Việc ứng dụng công nghệ thông tin là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm đổi mới phương pháp dạy, học và quản lý, góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục ở Hà Tĩnh.

Với tổng số gần 600 học sinh, trong mỗi học kỳ, các giáo viên chủ nhiệm ở Trường Tiểu học Đồng Lộc (Can Lộc) lại phải chịu áp lực khá lớn trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, sổ sách, phê học bạ. Thế nhưng, kể từ khi nhà trường chuyển sang triển khai phần mềm học bạ số, sử dụng chữ ký số, nhiều quy trình được rút ngắn, mỗi giáo viên chỉ cần vài ba tiếng là có thể hoàn thành.

Cô Nguyễn Thị Thủy - giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Đồng Lộc cho biết: “Trước đây, để hoàn thành hồ sơ, học bạ, chúng tôi cũng phải mất vài ngày, lật từng trang ghi chép nhiều mục, tính toán kết quả và ký tay. Chỉ cần xảy ra sai sót nhỏ cũng phải mất rất nhiều thời gian để chỉnh sửa. Thế nhưng, kể từ khi sử dụng học bạ điện tử, sử dụng chữ ký số, giáo viên tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức”.

Được biết, để hướng đến sự liên thông trong quản lý giáo dục, từ năm học 2023 - 2024, Sở GD&ĐT đã triển khai phần mềm học bạ số tại các trường học, góp phần xây dựng hệ sinh thái giáo dục thông minh, đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Đến nay, 100% trường tiểu học trên địa bàn Hà Tĩnh đã ứng dụng phần mềm học bạ số. Theo đó, tất cả các dữ liệu từ các cơ sở giáo dục đều được đồng bộ lên hệ thống của Sở GD&ĐT và Bộ GD&ĐT, đảm bảo tính chính xác, minh bạch và toàn vẹn của thông tin. Ngoài việc tiết kiệm thời gian, công sức cho giáo viên, các nhà trường cũng tiết kiệm được chi phí in ấn, dễ dàng lưu trữ, quản lý học bạ của học sinh, dễ dàng truy xuất thông tin, dữ liệu khi cần thiết. Phụ huynh cũng tiện lợi trong việc tra cứu kết quả học tập của con em mình, tăng cường tương tác với nhà trường và giáo viên.

Giáo viên Trường TH&THCS Kỳ Lạc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.

Cùng với việc chuyển đổi số trong công tác quản lý điều hành, thời gian qua, việc áp dụng chuyển đổi số được ngành GD&ĐT triển khai sâu rộng trong các hoạt động giáo dục. Để nâng cao chất lượng giảng dạy, thực hiện có hiệu quả “Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018”, bằng nhiều hình thức huy động nguồn lực, các cơ sở giáo dục trên địa bàn Hà Tĩnh đã trang bị khá đầy đủ cơ sở vật chất để ứng dụng CNTT vào giảng dạy. Theo đó, hầu hết các lớp học đều được trang bị smart tivi có kết nối internet, tạo điều kiện cho giáo viên khai thác các phần mềm, học liệu điện tử vào bài giảng.

Thầy Trần Doãn Tú – Hiệu trưởng Trường TH&THCS Kỳ Lạc cho biết: “Từ sự chủ động trong việc đổi mới phương pháp, hình thức dạy học của các giáo viên, việc ứng dụng chuyển đổi số vào trong giảng dạy đã được nhà trường thực hiện từ nhiều năm nay. Ngoài soạn giáo án trên máy tính, các thầy cô còn ứng dụng công nghệ thông tin vào các tiết dạy qua việc sưu tầm, lồng ghép tranh ảnh, hoạt hình nhằm tăng tính sinh động, hấp dẫn cho bài giảng. Qua đó, học sinh hứng thú với bài học hơn, chất lượng giáo dục ngày càng chuyển biến”.

Tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Đức Thọ), việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp giáo viên khai thác các nền tảng trực tuyến, sách điện tử, các ứng dụng hỗ trợ học tập, giảng dạy. Thời gian qua, giáo viên nhà trường đã kết nối với giáo viên nhiều nước trên thế giới qua ứng dụng Skype trong giờ Địa lý. Giáo viên cũng đã chia sẻ tài liệu, kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau trên các diễn đàn hoặc mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube… Nhiều sản phẩm sáng tạo của giáo viên, học sinh như: thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) hay trí tuệ nhân tạo (AI) cũng đã mở ra không gian sáng tạo mới trong giảng dạy và học tập.

Thầy Nguyễn Xuân Phượng – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai chia sẻ: “Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục, chuyển đổi số cũng đã giúp nhà trường ứng dụng các phần mềm phục vụ cho công tác quản lý như: quản lý điểm số, hồ sơ học tập, kế hoạch giảng dạy... giúp việc lưu trữ, truy cập và phân tích các dữ liệu trở nên dễ dàng. Công tác lưu trữ, gửi nhận văn bản cũng thực hiện nhanh chóng, thuận tiện hơn”.

Bên cạnh việc quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng mạng, trang thiết bị công nghệ thông tin, đường truyền, thời gian qua, ngành cũng đã nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, giáo viên qua các chương trình bồi dưỡng, tập huấn. Đến nay, 100% giáo viên ở các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh đã ứng dụng công nghệ thông tin trong việc soạn bài giảng điện tử, sử dụng các ứng dụng trên nền tảng công nghệ của Facebook, Zoom meeting, Sub class room, MS Teams, hoặc các công cụ trực tuyến để dạy học trực tuyến khác để tương tác với học sinh.

Ngành cũng đã tổ chức cho học sinh đăng ký trực tuyến Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2024; triển khai ngân hàng trắc nghiệm trực tuyến giúp học sinh ôn thi tốt nghiệp; tổ chức áp dụng hình thức thi thử trực tuyến cho học sinh; triển khai học bạ số cấp tiểu học năm học 2023-2024... 100% thủ tục hành chính của ngành đủ điều kiện thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% hồ sơ TTHC tiếp nhận thụ lý được cập nhật, quản lý và tổ chức thực hiện trên hệ thống phần mềm một cửa của tỉnh. 100% cơ sở giáo dục trực thuộc sở đã thực hiện các giải pháp thu học phí bằng hình thức không dùng tiền mặt. Nhiều đơn vị đã triển khai phòng học thông minh, thư viện điện tử...

Ngành giáo dục Hà Tĩnh đang "hòa mình" vào công cuộc chuyển đổi số. Việc ứng dụng công nghệ đã và đang đóng vai trò hết sức quan trọng, mang lại nhiều giá trị tích cực, góp phần thay đổi cách tiếp cận, quản lý và triển khai hoạt động dạy và học, giúp nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường.

 

BBT


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH HƯƠNG SƠN
    Thống kê: 9.154.243
    Trong năm: 949.501
    Trong tháng: 118.750
    Trong tuần: 33.423
    Trong ngày: 2.562
    Online: 17