Đền Đức Mẹ
Đền Đức Mẹ hay còn gọi là Thiên Nhẫn Thạch Bàn, Tam Tòa Thánh Mẫu điện, hiện nay nằm trên địa bàn xóm Thịnh Hương, xã An Hòa Thịnh, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Vào thời Nguyễn thuộc thôn Văn Giang, xã Yên Ấp, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Tương truyền, đền có từ đời vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng (1740 – 1786). Đền khởi thủy chỉ là một hòn đá thiêng gọi là Thạch Bàn Thiên Nhẫn nằm trên núi Phượng Hoàng (núi Phượng Hoàng là một phần của dãy Thiên Nhẫn), bên sông Ngàn Phố, tiện đường qua lại. Vì là hòn đá thiêng nên người dân thường đến thắp hương, rồi dần dần trở nên linh ứng. Đền thời Nguyễn được xây dựng với quy mô nhỏ. Ngoài thờ Bàn Thạch Thiên Nhẫn, đền còn thời thêm Tam Tòa Thánh Mẫu Liễu Hạnh Công Chúa, một trong tứ bất tử trong văn hóa dân gian Việt Nam. Liễu Hạnh Công Chúa linh thiêng trở thành thành hoàng bảo trợ cho người dân làng Văn Giang. Bài vị bằng chữ Hán đặt tại đền có ghi: “Đương cảnh Thành hoàng Liễu Hạnh Thánh Mẫu, lịch triều sắc phong, kim triều gia phong trang ý dực bảo trung hưng xưng điện đăng trật thượng đẳng thần vị”.
Đến đời vua Nguyễn Phúc Chiêu, năm Thành Thái thứ 6 (1894), mới có sắc phong đầu tiên phong cho Thánh Mẫu Liễu Hạnh thờ ở đền Đức Mẹ với Mỹ Tự “Hoằng thi phổ độ anh linh tịnh chính diệu hóa trang trưng dực bảo trung hưng thượng đẳng thần”. Rồi liên tiếp sau đó, đời vua Nguyễn Phúc Vĩnh San, năm Duy Tân thứ 3 (1907) và đời vua Nguyễn Hoằng Tông, năm Khải Định thứ 9 (1924) đều có sắc phong thần cho Liễu Hạnh Công Chúa.
Trong dân gian, Liễu Hạnh có nhiều tên khác nhau như: Bà chúa Liễu, Mẫu Liễu, Liễu Hạnh Công Chúa. Thần tích về bà chúa Liễu thì có nhiều, mang màu sắc huyền thoại hư thực, ngoài sự đại đồng còn có nhiều dị biệt. Một thần tích gần gũi mang tính hiện thực, địa phương nhất kể về Liễu Hạnh Công Chúa. Đó là gia đình ông Lê Thái, người Thanh Hóa, dòng dõi vua Lê Thái Tổ, có hai người con, một trai và một gái. Người con trai chăm chỉ học hành, học giỏi, đỗ đạt cao, ra Quốc Tử Giám ăn học. Người con giá tên là Giáng Tiên vì được sinh hạ vào ngày tiên đế giáng sinh không thể với gia đình quá 21 tuổi. Lo cho số phận của con, ông bèn đưa con đến nhà ông Trần Công ở An Thái, Vụ Bản để xin làm con nuôi. Ông Trần Công đồng ý. Sống được một quảng thời gian, Giáng Tiên làm quen với người láng giềng tên là Đào Lang. Đêm đêm qua đàm đạo thơ văn mà trở nên thân thiết và yêu nhau. Rồi hai người thành vợ thành chồng, có con, hình thành nên một gia đình yên ấm. Hàng ngày, Đào Lang chăm lo đèn sách để ra Thăng Long đi thi làm quan, còn Giáng Tiên thì đảm đang vun vén sáng tối chăm sóc chồng. Đến kỳ thi, nàng theo chồng ra kinh đô đi thi. Bị cuốn hút bởi chốn phồn hoa đô hội, Đào Lang suốt ngày lêu lổng, không chịu học hành. Nàng lấy làm buồn chán, bỏ mặc chồng con du sơn, du thủy. Nàng tìm đến những nơi phong cảnh đẹp để hưởng chút thảnh thơi. Nhờ có tài thơ văn nên nàng gặp được nhiều tao nhân mặc khách. Một lần, qua Truông Gió, trên dãy núi Hồng Lĩnh, nàng gặp một thư sinh tên là Nguyễn Phán mồ côi cha mẹ, nhà rất nghèo nhưng ngày đêm mệt mài kinh sử. Qua trao đổi văn chương, hai người đã làm quen rồi lấy nhau, không cần người mối lái. Nàng giúp chàng chuyên cần vào việc đèn sách, chẳng lo gì đến chuyện sinh nhai. Thế rồi, nhà vua mở khoa thi, Nguyễn Phán đi thi và đỗ đại khoa, được bổ vào Hàn Lâm Viện. Giáng Tiên sinh được cho nàng hai người con là Nguyễn Cả và Nguyễn Hai. Người chồng ấy quê Kẻ Sóc (nay là xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc). Tình duyên của họ chẳng được bao lâu thì Giáng Tiên đột ngột qua đời. Người chồng đau xót. Chàng chẳng nghĩ đến chuyện tục huyền, đến chuyện cửa công. Thế là Nguyễn Phán cáo quan về nuôi dạy hai con, vui cảnh điền viên. Nguyễn Cả và Nguyễn Hai lớn lên đều tài giỏi, văn võ song toàn.
Dưới đời vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức (1470 – 1497), hai con của Giáng Tiên mới 16 - 17 tuổi vâng mệnh, phò vua đi chinh phạt Chiêm Thành. Trong trận mạc, lập nhiều công lớn nên được phong làm đại tướng, thiêm tri phụ quốc công thần. Khi mất, được lập đền thờ, gọi là đền Đệ Nhị Đại Vương dưới chân núi Thường Lạc thuộc xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc. [1]
Một thần tích khác về Liễu Hạnh nhuốm màu sắc huyền thoại. Đó là về gia đình Lê Thái ở đất Vụ Bản (Nam Định) vào thời Hữu Mạt (1557), vợ chồng đã ngoài 40 mà không có con. Một hôm, trong khi mơ, ông Lê Thái dự tiệc ở chống thiên đình thấy tiên chủ Quỳnh Nương đánh rơi làm vỡ chén ngọc và bị trừng phạt, đày xuống hạ giới. Tĩnh dậy, ông thấy vợ mình sinh hạ ra một người con gái đặt tên là Giáng Tiên. Lớn lên, Giáng Tiên giỏi văn chương, thơ phú kết bạn rồi lấy Đào Lang, con nuôi của một vị quan cùng làng. Hết 3 năm nàng lại bay về trời.
Vì nặng duyên với hạ giới, một lần nữa, nàng xin Ngọc Hoàng cho nàng được ra đi. Lần này với danh hiệu là Liễu Hanh Công Chúa. Nàng cùng Thị Nương và Quế Nương hiển hiện cư ngụ tại miền Phố Cát (Thanh Hóa). Tại đây, nàng đã cứu khổ, cứu nạn giúp đỡ nhân dân thoát khỏi nhiều tai ương. Dân chúng biết ơn, lập một ngôi đền thờ, gọi là đền thờ Công chúa Liễu Hạnh.
Vào cuối thời Lê, có một vị lão quan nằm mơ thấy Công chúa Liễu Hạnh đi cùng 2000 cung nữ, cờ lọng rập rờn mang đến cho ông chiếu sắc của Ngọc Hoàng. Trong giấc mơ, ông thấy Công chúa Liễu Hạnh lên xe mây và thấy vô số nhạc công đi theo.
Trong thời gian ở Thanh Hóa, công chúa giao du khắp nước Việt. Đến Lạng Sơn, Tây Hồ - Hà Nội giả dạng cô hàng nước đàm đạo thơ văn với Phùng Khắc Khoan.
Sau khi Công chúa Liễu Hạnh về trời, hai cô Quế Nương và Thị Nương đứng ra làm trung gian cho nhân dân cầu xin nàng. Nhân dân tin tưởng lập đền thờ ở Phủ Giày – Nam Định.
Hiện nay, chưa thấy thần tích về Công chúa Liễu Hạnh ở đền Đức Mẹ. Nhưng theo các thần tích ở trên cho thấy việc Công chúa Liễu Hạnh được thờ ở đây thể hiện nhu cầu tín ngưỡng của người dân miền núi xã An Hòa Thịnh – Hương Sơn. Việc du nhập tín ngưỡng này xuất phát từ người dân ở vùng đồng bằng miền hạ du lên khai khẩn ở vùng đất mới sinh cơ lập nghiệp. Họ mang cả phong tục, tập quán, tín ngưỡng thờ mẫu trong những chuyến di dân.
Về lễ hội, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, hàng năm cứ đến ngày 03/3 âm lịch, lễ hội đền Đức Mẹ được cả hai làng Văn Giang và Thịnh Xá tổ chức. Lễ bắt đầu từ giời Dần. Vật tế là hoa quả và thực nhục. Làng chọn những ông có đạo đức tốt, con cháu hiếu thảo nhất trong làng làm chủ tế. Sau phần lễ đến phần hội. Hội có hát bội, hát ví, thi bơi thuyền trên sông Ngàn Phố...tạo bầu không khí sinh hoạt văn hóa tinh thần đậm đà bản sắc dân tộc, thắt chặt tình đoàn kết cộng đồng làng xã.
Đền Đức Mẹ dựa lưng vào dãy Thiên Nhẫn “như muôn ngựa phi”, phía trước và bên hữu nhìn xuống đồng ruộng bao la, phía tả là con sông Ngàn Phố uốn lượn bao quanh. Đền ngoảnh về hướng Nam chếch Tây, tọa lạc trong khuôn viên rộng thoáng, bao gồm các đơn nguyên kiến trúc: miếu trình, cổng, nhà đón tiếp, hạ điện, bàn thờ ngoài trời, miếu cô, miếu cậu, cung thượng và thượng điện.
Miếu trình nằm phía trước di tích. Đây là một đơn nguyên kiến trúc dựa lưng vào vách núi với quy mô khiêm tốn, diện tích mặt bằng gần 4,9m2, cao 2,9m có tường bao quanh cao 2,2m, mặt trước trổ cửa rộng 0,9m, cao 1,5m, được ốp gạch sứ tráng men. Hai bên tả, hữu trổ cửa nách đồng kích thước cao 1,50m, rộng 0,50m, tạo sự thong thoáng cho miếu. Hệ mái có kết cấu xà gồ và cầu phong bằng gỗ, bên trên lợp ngói máy. Phía trong miếu đặt đồ tế khí.
Quá miếu trình, muốn đến cổng đền phải đi qua bậc tam cấp. Cổng bao gồm trụ nanh, phù điêu tướng canh và tường dắc. Trụ nanh hình trụ vuông cao 2,65m, chia làm hai bộ phận: đế và thân. Đế cao 0,50m, tiết diện lớn hơn thân. Thân tiết diện 0,50m x 0,50m, rìa được đắp chỉ nổi, trên bề mặt trước trụ nanh đắp nổi đôi câu đối bằng chứ Hán:
Phiên âm:
Đồng nhân vu môn cát
Hà thiên chi cù hanh
Tạm dịch:
Tiên giáng vào cửa này rất tốt
Trời đâu chính là đường lối
Qua cổng đến nhà đón tiếp. Đây là công trình cấu tạo đơn giản 3 gian, 4 vì, diện tích mặt bằng khoảng 31m2, cao 4m. Các gian diện tích bằng nhau. Bộ vì kết cấu kiểu vì kẻ, một vì nóc, không có vì nách. Vì nóc hình một tam giác cân, được giới hạn bởi 2 kẻ, chạy dọc theo hệ mái, gặp nhau ở thượng ốc, một đầu khác kéo xuống gặp 2 cột và câu đầu. Trên câu đầu đặt một thanh gỗ chống lấy thượng ốc. Đây là kiểu kết cấu có niên đại muộn, từ thời Nguyễn về sau này. Các hiên có bẩy hiên, một đầu ăn mộng vào cột, tỳ lực vào câu đầu, một đầu vươn ra xa đỡ lấy hệ mái. Mỗi bộ vì chỉ có 2 cột, cao 2,85m, đường kính 0,18m. Hệ mái nhà đón tiếp được cấu tạo bởi thượng lương, hoành, rui, mèn. Hoành và thượng lương được đặt lên các kẻ của bộ vì theo chiều dọc ngôi nhà. Rui lại được đặt cách nhau 0,18m, vuông góc với hoành. Trên rui đặt mèn. Trên mèn đặt ngói mũi.
Hạ điện là ngôi nhà tứ trụ bằng gỗ mít, diện tích mặt bằng 75m2, chia thành 5 gian. Bộ vì kết cấu phức tạp hơn nhà đón tiếp với vì nóc giá chiêng, vì nách kẻ ngồi. Vì nóc là hình một tam giác cân được giới hạn bởi hệ mái và câu đầu, trên đỉnh vì là thượng lương. Xà được kê bởi một đấu vuông hình thuyền. Đấu lại tì lên con rường ngắn, mập khỏe (thường được gọi là rường bụng lợn). Hai đầu rường gối lên hai cột trốn, hai cột trốn đứng lên câu đầu qua một cái đấu. Vì nách là một tam giác vuông có cạnh huyền là hệ mái và hai cạnh góc vuông là hạ. Cột cái đường kính 0,26m. Vì nách với kẻ ngồi là than cây uốn cong lên phía trên, một đầu ăn mộng vào cột cái (hoặc cột trốn), một đầu ăn mộng vào hạ. Bẩy hiên, một đầu ăn mộng vào cột quân, tỳ lực vào hạ, một đầu vươn ra xa đỡ lấy hoành, góp phần chịu lực cho mái. Các xà dọc liên kết các bộ vì với nhau tạo thành không gian ba chiều cho công trình. Bố trí nội thất là bàn thờ sở quy y và hòn đá thiêng. Bên trong ban thờ đặt đồ tế khí như lư hương, bình hoa…
Bàn thờ ngoài trời nằm giữa hạ điện và thượng điện, hình chữ nhật, được xây bằng gạch, bề mặt lát gạch sứ tráng men màu huyết dụ, cao 0,90m bao gồm một cái nhỏ và hai cái lớn.
Miếu cô, miếu cậu đều đồng kích thước, bệ cao 0,90m, được xây bằng gạch, nằm đối diện với nhau qua bàn thờ ngoài trời. Phía sau có bành, phía trên được trang trí lưỡng long triều nguyệt. Ở giữa ban thờ có mái che. Bên trong đặt tượng cô, tượng cậu và các đồ tế khí khác.
Cung thượng là nơi thờ địa mẫu, được xây bằng gạch, cao 3,30m, diện tích mặt bằng hơn 1,95m2. Mái được chia thành 2 tầng 8 mái. Chính giữa và hai bên trổ cửa. Bên trong đặt đồ tế khí.
Thượng điện là ngôi nhà xây bít đốc hai đầu, cao 3,80m, diện tích mặt bằng gần 22m2, chia làm 3 gian. Nhà được trổ cửa vòm. Gian giữa cao 2,20m, rộng 1,60m. Hai cửa còn lại cao 2,20m, rộng 1,15m2. Phía trên cửa chính đắp nổi họa tiết lưỡng long triều nguyệt theo phong cách thời Nguyễn, xung quanh ghi 3 đôi câu đối:
Đôi thứ nhất:
Phiên âm:
Khôn thổ dị năng tải
Diệu vật chi vi ngôn
Tạm dịch
Đất không (đất tây nam) có thể dừng chân
Vật thiên để thay lời giải
Đôi thứ 2:
Phiên âm:
Dương dương như tại tại thanh tùng bạch thạch chi gian
Đàng đàng nan danh bích lạc đan hà thậm xứ
Tạm dịch:
Lồng lộng khó kêu tên tại xứ song son dòng biếc
Nhơn nhơn như ở đó kìa nơi đá trắng tùng xanh
Đôi thứ 3:
Phiên âm:
Phong xa vũ giá vân hà lộ
Tuyết điện yên đài nhật nguyệt giang
Tạm dịch:
Dạo gót chốn yên hà có xe mây và vọng thủy
Dừng chân vòng nhật nguyệt khi điện tuyết, lúc yên đài
Bố trí nội thất thượng điện tập trung ở gian giữa. Gian giữa xây bệ thờ. Trên bệ thờ đặt Tam Tòa Thánh Mẫu và các đồ tế khí. Phía trên treo bức hoành phi “Đức vô lượng” (nghĩa là đức vô cùng). Hai bên ban thờ đặt đôi chim hạc bằng gỗ.
Tài liệu tham khảo:
Từ điển Hà Tĩnh, Bùi Thiết chủ biên, Sở Văn hóa – Thông tin Hà Tĩnh, năm 2000. Hồ sơ di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Củi, lưu tại Bảo tàng Hà Tĩnh. Truyện truyền thuyết Thánh mẫu Liễu Hạnh, Internet. Văn hóa làng xã Việt Nam trong lịch sử, Nxb Chính trị quốc gia. Cơ sở văn hóa Việt Nam, Trần Ngọc Thêm chủ biên, Nxb Giáo dục, năm 1999. Kiến trúc Việt Nam qua các triều đại, Nguyễn Đình Toàn chủ biên, Nxb Xây dựng.
Chú thích:
[1] Theo Hồ sơ di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Củi lưu tại Bảo tàng Hà Tĩnh.