Vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ song hành mà chính quyền các cấp ở huyện miền núi Hương Sơn (Hà Tĩnh) đang nỗ lực phấn đấu để quyết tâm "cán đích" vào cuối năm 2021.
Chung sức, đồng lòng đến đích trọn vẹn
Cho đến nay, sau thời gian thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, huyện Hương Sơn về cơ bản đã gần hoàn thiện đối với tất cả các tiêu chí. Để có thành quả như hôm nay đều nhờ vào sự chung sức, đồng lòng của nhân dân trên địa bàn và cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc.
Đầu tiên phải kể tới sự vào cuộc của các tổ chức chính trị, xã hội với những việc làm thiết thực là một yếu tố không thể thiếu trên hành trình đạt đến đích trọn vẹn. Cho đến nay, toàn huyện có 23/23 xã đạt chuẩn NTM; 02 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (Sơn Trường, Sơn Kim 2). Với quan điểm NTM có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc vì thế đây là quá trình không ngưng nghỉ trong suốt cả hành trình. Do đó, tinh thần đoàn kết, tương trợ đòi hỏi luôn túc trực sẵn trong mỗi người dân và cán bộ.
Phát huy tinh thần “Dân ta nhớ một chữ đồng: Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh” nhờ đó phong trào ngày một lan tỏa tích cực từ thôn xóm đến xã, huyện,… Người người, nhà nhà cùng thay đổi bộ mặt nông thôn ngày một khang trang, sạch sẽ. Chính tinh thần đó đã có tác động rất rõ đến ý thức của mỗi người dân và đã làm thay đổi suy nghĩ, tránh tư tưởng “trông chờ ỷ lại” theo lối “cha chung không ai khóc” mà phải “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” cùng nhau hy sinh một chút, cống hiến một chút để công cuộc toàn dân chung tay xây dựng NTM đạt đến đích về mọi mặt.
Hương Sơn vốn là huyện thuần nông, xuất phát điểm thấp, đời sống nhân dân còn gặp khó khăn; khối lượng công việc phải thực hiện nhiều, lượng kinh phí đầu tư lớn. Trong khi đó, ngân sách Nhà nước đầu tư trực tiếp cho chương trình còn hạn chế. Vì thế, để đạt tới đích theo đúng lộ trình đề ra thì việc phát huy nội lực của nhân dân đã được thực hiện rất tốt từ đóng góp sức người, sức của và tinh thần “vì cái chung cộng đồng”. Với bản tính cần cù, chịu khó và sáng tạo trong sản xuất nên toàn huyện với con số 64.229 người tham gia hoạt động kinh tế sẽ mang đến một lợi thế rất lớn cho việc phát triển kinh tế, tạo nên những giá trị trong sản xuất nông – lâm – công nghiệp.
Để các xã trong toàn huyện hoàn thiện mọi tiêu chí còn dở dang và tiếp tục nâng cao các tiêu chí đã đạt thì cùng với các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh, hằng năm, Hội đồng nhân dân huyện còn ban hành đồng bộ các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp nhằm huy động các nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Chương trình Mỗi xã một sản phẩm được quan tâm chỉ đạo triển khai đồng bộ từ Trung ương, tỉnh đến huyện từng bước phát huy thế mạnh và nâng cao giá trị các sản phẩm lợi thế địa phương.
Lấy kinh tế tạo đà phát huy nội lực
Hương Sơn có tiềm năng thế mạnh về phát triển nông nghiệp; toàn huyện có trên 1.570,84ha đất đồi núi chưa sử dụng nên có nhiều khả năng mở rộng diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả và cây lâm nghiệp. Huyện có nhiều vùng sinh thái nông nghiệp đa dạng thích nghi với nhiều cây trồng, vật nuôi sẽ tạo đà phát triển ngành Nông nghiệp phát triển nhanh hơn và bền vững.
Nhờ có diện tích đất đồi lớn nên việc phát triển kinh tế vườn đồi là lợi thế rất lớn mà Hương Sơn có được. Chính thế mạnh đó nên việc xây dựng kinh tế mô hình có nhiều yếu tố thuận lợi, đến nay toàn huyện phát triển được 2.542 mô hình, trong đó: 148 mô hình lớn, 227 mô hình vừa, 2.167 mô hình nhỏ. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 40 triệu đồng.
Song song với việc phát triển kinh tế mô hình thì việc tạo đà sản xuất trong vấn đề liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là yếu tố không thể thiếu nhằm tạo nên một quy trình sản xuất liên hoàn. Hiện tại, toàn huyện có có 185 mô hình liên kết sản xuất kinh doanh đảm bảo bền vững, trong đó: 25 mô hình liên kết chăn nuôi lợn thương phẩm với Công ty Cổ phần CP Việt Nam và Công ty Goldenstar, Công ty CP Mitraco Hà Tĩnh, có quy mô từ 500 - 1.500 con/lứa/mô hình; 3 mô hình chăn nuôi lợn nái, quy mô từ 300 con - 650 con nái liên kết với Công ty Goldenstar, Tổng công ty khoáng sản thương mại Hà Tĩnh; 61 mô hình nuôi hươu quy mô từ 20 con - trên 100 con liên kết với Công ty cổ phần Nông nghiệp Hương Sơn, công ty cổ phần Sơn An, DNTN Thuận Hà, HTX nhung hươu, hươu giống Sơn Lâm; 3 mô hình gà, quy mô trên 5.000 con liên kết với công ty Zafa; 65 mô hình cam, quy mô mỗi mô hình trên 5ha liên kết với Công ty Cổ phần Nông nghiệp Hương Sơn, HTX cam bù Trường Mai, HTX dịch vụ NN Sơn Hàm; 9 mô hình chè, quy mô mỗi mô hình trên 3ha liên kết với Xí nghiệp Chè Tây Sơn, Tổng đội thanh niên xung phong, HTX bảo vệ rừng và trồng rừng, trồng chè công nghiệp Sơn Tây…
Cùng với việc sản xuất trực tiếp xuất ra thị trường việc người dân áp dụng các quy trình sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn VietGAP, HACCP, GMP cũng rất được chú trọng, cụ thể như: Cam VietGAP: 478ha, Chè VietGAP 325ha… Hiện tại, đây là những loại cây trồng chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân trên địa bàn. Sự chăm chú cả về chất lượng và tính thẩm mĩ, đảm bảo quy trình nghiêm ngặt về an toàn trong sản xuất mà đến nay toàn huyện có 33 sản phẩm đạt OCOP, đứng đầu toàn tỉnh, trong đó có 1 sản phẩm OCOP 4 sao, 32 sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Có 10 cơ sở OCOP có ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
"Tập trung xây dựng mô hình kinh tế vườn đồi vốn là thế mạnh của Hương Sơn, trong đó lấy phát triển cây cam, chè và nuôi hươu là trọng điểm. Để các sản phẩm bà con làm ra đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng, trên cơ sở định hướng và thông qua các buổi tập huấn của các ngành chuyên môn, huyện chủ trương tập trung phát triển về chất lượng các loại cây, con là chủ yếu. Vừa nâng cao chất lượng của sản phẩm vừa chú trọng mẫu mã hình thức nhằm tăng tính thẩm mĩ để sản phẩm đến tay người dùng được ưa chuộng và có thêm cơ hội vươn ra thị trường mới", ông Bùi Nhân Sâm - Bí thư huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Hương Sơn cho biết./.