Việc tiên phong đầu tư lắp đặt trạm giám sát nông nghiệp thông minh đã giúp vợ chồng anh Thái Vinh Quang (SN 1977, ở xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) tiết kiệm được chi phí, công sức trong chăm sóc cây cam, giúp cây tăng năng suất và đem đến chất lượng vượt trội.
Vườn cam rộng hơn 3 ha của gia đình anh Thái Vinh Quang ở thôn Tân Hoa (xã Kim Hoa) đang ở giai đoạn phát triển quả non. Những ngày nắng nóng cao điểm, vườn cam của gia đình anh vẫn xanh mướt, lúc lỉu quả chứ không còn bị cháy rám, khô héo do thiếu nước như trước. Bởi, toàn bộ diện tích cam đều đã được anh lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm tự động dưới gốc cây thông qua trạm giám sát nông nghiệp thông minh.
Nhờ được lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm tự động dưới gốc cây thông qua trạm giám sát nông nghiệp thông minh nên vườn cam rộng hơn 3 ha của gia đình anh Thái Vinh Quang luôn xanh mướt, trĩu quả.
Anh Quang cho biết, vợ chồng anh bắt tay vào trồng cam từ năm 2004. Mới đầu, gia đình trồng khoảng 1 ha cam bù, đến năm 2011 thì cây cam bù và cam chanh đã phủ kín toàn bộ hơn 3 ha đất của gia đình.
Tuy đầu tư chi phí cao cho trạm vận hành nhưng công nghệ mới này đã giúp 3 ha cam của gia đình anh Quang phát triển tốt theo xu hướng chuyển đổi số trong nông nghiệp hiện nay.
Quá trình sản xuất, do địa hình đồi núi nên công đoạn bón phân, tưới nước rất khó khăn. Hơn nữa, đặc thù thời tiết ở Hà Tĩnh thường gặp hạn hán vào mùa hè, trong khi cây ăn quả có múi cần nhất là nước nên việc tưới thủ công gần như chỉ để cứu cây không bị chết, còn việc gia tăng năng suất, chất lượng là rất khó khăn.
Tháng 6/2021, tiếp cận được chính sách của tỉnh trong việc hỗ trợ lắp đặt trạm giám sát nông nghiệp thông minh, gia đình anh Quang đã mạnh dạn đăng kí.
Hệ thống thiết bị vận hành giúp gia đình anh Quang đỡ tốn công lao động, tiết kiệm được rất lớn chi phí sản xuất.
Nói về kỹ thuật chăm cam mới, anh Quang cho biết: “Mô hình được hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới châm phân dinh dưỡng, đo độ pH, đo dinh dưỡng trong đất; dự báo thời tiết vùng; đo lượng gió, mưa; hệ thống cập nhật tự động tưới; hệ thống giám sát an ninh (2 camera, đèn cảnh báo, còi) và 1 trang website bán hàng, với tổng trị giá hơn 380 triệu đồng.
Ngoài ra, để cam phát triển tốt nhất, gia đình đã đầu tư thêm gần 100 triệu đồng để lắp đặt, mua sắm thêm hệ thống bồn chứa, máy bơm, đường ống dẫn nước; hệ thống điện; internet; nhà trạm”.
Cũng theo anh Quang, sau khi hoàn thiện hạ tầng, kỹ thuật, anh được đơn vị cung ứng công nghệ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật vận hành. Hệ thống thiết bị tưới tự động không chỉ giúp gia đình anh đỡ tốn công lao động mà còn tiết kiệm được rất lớn chi phí sản xuất.
Chỉ cần một thao tác trên điện thoại thông minh, anh Quang đã tưới được toàn bộ cho 3 ha cam chỉ trong vòng 4 giờ đồng hồ.
Anh Quang cho hay: “Trước đây, tưới thủ công phải mua sắm máy nổ, đường ống cỡ lớn, những ngày nắng hạn phải thuê thêm 5 - 6 lao động tưới trong vòng 3 đêm. Tính ra mỗi đợt tưới như vậy riêng tiền thuê nhân công đã hơn 10 triệu đồng, cộng với tiền điện 3 đêm hết khoảng 1,5 triệu đồng, rất tốn kém mà năng suất lại thấp. Còn hiện tại, chỉ cần một thao tác trên điện thoại thông minh, tôi đã tưới được toàn bộ cho hơn 3 ha cam chỉ trong vòng 4 giờ đồng hồ, với chi phí khoảng 100 ngàn đồng tiền điện. Công nghệ mới rất hữu ích, tiện lợi, phù hợp với chuyển đổi số trong nông nghiệp như hiện nay”.
Bên cạnh tiết kiệm chi phí sản xuất, việc áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất đã giúp các diện tích cam của gia đình anh Quang luôn xanh mướt, năng suất quả đạt cao, chất lượng vượt trội.
Những gốc cam trồng trên đồi cao được tưới tự động, vừa giải phóng sức lao động vừa tiết kiệm chi phí...
... và đảm bảo sinh trưởng tốt trong thời tiết nắng hạn.
Chị Lê Thị Thương (SN 1984, vợ anh Quang) chia sẻ: “Sau khi áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, sản lượng cam của gia đình tôi tăng từ 25 - 30% so với trước. Theo đó, tổng sản lượng năm 2021 đạt gần 40 tấn, trong khi những năm trước đó chỉ thu được khoảng 30 tấn. Tính ra với sản lượng tăng 10 tấn, bán với giá bình quân 25 nghìn đồng/kg, gia đình thu lãi tăng thêm hơn 250 triệu đồng/năm. Đặc biệt, quả cam đồng đều hơn, chất lượng ngọt hơn nên rất được thương lái ưa chuộng”.
Những hôm chồng đi vắng, chị Lê Thị Thương thay chồng vận hành trạm giám sát nông nghiệp thông minh để chăm sóc, theo dõi vườn cam của gia đình.
Cũng theo chị Thương, chi phí đầu tư trạm giám sát nông nghiệp thông minh tuy lớn, song, hiệu quả mà nó mang lại thì rất lớn. Nói về dự định thời gian tới, chị Thương chia sẻ: “Để sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, tôi sẽ đăng ký Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); đồng thời học hỏi kinh nghiệm hướng đến mô hình nông nghiệp tuần hoàn để tạo ra các sản phẩm sạch, an toàn với người sử dựng".
Sau khi áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, sản lượng cam của gia đình chị Thương tăng từ 25 - 30% so với trước.
Bước đầu, mô hình thí điểm trạm giám sát nông nghiệp thông minh tại hộ anh Quang thu kết quả rất khả quan. Việc lắp đặt trạm không chỉ định hướng được sản xuất, dự báo thời tiết, dinh dưỡng, độ ẩm cho đất mà còn thay con người làm việc, giải phóng sức lao động, tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích. Thời gian tới, địa phương sẽ khuyến khích bà con đến tham quan, học hỏi và nhân rộng mô hình, góp phần tăng năng suất, nâng cao thu nhập
Ông Phan Xuân Đức
Phó phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn