Sản xuất nông sản hữu cơ là một xu hướng sản xuất bền vững, tạo ra dòng sản phẩm giàu dinh dưỡng, an toàn, góp phần quan trọng vào bảo vệ môi trường, bảo vệ các tài nguyên trong suốt quá trình canh tác nông nghiệp. Những năm gần đây, nông dân huyện Hương Sơn nói chung, xã Kim Hoa nói riêng đã và đang đẩy mạnh sản xuất cam hữu cơ. Bước đầu cho thấy hiệu quả rõ rệt cả về năng suất, chất lượng và tính bền vững cho cây trồng, đem lại giá trị kinh tế cao.

Vườn cam trĩu quả, cây khỏe, xanh tốt, chất lượng cam ngon, đồng đều... nhờ áp dụng tốt quy trình sản xuất hữu cơ

 

Những năm gần đây các hộ thực sự tâm huyết với cây cam ở xã Kim Hoa đã chủ động cùng nhau thành lập các tổ sản xuất, HTX, chuỗi liên kết để thống nhất kỹ thuật canh tác, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, nhiều hộ đã mạnh đầu tư sản xuất cam đạt các tiêu chuẩn VietGap, sản xuất theo hướng hữu cơ, tuân thủ nghiêm ngặt những nguyên tắc về bảo vệ đất và môi trường, bước đầu đã thu được nhiều kết quả rất khả quan.

Gia đình chị Phan Thị Kim Hương là một trong những hộ tiên phong tham gia vào chi hội sản xuất cam hữu cơ. Với sự hỗ trợ của cấp ủy chính quyền địa phương, các thành viên trong chi hội, gia đình chị đã bắt đầu áp dụng kỹ thuật, chuyển đổi canh tác theo hướng an toàn, hữu cơ.

Niềm vui hiện rõ trên gương mặt người dân khi áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ nâng cao chất lượng sản phẩm, được người tiêu dùng ưa chuộng

 

Phương pháp canh tác tăng cường sử dụng các loại vật tư đầu vào hữu cơ, bón phân...đúng thời điểm, liều lượng, sử dụng chế phẩm sinh học trong phòng bệnh. Bên cạnh đó, chị đã đầu tư hệ thống tưới tự động tiết kiệm tận gốc, đất vườn ngày càng tơi xốp, độ ẩm được duy trì ổn định... năng suất, chất lượng được nâng lên, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Hiện tại, 2ha cây ăn quả với trên 800 gốc phát triển tốt, trong đó có 50% đã cho quả  với sản lượng bình quân từ 15 - 17 tấn/năm, thu nhập trên 400 triệu đồng. Chị Hương phấn khởi chia sẻ: "Áp dụng quy trình trồng cam hữu cơ tôi thấy đem lại lợi ích rất lớn, trước hết là chất lượng cam được nâng lên, khách hàng ưa chuộng hơn, điều quan trong nữa là nó an toàn cho những người sản xuất như chúng tôi, không phải tiếp xúc với những thứ độc hại, sản phẩm tới tay người tiêu dùng cũng đảm bảo an toàn"

Chi hội sản xuất cam hữu cơ tại thôn Tân Hoa hiện có 30 thành viên tham gia với diện tích trồng cam khoảng 75ha. Để bảo vệ thương hiệu, nâng sức cạnh tranh và giá bán sản phẩm, chi hội đã thống nhất với các thành viên những diện tích trồng mới phải sử dụng giống tốt được chiết từ những cây chủ trưởng thành, khỏe mạnh, tuyệt đối không tận dụng giống chiết từ cây đã tới giai đoạn thoái hóa, bị sâu bệnh. Đồng thời, hạn chế tối thiểu phân bón hóa học, thay thế bằng phân hữu cơ vi sinh, phân chuồng, duy trì thảm cỏ tự nhiên để giữ ẩm cho vườn trong mùa khô, chống xói mòn trong mùa mưa, tạo môi trường sống cho các vi sinh vật có lợi trong đất cũng như các loài thiên địch.

Áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, người trồng cam sử dụng bẫy sinh học để phòng trừ sâu bệnh, đảm bảo sản phẩm đến tay người tiêu dùng an toàn và chất lượng

 

Ông Thái Vinh Quang, chi hội trưởng, chi hội sản xuất cam hữu cơ cho biết: "Tham gia vào chi hội các hộ sản xuất phải nắm vững quy trình sản xuất hữu cơ, có ý thức tuân thủ các quy định trong sản xuất để đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng tốt, an toàn, thân thiện với môi trường. Hiện nay, chi hội đang tiếp tục vận động các hộ trồng cam lân cận tham gia vào chi hội để nâng cao nhận thức, kiến thức sản xuất nông nghiệp bền vững cho người trồng cam Kim Hoa"

Xác định cây cam là cây chủ lực và nguồn thu nhập chính của nhân dân địa phương, những năm qua, xã Kim Hoa đặc biệt chú trọng đầu tư, có nhiều chính sách phát triển diện tích cũng như nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Bởi vậy, trong đề án phát triển kinh tế vườn đồi, địa phương khuyến khích tăng diện tích sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.

Theo đó, UBND xã giao cho các tổ chức hội, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn cho người trồng cam quy trình sản xuất từ trồng, chăm sóc, thu hoạch... ưu tiên sử dụng các loại phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh kết hợp với sử dụng phân bón vô cơ cân đối, hợp lý. Đây là biện pháp rất quan trọng trong việc phục hồi khả năng sản xuất và tăng độ phì nhiêu của đất, đảm bảo cây trồng phát triển tốt, tuổi thọ cao. Toàn xã hiện có tổng diện tích 730 ha cam; trong đó, có 325 ha được sản xuất theo tiêu chuẩn ViepGap, hữu cơ, đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Bình quân mỗi năm người trồng cam Kim Hoa đem về nguồn thu trên 145 tỉ đồng.

Những trái cam chín vàng, quả đều đẹp, mùi thơm, vị ngọt, an toàn... là thành quả sau khi áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ

Cam Hương Sơn vào vụ, thương lái các nơi đến tận vườn thu hái, bình quân mỗi năm người trồng cam Kim Hoa đem về nguồn thu trên 145 tỷ đồng

 

Ông Nguyễn Xuân Linh - PCT UBND xã Kim Hoa cho biết thêm: "Thời gian tới, xã Kim Hoa tiếp tục có nhiều giải pháp khuyến khích người trồng cam áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất như: Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân; hỗ trợ tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; chính sách khuyến khích sản xuất theo hướng hữu cơ, ViepGap; hỗ trợ thành lập các hình thức tổ chức sản xuất như HTX, THT, chi hội nghề trồng cam để giám sát quy trình sản xuất, hỗ trợ nhau cùng phát triển...hướng tới một nền nông nghiệp sạch và từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế một cách bền vững"

Từ thực tế sản xuất cho thấy, những mô hình sản xuất cam theo hướng hữu cơ bước đầu đã đem lại kết quả tốt, chất lượng nâng lên, được người tiêu dùng đánh giá cao, dễ tiêu thụ. Những mô hình sản xuất cam hữu cơ đang thực sự mở ra triển vọng mới để huyện Hương Sơn nhân rộng, nhằm nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm và thương hiệu cam Hương Sơn trên thị trường.

 

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH HƯƠNG SƠN
    Thống kê: 9.030.548
    Trong năm: 983.556
    Trong tháng: 106.726
    Trong tuần: 31.292
    Trong ngày: 970
    Online: 1