Nghề đan lát tại xã An Hòa Thịnh hiện nay vẫn được duy trì, tạo công ăn việc làm cho nhân dân địa phương lúc lao động nông nhàn, góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống. Dù trải qua không ít khó khăn, vất vả nhưng với sự gắn bó, tâm huyết của bao thế hệ đã góp phần giữ gìn, bảo tồn - phát triển nghề truyền thống cho tới hôm nay.
Ông Hà Huy Toàn, thôn Hưng Thịnh, xã An Hòa Thịnh là một trong những hội viên người cao tuổi tích cực trong việc duy trì và phát triển nghề đan lát tại địa phương. Mỗi ngày, ông đều dành thời gian khoảng 4 - 5 tiếng đồng hồ để làm nghề, vừa tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập ổn định đời sống, vừa truyền dạy kỹ thuật đan lát cho con cháu để duy trì nghề đan truyền thống.
Đan lát vừa đem lại thu nhập, vừa là niềm vui trong lao động của các cụ cao tuổi
Để có được những sản phẩm đẹp và chất lượng, đòi hỏi người thợ phải nắm rõ phương pháp, thành thạo từng khâu, từng công đoạn của quy trình đan tre. Đặc biệt là rất cần sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, khéo léo của cả đôi tay và đôi chân người làm nghề.
Là người đã học nghề từ năm 7 tuổi, ông Toàn rất điêu luyện trong từng công đoạn, kỹ thuật nghề đan. Giờ đây, khi tuổi cao, sức yếu ông tiếp tục duy trì làm nghề để kiếm thêm thu nhập, đỡ đần cháu con. Ông Toàn chia sẻ: "Năm 7 tuổi tôi đã được ông bà dạy cho nghề đan. Thời bấy giờ đây là nghề kiếm sống của cả gia đình. Cứ có sản phẩm đưa ra chợ bán là có thức ăn, tiền tiêu vặt hàng ngày. Hiện nay, gia đình tôi vẫn duy trì nghề, chủ yếu là tôi làm, còn các con cháu thì làm lúc rảnh rỗi. Cũng nhờ có nghề này mà thu nhập thêm được một khoản nhỏ để trang trải cuộc sống, mua sắm thức ăn hàng ngày. Tôi cũng rất mong muốn nghề cha ông tiếp tục được phát huy, tạo thêm công ăn việc làm cho mọi người"
Cụ bà trên 85 tuổi vẫn hàng ngày miệt mài ngồi đan để gìn giữ nghề truyền thống của cha ông
Tổ hội nghề đan lát tại thôn Hưng Thịnh, xã An Hòa Thịnh duy trì hoạt động hơn chục năm nay, là nơi để hội viên người cao tuổi chia sẻ buồn vui trong cuộc sống và cùng nhau gìn giữ nghề truyền thống của cha ông.
Tổ hội có 30 hộ gia đình với trên 70 thành viên tham gia, trong đó, hội viên người cao tuổi trên 40 người. Dù hiện nay nghề đan không còn là thu nhập chính đối với các hộ dân nhưng người cao tuổi trong tổ vẫn duy trì và truyền dạy cho con cháu, trở thành nghề phụ kiếm thêm thu nhập lúc nông nhàn.
Với các thành viên cao tuổi trong tổ hội, việc duy trì nghề đan không chỉ là để kiếm thêm thu nhập, phụ giúp con cháu, mà còn là niềm vui trong cuộc sống khi các cụ còn được làm việc, được chia sẻ, gìn giữ nghề truyền thống của cha ông. Hiện nay, với việc nâng cao tay nghề và chất lượng sản phẩm và ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá hình ảnh, thì các sản phẩm làm ra có thương lái thu mua tận hộ, làm đến đâu, tiêu thụ đến đấy.
Nhờ đó, mỗi hộ gia đình có từ 2 - 3 người đan lát rành nghề, tranh thủ thời gian rãnh rỗi trong ngày cũng đem lại nguồn thu nhập thêm mỗi tháng từ 5 - 7 triệu đồng. Ông Trần Đình Hoàn - tổ trưởng tổ hội nghề đan phấn khởi nói: "Trước đây toàn thôn có trên 80 hộ đều làm nghề này cả, nay chỉ còn khoảng 30 hộ duy trì nghề này, chủ yếu là các hộ có người cao tuổi và những người trong độ tuổi lao động nhưng sức khỏe yếu không thể làm các việc nặng nhọc làm nghề để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Trước đây phải đưa ra chợ bán, thu nhập bấp bênh, nhưng nay chúng tôi đã làm việc quảng bá qua mạng nên các thương lái đã đến tận nhà thu mua, không lo về đầu ra sản phẩm"
Những sản phẩm đẹp, chất lượng ra đời từ đôi bàn tay khéo léo và sự tỉ mẩn của những Người cao tuổi
Ngoài việc sản xuất sản phẩm để tiêu thu trên thị trường thì các gia đình còn tự trang bị cho gia đình những dụng cụ rổ, rá, nống, mẹt...để sử dụng trong quá trình lao động, sản xuất phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Phát huy lợi thế của làng nghề nên đã tạo việc làm cho nhiều lao động, nâng cao thu nhập cho gia đình đồng thời giữ gìn được bản sắc văn hóa lâu đời của nhân dân. Từ đó, trong những năm gần đây cuộc sống của người dân trong thôn được cải thiện, đầu tư xây dựng nhà ở khang trang, góp phần tích cực vào xây dựng nông thôn mới ở địa phương.