Chè được xác định là cây kinh tế chủ lực của các xã vùng núi huyện Hương Sơn, vì thế, những năm gần đây bà con đã thực hiện tốt việc liên kết với xí nghiệp chè Tây Sơn để nâng cao năng suất, chất lượng chè, ổn định đầu ra sản phẩm, nâng cao giá trị kinh tế bền vững. Thời điểm này cùng với việc tập trung thu hoạch, chăm sóc, người trồng chè cũng đã triển khai các biện pháp phòng chống hạn, để cây chè phát triển tốt.
Những đồi chè xanh mướt với chồi non tua tủa báo hiệu một năm được mùa của người trồng chè
Những năm gần đây, diện tích các đồi chè tại huyện Hương Sơn đang dần được mở rộng. Hơn nữa với việc áp dụng các kỹ thuật chăm bón tiên tiến, hiện đại, sản lượng chè đang ngày một tăng, thương hiệu chè Tây Sơn đã dần được khẳng định trên thị trường trong và ngoài nước. Việc chăm sóc, thu hoạch chè được tiến hành theo mô hình liên kết với xí nghiệp, nhờ đó quá trình chăm sóc và kỹ thuật canh tác được tư vấn và hỗ trợ nhiệt tình, năng suất cũng như chất lượng sản phẩm ngày càng cao.
Hộ gia đình chị Phan Thị Huyền, thôn Hà Chua, xã Sơn Tây vô cùng phấn khởi vì năm nay cây Chè vừa được mùa lại được giá
Để tránh cái nắng nóng oi ả đầu hè, trước thời điểm mặt trời lên cao, chị Phan Thị Huyền, thôn Hà Chua, xã Sơn Tây đã tranh thủ thu hái chè để kịp nhập cho xí nghiệp chè Tây Sơn. Chị Huyền không dấu được niềm vui khi vụ chè năm nay vừa được mùa, vừa được giá. Gia đình chị trồng 0,5ha chè, bình quân mỗi năm thu hái khoảng 12 - 13 tấn chè búp tươi. Theo giá thu mua của xí nghiệp là 6.500đ/kg gia đình chị có nguồn thu trên 75 triệu đồng. Chị Huyền chia sẻ: " Năm nay thời tiết tương đối thuận lợi cho người trồng chè, Chè cho thu hoạch sớm hơn các năm trước. Về phía xí nghiệp cũng đã tăng giá thu mua nên bà con rất phấn khởi. Hiện tại, để kịp tiến độ thu hoạch, đảm bảo chất lượng sản phẩm, các chị em trong nhóm đội đã luân phiên đổi công cho nhau. Mùa này nắng nóng nên chúng tôi dậy ra đồng từ 4 giờ sáng, tầm 8 giờ sáng là kết thúc việc thu hái".
Trước đây, ở huyện Hương Sơn cây chè chỉ được trồng tại xã Sơn Kim 2 do công nhân xí nghiệp Chè Tây Sơn quản lý, trồng, chăm sóc, thu hái. Trải qua nhiều khó khăn thay đổi phương thức canh tác, quy trình sản xuất, Chè Tây Sơn đã dần lấy lại được uy tín, xuất khẩu ổn định. Từ đó, xí nghiệp đã phối hợp với địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân phá bỏ vườn tạp, chuyển đổi đất trồng màu kém hiệu quả sang trồng Chè.
Thời tiết nắng nóng nên người trồng chè phải ra đồng từ sáng sớm để kết thúc ngày thu hoạch chè trước khi mặt trời lên cao.
Sau quá trình chuyển đổi cho thấy: cây Chè phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên sinh trưởng phát triển tốt; Kinh phí đầu tư ban đầu không nhiều, việc chăm sóc cũng không tốn quá nhiều thời gian, giống, khoa học kỹ thuật và đầu ra đã được xí nghiệp bao tiêu, trong khi đó, cây chè có tuổi thọ cao, thu hoạch liên tục trong vòng 9 tháng/năm, thu nhập cao gơn gấp 5 - 6 lần so với trồng cây màu... vì vậy người trồng chè hết sức phấn khởi, tận dụng hết diện tích đất để sản xuất, không bỏ hoang như trước.
Với hướng đi đúng, cách làm hiệu quả và có các chính sách hỗ trợ từ cấp ủy, chính quyền các cấp, thu nhập ổn định nên bà con nông dân có thêm động lực để phát triển cây chè theo hướng sản xuất hàng hóa, diện tích ngày càng được mở rộng.
Đến nay, toàn huyện Hương Sơn hiện có trên 630 ha chè công nghiệp, quy hoạch chủ yếu tại các xã: Sơn Kim2, Sơn Tây, Sơn Lĩnh, Sơn Lâm...
Sản xuất chè theo hướng công nghiệp, liên kết với doanh nghiệp theo mô hình khép kín từ hỗ trợ tài chính, giống, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm nên đã tạo mối quan hệ gắn kết, đôi bên cùng có lợi. Theo đó, phía doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu ổn định, đảm bảo chất lượng để sản xuất bền vững, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Hộ trồng chè thì được cung cấp các điều kiện cần thiết từ đầu vào đến đầu ra, không xảy ra hiện tượng thu mua bấp bênh, được mùa - mất giá.
Ông Nguyễn Hồng Sánh - Giám đốc Xí nghiệp Chè Tây Sơn cùng cán bộ kỹ thuật kiểm tra đồng chè để chỉ đạo nhân dân thu hái đúng mùa vụ
Hiện tại, Xí nghiệp chè Tây Sơn đang liên kết với hàng ngàn hộ dân trồng gần 350 ha. Được doanh nghiệp hỗ trợ về giống, phân bón, cũng như kỹ thuật nên việc trồng chè của người dân trở nên dễ dàng hơn, yên tâm đầu tư chăm sóc. Bình quân mỗi năm người trồng chè nơi đây thu nhập từ 40 triệu đồng trở lên. Chị Nguyễn Thị Thư, người trồng chè thôn Tiền Phong, xã Sơn Kim2 phấn khởi nói: "Chúng tôi được xí nghiệp hỗ trợ rất nhiều về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật và đầu ra sản phẩm nên bà con rất yên tâm để đầu tư phát triển cây chè. Đặc biệt là quy trình kỹ thuật đều được hướng dẫn chu đáo, nghiêm ngặt, chất lượng và sản lượng hàng năm đều tăng, từ đó thu nhập của bà con cũng tăng lên đáng kể"
Để quy trình sản xuất chè đảm bảo đạt chuẩn, Xí nghiệp luôn có yêu cầu khắt khe về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, đảm bảo vệ sinh môi trường. Việc mang sản phẩm an toàn tiêu thụ tại các thị trường khó tính luôn được đặt lên hàng đầu. Đến năm 2017, Xí nghiệp chè Tây Sơn được cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGap cho toàn bộ phần diện tích sản xuất. Với sự tìm tòi, cải thiện trong từng sản phẩm, từ cách trồng, chế biến đến đóng gói sản phẩm luôn đảm bảo chất lượng, Chè xanh Tây Sơn đã đạt chuẩn 3 sao OCOP năm 2019.
Sau khi thu hoạch, Chè được xí nghiệp cho xe đến tận nơi thu mua cho bà con, tạo điều kiện thuận lợi trong thu hoạch ngày mùa.
Hiện nay, năng suất chè ở Hương Sơn đạt bình quân 14,6 tấn/ha; những diện tích trong độ tuổi từ 10 đến 20 năm năng suất đạt bình quân 25 - 30 tấn/ha. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, xí nghiệp chè Tây Sơn đã đầu tư trên 5 tỷ đồng để mua sắm máy móc, thiết bị hiện đại trong khâu chế biến chè thành phẩm. Nhờ vậy, sản phẩm đạt chất lượng tốt, được người tiêu dùng ưa chuộng, sản lượng xuất khẩu ngày càng tăng. Ông Nguyễn Hồng Sánh - Giám đốc Xí nghiệp chè Tây Sơn cho biết: "Chúng tôi luôn nhắc nhở người trồng chè là thu nhập phụ thuộc hoàn toàn vào bà con. Nếu bà con tuân thủ đúng quy định của xí nghiệp về kỹ thuật, quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho đến kỹ thuật thu hái thì chất lượng sản phẩm tăng lên, khách hàng tin tưởng sử dụng nhiều thì giá cả cũng sẽ tăng và thu nhập sẽ cao và ổn định. Quá trình sản xuất đội ngũ cán bộ kỹ thuật của xí nghipeej thường xuyên theo sát để đảm bảo sự phát triển ổn định của cây chè, đảm bảo yêu cầu về chất lượng, an toàn cho sản phẩm. Bởi vì, xuất khẩu đòi hỏi rất nghiêm ngặt, chỉ cần một chút sơ suất là mất đơn hàng, mất uy tín, mất nguồn thu. Hiện nay, rất phấn khởi là hàng sản xuất ra bao nhiêu tiêu thụ bấy nhiêu, không có hàng tồn kho"
Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho người dân, những đồi chè xanh mướt nằm thoai thoải dọc theo triền núi, bờ sông còn là địa điểm thu hút khách du lịch ghé thăm, chụp ảnh lưu niệm. Vì vậy, hiện nay cùng với việc đầu tư mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng chè, huyện Hương Sơn cũng đã chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương xây dựng các đồi chè trở thành điểm tham quan, du lịch, trải nghiệm giúp bà con nhân dân phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với phát triển du lịch sinh thái một cách bền vững./.