Trong những năm qua, HTX chổi đót Hương Sơn ở thôn 8, xã Sơn Trường đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, đưa ra thị trường các sản phẩm bền, đẹp, được người tiêu dùng ưa chuộng. Doanh thu ngày càng tăng đã tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương, góp phần phát triển nghề phụ nâng cao đời sống nhân dân.

Bện chổi đót không đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng cần sự khéo léo, tỷ mỉ và cẩn thận để cho ra sản phẩm bền, đẹp

 

Năm 2013, từ sự tìm tòi, học hỏi của bản thân, vợ chồng anh Nguyễn Trọng Duật, ở thôn 8, xã Sơn Trường đã bắt tay vào việc sản xuất chổi đót. Ban đầu chỉ làm nhỏ lẻ nông hộ, phục vụ chủ yếu cho nhu cầu của nhân dân trên địa bàn. Nhờ chăm chỉ, chịu khó và nâng cao tay nghề, đưa ra thị trường các sản phẩm bền, đẹp, giá cả phải chăng nên dần dần, các sản phẩm chổi đót của gia đình anh được nhiều người biết đến, đặt hàng nhiều hơn. Anh bắt đầu thuê thêm nhân công, hướng dẫn kỹ thuật cho họ và sản xuất số lượng lớn, nhập hàng cho các thương lái trong và ngoài tỉnh.

Năm 2016, được sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, anh đã đứng ra thành lập HTX sản xuất và kinh doanh chổi đót Hương Sơn với sự tham gia của 7 thành viên, là những hộ đã làm việc với anh từ những ngày đầu khởi nghiệp.

Đại diện tỉnh đoàn Hà Tĩnh, huyện đoàn Hương Sơn và lãnh đạo địa phương tham quan mô hình HTX chổi đót Hương Sơn

 

Đại diện tổ chức Đoàn thanh niên trao quà chúc mừng những thành công bước đầu của HTX sản xuất và kinh doanh chổi đót Hương Sơn

 

Dám nghĩ, dám làm và sự sáng tạo của người trẻ, anh Duật đã nghiên cứu, tìm hiểu đưa ra thị trường các loại chổi đót với kiểu dáng, kích cỡ khác nhau, phù hợp với thị hiếu số đông người tiêu dùng. Các sản phẩm làm ra đều đảm bảo về chất lượng, bền, đẹp, giá cả hợp lý. Đội ngũ nhân công cũng được anh tập huấn kỹ thuật, cầm tay chỉ việc nên ngày càng nâng cao về tay nghề. Do đó, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ đến đấy.

HTX đã tạo công ăn việc làm cho 35 lao động thường xuyên và hàng chục lao động thời vụ. Nghề này chủ yếu sản xuất thủ công theo hộ gia đình, không đòi hỏi trình độ cao, tuy nhiên cũng cần sự cần cù, khéo léo. Do đó, ngoài công nhân lao động tại cơ sở là những người trẻ, các chị em phụ nữ có tay nghề cao, HTX còn tạo điều kiện cho các hộ gia đình có người già, người tàn tật nhận nguyên liệu về nhà làm thêm các công đoạn như: bóc tách, phân loại nguyên liệu, bó và bện chổi để nâng cao thu nhập.

Hàng chục lao động địa phương, trong đó có nhiều đoàn viên đang tham gia lao động tại HTX có cuộc sống và thu nhập ổn định

 

Hiện tại, bình quân mỗi tháng HTX xuất ra thị trường từ 15 - 20 ngàn chiếc chổi đót, doanh thu trên 400 triệu đồng. Thu nhập của người lao động dao động từ 5 - 8 triệu đồng tùy vào số lượng sản phẩm. Tuy là nghề phụ nhưng đã giúp nhiều hộ gia đình trên địa bàn thoát nghèo, phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống gia đình, nhất là có thể tận dụng được thời gian nông nhàn. Đánh giá về hiệu quả của HTX, ông Lê Đức Thuận, chủ tịch UBND xã Sơn Trường nhận xét: "Đây là mô hình kinh tế rất hiệu quả của địa phương, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nông thôn, nhất là đối với bà con lúc nông nhàn và những người tàn tật, người già không làm được việc nặng nhọc. Về phía cấp ủy chính quyền địa phương luôn đồng hành, tạo điều kiện cho HTX tiếp cận với các chính sách ưu đãi của Nhà nước để phát triển HTX. Địa phương cũng đã định hướng cho HTX đăng ký thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, tuy nhiên HTX chưa có nguồn nguyên liệu tại chỗ nên chưa thực hiện được. Hy vọng khó khăn này sẽ được tháo gỡ để HTX có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, quảng bá sản phẩm rộng rãi hơn, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương"

HTX đang đứng trước bài toán khó về nguồn nguyên liệu đầu vào để sản xuất chổi đót. Hiện tại, nguyên liệu chủ yếu khai thác từ rừng tự nhiên và ngày càng khan hiếm, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất các đơn hàng.

Với đam mê, khát vọng vươn xa, anh Nguyễn Trọng Duật đang trăn trở tìm hướng đi bền vững cho HTX bằng việc tìm hiểu, nghiên cứu trồng nguyên liệu cây chổi đót để chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, mở rộng sản xuất. Anh mong muốn các cấp, các ngành tiếp tục đồng hành cùng HTX quảng bá, liên kết tiêu thụ sản phẩm thông qua các để HTX ngày càng phát triển. Anh Duật chia sẻ: "Tôi đã trồng thử nghiệm cây đót trong vườn nhưng nhiều lần vẫn thất bại, tỷ lệ cây sống thấp. Qua tìm hiểu và được biết một số tỉnh phía Bắc đã trồng thành công nguyên liệu cây đót, vì thế, tới đây tôi sẽ trự tiếp tham quan, học hỏi kinh nghiệm của họ để về trồng tại địa phương. nếu mô hình trồng đót thành công thì sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho HTX cũng như bà con nhân dân địa phương"

Để duy trì và phát triển HTX, vợ chồng anh Duật cùng các thành viên HTX đang nỗ lực tìm mọi giải pháp khắc phục khó khăn, duy trì việc sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ. Thời gian tới, HTX dự định tiếp tục mở rộng thêm quy mô, cố gắng tìm cách trồng nguồn nguyên liệu tại chỗ để chủ động nguyên liệu đầu vào trong sản xuất, góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều hộ dân trên địa bàn.

 

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH HƯƠNG SƠN
    Thống kê: 8.880.613
    Trong năm: 1.112.516
    Trong tháng: 129.732
    Trong tuần: 29.912
    Trong ngày: 1.243
    Online: 62