Sáng ngày 20/7, Ban quản lý khu Di tích Lịch sử Quốc gia Mộ và Nhà thờ Đào Hữu Ích, xã Sơn Bằng cùng hậu duệ đã tổ chức buổi tưởng nhớ nhân dịp 123 năm ngày mất của Ông và ra mắt cuốn sách “Danh nhân Đào Hữu Ích”. Cuốn sách do Hội Khoa học Lịch sử Hà Tĩnh chủ biên, phối hợp với Nhà xuất bản Hội nhà văn xuất bản. Tới dự có Thạc sỹ Nguyễn Trí Sơn – Chủ tịch Hội khoa học lịch sử tỉnh, các đại diện Sở văn hóa tỉnh. Ở huyện có đồng chí Bùi Nhân Sâm – TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện và Nguyễn Quang Thọ - Phó Bí thư – Chủ tịch UBND huyện.
Đồng chí Bùi Nhân Sâm – TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện và Nguyễn Quang Thọ - Phó Bí thư – Chủ tịch UBND huyện về dự lễ ra mắt cuốn sách về Danh nhân Đào Hữu Ích
Cuốn sách “Danh nhân Đào Hữu Ích” xuất bản năm 2022, dài hơn 100 trang viết về cuộc đời, sự nghiệp cũng như di tích và hậu thế của danh nhân Đào Hữu Ích. Cuốn sách còn được hai nhà Sử học hàng đầu là PGS.TS Đinh Quang Hải (nguyên Viện trưởng Viện Sử học) và Nhà Sử học Lê Văn Lan hiệu chỉnh và viết lời giới thiệu. Danh nhân Đào Hữu Ích sinh năm Kỷ Hợi 1839, đời vua Minh Mạng thứ 20, xuất thân dòng dõi danh Nho, ở thôn Yên Nghĩa, làng Hữu Bằng, tổng Hữu Bằng, nay là xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn. Thuở nhỏ Đào Hữu Ích đã nổi tiếng thần đồng thông minh, học giỏi. Sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, cha mẹ mất sớm, phải đi làm thuê làm mướn, sau đó được chủ nhà mến mộ tài đức nên đã gả con gái cho. Khoa thi Hương năm Đinh Mão 1867, đời Vua Tự Đức thứ 20 ông đỗ Cử nhân, được triều đình nhà Nguyễn cử làm Giáo thụ, chuyên lo việc giáo dục ở một phủ. Tiếp đó ông được bổ nhiệm làm Tri huyện An Dương (nay thuộc TP. Hải Phòng). Đến năm 1878 ông được bổ dụng làm Án sát tỉnh Thanh Hóa. Năm 1883 ông giữ chức Chưởng ấn trong Viện Đô sát, đến năm 1887 ông giữ chức Bố chính tỉnh Nghệ An.
Lúc bấy giờ phong trào Cần Vương do Đình nguyên Tiến sỹ Phan Đình Phùng lãnh đạo đang phát triển mạnh, do không thể công khai đứng ra ủng hộ phong trào, ông đã bí mật ủng hộ tiền bạc, vật liệu giúp nghĩa quân Phan Đình Phùng, Cao Thắng chế tạo khí giới, đạn dược. Chính vì việc đó, thực dân Pháp ép Triều đình điều chuyển ông ra khỏi vùng Nghệ Tĩnh nhằm cách ly phong trào Cần Vương. Năm 1890 ông làm Bố chính tỉnh Bình Định, năm 1893 ông được thăng làm Tuần phủ Trị - Bình.
Trong thời gian làm Tuần phủ tại đây, ông đã giúp nhân dân tránh được các đợt chèn ép của thực dân Pháp. Đó là cơ trí để thực dân Pháp không thể xây dựng cảng, khiến mưu đồ chở tài sản nước Việt Nam về Pháp thất bại. Ông còn tấu trình biện luận để giảm sưu thuế cho dân. Đặc biệt khi phong trào Cần Vương ở Hương Sơn – Hương Khê bước vào giai đoạn thoái trào, với sự mưu lược của mình, ông đã giúp cho những người tham gia ủng hộ phong trào tại quê nhà Hương Sơn nói riêng và Nghệ Tĩnh nói chung tránh bị thảm sát bởi cuộc trả thù đẫm máu của thực dân Pháp.
Cuốn sách “Danh nhân Đào Hữu Ích”
Trong cuốn sách “danh nhân Đào Hữu Ích” cũng ghi rõ: hơn 30 năm trên con đường công danh, danh nhân Đào Hữu Ích luôn thể hiện là một người yêu nước, thương dân, là một vị quan thanh liêm, mẫn cán, một nhà chính trị, giáo dục tài năng. Hết lòng phụng sự vương triều và chăm lo đến đời sống nhân dân. Ông là Cử nhân, nhưng được vị Vua Thành Thái yêu nước trọng dụng, coi trọng hơn cả Tiến Sĩ khi cử Ông làm chánh chủ khảo thi Hương, lại phong thưởng huân chương Đại Nam Long tinh.
Khi toàn cõi nước nhà bị cai trị và phong trào Cần Vương dập tắt, từ chức vụ Tuần phủ Trị Bình, triều đình đề bạt ông lên làm Tổng đốc Thanh Hoá, nhưng ông từ chối và cáo lão về quê.
Về quê, Ông làm nhiều việc nghĩa, bênh vực dân lành qua hàng loạt câu chuyện vẫn còn lưu truyền trong nhân dân Hương Sơn. Nhân dân tôn quý nên gọi ông là Cụ Thượng Đào.
Ghi nhận công lao đóng góp của ông đối với quê hương, đất nước, hậu duệ cũng như nhân dân thờ phụng chu đáo.
Nhà thờ của ông được xây dựng vào năm Canh Dần 1890, đời Vua Thành Thái, trong khuôn viên rộng gần 5.000m2. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Nhà thờ được dùng cho bộ đội đóng quân và cho con em miền Nam tập kết ra Bắc học tập, nhân dân xã nhà mở lớp bình dân học vụ. Sau này nhà thờ còn được sử dụng để chứa vũ khí, đạn dược, quân trang, lương thực… Hiện nay, khuôn viên chỉ còn khoảng 600 m2, lối vào phải đi chung.
Năm 2007, Nhà thờ Đào Hữu Ích được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, đến năm 2015, Mộ và Nhà thờ Đào Hữu Ích được nâng hạng thành di tích lịch sử cấp Quốc Gia.
Một số hình ảnh tại buổi ra mắt cuốn sách về Danh nhân Đào Hữu Ích: