chém đầu giặc không sao kể xiết. Thuyền giặc trôi ngổn ngang, xác chết đuối nghẹn tắc khúc sông, khí giới vứt đầy cả rừng núi.  Ta bắt sống Đô ty Chu Kiệt, chém tướng tiên phong là Đô ty Hoàng Thành, bắt sống hàng nghìn tên giặc. Trần Trí, Sơn Thọ thu nhặt tàn quân chạy về thành Nghệ An” và chú thích: “Bồ Ải: là một điểm phía trên ải Khả Lưu, cách Khả lưu không xa. Hiện nay ở xã Đức Sơn, huyện Anh Sơn tỉnh Nghệ An có khe Ải đổ ra sông Lam và ngọn núi thấp ở đấy cũng có người gọi là Bù Ải. Có lẽ đó là Bồ Ải xưa kia”

Xã Đức Sơn nằm ven Tả ngạn sông Lam, cách Đỗ Gia Hương Sơn gần 100 cây số thì sao vua lại tính kế “giao cho Đinh Liệt một ngàn quân đi tắt sang ém ở Đỗ Gia, Lê Lợi cho quân tinh nhuệ mai phục” [2] được. Và liệu một dòng khe nhỏ như Khe Ải thì làm sao lại có thể “Thuyền giặc trôi ngổn ngang, xác chết đuối nghẹn tắc khúc sông, khí giới vứt đầy cả rừng núi.”  được?

Phả họ Đinh Việt Nam còn cho biếtĐinh Lễ sau khi cùng hai em và các tướng khác đánh địch ở Đa Căng, Bồ Thị Lang, ở Trà Long thì được giao chỉ huy một cánh quân tiến đánh Bồ Ải, diệt một ngàn tên địch và bắt sống tướng Minh là Chu Kiệt nên được phong lên Tư Không là tướng cao nhất lúc bấy giờ.Cánh quân này chính là cánh quân mà theo [2] là do Lê Lợi đã giao “đi tắt sang ém ở Đỗ Gia”. Thế thì làm sao Bồ Ải lại có thể nằm cách Đỗ Gia gần trăm cây số như [1] đã chú thích được!

Theo Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn [2] thì vào năm Giáp Thìn (1424), sau khi nghĩa quân Lam Sơn đại thắng ở trận Trà Lân chém đầu tướng giặc Trần Trung, bọn Trần Trí, Phương Chính thua chạy rút về thành Nghệ An, Lê Lợi đem quân về đóng ở cửa ải Khả Lưu (gần thị trấn Đô Lương hiện nay) để chuẩn bị đánh thành Nghệ An. Sau khi giao cho Đinh Liệt một ngàn quân đi tắt sang ém ở Đỗ Gia, Lê Lợi cho quân tinh nhuệ mai phục ở Bồ Ải rồi sai đội khinh kỵ đến (thành Nghệ An) khiêu chiến. Địch ứng chiến, đuổi theo đội khinh kỵ đến Bồ Ải trúng phải ổ phục binh, thua to. Tướng tiên phong của giặc Minh là Hoàng Thành bị chém chết, tướng Chu Kiệt bị bắt sống cùng hàng ngàn quân. Trần Trí và Sơn Thọ chạy về cố thủ trong thành Nghệ An.  Cuốn Đại Việt thông sử [2] ghi chú: “Bồ Ải ở phía Nam ngọn Động Chủ của núi Thiên Nhận … đời sau gọi là thành Bình Ngô vì có trận chiến thắng lớn ở đó”.

Thành Bình Ngô ngày nay là chợ Phuống, thuộc xã Thanh Giang, Thanh Chương Nghệ An. Từ đây đến phia Nam núi Thiên Nhận có Thành Lục Niên chỉ khoảng mười cây số.

Le Breton trong “Le Vieux An - Tinh” [3] cũng cho rằng Bình Ngô thành là một địa danh liên quan đến một trận đánh khi Lê Lợi đóng quân trên núi Động Chủ. Tuy vậy [3] cũng không cho rằng trận đánh ở thành Bình Ngô là trận Bồ Ải.

Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục [4] thì mô tả trận Bồ Ải tương tự như [2] nhưng không đề cập đến địa danh Bồ Ải. Còn thành Bình Ngô được [4] nhắc đến trong sự kiện xảy ra sau trận Bồ Ải là vào tháng giêng năm Ất Tị (1425) khi Bình Định Vương “kéo quân đến Đa Lôi thuộc huyện Thổ Du (Thanh Chương ngày nay). Trẻ già đua nhau đem rượu và trâu bò đến đón tiếp khao quân”. Theo sơ đồ trong [7] (xem ảnh 3) thì thành Bình Ngô ở huyện Thổ Du, tức ở huyện Thanh Chương ngày nay.

Còn theo Bùi Dương Lịch trong Nghệ An ký [5] thì chỗ mai phục của Lê Lợi chính là bên bờ sông Ngàn Phố, dưới chân núi Mồng Gà thuộc dãy núi Đại Hàm, tức là vùng đất của các xã Sơn Trà, Sơn Long, Sơn Tân, Sơn Mỹ và Sơn Thịnh huyện Hương Sơn ngày nay.

Nếu xét thêm vị trí địa lý hiểm trở của đọan sông cong gập tạo thành một vũng nước xoáy, một vực sâu của con sông Ngàn Phố ở đọan chảy qua Khu Vực dưới chân núi Thiên Nhận nói trên (ảnh 7), và cự li di chuyển của quân Minh từ thành Nghệ An đến đây chỉ dăm bảy cây số cả đường bộ cũng như đường thủy thì Bồ Ải chỉ có thể là đoạn sông có tên là Khu Vực này.

   

  Ảnh 7&8. Khúc cong gập của sông Ngàn Phố dưới chân núi Thiên Nhận có tên là Khu Vực và đền Trúc ngày nay

 

Qua phân tích, đánh giá các nguồn sử liệu nói trên, có thể khẳng định rằng, khúc sông cong có tên là Khu Vực là nơi Nghĩa quân Lam Sơn vào tháng 12 năm Giáp Thìn (1424) đã đánh tan quân thủy bộ của giặc Minh từ thành Nghệ An (Lam Thành) kéo sang, được sử sách ghi lại là trận Bồ Ải, khiến bọn Trần Trí, Sơn Thọ phải thu nhặt tàn quân rút về. Tại đây, phía Hữu ngạn sông Ngàn Phố còn có đền Trúc (ảnh 8) thờ hai vị dũng tướng của Bình Định vương Lê Lợi là Trần Lệ và Trần Đạt. Tương truyền, trong một trận đánh kịch chiến với quân nhà Minh, hai dũng tướng này bị thương nặng nhưng vẫn hiên ngang trên mình ngựa chỉ huy quân lính. Cũng giống như khu vực đại bản doanh của Lê Lợi ở Đảng Phủ, quanh khu vực này vẫn còn các địa danh như Bãi Dinh, Đàng Thoong, Cầu Ngù, Rú Hỏa Hiệu…là những minh chứng lịch sử.

2.1.Trận Khuất Giang

Vực Nầm có Hói Nầm chảy vào, cùng với Cửa Khâu cách Vực Nầm không xa về phía hạ lưu sông Ngàn Phố chính là nơi nghĩa quân Lam Sơn đã cùng đội quân Cốc Sơn của Nguyễn Tuấn Thiện  đánh tan quân Minh trong trận Khuất Giang

Theo văn bia do Bảo tàng Hà Tĩnh khắc năm 1999 dựng trước đền thờ Nguyễn Tuấn Thiện ở xã Sơn Ninh, Hương Sơn, Hà Tĩnh (ảnh 8) thì “Năm 1425, khi Lê Lợi kéo quân vào Đỗ Gia, đội quân Cốc Sơn của ông đã cùng nghĩa quân Lam Sơn đánh tan quân minh trong trận Khuất Giang (nay là vực Nầm, dưới chân núi Kim Sơn, còn gọi là rú Vng, lin k với núi Mồng Gà).

                            

                                      Ảnh 9. Đền thờ Nguyễn Tuấn Thiện ở Sơn Ninh

 

Về trận Khuất Giang được nói đến trong văn bia này, các bộ sử hiện có cũng còn ghi chép chưa nhất quán. Cuốn Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn [2] cho biết: “Ngày 15 tháng 4 năm Ất Tỵ (1425), tham tướng nhà Minh là Lý An, tước An Bình bá, dẫn quân thủy từ Đông Quan đến cứu thành Nghệ An. Vua (Lê Lợi) tính toán: Trần Trí bị vây khốn đã nhiều ngày, bây giờ có viện binh tới, y tất nhiên ra đánh. Bèn dời quân đóng tại cửa sông Quật Giang thuộc huyện Đỗ Gia, sai Lê Ninh dẫn binh phục nơi bờ sông. Ngày 17, địch dẫn quân trong thành ra đánh trại Lê Thiệt của ta, chúng mới qua sông được một nửa số quan, bị phục binh trỗi dậy đánh phá, chém hơn nghìn thủ cấp, quân địch bị chết đuối rất nhiều. Trần Trí chạy vào trong thành”. Còn Đại Việt sử ký toàn thư [1] thì ghi: “Vua vây thành Nghệ An, tham tướng nhà Minh là Lý An từ Đông Quan (Thăng Long) đem quân vào cứu. Vua đoán Trần Trí bị khốn cùng lâu ngày nay có quân đến cứu viện thế nào cũng mở cửa thành ra đánh. Vua bèn dời đồn (Ở thành Lục Niên?) về đóng ở huyện Đỗ Gia, đào cửa sông và đem quân phục sẵn ở bờ sông”. Ba chữ “quật giang khẩu” có thể hiểu là “đào cửa sông” hoặc là “cửa sông đào” như chú thích của cuốn Đại Việt thông sử, nhưng thiết nghĩ, sau kinh nghiệm chiến thắng bằng phục binh ở Bồ Ải trước đó mấy tháng, và nếu Bồ Ải chính là khúc sông cong của sông Ngàn Phố có tên là Khu Vực như đã nêu ở trên thì cửa sông đào chỉ có thể là vực Nầm cũng trên sông Ngàn Phố, nơi Hói Nầm chảy vào, nằm ở phía thượng lưu và chỉ cách khúc sông cong có tên là Khu Vực khoảng vài ba cây số. Còn một cách suy luận nữa là Quật Giang Khẩu có thể là ở vị trí cầu Cửa Khâu (nay không còn) thuộc xã Sơn Bình ngày nay? Tại vị trí này cũng đã từng tồn tại một con sông đào chảy từ phía Tây của xã Sơn Bình đổ ra sông Ngàn Phố.      

                         

                                       Ảnh 10. Vực Nầm hiện nay vào mùa lũ (st)

 

Cầu Cửa Khâu bắc qua con sông đào này nằm trên quốc lộ 8 cũ, nay được thay thế bằng một con đập. Văn bia khắc ở đền thờ Nguyễn Tuấn Thiện nói trên chắc đã được Bảo tàng tàng Hà Tĩnh nghiên cứu kỹ lưỡng.

TÀI LIỆU ĐÃ DẪN

[1]. Đại Việt sử ký toàn thư. NXB Khoa học Xã hội. Hà Nội 1993

[2]. Đại Việt thông sử. Lê Quý Đôn. NXB Khoa học Xã hội. Hà Nội 1978

[3]. Le Vieux An - Tinh. Hippolyte Le Breton, NXB Thế giới - 2001

[4]. Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục. Quôc sử quán triều Nguyễn. NXB Giáo dục. Hà Nội 1998

[5] Nghệ An ký. Bùi Dương Lịch NXB Khoa học Xã hội. Hà Nội 2004

[6] Tìm về cội nguồn. Phan Huy Lê. NXB Thế giới. Hà Nội, 1999.

[7]. Danh tướng Việt Nam - Tập 2: Danh tướng Lam Sơn. Nguyễn Khắc Thuần. NXB Giáo dục, Hà Nội 1996.

 

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH HƯƠNG SƠN
    Thống kê: 9.024.775
    Trong năm: 989.750
    Trong tháng: 106.445
    Trong tuần: 30.554
    Trong ngày: 4.053
    Online: 89