Trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc có nhiều nhà báo ngã xuống chiến trường. Đặc biệt phải kể đến Trần Kim Xuyến, liệt sĩ đầu tiên của nền báo chí cách mạng.

Nhà Báo-liệt sĩ đầu tiên của nền báo chí cách mạng

Vào một ngày cuối tháng 7, khi cả nước đang hướng về các hoạt động tri ân nhân kỉ niệm ngày thương binh – liệt sĩ, chúng tôi có dịp về thôn Trung Thượng, xã Tân Mỹ Hà, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), thăm quê hương nhà báo liệt sĩ Trần Kim Xuyến. Ông là nhà báo đầu tiên của nền báo chí cách mạng nước ta hy sinh vì Tổ quốc.

Nhà báo Trần Kim Xuyến (1921-1947), ông sinh ra ở nơi có truyền thống đấu tranh kiên cường chống ách thống trị của thực dân phong kiến. Lớn lên giữa những ngày sôi động của phong trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh, ông đã chứng kiến khí thế cách mạng sục sôi của gia cấp công nhân, nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và sớm giác ngộ cách mạng. 

Sự kiện - Liệt sĩ Trần Kim Xuyến và sự “dấn thân” của một nhà báo cách mạng

Nhà báo-liệt sĩ Trần Kim Xuyến (1921- 1947).

Là người ham hiểu biết, luôn cố gắng trong học tập, Trần Kim Xuyến đã tốt nghiệp Trường Quốc học Vinh (Nghệ An) với tấm bằng Thành chung loại ưu, rồi được bổ làm Phán sự ở tỉnh Bắc Giang. 

Năm 1943, Trần Kim Xuyến về Hà Nội hoạt động cách mạng. Ông bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà tù Hỏa Lò năm 1944. Nhật đảo chính Pháp ngày 9/3/1945, ông cùng một số đồng chí tổ chức vượt ngục, đẩy mạnh tuyên truyền cách mạng, chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội. Cách mạng tháng Tám thành công, Trần Kim Xuyến được tín nhiệm cử giữ chức vụ Ðổng lý Văn phòng (Chánh Văn phòng) Bộ Tuyên truyền, Phó Giám đốc Nha Thông tin Việt Nam, trực tiếp phụ trách Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) nay là TTXVN.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Trần Kim Xuyến có nhiệm vụ tham gia tổ chức di chuyển toàn bộ cơ sở vật chất kỹ thuật, tài liệu quan trọng của Nha Thông tin Việt Nam sơ tán ra hậu phương, để tiếp tục phục vụ công tác lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng và Bác Hồ. Ngày 3/3/1947, phát hiện đài phát sóng của ta ở chùa Trầm, thực dân Pháp huy động quân giới ào ạt tấn công, Trần Kim Xuyến đạp xe đi các nơi để chỉ huy việc sơ tán tài liệu. Ông bình tĩnh đưa tài liệu đến chỗ kín đáo. Khi vừa hoàn thành nhiệm vụ, thì ông bị trúng đạn liên thanh của quân Pháp, hy sinh tại Đầm Sen, huyện Chương Mỹ (Hà Nội).

Nhà báo Trần Kim Xuyến ra đi khi mới 26 tuổi, ông là nhà báo đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ông đã được Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất.

Người “truyền lửa” cho thế hệ sau

Cuộc đời hoạt động cách mạng của nhà báo-liệt sĩ Trần Kim Xuyến tuy ngắn ngủi, nhưng ông đã cống hiến hết mình cho đất nước, cho nền báo chí cách mạng Việt Nam. Với Trần Kim Xuyến, dù ở bất cứ cương vị nào ông cũng luôn tận tâm, tận lực, cống hiến, hy sinh vì Tổ quốc.

Sự kiện - Liệt sĩ Trần Kim Xuyến và sự “dấn thân” của một nhà báo cách mạng (Hình 2).

 Hàng ngày, tại quê nhà, bà Nguyễn Thị Cưu vẫn chăm lo, hương khói cho nhà báo-liệt sĩ Trần Kim Xuyến.

Tại Thủ đô Hà Nội có một con đường khang trang được mang tên Trần Kim Xuyến và ở huyện Hương Sơn nơi ông sinh ra cũng đã gắn biển tên đường Trần Kim Xuyến. Con đường có chiều dài hơn 2km, rộng 12m, bắt đầu từ ngã tư Phố Châu, huyện Hương Sơn nối đường Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, hàng năm, tại quê hương ông, vào mỗi dịp kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, Giải bóng chuyền nữ huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) tranh cúp Trần Kim Xuyến đều được tổ chức, thu hút các câu lạc bộ bóng chuyền trong và ngoài tỉnh tham gia.

Giờ đây, quê hương của ông, xã Tân Mỹ Hà, huyện Hương Sơn ngày càng đổi mới, giàu đẹp hơn. Trên đường đến nhà tưởng niệm liệt sĩ Trần Kim Xuyến là những con đường bê tông mới làm, nhiều nhà vườn không gian sạch đẹp. Từng ngôi nhà, từng khu vườn đều được chỉnh trang, quy hoạch trở thành những vườn mẫu tuyệt đẹp trong phong trào đẩy mạnh nông thôn mới.

Sự kiện - Liệt sĩ Trần Kim Xuyến và sự “dấn thân” của một nhà báo cách mạng (Hình 3).

Con đường mang tên Trần Kim Xuyến tại thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn.

Trong căn nhà cấp 4 đơn sơ, bà Nguyễn Thị Cưu (76 tuổi, em dâu họ của nhà báo Trần Kim Xuyến) cho biết, được sự quan tâm của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) cùng chính quyền địa phương và anh em họ hàng, năm 2012, gia đình bà đã hiến đất để làm chỗ thờ tự cho nhà báo Trần Kim Xuyến.

Chồng bà Cưu là ông Trần Kim Long đã mất, kể từ đó đến nay, một mình bà vẫn ở đây để chăm lo hương khói cho ông Trần Kim Xuyến.

Trong nhà tưởng niệm Trần Kim Xuyến, mỗi kỷ vật đều nhắc nhở về nhà báo quả cảm đã ngã xuống vì độc lập dân tộc, khiến niềm tự hào, khâm phục dâng trào trong mỗi chúng tôi.

Từ khi khánh thành nhà tưởng niệm Trần Kim Xuyến (tháng 3/2013), địa phương đã có thêm một “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cho lớp trẻ. Đó cũng là sự ghi nhớ công lao của một người con anh dũng của mảnh đất Hương Sơn, đồng thời giáo dục cho thế hệ con cháu noi theo tấm gương anh dũng của nhà báo-liệt sĩ Trần Kim Xuyến.

Sự kiện - Liệt sĩ Trần Kim Xuyến và sự “dấn thân” của một nhà báo cách mạng (Hình 4).

Đại diện Người Đưa Tin và anh em báo chí thường trú trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến dâng hương tại nhà thờ liệt sĩ Trần Kim Xuyến.

Trước thềm kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ (27/7), tại nhà thờ liệt sĩ Trần Kim Xuyến ở quê nhà Hương Sơn, đại diện Tạp chí Người Đưa Tin và anh em báo chí trung ương thường trú trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã đến dâng hương để tri ân, tưởng nhớ ông.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH HƯƠNG SƠN
    Thống kê: 9.024.976
    Trong năm: 986.325
    Trong tháng: 106.538
    Trong tuần: 30.501
    Trong ngày: 69
    Online: 108