Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2020, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021, để Luật phát huy tối đa vai trò, tạo ra cơ chế giải quyết hiệu quả và nhân văn thì cần đến sự nỗ lực và trách nhiệm cao của mọi chủ thể có liên quan.
Trên cơ sở các quy định của pháp luật, nhiều năm qua hoạt động hoà giải, đối thoại trong tố tụng, ngoài tố tụng đã thu được kết quả đáng kể. Theo thống kê của Toà án nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan, hoà giải trong tố tụng đạt trung bình hàng năm khoảng 50,6% tổng số các vụ việc; hoà giải, đối thoại ngoài tố tụng đạt khoảng 80,06%. Kết quả này có ý nghĩa lớn trong việc giải quyết các xung đột trong nhân dân, chấm dứt quá trình tố tụng, tiết kiệm thời gian, kinh phí của đương sự và Nhà nước, góp phần bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở.
Đặc biệt, hoạt động triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hoà giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thu được những thành công nhất định. Các Trung tâm Hoà giải, đối thoại tại Toà án của 16 tỉnh, thành phố đã hoà giải thành, đối thoại thành được 36.985/47.493 vụ việc (đạt tỉ lệ 78,08%).Đối với những vụ việc hoà giải, đối thoại không thành, qua quá trình giải quyết tại Trung tâm, các Hoà giải viên đã giải thích các quy định của pháp luật, từ đó giúp họ có nhận thức đúng đắn hơn về vụ việc tranh chấp, khiếu kiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết sau này của Toà án.
Kết quả thí điểm nêu trên đã được cấp uỷ, chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá là mô hình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giải quyết hiệu quả những mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong đời sống xã hội, phù hợp với xu hướng giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp thay thế xét xử của nhiều quốc gia trên thế giới. Có thể nói, kết quả thí điểm đã khẳng định những giá trị mà phương thức giải quyết tranh chấp này mang lại.
Theo Luật, hoạt động hòa giải, đối thoại được tiến hành bởi đội ngũ Hòa giải viên giàu năng lực và kinh nghiệm do Tòa án tuyển chọn, bổ nhiệm và chỉ định để hỗ trợ các bên tranh chấp, khiếu kiện tự thỏa thuận, thống nhất việc giải quyết tranh chấp, khiếu kiện. Hòa giải, đối thoại theo Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án được tách biệt với quy trình tố tụng để phát huy tính linh hoạt, mềm dẻo và nhanh gọn về thủ tục.
Có thể nói, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án ra đời trên cơ sở văn hóa trọng tình truyền thống của người Việt và tiếp thu văn minh nhân loại, là cơ chế điển hình, với mục tiêu cao nhất là tạo điều kiện tối đa cho các bên thực hiện quyền tự quyết trong giải quyết tranh chấp, khiếu kiện.
Do đó, để Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án mang lại lợi ích và giá trị lớn cho người dân và xã hội, cần thu hút nguồn nhân lực có chất lượng, kinh nghiệm trong xã hội như Thẩm phán, Kiểm sát viên, những người giữ chức danh tư pháp khác đã nghỉ hưu, Luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác… tham gia công tác hoà giải, đối thoại; không thuộc biên chế Nhà nước có trình độ, năng lực, kinh nghiệm, kỹ năng, phẩm chất đạo đức đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của hoạt động hoà giải, đối thoại tại Toà án, huy động được cơ sở vật chất và nguồn nhân lực sẵn có tại Toà án.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, trao đổi nghiệp vụ, kỹ năng hoà giải, đối thoại cần tiếp tục được chú trọng như xây dựng giáo trình riêng về hoà giải, đối thoại tại Toà án để sử dụng trong hoạt động đào tạo luật và đào tạo các chức danh tư pháp tại các cơ sở đào tạo. Ngoài ra, phải đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin cho hoạt động hoà giải, đối thoại: bố trí phòng làm việc, trang thiết bị, phương tiện làm việc cần thiết phù hợp với yêu cầu của công tác hoà giải, đối thoại tại Toà án; trang bị và sử dụng thiết bị kết nối trực tuyến để phục vụ cho hoạt động hoà giải, đối thoại…
TH.