Đinh Nho Điển sinh ngày 17 tháng Giêng năm Bính Ngọ (1846)[1], niên hiệu Thiệu Trị thứ 7, mất ngày 5 tháng 4 năm Giáp Thân (1884), niên hiệu Kiến Phúc thứ Nhất. Ông thuộc dòng giỏi họ Đinh Nho đời thứ 14 và là con thứ hai của Đinh Nho Tĩnh, làm quan đến chức Thái bộc tự khanh, hàm Tòng Tam phẩm văn giai, sung vào trường Hậu bổ làm Phó Đốc giáo[2]. Đinh Nho Điển quê thôn Thọ Lộc, xã Yên Ấp, tổng Yên Ấp, huyện Hương Sơn, phủ Đức Thọ, tỉnh Nghệ An, nay là xã An Hòa Thịnh, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nho học, lúc nhỏ, ông nổi tiếng hiếu học và học giỏi. Trong kỳ thi hương Trường thi Nghệ An ba năm tổ chức một lần về nho học để chọn người tài, học rộng bổ nhiệm ra làm quan, Đinh Nho Điển đỗ Cử nhân khoa Mậu Thìn (1868), niên hiệu Tự Đức thứ 20 lúc mới 22 tuổi. Sau đó 7 năm, năm 1875, trong khoa thi Hội năm Ất Hợi, niên hiệu Tự Đức thứ 28, ông đỗ Đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân, đứng vị trí thứ ba trong 12 người thi đỗ đại khoa, chỉ sau hai người là Phạm Như Xương, người xã Ngân Câu, huyện Diên Phúc, tỉnh Quảng Nam và Nguyễn Hữu Chính, người Cổ Đan, xã Đông Hải, tổng Đặng Xá, huyện Chân Lộc, phủ Anh Sơn, tỉnh Nghệ An (cả hai người này đều đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân)[3].
Đền thờ Đinh Nho Điển, xã An Hòa Thịnh - Hương Sơn
Đinh Nho Điển làm quan trải qua bốn triều vua nhà Nguyễn: Tự Đức (1847 – 1883), Dục Đức (1833), Hiệp Hòa (1883), Kiến Phúc (1883 – 1884). Sau khi đỗ Tiến sĩ, ông được bổ vào nhiều vị trí như làm Tri huyện Nghĩa Hưng, sau đó được điều về kinh làm Trung Thuận Đại Phu, Hồng Lô tự khanh, Biện lý sự vụ bộ Hình kiêm đứng đầu Thông chính sứ ty ấn triện, rồi được chuyển sang làm Biên tu Quốc sử quán triều Nguyễn, tham gia khảo duyệt bộ Khâm định Việt sử, Quang Lộc tự thiếu khanh. Gia phả họ Đinh Nho, xã An Hòa Thịnh cho biết ông còn làm chức Hàn lâm viện thị độc. Một số tài liệu còn ghi ông làm đến chức Ngự sử. Thời Nguyễn, chức quan Hồng lô tự khanh trật chánh tứ phẩm, đứng đầu Hồng lô tự, chuyên lo việc nghi lễ trong các khoa thi như xướng danh, yết bảng, nhiều khi được giao việc khác như Trưởng Đốc giáo Trường Hậu bổ hay giảng viên các trường[4]. Biện lý bộ Hình đứng sau Thị lang[5]. Hàn lâm viện thị độc hàm Chánh ngũ phẩm là người uyên thâm nho học, văn hay, chữ tốt, chuyên trách soạn thảo các văn kiện triều đình như chiếu, chỉ, sắc dụ, chế. Quan viên ở cơ quan Hàn lâm viện là lực lượng cung cấp cho Quốc sử quán biên soạn quốc sử, thực lục, điển lễ. Biên tu, trật Chánh thất phẩm là chức quan chuyên làm việc sửa chữa và ghi chép các văn bản[6]. Đinh Nho Điển làm Biên tu Quốc sử quán triều Nguyễn giữ việc biên tập quốc sử, thực lục, trong đó có tham gia khảo duyệt bộ Khâm định Việt sử[7]. Sách là bộ chính sử của triều Nguyễn được vua Tự Đức chỉ đạo soạn năm 1856, kiểm duyệt vào năm 1884. Sách soạn theo thể biên niên dựa trên cơ sở Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký tục biên. Chức Thông chính sứ, trật Chánh tam phẩm đảm nhiệm việc nhận tấu chương trong ngoài, truyền đạt giấy tờ của triều đình xuống, nên còn được coi là miệng lưỡi của triều đình[8]. Quang Lộc tự thiếu khanh, đứng thứ hai của Quang lộc tự, trật Tòng tứ phẩm chuyên lo giữ các thứ cỗ bàn, cung cấp lễ phẩm cho các ngày lễ tế Giao, tế miếu đàn xã tắc, yến an vinh Tiến sĩ, tổ chức nấu rượu, cổ bàn[9]. Như vậy, trong 10 năm hoạn lộ (1875 – 1884), Đinh Nho Điển đã trải qua nhiều chức quan khác nhau từ chính quyền địa phương cấp huyện cho đến các cơ quan chuyên môn, cơ quan nghiên cứu của triều đình nhà Nguyễn thuộc các lĩnh vực tư pháp, văn hóa, giáo dục, biên soạn quốc sử và thông chính. Ở vị trí nào, ông cũng hoàn thành tốt chức trách của một bậc trung thần phò vua giúp nước, được triều đình tin tưởng, công tích của ông được nhà vua ghi nhận.
Mộc chủ tại nhà thờ họ Đinh Nho nhánh ông Đinh Nho Tĩnh tại xã An Hòa Thịnh có ghi nguyên văn chữ Hán:
生於紹治丙午年正月十七日.大南故乙亥科同進士出身誥授中順大夫鴻臚寺卿辨理刑部事務兼管通政使司印篆丁府君諱典字儒典.
Phiên âm
Sinh ư Thiệu Trị Bính Ngọ niên chính nguyệt thập thất nhật. Đại Nam cố Ất Hợi khoa Đồng Tiến sĩ xuất thân cáo thụ Trung Thuận đại phu, Hồng lô tự khanh, Biện lý Hình bộ sự vụ kiêm quản Thông chính sứ ty ấn triện Đinh phủ quân, húy Điển, tự Nho Điển.
Dịch nghĩa
Đinh Nho Điển sinh ngày 17 tháng Giêng năm Bính Ngọ (1846), niên hiệu Thiệu Trị thứ 7. Đại Nam cố Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Ất Hợi (1875), được vua bổ làm Trung Thuận đại phu, Hồng lô tự khanh, Biện lý bộ Hình sự vụ kiêm đứng đầu cơ quan Thông chính sứ ty ấn triện ngài họ Đinh, húy Điển, tự Nho Điển.
Vào cuối thế kỷ XIX, chế độ phong kiến Việt Nam đến hồi suy vong, vua quan nhà Nguyễn bất lực trước cảnh đất nước rơi vào tay thực dân Pháp và phải chịu cảnh phụ thuộc, mất nền độc lập. Ngày 25/5/1883, triều đình Huế và thực dân Pháp ký Hòa ước Quý Mùi, ngày 06/6/1884 ký Hòa ước Giáp Thân, xác lập quyền bảo hộ lâu dài của thực dân Pháp trên toàn cõi Việt Nam, chia đất nước thành ba kỳ: Bắc Kỳ, Trung kỳ thành chế độ bảo hộ, còn Nam Kỳ thành chế độ thuộc địa của thực dân Pháp.
Trước hoàn cảnh rối ren của đất nước khi bị thực dân Pháp xâm lược, Đinh Nho Điển không khoanh tay đứng nhìn mà tỏ rõ thái độ không hợp tác và có hành động chống lại thực dân Pháp. Là vị quan trung quân ái quốc, sau khi triều đình ký Hòa ước Quý Mùi và Hòa ước Giáp Thân công nhận sự đô hộ của thực dân Pháp, Đinh Nho Điển đã tuyệt thực, uất ức lâm bệnh rồi chết lúc mới 39 tuổi[10].
Mùa thu, năm Kỷ Hợi (1899), niên hiệu Thành Thái thứ 11, sau khi mất được 15 năm, nhớ tới công ơn của bậc trung thần, mẫn cán, có nhiều công tích, nhà vua thương tiếc ban sắc phong giao cho nhân dân xóm Bãi Bè (còn gọi là Xóm Đò), làng Mân Xá, xã Dương Trai, tổng Đậu Xá, huyện Hương Sơn nay thuộc xã An Hòa Thịnh - Hương Sơn - Hà Tĩnh, xây dựng Đền thờ Đinh Nho Điển, còn gọi là Đền Cụ Hường[11] ngày đêm hương khói. Hiện tại di tích có bức hoành phi treo trong thượng điện ghi bốn chữ Hán lớn thể chân thư: 敕賜立祠, phiên âm là sắc tứ lập từ, nghĩa là (vua) sắc phong cho lập đền thờ.
Đinh Nho Điển có bốn người con: hai trai, hai gái. Con trai đầu là Đinh Nho Cẩn thi Hương đỗ Tú tài. Một con gái lấy chồng là tú tài Trần Như Hài ở xã Lương Điền - Thanh Chương - Nghệ An (nay là xã Thanh Liêm - Thanh Chương - Nghệ An). Người con gái khác lấy chồng là Cử nhân Đặng Thái Giai, làm Tri huyện cũng quê ở xã Lương Điền - Thanh Chương - Nghệ An. Ông Đăng Thái Giai, con là Đăng Nguyên Cẩn đỗ Phó bảng (cháu ngoại Đinh Nho Điển) là thân sinh ra Giáo sư Đặng Thai Mai, nhà giáo, nhà văn, nhà phê bình văn học Việt Nam và nguyên là Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Viện trưởng đầu tiên của Viện Văn học Việt Nam[12].
Chú thích:
[1] Theo mộc chủ tại nhà thờ họ Đinh Nho nhánh ông Đinh Nho Tĩnh tại xã An Hòa Thịnh – Hương Sơn.
[2] Đỗ Văn Ninh, Từ điển chức quan Việt Nam, Nxb Thanh Niên, tr620, 621.
[3] Theo Văn bia Đề danh Tiến sĩ khoa thi Hội năm Ất Hợi niên hiệu Tự Đức năm thứ 28 (1875) tại Văn miếu Huế.
[4] Đỗ Văn Ninh (2002),Từ điển chức quan Việt Nam, Nxb Thanh Niên, Tr. 333.
[5] Tr.97, Sđd.
[6] Tr.97, Sđd.
[7] Tr.97, Sđd.
[8] Tr.688, 689, Sđd.
[9] Tr.537, Sđd.
[10] Đinh Xuân Lâm, Thái Kim Đỉnh (Đồng chủ biên – 2015), Địa chí huyện Hương Sơn, Nxb Lao động, Hà Nội, Tr.217.
[11] Đền có tên là Đền Cụ Hường là lấy chức Hồng lô tự khanh do nhà vua phong cho Đinh Nho Điển. Chữ “Hồng” được người dân đọc trại thành chữ “Hường”.
[12] Theo Gia phả họ Đinh Nho tại xã An Hòa Thịnh – Hương Sơn – Hà Tĩnh.