..

… Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha!..

( Nguyễn Đình Thi )

Tôi đang vui với trời thu Hương Sơn 2019 - bầu trời thu trong xanh tới lạ kỳ. Dường như không khí của phong trào cách mạng tháng Tám lừng danh năm nào vẫn còn hiển hiện thêm vào đó là không khí thi đua hồ hởi của cán bộ và Nhân dân huyện nhà đang ra sức thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 550 năm thành lập huyện Hương Sơn. Một vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa, cách mạng, có vị trí chiến lược rất quan trọng. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, mảnh đất và con người Hương Sơn đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của tỉnh Hà Tĩnh anh dũng, kiên cường. Trong suốt chiều dài lịch sử đó, mảnh đất và con người Hương Sơn luôn giữ được bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, nhưng vẫn mang đậm khí phách, cốt cách riêng vốn có của con người nơi đây, được lưu truyền qua bao thế hệ. Đó là lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, kiên cường, bất khuất; cần cù lao động, sống thủy chung có nghĩa, có tình; không cam chịu đói nghèo, luôn tiên phong đi trước trong mọi phong trào cách mạng. Truyền thống đó được nhân lên và tỏa sáng trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh những năm ba mươi của thế kỷ XX. Đặc biệt, từ khi có Đảng lãnh đạo, truyền thống ấy đã được nâng lên ở tầm cao mới, đánh dấu bằng sự kiện lịch sử ngày 17/8/1945, Huyện ủy lâm thời Hương Sơn tiến hành Hội nghị đại biểu Việt Minh toàn huyện tại làng Tứ Mỹ (Sơn Châu). Hội nghị quyết định việc khởi nghĩa giành chính quyền với phương châm: Lấy bạo lực chính trị của quần chúng làm lực lượng chủ yếu, có lực lượng vũ trang làm hậu thuẫn; đấu tranh kết hợp với thương lượng; lấy huyện trước, làng xã sau.

Hội nghị quyết định: Lấy làng Tình Diệm, làng ở gần Nhật trú quân vùng dậy giành chính quyền trước; Phát động quần chúng nhân dân trong toàn huyện biểu tình bao vây huyện lỵ Phố Châu, buộc huyện trưởng phải giao chính quyền cho nhân dân, lấy đội du kích Tràng Sim làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh; Bắt giữ những tên tay sai thực dân, phong kiến có nợ máu với nhân dân để ngăn chặn hành động phá hoại của chúng; Dời trụ sở làm việc của chính quyền cách mạng về làng Xuân Trì (An Lễ); Chia huyện ra làm hai vùng: vùng thượng huyện từ Hữu Bằng có nhiệm vụ tập trung tại Phố Châu để cùng với đội du kích chiến khu Tràng Sim giành chính quyền ở huyện và đồn Phố Châu; vùng hạ huyện gồm các làng thuộc khu vực I và II có nhiệm vụ tập trung tại Xuân Trì để tiếp đón chính quyền cách mạng dời về đây...

Ngày 18/8/1945, khắp nơi trong toàn huyện đã tổ chức mít tinh, trống mõ vang dội. Trước sức mạnh của quần chúng, bọn hương lý ở Phúc Dương đã phải giao nộp sổ sách, triện bạ lại cho nhân dân. Chính quyền cách mạng do Chấp ủy Việt Minh đảm nhiệm đã tuyên bố thành lập ngay trong cuộc mít tinh.

Tại làng Tình Diệm, địa phương được chọn làm thí điểm của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền, đêm ngày 18/8/1945, thực sự là đêm hội của quần chúng nhân dân ở đây. Trong các xóm, trống mõ vang dội, cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới, nhân dân đổ về đình tập hợp theo lệnh của Ủy ban khởi nghĩa, vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu:

Đả đảo phát xít Nhật!

Đả đảo chính quyền bù nhìn tay sai!

Mặt trận Việt Minh muôn năm!

Việt Nam độc lập muôn năm!

Sau đó, nhân dân tập trung ở đình để chứng kiến việc hương lý giao nộp giấy tờ, sổ sách, các triện, trong đó có triện lý trưởng, đại hào, hương bộ, hương bản và xin nhân dân tha tội chết.

Ủy ban khởi nghĩa thay mặt nhân dân tuyên bố bộ máy của chính quyền tay sai phong kiến vĩnh viễn bị xóa bỏ, Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời xã được thành lập. Cuộc khởi nghĩa ở Tình Diệm giành được thắng lợi hoàn toàn. Để cổ vũ tinh thần đấu tranh của các tầng lớp nhân dân trong huyện và tạo niềm tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng, tin thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Tình Diệm được Ủy ban khởi nghĩa huyện kịp thời lan truyền đi khắp nơi trong huyện ngay đêm ngày 18/8/1945.

Ngày 19/8/1945, diễn ra tổng biểu tình trong toàn huyện để giành chính quyền. Đúng 7 giờ sáng, quần chúng nhân dân từ Hữu Bằng kéo lên, từ Tình Diệm kéo xuống dọc đường số 8 thuộc địa phận Phố Châu. Với khí thế xung thiên, đoàn biểu tình trong tay cờ đỏ sao vàng tung bay, tạo thành một biển người từng lớp trong, ngoài kéo đến vây chặt đồn huyện Phố Châu. Quần chúng hô vang khẩu hiệu: Đả đảo Pháp, Nhật xâm lược; đả đảo Chính phủ bù nhìn; hoan hô Mặt trận Việt Minh vang dậy cả một vùng. Trong đồn huyện Phố Châu lúc đó có 7 tên Nhật. Trước thái độ nằm im của bọn Nhật, huyện trưởng, đồn trưởng phải đầu hàng vô điều kiện ngay giữa sân và chấp nhận giao nộp lại ấn tín cho nhân dân. Lúc này, đồng chí Trần Đình Bé - Chỉ huy trưởng, cưỡi con ngựa bạch và cầm thanh kiếm dài chỉ huy hạ cờ ba que xuống, cờ đỏ sao vàng được kéo lên giữa những tiếng hoan hô nhiệt liệt, những tràng pháo tay vang dội kéo dài.

Theo kế hoạch đã định, đoàn biểu tình lại kéo xuống Xuân Trì để cùng nhân dân ở vùng hạ huyện chung mừng thắng lợi. Đến đây, số người do hai đoàn hợp lại rất đông lên tới hàng vạn người. Trước đông đảo quần chúng nhân dân toàn huyện, huyện trưởng đã tuyên bố trao trả chính quyền về tay nhân dân.

Tiếp đó, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời gồm các đồng chí: Trần Bình, Hồ Thị Nhiệm, Nguyễn Đình Xứng, Nguyễn Quang Tấn đã ra mắt trước toàn thể nhân dân. Tiếng hô, tiếng vỗ tay lại vang dội như sấm dậy kéo dài không ngớt. Sự kiện này đánh một mốc son trong lịch sử, từ nay Nhân dân Hương Sơn có một chính quyền mới. Chính quyền cách mạng.

Sau đó hai ngày, các làng xã còn lại trong toàn huyện đều nổi dậy giành được chính quyền về tay nhân dân. Riêng đồn điền Sông Con, đến ngày 25/8/1945, sau khi ổn định xong bộ máy chính quyền ở các địa phương, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện đã trở lại huyện lỵ Phố Châu chỉ đạo quần chúng nhân dân ở đây đánh chiếm đồn điền. Cuối cùng Nhật buộc phải trao trả chính quyền và xin được cấp phương tiện để rút về Vinh.

Cuộc khởi nghĩa ở Hương Sơn đã giành được thắng lợi. Đó là kết quả của quá trình đấu tranh lâu dài đầy khó khăn, gian khổ và hy sinh lớn lao của các tầng lớp nhân dân Hương Sơn. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hương Sơn đã góp phần vào thắng lợi chung của cả nước, phá tan xiềng xích nô lệ của chế độ thực dân, phong kiến, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc Việt Nam.

Đã 74 năm đã trôi qua kể từ khoảnh khắc chiến thắng hào hùng của nhân dân Hương Sơn, Hà Tĩnh nói chung, nhân dân cả nước nói riêng trong cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền mùa thu Tháng Tám năm 1945. Hòa chung không khí hào hùng này, những người trẻ được sinh ra và lớn lên trong thời bình như chúng tôi càng trân trọng và tự hào về lịch sử, càng ý thức sâu sắc rằng nền độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất mà hôm nay chúng tôi có được đã phải đổi bằng xương máu và tuổi xuân của bao thế hệ cha anh đi trước. Chính vì thế, trách nhiệm của thế hệ trẻ chúng tôi hôm nay là phải gìn giữ và phát huy được những thành quả cách mạng, xứng đáng với sự tin yêu và kỳ vọng của thế hệ đi trước, nguyện sẽ gắng sức học tập, nêu cao bản chất cách mạng, tinh thần tiên phong, nòng cốt, phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, sáng tạo, viết tiếp những trang lịch sử mà thế hệ cha anh đã để lại, giữ vững và phát huy thành quả cách mạng, xây dựng quê hương giàu đẹp, ấm no./.

Hoài Thương


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ hành chính
PHÁT THANH HƯƠNG SƠN
Thống kê: 9.112.912
Trong năm: 965.718
Trong tháng: 125.552
Trong tuần: 20.844
Trong ngày: 4.154
Online: 76