Những ngày đầu xuân năm mới Ất Tỵ 2025, khi tiết trời còn se lạnh, người dân vùng “núi thơm” Hương Sơn đã rộn ràng vào mùa “hái” lộc nhung. Từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch là chính vụ thu hoạch của bà con nhân dân miền sơn cước. Đây cũng là địa phương có số lượng hươu lớn nhất cả nước với hơn 47 nghìn con. Mùa lộc nhung năm nay, ước tính toàn huyện sẽ thu về hơn 223 tỷ đồng từ nhung hươu.


Chị Trần Thị Tuyến chuẩn bị thức ăn tinh cho đàn hươu phát triển mùa lộc nhung
Gia đình chị Trần Thị Tuyến, thôn Tượng Sơn xã Hàm Trường nuôi 20 con hươu, trong đó có 10 con đực. Hiện có 4 con đang mọc nhung. Để nhung có trọng lượng tốt, chất lượng cao, giai đoạn này, gia đình chị bổ sung thêm những thức ăn giàu tinh bột như ngô, sắn... chị Tuyến chia sẽ: “gia đình tôi luôn tuân theo quy tắc chăm hươu truyền thống để hươu khỏe mạnh, nhung phát triển. Ngoài ra, tôi còn bổ sung cho hươu các loại thức ăn xanh như cỏ voi, lá ngô, lá mít và thường xuyên dọn dẹp, làm sạch chuồng trại để hươu có không gian phát triển tốt, đảm bảo sức khỏe".
Nhờ những nỗ lực chăm sóc nên mỗi dịp mùa hái lộc đến, chị Tuyến đều có một khoản thu nhập khoảng 50-60 triệu đồng từ việc bán nhung hươu. Số tiền này giúp gia đình chị trang trải cuộc sống mà còn là động lực để tiếp tục đầu tư, chăm sóc đàn hươu đón những mùa lộc mới.
Tại các trang trại chăn nuôi hươu quy mô lớn ở huyện Hương Sơn, thời điểm này cũng đang rộn ràng mùa “hái” lộc.
Năm nay, trang trại của anh Nguyễn Hồng Tiệp (thôn 8, xã Sơn Giang) đang liên kết với bà con ở một số tỉnh phía Bắc nuôi gần 800 con hươu, trong đó, có khoảng 500 con hươu đực. Dù mới đầu mùa nhung nhưng trang trại đã cắt được hơn 70 kg nhung chất lượng.

Cơ sở chăn nuôi hươu của anh Nguyễn Hồng Tiệp xã Sơn Giang là một trong những cơ sở lớn nhất của huyện Hương Sơn
Anh Nguyễn Hồng Tiệp cho biết: “Năm ngoái, trang trại có 300 con hươu đực cho nhung với sản lượng hơn 160 kg, doanh thu đạt khoảng 1,6 tỷ đồng. Thành công này đã tạo điều kiện cho trang trại mở rộng quy mô, liên kết thêm với nhiều hộ nuôi hươu trên khắp cả nước để hướng dẫn quy trình chăn nuôi, bao tiêu sản phẩm”.
Cùng với trang trại của anh Nguyễn Hồng Tiệp, người nuôi hươu trên địa bàn xã Sơn Giang cũng đang tích cực chăm sóc và “hái” lộc nhung đầu xuân. Được biết, toàn xã có số lượng hươu trên 4.600 con, trong đó, hươu đực cho nhung khoảng 2.800 con. Ước tính từ đầu mùa nhung tới nay, người nuôi hươu trên địa bàn đã thu hoạch được hơn 800 kg nhung. Sơn Giang cũng là địa phương có sản phẩm OCOP về nhung hươu nhiều nhất huyện với 8 sản phẩm, trong đó, phần lớn là rượu nhung hươu, nhung hươu tán bột, cao xương hươu…
Từ lâu, nuôi hươu đã trở thành nghề truyền thống của người dân Hương Sơn. Dẫu trải qua bao khó khăn, thăng trầm nhưng nghề nuôi hươu vẫn luôn được duy trì và phát triển. Đặc biệt, trong những năm gần đây, nhờ sự quan tâm đầu tư, chăm sóc và tập huấn kỹ thuật, chất lượng nhung hươu đã được nâng cao. Các sản phẩm từ nhung hươu nhờ đó mà ngày càng được nhiều người biết đến.

cơ sở chăn nuôi hươu của anh Nguyễn Hồng Tiệp xã Sơn Giang là một trong những cơ sở lớn nhất của huyện Hương Sơn

Hiện toàn huyện Hương Sơn có tổng đàn hươu trên 47 nghìn con, số hươu cho lộc nhung trên 22 nghìn con
Ngoài cách sử dụng truyền thống, những năm gần đây, người dân Hương Sơn đã chế biến nhiều sản phẩm khác từ hươu. Trong đó, có 19 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3-4 sao. Các sản phẩm này đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao giá trị của loài vật "đặc sản" này. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ và khuyến khích các tổ chức, cá nhân chế biến sâu hơn nữa các sản phẩm từ hươu, đồng thời nâng hạng các sản phẩm OCOP hiện có. Mục tiêu là tạo ra các sản phẩm như thực phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng... từ hươu, từ đó gia tăng giá trị và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Theo người dân Hương Sơn, hươu là loài vật “dễ nuôi, mau lớn”, thức ăn không tốn kém, nhưng lại mang về hiệu quả kinh tế cao. Trước đây, mỗi con hươu trong 1 năm chỉ thu được 1 lứa nhung nhưng hiện đã có thể thu tới 2 lứa. Mỗi cặp nhung thường nặng từ 0,4 – 1,5 kg, thậm chí có những cặp nặng tới hơn 4 kg.
Hiện toàn huyện Hương Sơn có tổng đàn hươu trên 47 nghìn con, số hươu cho lộc nhung trên 22 nghìn con. Mùa nhung năm nay, ước tính thu hoạch được hơn 20,3 tấn nhung, đem lại giá trị hơn 223 tỷ đồng. Nhờ hươu, cuộc sống của người dân Hương Sơn ngày càng khấm khá, kinh tế cũng nhờ đó mà phát triển bền vững, xây dựng các vùng quê ngày càng giàu đẹp, văn minh.