Như chúng ta đã biết, Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác rất giỏi về nho, y, lý, số… Vị trí đặt mộ của cụ cũng mang nhiều ý nghĩa phong thuỷ đặc biệt.
Sinh thời, Lê Hữu Trác đã chọn thôn Bảo Thượng, xã Sơn Quang (nay là xã Quang Diệm), huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh để sinh sống và nghiên cứu y học. Hương Sơn (dịch nghĩa là Núi Thơm) mảnh đất thiên nhiên thảo dược trù phú, mà Sơn Quang được ví như là cái nôi của những loài cây dược liệu.
Ngoài thời gian nghiên cứu, trồng cây, cắt thuốc, chữa bệnh cho dân, Lê Hữu Trác đam mê chơi diều sáo. Thả diều, ngoài thú vui tao nhã, nó con giúp cho cụ nhận biết hướng gió, nắm thời tiết để bắt bệnh những lúc giao mùa, đổi tiết.
Người ta kể rằng, để thuận việc đón gió thả diều, Lê Hữu Trác đã chọn Núi Giả (mô đất cao chừng 3m) trong vườn nhà để làm điểm “cất cánh”. Núi Giả luôn được tôn tạo và giờ vẫn còn nguyên hình hài trong khu vườn xưa của cụ.
Khi về già, cụ Hải Thượng của chúng ta đã mang chiếc diều sáo quen thuộc ở Bảo Thượng ra thả dọc cánh đồng làng ven sông Ngàn Phố. Rồi ông dặn những người thân của mình: Khi cánh diều “kiệt sức”, nó rơi xuống đâu thì hãy đặt mộ phần của cụ ở vị trí đó.
Sử sách ghi lại rằng, cánh diều năm ấy đã đứt dây và rơi xuống dưới chân núi bên khe Nước Cắn thuộc xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn. Ngọn núi ấy sau này được bà con nhân dân trong vùng đặt tên là núi Cánh Diều; khu dân cư sinh sống ở đó cũng đổi tên làng thành thôn Hải Thượng.
Núi Cánh Diều cách thôn Bảo Thượng nơi cụ ở khoảng 7km về phía Đông. Nơi đây, dân cư đã sinh sống đông đúc, sầm uất; vừa có phố, vừa có làng. Những doanh nhân yêu quê đã lập ra một khu nghỉ dưỡng sinh thái với tên gọi Cánh Diều. Toàn bộ quần thể này vừa được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Quan sát bằng mắt thường cho thấy, vị trí đặt mộ Đại danh y Lê Hữu Trác rất đẹp, có ý nghĩa phong thuỷ cao. Mộ lấy núi Minh Tự làm huyền vũ (gối đầu), lấy núi Đại Hàm làm ánh đường che chắn tự nhiên. Nếu đứng trên núi cao nhìn xuống, cả vùng này giống như một bức tranh thủy mặc.