Trước diễn biến phức tạp của siêu bão NORU, có khả năng gây mưa lớn trên địa bàn Hà Tĩnh nói chung, huyện Hương Sơn nói riêng, việc bố trí, sắp xếp, di dời dân cư ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người dân là nhiệm vụ cấp bách đang được cấp ủy, chính quyền xã Sơn Châu khẩn trương triển khai. Qua đó, giúp người dân ổn định đời sống.
Lãnh đạo xã Sơn Châu kiểm tra cống thoát lũ công trình đê Tân Long nằm trên địa bàn xã
Gia đình bà Trần Thị Hồng thôn Đình xã Sơn Châu là một trong những hộ dân đang đối mặt với nhiều nguy hiểm khi mưa lũ xảy ra. Bởi phía trước ngôi nhà là con sông Ngàn Phố chảy qua, hàng năm dòng chảy đã làm sạt lở, lấn vào gần sát nhà. Phía sau là mái taly cao, dựng đứng, nguy cơ gây sạt lở đất rất nghiêm trọng. Bà Trần Thị Hồng lo lắng cho biết “ khi mưa lớn diễn ra, các thành viên trong gia đình sẽ di tản đến nhà của chú mự ở phía trước. Còn trâu bò, gà thì đưa đến gửi ở các nhà khác an toàn hơn, chỉ lo đàn hươu hiện nay chưa biết gửi như thế nào, bởi hươu rất nhát, bắt được chúng đã khó, gửi ở các chuồng khác càng khó hơn, lạ chuồng, lạ người hươu sẽ không chịu, nhưng chúng tôi sẽ gắng khắc phục để đảm bảo an toàn về người và tài sản của mình”
Lãnh đạo xã Sơn Châu kiểm tra điểm xung yếu sạt lở bờ sông và nguy cơ sạt lở đất phía sau mái taluy của hộ bà Trần Thị Hồng. Đồng thời tổ chức cho gia đình ký cam kết chủ động di dời khi mưa lớn diễn ra
Sơn Châu hiện có hơn 1.000 hộ dân với gần 4.000 nhân khẩu. Trong đó có 27 hộ dân có nguy cơ sạt lở cao và ảnh hưởng của ngập lũ, lũ quét. Tập trung chủ yếu ở thôn Đình, thôn Tháp Sơn, thôn Sinh Cờ và thôn Yên Thịnh. Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, để đảm bảo an toàn cho người dân, xã Sơn Châu đã cử cán bộ phối hợp với các thôn, rà soát, đánh giá tình hình và chủ động đề xuất phương án di dời dân cư ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở. Bà Đặng Thị Phượng, thôn Đình xã Sơn Châu, huyện Hương Sơn cho biết: “Cách đây 3 năm, mưa lớn gây sạt lở nghiêm trọng, đất đá tuồn vào nhà, làm nứt bờ tường, rất nguy hiểm, chúng tôi vô cùng sợ hãi. Vì vậy năm nay chúng tôi rút kinh nghiệm, nghe tin cơn bão số 4 có thể gây mưa lớn trên địa bàn, mấy ngày nay gia đình đã chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, sẵn sàng mang theo để di dời khỏi nhà, đến các nhà khác có độ an toàn cao hơn để lánh nạn”
Lãnh đạo xã Sơn Châu đến tuyên truyền, vận động và kiểm tra điểm có nguy cơ sạt lở đất tại các gia đình sống dưới chân núi
Hiện nay, xã Sơn Châu đang tập trung tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của xã, yêu cầu các thôn thường xuyên cập nhật và thông tin về cơn bão số 4 để toàn thể nhân dân nắm bắt và chủ động ứng phó. Đồng thời soát xét phương án đến từng hộ dân, địa điểm và vùng bị ảnh hưởng để chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với phương châm 4 tại chỗ. Ông Nguyễn Anh Tuấn – Bí thư Đảng ủy xã Sơn Châu, huyện Hương Sơn cho biết: “Hiện nay chúng tôi đã hoàn thành việc ký cam kết chủ động di dời đối với 29 hộ dân trong vùng nguy cơ cao. Cùng với đó, xã đã chuẩn bị 20 chiếc đèn pin, 200 lít xăng, dầu, 3.000 bao tải, 600kg rơm rạ. Hợp đồng nguyên tắc 2 xe ô tô, 1 máy đào, 5 thuyền, 3 máy cưa xăng, 1 tấn gạo, 50 thùng mì tôm. Lực lượng thường trực tuần tra canh gác của địa phương có 10 người, lực lượng xung kích, chủ yếu là dân quân gồm 28 người. Ngoài ra mỗi thôn điều động 30 người trong độ tuổi lao động, có sức khỏe, do Thôn trưởng làm chỉ huy sẵn sàng ứng cứu ở các thôn và các công trình trọng điểm trong toàn xã khi có yêu cầu”
Với sự chủ động về mọi mặt, Sơn Châu đang nổ lực cố gắng hết sức nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân khi mưa lũ diễn ra.