Dòng Ngàn phố trong xanh bốn mùa âm thâm chở nặng phù sa từ dãy Trường Sơn xuôi về bến Tam Soa bồi đắp bao bãi bồi ven sông, tưới tắm bao làng quê trên các vùng đất Đỗ Gia xưa, nay là huyện Hương Sơn và lưu giữ hai bên bờ sông Ngàn Phố những giá trị truyền thống, cốt cách văn hóa của một vùng quê rất đáng tự hào.

Một khúc sông Ngàn Phố

 

Từ thuở khai thiên lập địa người dân Hương Sơn đã gửi gắm một niềm tin, khát vọng về sự trường tồn và phát triển đối với mảnh đất này, từ đó họ đã chọn cho mình một ngọn núi cao nhất ở dãy Trường Sơn (cao 1.367m), nơi đầu nguồn con sông Ngàn Phố để đặt tên là núi Bà Mụ. Bà Mụ trong dân gian là bà đỡ đẻ mát tay, một người nghèo khổ luôn giúp đỡ các sản phụ đẻ khó được “mẹ tròn con vuông”. Chuyện Bà Mụ đỡ đẻ đã được nhân dân thêu dệt, thần thánh hóa để gửi gắm bao ước nguyện về sự sống. Không những Bà Mụ đỡ đẻ cho các thai phụ mà Bà Mụ còn đỡ đẻ cho “cọp cái” để có những chú cọp con ra đời khỏe mạnh sau khi có lời khẩn cầu của các “ông cọp” và sau này Long Vương ngoài biển biết tin Bà Mụ làm nghề đỡ đẻ mát tay nên đã thông đường từ rừng núi cao ra biển cả để rước Bà Mụ xuống thủy cung hành nghề đỡ đẻ. 

Đỉnh núi Bà Mụ

 

Ở cuối nguồn con sông Ngàn phố bên phía phải của dòng sông Phố, nơi tiếp giáp với sông Ngàn Sâu là đỉnh núi Mồng Gà gọi là Kê Quan Sơn - nơi ẩn mình của thôn Trại Đầu, làng Đôn Mỹ (nay là vùng đất Sơn Trà, Sơn Long) ở đó có vị quan đại thần Lê Hữu Dung được nhà vua phong tước Hầu gọi là Hầu Sại mà hiện nay tại khu Lăng mộ ở xứ Đồng Cồn, xã Sơn Long trước cổng lăng mộ của cụ có câu đối. “Xung thiên đối bút phong/Thị địa bồi nhân mạch”. Đây là bút tích của Lê Hữu Dung mong muốn các thế hệ người dân ở đây phải vun đắp cho vùng đất này trở thành nơi hình thành, nuôi dưỡng, bồi đắp nên nhân tài. “Xung thiên đối bút phong” là các bậc đại phu, trí thức uyên bác được bồi đắp thành những NHÂN CÁCH có dũng khí XUNG lên TRỜI CAO để lập nên SỰ NGHIỆP lớn, chấn đọng đất trời.

Nghĩa khí “Xung thiên đối bút phong” của người dân Hương Sơn được sánh  với nhà đại trí thức Hán học Nguyễn Văn Siêu (Sống vào thế kỉ 19) khi ông đã để lại 3 chữ Hán: “Tả Thanh Thiên” (Viết lên trời xanh) ở đền Ngọc Sơn. Tương tự như cách nói của Nguyễn Công Trứ: “Đã mang tiếng sống trong trời đất, phải có danh gì với núi sông”. Hoặc Phan Bội Châu đã nói: “Làm trai phải lạ ở trên đời, chớ để càn khôn tự chuyển vần”.

Bên kia sông Ngàn Phố có ngôi đền Bạch Vân nơi lưu giữ truyền thống học hành khoa cử của người dân Hương Sơn có câu chuyện về ông tổ họ Đinh, chuyện kể rằng: “Một hôm ông đang nằm ngủ thấy mình đang cày trên ruộng ở xứ đồng Lầy bỗng thấy một bà lão tươi cười đến hỏi: Sao ngài Ngự sử không về lo việc bút nghiên mà lại đi cày thế này, vì ngài sẽ đậu đại khoa làm quan đầu triều lo việc nước. Nói xong bà biến mất, sau khi tỉnh giấc ông đã kể lại câu chuyện đó cho mẹ nghe. Bà cụ hết sức mừng rỡ bèn sắm sửa đèn sách, bút nghiên cho con đi học. Ít lâu sau ông đã gặp được người bạn để dùi mài kinh sử chăm lo học hành. Đến khoa Canh Tuất đời Lê Huyền Tông 1670 ông đậu tiến sỹ và được phong làm Đô Ngự Sử”. Qua câu chuyện này đã thể hiện về sự khát vọng của người dân Hương Sơn dù khó khăn, cực khổ đến đâu cũng quyết tâm học hành để có tri thức vươn lên tầm trí tuệ trong cuộc sống.

Bãi bồi trên sông ngàn phố

 

Hương Sơn cũng như bao làng quê khác đều có các luật tục, thói quen của từng nơi, từng vùng trong ứng xử văn hóa và lề lối làm ăn khác nhau mà mọi người đều nói với nhau rằng: “đất có lề, quê có thói”. Mỗi khi nói đến mảnh đất Hương Sơn là người ta biết đến những làng quê nổi tiếng như: Yên Ấp, Dương Trai, Hữu Bằng, Xa Lang, Long Ốc, Thịnh Xá… Mặc dù trải qua những giai đoạn lịch sử có sự thay đổi về địa lý và tên gọi nhưng những lề thói, tập tục thì vẫn được giữ lại những nét riêng của từng địa phương. Phố là một phần của đất Phố Dương thuộc đời Tấn Vũ Đế xưa kia, sau phân đôi thành Phố Châu và Phúc Dương. Nơi đây  ngày xưa cả vùng chỉ có chợ Phố là to nhất, hai ngày họp một phiên. Cảnh buôn bán tấp nập, nhiều hàng đặc sản miền quê. Đặc biệt là chè xanh, cau, trầu, mít, cam, bưởi, cá tươi đánh bắt từ sông Ngàn Phố. Thuyền, đò buôn từ vùng xuôi như chợ Bè, chợ Choi, chợ Thượng ở Đức thọ đều lên mua hàng về bán. Đò chợ còn đem hàng lên cả chợ Hà Tân và miền ngược, buôn bán tấp nập cảnh trên bến dưới thuyền rất đông vui. Phố Châu còn có xưởng đóng thuyền quy tụ thợ vùng chợ Thượng lên đây lập nghiệp. Đây là vùng quê giao thương buôn bán sầm uất nhất của vùng Hương Sơn: Dưới đò trên chợ vui thay/Đâu đâu cũng đến đất này bán buôn.

            Xuôi làng Thịnh Xá ở ven sông Ngàn Phố có chợ Bè đông đúc, nổi tiếng với nghề làm guốc mộc, dệt vải đan lát (rổ rá, cạu, thúng, mủng, nong, nia, dần, sàng, bu gà, rọ lợn, nơm, oi, cót, bồ đựng thóc lúa... còn có cả thợ đan mai thuyền) gần chợ bè có chợ Gôi ở Sơn Hòa là trung tâm buôn bán của vùng hạ huyện nổi tiếng với phiên chợ trâu vào ngày 20 tháng chạp hàng năm. Tại phiên chợ này người khắp nơi dắt trâu về đây bán. Người thì mua trâu về để vỗ béo, cày cấy, người thì mua trâu, bò mổ thịt, tiệc tùng. Đây cũng chính là nơi khởi thủy của nghề  nấu kẹo Cu Đơ nổi tiếng.

Nghề đan lát của làng Thịnh Xá

 

          Đối diện Sơn Thịnh bên kia sông là vùng đất Tân Mỹ Hà nằm ở cuối sông Ngàn Phố, bên kia sông là núi kéo dài đến Thành Lục Niên vùng đất này nổi tiếng về nghề làm mộc của đất Xa Lang. Ngược lên vùng sông Ngàn Sâu là vùng đất đất Kẻ Tàng, Kẻ Ác. Vùng đất này xưa giàu có, nhiều nghề phụ. Cuộc sống cư dân nơi khá thảnh thơi: Kẻ Tàng lắm thầy, lắm cô/Quần là, áo lượt cũng tày các quan/Các cô mấn (váy) lụa quét đàng/Các thầy mạo (Mũ) trắng, giày vàng rong chơi. Đây cũng là vùng đất học. Các dòng họ Thái, họ Lê, họ Nguyễn, họ Phạm đã đóng góp nhiểu nhân tài cho đất nước, và ở đây cũng đã tạo nên một nét văn hóa đặc sắc của một miền quê sông nước.

          Khác với các làng quê truyền thống, có một số vùng quê được di dân lên vùng rừng núi trong qua trình phát triển dân cư, điển hình là các xã ở vùng ven rừng sâu. Cuộc sống ở các vùng quê này có một thời người dân chủ yếu dựa vào việc săn bắt, khai thác tài nguyên rừng núi để phục vụ cuộc sống hàng ngày nên đã hình thành lối sống tự cung tự cấp. Đến nay còn lưu truyền những câu ca dao như: “Lấy chồng thì lấy Kẻ De/Cơm cày, cá đó, nước khe, củi rừng. Hay có câu: Tình Di treo hái, treo mồm/ Em về làng Phố tạo cồn trồng khoai. Hay là: Ăn trù nhớ ménh cau khô/Vác dao ra ngõ, nhớ củi khô trong rừng; Thuyền than lại độ bến than/ Chộ enh đốn củi muôn vàn em thương; Dì thương thì đội ơn gì/ Enh không vô rú, lấy gì nuôi thân.

Ngày nay trong phong trào xây dựng nông thôn mới thì tư tưởng trong chờ, ỷ lại, thói quen tự cung, tự cấp này đã ngày càng được thay đổi.

            Do đặc điểm địa của vùng đất này có lý hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt nên đã tôi luyện con người nơi đây có khí phách rắn rõi, ngang tàng không dễ khuất phục nhưng lại rất dễ hợp quần. Trong lịch sử, trên mảnh đất này đã có 2 cuộc tụ nghĩa lớn của nghĩa quân Nguyễn Tuấn Thiện và Lê lợi trong cuộc khởi nghĩa do Lê Lợi lãnh đạo chống giặc Minh ở thế kỷ XV và cuộc khởi nghĩa của Cao Thắng và phong trào Cần Vương do Phan Đình phùng lãnh đạo ở thế kỷ XIX. Và cũng xuất phát từ khí phách ngang tàng nên con người Hương Sơn đã rất “Dám nghĩ, dám làm” họ đã biết bắt hươu rừng về nuôi thuần dưỡng thành hươu nhà để đến hôm nay đã trở thành vật nuôi chủ lực cho thu nhập cao. 

            Con người Hương Sơn rất cần cù, sáng tạo và tinh tế trong cuộc sống. Về “Văn hóa ẩm thực” thì đây là một vùng quê rất nổi trội. Ngày nay, đi khắp mọi miền đất nước đâu đâu của có biển hiệu “Dê thui Hương Sơn” nhưng con em xa quê hay du khách thập phương chỉ được thưởng thức thịt dê ngon miệng nhất chỉ có ở chính trên mảnh đất Hương Sơn. Để có được món thịt dê ngon thì phải rất cẩn thận, tinh tế, tỷ mỉ và rất “nghệ thuật” trong cách phục vụ khách hàng. Chọn dê là loại dê non trên dưới một tuổi, cách thức chế biến hết sức công phu, phải khử mùi khét, mùi hôi cỏ của dê. Khi thui hoặc quay dê thì phải cho các loại lá như: cúc tần, hương nhu, lá bưởi, sả, gừng vào bụng, khâu lại thật kỹ (hai lớp) để giữ nước. Khi quay đốt lửa bằng nứa, quạt đều bằng tay để thịt chín đều, các gia vị sẽ ngấm vào thịt tạo nên mùi thơm quyến rủ, lớp da ngoài vàng rộm, giòn, không bị nứt da để khỏi mất nước, thịt dê có màu hơi đỏ, thơm, ngọt, ăn thịt dê khi còn nóng, vừa ăn, vừa thổi. Thịt dê chấm với tương bần kèm các loại lá như: đinh lăng, lá sắn, lá sung, khế, lá lọc mui, chuối xanh, xoài cùng bánh đúc, bánh gói, bánh mướt, bún...

Dê thui Hương Sơn

 

Cu Đơ Hương Sơn cũng là món đặc sản mang hương vị riêng biệt được người dân chế biến rất kỳ công. Để nấu kẹo Cu Đơ việc đầu tiên là lựa chọn lạc, mật mía và các gia vị như chanh, gừng. Lạc phải chọn loại giàu chất dầu, hạt mẩy bóng, loại bỏ hạt lép, hạt có màu thâm tím; mật mía phải vàng ống có vị ngọt thanh, để quanh năm không bị bồi. Dụng cụ nấu kẹo là nồi gang, đun củi, khi nồi đã nóng đổ mật mía vào chảo, sau khi đun mật sôi chảy bỏ thêm một số phụ gia như gừng, vỏ chanh. Lạc được bỏ vào chảo khi mật đang sôi, người nấu kẹo phải khuấy đều tay đến khi mọi thứ đã vừa độ thì bắt đầu múc kẹo lạc đổ vào bánh tráng hình tròn đã được chuẩn bị sẵn. Cu Đơ đạt chuẩn là phải dẻo, thơm, có vị ngọt mát của mật, thơm giòn béo ngậy của lạc, cay cay của gừng, hương thơm nồng nàn của võ chanh. Khi thưởng thức Cu Đơ thì không thể thiếu được đó là đọi nước chè xanh (Ba chò). Chò chát, chò đặc, chò thơm. Chè được cắt trền đồi núi (doi nắng), lựa chọn kỹ, loại bỏ lá sâu, già, rửa sạch, hãm trong ấm thơm phức. Những đêm hè trăng thanh gió mát ngồi ngoài hiên nhà, ngắm trăng, hưởng từng cơn gió thổi từ sông Ngàn Phố về mát rượi, ăn miếng Cu Đơ, uống đọi chè xanh thì chuyện làng xóm biết khi nào mới hết.

Kẹo Cu Đơ với vị ngọt mát của mật mía, vị béo bùi của lạc, vị ấm nóng của gừng, vị thơm của vỏ chanh và cả vị chát ngọt, đậm hương đồi núi của chè xanh

                                                                       


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH HƯƠNG SƠN
    Thống kê: 9.024.988
    Trong năm: 986.325
    Trong tháng: 106.538
    Trong tuần: 30.501
    Trong ngày: 81
    Online: 114