Cách đây gần 95 năm Đảng bộ huyện Hương Sơn ra đời đánh dấu mốc son chói lọi, mở ra bước phát triển mới với những thắng lợi to lớn của phong trào cách mạng huyện nhà. Từ đây, trong cuộc đấu tranh chống đế quốc và phong kiến để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc nói chung và quê hương nói riêng, Nhân dân Hương Sơn đã có Đảng tiên phong lãnh đạo - Đảng cộng sản Việt Nam, mà trực tiếp là Đảng bộ huyện Hương Sơn.

Cuối năm 1929, tại thị xã Hà Tĩnh, Chi bộ cộng sản đầu tiên (Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Trường tiểu học Pháp - Việt) được thành lập. Từ đầu năm 1930 khi xứ ủy Đông dương cộng sản Đảng cử đồng chí Trần Hữu Thiều vào Hà Tĩnh gây dựng cơ sở, phát triển đảng viên thì các chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng  tiếp tục ra đời ở Phù Việt (Thạch Hà), Hà Linh (Hương Khê), trường tiểu học Thịnh Xá (Hương Sơn), Thái Yên (Đức Thọ).

 Đến tháng 01/1930, tổ chức Tân Việt Cách mạng Đảng đã cải tổ, thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn - một trong ba tổ chức cộng sản hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam sau này... Khuynh hướng cứu nước, giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản đã được phổ biến, tiếp nhận mạnh mẽ ở Hà Tĩnh. Phong trào cách mạng ở Hà Tĩnh đã nằm trong trào lưu chung của cả nước lúc bấy giờ.

Cuối tháng 3/1930, tại bến đò Thượng Trụ (xã Thiên Lộc - Can Lộc), được sự uỷ nhiệm của Phân cục Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ở Trung Kỳ, đồng chí Trần Hữu Thiều (tức Nguyễn Trung Thiên) đã triệu tập Hội nghị thành lập Đảng bộ lâm thời tỉnh Hà Tĩnh. Ngay sau khi thành lập, Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo mở rộng hệ thống tổ chức Đảng, thành lập các đảng bộ huyện, chi bộ làng xã và kết nạp hàng trăm đảng viên.

Ở Hương Sơn tháng 4 năm 1930, đồng chí Nguyễn Kính (tức Liễn) được cấp trên cử về Ban lãnh đạo tổ Tân Việt Hương Sơn để bàn kế hoạch tiến tới thành lập tổ chức đảng. Qua nghiên cứu quá trình hoạt động công tác của từng cán bộ, có 17/37 đảng viên Tân Việt của huyện được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Các đồng chí này được phân công về các địa phương gây dựng cơ sở đảng.

Những chi bộ được thành lập trong thời gian này trên địa bàn huyện Hương Sơn  là: Chi bộ trường Thịnh Xá (3 đảng viên); Chi bộ ghép Phố Châu, Tình Diệm (4 đảng viên) và các chi bộ Đông Trung, Tứ Mỹ, Đông Tràng (Sơn Châu). Sau đó ít lâu, tháng 6/1930, Chi bộ Phúc Nghĩa (Sơn Ninh), Làng Đông (Hữu Bằng) được thành lập; tháng 7/1930 một loạt chi bộ khác ra đời như Yên Nghĩa (Hữu Bằng), các chi bộ Xuân Trì, Thọ Lộc, Yên Bài lần lượt ra đời. Tổng số đảng viên trong thời gian này có 44 đồng chí.

Đối với các làng chưa đủ điều kiện thành lập chi bộ Đảng, thì tổ chức nông hội như Gôi Mỹ, Đôn Mỹ, Đông Lộ, Hàm Lại, Yên Đồng, Bảo Thịnh đã thu hút những quần chúng ưu tú rèn luyện họ trở thành đảng viên sau này.

Tháng  9/1930, phần lớn các làng trong huyện có tổ chức Nông hội, gồm 3-4 hội viên, có nơi 9-10 hội viên. Làng Đôn Mỹ (xã Sơn Trà - nay là xã Mỹ Long), hầu hết nông dân lao động tham gia vào tổ chức Nông hội với số lượng lớn, gồm 60 hội viên, chiếm tỷ lệ cao nhất trong huyện lúc bấy giờ. Nông hội đã trở thành nòng cốt trong các cuộc đấu tranh chống hương lý, thu lại được một số ruộng đất công...

Đối với Tự vệ đỏ, các tiêu chuẩn lựa chọn cao hơn. Vì vậy, mới chỉ tổ chức được ở những nơi có chi bộ, mỗi nơi có 3-5 người. Lực lượng tự vệ đỏ có nhiệm vụ bảo vệ các cuộc họp và các cuộc míttinh, biểu tình.

Đặc biệt, ở các trường học như: Thịnh Xá, Phố Châu đã lập ra tổ chức Sinh hội, thu hút số học sinh lớn tuổi, rèn luyện họ trở thành những đảng viên sau này. Trong các Sinh hội, Trường Thịnh Xá có đông hội viên nhất, khoảng 30 hội viên và được chia thành 3 tổ để hoạt động. Hoạt động của Hội được tiến hành bí mật và các hội viên đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao như: rải truyền đơn, treo cờ đỏ, đưa tin tức và là lực lượng nòng cốt trong phong trào đọc sách báo, thể dục - thể thao ở địa phương. Nhiều người sau này trở thành đảng viên Đảng Cộng sản và là cán bộ nòng cốt của Đảng bộ huyện, trong đó có đồng chí Nguyễn Mật và đồng chí Hồ Hảo.

Đối với tổ chức Hội Phụ nữ giải phóng thì chưa nơi nào thành lập được, nhưng một số chị em được Đảng trực tiếp giao nhiệm vụ đã hoạt động tích cực. Ngoài việc hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhiều chị em còn tranh thủ học thuộc lòng một số bài ca cách mạng, lời kêu gọi phụ nữ của Đảng..., các chị bàn nhau phổ biến trong chị em phụ nữ và nhiều bà, nhiều chị đã lấy đó làm bài hát ru con, ru cháu. Hình thức tuyên truyền này của chị em phụ nữ đã lan rộng ra khắp các vùng trong huyện. Hội Cứu tế đỏ cũng được thành lập trong thời gian này.

Để có được sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất trong phong trào ở Hương Sơn, tháng 11/1930 Tỉnh ủy Hà Tĩnh cử cán bộ về phụ trách Hương Sơn để tổ chức hội nghị thành lập Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời. Hội nghị được tiến hành ở làng Gôi Mỹ (Sơn Hòa - nay là xã An Hòa Thịnh)[1].

Hội nghị nghị quyết một số nhiệm vụ quan trọng: lãnh đạo quần chúng Nhân dân đấu tranh đòi giảm sưu thuế; bỏ thuế chợ, thuế đò; tổ chức huấn luyện cho hội viên Nông hội, xuất bản từ báo “Dân cày”; phát triển đảng viên mới; thành lập một số Tổng ủy ở miền Thượng và Hạ huyện. Hội nghị đã chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ huyện lâm thời, gồm các đồng chí sau: đồng chí Trần Chí Tín - Bí thư, đồng chí Lê Kinh Phố - Phó Bí thư, các đồng chí Nguyễn Mật, Đinh Nho Khoách - Ủy viên[2].

Sau hôm đó, Huyện ủy lâm thời họp phiên đầu tiên tại nhà ông Đinh Nho Huề (ô xóm Đồng Vực), đề ra kế hoạch hoạt động gồm 6 nội dung trọng tâm:

(1) Tìm mọi cách bắt liên lạc với các làng trước đây có chi bộ và Nông hội đỏ.

(2) Củng cố chi bộ và học sinh đoàn trường Thịnh Xá để làm đầu mối cho toàn huyện. Thành lập tổ chức Nông hội đỏ ở các làng chưa có để có cơ sở thành lập chi bộ sau này. Phát triển Hội cứu tế đỏ.

(3) Tổ chức thêm đường dây liên lạc dự bị từ huyện đến làng và từ huyện lên Thường vụ La - Hương - Hương đề phòng khi bế tắc.

(4) Dời cơ quan trực tiếp và ấn loát về Gôi Mỹ.

(5) Ra tờ báo “Dân cày”  phát hành rộng rãi trong quần chúng để phổ biến các cuộc đấu tranh và tuyên truyền mọi chủ trương của Đảng, in thêm tài liệu huấn luyện hội viên Nông hội đỏ ở tỉnh gửi về để cung cấp cho các nông hội. Tờ báo phát hành được 5 số, sau vì điều kiện giao thông liên lạc đi lại giữa huyện và tỉnh gặp nhiều khó khăn, thiếu sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, nên tờ báo phải đình bản.

(6) Tổ chức quần chúng để phổ biến các cuộc đấu tranh, biểu tình đình công trong nước và tuyên truyền mọi chủ trương của Đảng...

Việc thành lập Đảng bộ lâm thời huyện Hương Sơn có ý nghĩa vô cùng to lớn. Sự kiện này đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử của Đảng bộ huyện Hương Sơn, chấm dứt giai đoạn hoạt động phân tán, mò mẫm, thiếu đường lối đúng đắn của các lực lượng yêu nước và cách mạng trong huyện, đưa phong trào đấu tranh yêu nước và cách mạng của quần chúng tiến lên dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng ta. Từ đây trên địa bàn huyện Hương Sơn có một tổ chức Đảng Cộng sản lãnh đạo đặt dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Hà Tĩnh, trực tiếp là Ban Chấp hành Đảng bộ La - Hương - Hương.  Từ khi có Đảng lãnh đạo, truyền thống văn hóa, cách mạng của quê hương, sức mạnh, ý chí, nghị lực và trí tuệ, bản lĩnh của con người Hương Sơn được phát huy mạnh mẽ, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc,  thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Đã gần 95 năm, Đảng bộ huyện Hương Sơn đã không ngừng lớn mạnh, từ 5 chi bộ, với 17 đảng viên ban đầu, đến nay trải qua XXIII kỳ đại hội, toàn huyện có 44 tổ chức cơ sở Đảng và 9.240 đảng viên, Đảng bộ đã lãnh đạo Nhân dân trong huyện viết nên những trang sử vẻ vang, hào hùng với phong trào cách mạng 1930-1931 với đỉnh cao Xô Viết Nghệ Tĩnh, cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành chính quyền về tay Nhân dân mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử huyện nhà - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội; giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, làm nghĩa vụ quốc tế; lãnh đạo công cuộc đổi mới từ 1986 đến nay.

Dù ở giai đoạn lịch sử nào Đảng bộ và Nhân dân huyện Hương Sơn luôn nên cao truyền thống cách mạng, bằng ý chí, nghị lực, bản lĩnh và trí tuệ của chính mình, đã vươn lên giành những thành tích, kết quả to lớn trên các lĩnh vực, kinh tế ngày càng phát triển, văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ, chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng cao. Công tác xây dựng Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị ngày càng được củng cố và tăng cường. Đảng bộ nhiều năm liền được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chính quyền và Nhân dân được Thủ tướng Chính phủ tặng cờ thi đua xuất sắc.

Đất nước tưng bừng chào đón Xuân Ất Tỵ 2025, một mùa xuân mới đang về trên quê hương, cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bước vào kỷ nguyên mới “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Đảng tin dân, dân yêu Đảng là cội nguồn của mọi thành công. Tự hào về Đảng quang vinh, về Bác Hồ vĩ đại, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức Đảng Hương Sơn luôn khẳng định niềm tin sắt son, một lòng theo Đảng, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện khóa XXIII nhiệm kỳ 2020-2025, hướng tới Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXIV nhiệm kỳ 2025-2030, góp phần thực hiện thành công con đường XHCN mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Lịch sử Đảng bộ huyện Tỉnh Hà Tĩnh Tập 1 (1930-1954), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội năm 2014,

2. Lịch sử Đảng bộ huyện Hương Sơn Tập 1 (1930-1975), NXB Chính trị quốc gia - sự thật, Hà Nội năm 2018.

3. Đề cương tuyên truyền Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2025); 95 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh (tháng 3/1930 - 3/2025) cảu Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh.

 

[1] Lịch sử Đảng bộ huyện Hương Sơn Tập 1 (1930-1975), NXB Chính trị quốc gia - sự thật, 2018, tr51.

 

[2] Theo hồi ký của đồng chí Trần Chí Tín và Đinh Nho Khoách cuối tháng 02/1931 bổ sung đồng chí Nguyễn Đình Xứng vào BCH Đảng bộ lâm thời huyện Hương Sơn.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH HƯƠNG SƠN
    Thống kê: 9.153.504
    Trong năm: 949.501
    Trong tháng: 118.750
    Trong tuần: 33.423
    Trong ngày: 1.832
    Online: 86