Nhiều nhà nghiên cứu đã dày công khám phá nét độc đáo của Nguyễn Du khi xây dựng nhân vật trong Truyện Kiều. Trong bài viết nhỏ này, từ việc đối chiếu Truyện Kiều với nguyên tác Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, tôi muốn đưa ra một số nhận định về nghệ thuật xây dựng nhân vật của Nguyễn Du.
1
. Để điển hình hóa nhân vật, Nguyễn Du đã sắp xếp các chi tiết miêu tả ngoại hình nhân vật của Kim Vân Kiều Truyện vào phần giới thiệu ngay từ đầu, đồng thời, điểm tô, chăm chút bằng những nét mới. Tôi chỉ dẫn ra đây trường hợp của chị em Thúy Kiều, Kim Trọng.
Khi miêu tả chị em Thúy Kiều,
Kim Vân Kiều Truyện chỉ viết: Hai gái đầu lòng, cô chị là Thúy Kiều, cô em là Thúy Vân: mai cốt cách, tuyết tinh thần, mỗi người một vẻ đẹp, nhưng đều là trang tuyệt sắc, hai chị em đều rất thông minh, thơ hay, vẽ giỏi. Nếu đem tài sắc mà so, thì Thúy Kiều có phần hơn Thúy Vân. Cô chị sắc sảo, mặn mà; cô em đoan trang, thùy mị.
Cho đến đoạn gặp gỡ Kim Trọng mới có thêm câu:
Thúy Kiều thì Làn thu thủy, nét xuân sơn/Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.
Còn Thúy Vân thì:
Hoa cười ngọc nói đoan trang/Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da
. Chỉ chừng đó thôi, vậy mà, Cụ Nguyễn của chúng ta đã xây dựng nên chân dung hai chị em Thúy Kiều với thái độ trân trọng, ngợi ca, tôn vinh, đồng thời, cũng cho người đọc cảm nhận được vẻ đẹp và tài sắc dự báo đầy giông bão của nàng Kiều như trong Truyện Kiều mà chúng ta đã biết.
|
Đầu lòng hai ả tố nga/ Thúy Kiều là chị em là Thúy Vân... (Ảnh từ internet)
|
Cụ không chỉ ca ngợi vẻ đẹp tài sắc mà còn ca ngợi cả vẻ đẹp tâm hồn, phẩm hạnh:
Phong lưu rất mực hồng quần/ Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê/ Êm đềm trướng rủ màn che/ Tường đông ong bướm đi về mặc ai.
Cũng vì muốn ca ngợi đức hạnh của nàng Kiều mà Nguyễn Du đã bỏ qua những chi tiết trong truyện mang tính chất tầm thường, ví dụ như
Kim Vân Kiều Truyện
kể:
Chuyện trước khi sang nhà Kim Trọng, nàng đều sắm sửa các món thời trân, hộp ăn bầu rượu. Một lần gặp gỡ, chuyện trò Nói xong, nàng gieo mình nằm vào lòng Kim Trọng bưng mặt khóc thổn thức.
Riêng chi tiết này không phù hợp với tính cách người con gái nết na theo lễ giáo phong kiến
tường đông ong bướm đi về mặc ai
. Nguyễn Du đã xây dựng nàng Kiều toàn thiện, toàn mỹ, từ đó, khắc sâu thêm nỗi đau của một người tài sắc và đức hạnh bị gió táp, mưa sa vùi dập, phải quăng thân vào vòng ô nhục.
Trường hợp nhân vật Kim Trọng, Nguyễn Du cũng có những sáng tạo mới mẻ.
Kim Vân Kiều Truyện
chỉ miêu tả:
“Bỗng thấy xa xa một chàng thanh niên cưỡi ngựa đi đến, hình dung phong lưu nho nhã, quần áo chỉnh tề, gió trăng lưng túi, tay khấu lỏng buông, sau lưng theo một vài thằng con con”. “Phong tư tài mạo tót vời, vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa”.
Nguyễn Du đã điển hình hóa nhân vật trong không gian đầy lãng mạn:
Tuyết in sắc ngựa câu giòn/ Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời... Hài văn lần bước dặm xanh/ Một vùng như thể cây quỳnh cành dao.
2
. Đó mới chỉ là miêu tả chân dung bên ngoài, điều làm nên sự trường tồn của tác phẩm
Truyện Kiều
chính là thế giới nội tâm vô cùng phong phú, tinh tế và sâu sắc của nhân vật, làm cho mỗi nhân vật có một đời sống riêng, một sức sống riêng, lay động lòng người, đi vào nhân gian và sống giữa nhân gian như những con người thật. Đây cũng chính là thể hiện trái tim yêu thương con người vô bờ bến của Nguyễn Du. Vì yêu thương nên nhân lên vẻ đẹp cao quý của tâm hồn, thông cảm sâu sắc với nỗi đau tận đáy của con người, tập trung cao nhất vẫn là ở nỗi đau khổ của nàng Kiều, nhân vật chính.
Đọc
Kim Vân Kiều Truyện
, dù đã hình dung thấy những nỗi đau, dằn vặt của nàng, nhưng khi đọc
Truyện Kiều
, ta mới thấy thương cảm, trắc ẩn, đớn đau như chính nỗi đau của mình. Đó là trạng thái vừa tự xót thương, vừa tự khinh rẻ bản thân của một con người có phẩm hạnh cao quý, dù biết rằng “phận dầu, dầu vậy, cũng dầu” nhưng vẫn không thể chấp nhận nổi bản thân:
Tiếc thay trong giá trắng ngần/ Đến phong trần, cũng phong trần như ai!; Khéo là mặt dạn mày dày/ Kiếp người đã đến thế này thì thôi!... Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh/ Giật mình mình lại thương mình xót xa/ Khi sao phong gấm rũ là/ Giờ sao tan tác như hoa giữa đường/ Mặt sao dày dạn gió sương/ Thân sao bướm chán ong chường bấy thân; Chút thân quằn quại vũng lầy/ Sống thừa còn tưởng đến rày nữa sao?
Là những hình ảnh:
Dầu chong trắng đĩa, lệ tràn thấm khăn; Ôm lòng đòi đoạn xa gần/ Chẳng vò mà rối, chẳng dần mà đau
trong cái vòng luẩn quẩn, bí bách, mòn mỏi, vô vọng của một kiếp người bất hạnh:
Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng…
3
. Một biệt tài khác của Nguyễn Du là tả cảnh ngụ tình. Do tính chất của truyện kể bằng văn, tác giả Thanh Tâm Tài Nhân không dành nhiều câu tả cảnh ngụ tình. Tiêu biểu là đoạn Kiều ở lầu Ngưng Bích.
Kim Vân Kiều Truyện
miêu tả:
Thúy Kiều đề xong (thơ), thì lòng ngao ngán, con mắt đăm đăm trông ra bên ngoài, thấy những cỏ hoa mơn man, non nước mông mênh, gió cuốn mặt ghềnh, sóng dồn cửa bể, trông xa xa lại những con thuyền xuôi ngược, cánh buồm phất phơ
.
Vậy mà, với thi phẩm Truyện Kiều, chúng ta đã được đọc những dòng tuyệt bút tả cảnh ngụ tình, được cảm nhận sâu sắc nỗi nhớ cha mẹ, người yêu của Thúy Kiều mà lẽ thường người con gái hiền thục nào lâm vào cảnh ngộ như nàng cũng đều chung tâm trạng ấy. Cái điệp khúc
“buồn trông”
và chi tiết
hoa trôi man mác biết là về đâu, ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi
đã khắc họa sâu sắc tâm trạng cô đơn, buồn nhớ, sự hoang hoải, thân phận lạc loài vô định và những dự cảm đầy giông bão ở chặng đường phía trước của nàng Kiều:
Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu.
Buồn trông nội cỏ dầu dầu
Chân mây, mặt đất một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt ghềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.
Ở đoạn khác, Nguyễn Du viết:
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.
Tâm trạng con người nhuốm lên mọi vật, chính vì thế mới có những câu miêu tả mà trong
Kim Vân Kiều Truyện
không có:
Đau lòng kẻ ở người đi/ Lệ rơi thấm đá, tơ chia rũ tằm/ Trời hôm mây kéo tối rầm/ Dầu dầu ngọn cỏ, đầm đầm ánh sương... Đoạn trường thay, lúc phân kỳ/ Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh...
Tưởng không có nỗi đau nào hơn nỗi đau mà đến đá cũng phải thấm đẫm nước mắt. Cái tăm tối của cảnh vật, sự trắc trở khó đi của con đường chính là sự báo trước chặng đường khổ đau của nàng Kiều lúc lên xe theo Mã Giám Sinh “về làm thiếp” mà thực chất là vào lầu xanh.
Nói đến tả cảnh ngụ tình để khắc họa thế giới nội tâm nhân vật, không thể không nhắc đến những câu thơ hay nhất về thiên nhiên trong Truyện Kiều. Đó là khi Nguyễn Du miêu tả tâm trạng quyến luyến, không muốn rời xa giữa Thúc Sinh với nàng Kiều để về với Hoạn Thư, người vợ chính đầy quyền lực và mưu mô
: Người lên ngựa, kẻ chia bào/ Rừng phong, thu đã nhuốm màu quan san... Vầng trăng ai xẻ làm đôi? Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường.
Cảnh rất đẹp, rất trong sáng nhưng ẩn chứa một sự chia ly, cách trở. Và ở đoạn sau, để diễn tả trạng thái phơi phới, rộn ràng của Thúc Sinh khi nhầm tưởng Hoạn Thư không hay biết gì, còn mình sắp được sống tiếp những ngày vui tươi, hạnh phúc với người tình say đắm, tri âm, tri kỷ, Nguyễn Du viết
Long lanh đáy nước in trời/ Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng.
Những câu tôi đã dẫn trên đây là những “viên ngọc” của
Truyện Kiều
mà nguyên tác
Kim Vân Kiều Truyện
không có. Những “viên ngọc” ấy lấp lánh, tỏa sáng giữa bầu trời văn học Việt Nam, văn học thế giới và giữa triệu triệu tâm hồn yêu mến Nguyễn Du -
Truyện Kiều.
________
(*) Truyện Kiều, Nhà xuất bản Văn học, 2014.
(**) Kim Vân Kiều Truyện, bản dịch do Hùng Sơn Nguyễn Duy Ngung thực hiện năm 1925, đã được Nhà Tân Dân Thư quán xuất bản 3 lần vào các năm 1925, 1927, 1928 tại Hà Nội, Nhà xuất bản Văn học và Công ty Văn hóa Việt in lại năm 2006.
Bùi Minh Huệ