Đẩy mạnh phát huy hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở góp phần ổn định xã hội

Một buổi hòa giải tại thôn Ninh Xá xã Sơn Ninh

Trong những năm qua, công tác hoà giải ở cơ sở trên địa bàn huyện luôn được cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp quan tâm chú trọng, nhất là công tác xây dựng, củng cố và kiện toàn tổ chức hòa giải ở cơ sở. Hiện nay, toàn huyện có 272 tổ hòa giải với 1.904  hòa giải viên.

Trước tác động của cơ chế thị trường, tình trạng tranh chấp trong các giao dịch, quan hệ xã hội có chiều hướng gia tăng, nhất là các tranh chấp đất đai, dân sự, hôn nhân gia đình xảy ra ngày càng đa dạng, phức tạp. Trước thực trạng đó, PhòngTư pháp đã thường xuyên chỉ đạo, củng cố kiện toàn các tổ hòa giải để công tác hòa giải ở cơ sở thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần giải quyết các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ ngay tại địa phương, giảm bớt các tranh chấp đến các cơ quan cấp trên.

Mỗi năm, từ cấp huyện đến cơ sở đều thường xuyên mở các lớp tập huấn, bồi dường nghiệp vụ cho hòa giải viên cơ sở. Trong 2 năm 2016-2017, UBND huyện đã tổ chức được 66 lớp tập huấn cho đội ngũ hòa giải viên cơ sở tại 32 xã, thị. Bên cạnh đó, đã tổ chức biên soạn, in ấn các loại tài liệu tuyên truyền thiết thực như sổ tay nghiệp vụ hòa giải; tờ gấp pháp luật về dân sự, hôn nhân gia đình, đất đai, khiếu nại tố cáo... Qua đó, nhằm chuyển tải kịp thời những chính sách, văn bản pháp luật mới đến các hòa giải viên, cung cấp thêm nhiều kiến thức, kỹ năng và đáp ứng phần nào nhu cầu tìm hiểu pháp luật để phục vụ công tác hòa giải của các hòa giải viên trên địa bàn huyện.

Thị trấn Phố Châu, Sơn Kim 1, Sơn Tây, TT Tây Sơn, Sơn Hòa, Sơn Ninh là một trong những điển hình tiêu biểu làm tốt công tác hòa giải ngay từ cơ sở. Với hòa giải viên là những người phụ trách công tác tại các ngành, đoàn thể, cá nhân uy tín tại địa phương, mỗi khi xóm làng có “chuyện” thì họ là những người đầu tiên có mặt. Mỗi vụ việc, các tổ hòa giải đều trực tiếp đến nơi xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp, xác minh, tìm hiểu rõ nguyên nhân, thảo luận và phân công thành viên để gặp gỡ, thuyết phục. Họ rất khéo léo để vận dụng cả lý và tình trong mỗi lần trò chuyện với các đối tượng, việc đơn giản thì áp dụng tình làng nghĩa xóm để giảng hòa, việc căng thẳng thì dùng luật để giáo dục, răn đe... nên hầu hết các vụ việc xảy ra ở địa phương đều được hòa giải thành. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, các hòa giải viên đã kịp thời phát hiện, giải quyết ngay từ cơ sở, không để phát sinh thành các vụ việc lớn, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Đặc biệt, kể từ khi Luật Hòa giải ở cơ sở được Quốc hội khóa XIII thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/01/2014, Phòng đã tham mưu UBND huyện ban hành Kế hoạch triển khai thi hành trong toàn huyện, chỉ đạo các địa phương tiến hành rà soát và kiện toàn lại các tổ hòa giải theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở. Từ năm 2017 thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở là một trong những tiêu chí xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, nhờ đó hoạt động hòa giải cơ sở tiếp tục có nhiều khởi sắc. Hầu hết các tổ hòa giải đều được kiện toàn lại, chất lượng hòa giải được nâng lên rõ rệt. Tổ chức của các tổ hòa giải trên toàn huyện cơ bản có đầy đủ các thành phần tham gia như: Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Người Cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân và những người có uy tín, đủ năng lực được lựa chọn. Trên cơ sở những kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hoà giải, với tinh thần trách nhiệm cao với cộng đồng, bằng uy tín kết hợp với việc vận dụng linh hoạt các phương thức hoà giải, trong những năm qua các hoà giải viên cơ sở đã có nhiều việc làm thiết thực, góp phần giải quyết hàng nghìn tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong đời sống cộng đồng, tỷ lệ hòa giải thành đạt 90%.

Tuy nhiên, công tác hòa giải ở cơ sở trong thời gian qua vẫn còn những hạn chế, bất cập như: Chưa có cơ chế, chính sách cho công tác hòa giải ở cơ sở; vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong công tác hòa giải chưa được quy định rõ. Mặt khác, phong trào hòa giải chưa thực sự đồng đều trong phạm vi toàn huyện; một số tổ hòa giải hoạt động còn mang tính hình thức, chất lượng, hiệu quả chưa cao, trình độ nghiệp vụ và sự hiểu biết pháp luật của các hòa giải viên còn hạn chế, việc hòa giải ở cơ sở chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của những người làm công tác hòa giải, không có kinh phí hoạt động…

Vừa qua tại Hội nghị tổng kết công tác nội chính năm 2017, Bí thư huyện ủy cũng yêu cầu các cơ quan trong khối nội chính đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng vận động và hòa giải tại cơ sở. Để công tác hòa giải ở cơ sở đạt kết quả cao hơn nữa, thiết nghĩ việc triển khai, tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải cần được cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, cá nhân và nhân dân trong toàn huyện quan tâm đẩy mạnh bằng nhiều hình thức, phù hợp đối tượng góp phần đưa pháp luật hòa giải vào cuộc sống. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc đối với công tác hòa giải ở cơ sở, nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là của người dân về vị trí vai trò tầm quan trọng của công tác này, từ đó sử dụng ngày càng nhiều hơn biện pháp hòa giải để giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng,  xây dựng ý thức “Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” trong nhân dân. Công tác hòa giải cơ sở đã thực sự trở thành hoạt động gắn liền với đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư ở các thôn, làng, khu phố, góp phần đem lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho người dân.

Thu Huyền


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ hành chính
PHÁT THANH HƯƠNG SƠN
Thống kê: 9.131.943
Trong năm: 956.600
Trong tháng: 116.925
Trong tuần: 31.691
Trong ngày: 245
Online: 57