Chiều ngày 16/12, đồng chí Nguyễn Kiều Hưng – Phó Chủ tịch UBND huyện đã chủ trì cuộc họp triển khai các biện pháp cấp bách phòng trừ bệnh đốm lá hại ngô vụ Đông năm 2022.
Đoàn liên ngành và các địa phương kiểm tra, đánh giá mức độ gây hại của bệnh đốm lá tại xứ đồng Bãi, thôn Ninh Xá, xã Sơn Ninh.
Có khoảng 8,5 ha bị nặng, đã bị cháy lá tại các xã Sơn Ninh, Sơn Giang, Sơn Tây, Sơn Châu, Sơn Bằng, Sơn Trung…
Vụ Đông 2022, toàn huyện Hương Sơn gieo trỉa được 2.150 ha ngô. Trong đó, trà gieo trồng từ cuối tháng 9 đến nay cây đạt 11 13 lá – xoáy nõn, trà gieo trồng từ 15 - 25/10 đạt 7 - 9 lá. Do các đợt không khí lạnh gây mưa đã ảnh hưởng đến tình hình sinh trưởng phát triển của cây ngô, thời tiết ẩm ướt đã tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh khô vằn, đốm lá phát sinh gây hại trên diện rộng. Theo báo cáo, các trà ngô đều bị nhiễm bệnh với tỷ lệ trung bình 5-10%, cục bộ nơi cao 20 – 30%, trong đó có khoảng 8,5 ha bị nặng, đã bị cháy lá tại các xã Sơn Ninh, Sơn Giang, Sơn Tây, Sơn Châu, Sơn Bằng, Sơn Trung… Ngô bị bệnh khô vằn nặng sẽ làm cho thân cây chuyển sang màu nâu đen, cây héo gãy ngang và chết, lá bi và hạt bị thối. Ngô bị bệnh đốm lá nặng thì lá khô táp, làm giảm quang hợp của cây, ảnh hưởng đến năng suất.
Trung tâm ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Hương Sơn hướng dẫn các biện pháp phòng trừ bệnh khô vằn, đốm lá trên cây ngô
Ngay sau khi tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ gây hại của bệnh đốm lá thực tế tại các ruộng ngô, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Kiều Hưng – Phó Chủ tịch UBND huyện đã triển khai các biện pháp cấp bách để phòng trừ hiệu quả, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất bệnh hại gây ra. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện yêu cầu các phòng ngành liên quan, phối hợp với chính quyền các địa phương, tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thanh cơ sở để người dân nắm bắt tình hình, chủ động phòng trừ bệnh kịp thời. Cần hướng dẫn, khuyến cáo người dân triển khai các biện pháp kỷ thuật như: cắt tỉa cây đảm bảo đúng mật độ, đối với cây bị bệnh cây phát triển kém cần bóc, cắt những lá bị bệnh và tiêu hủy; tiến hành phun thuốc phòng trừ đảm bảo 30-32/lit nước/sào. Dọn sạch tàn dư, cỏ dại; chăm sóc, bón phân cân đối và hợp lý.