Hải Thượng lãn ông Lê Hữu Trác sinh ra tại vùng đất kinh kỳ, thuở nhỏ ông đã được kế thừa truyền thống của người cha thuộc dòng dõi danh gia vọng tộc ở xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên và người mẹ là một người con gái có nhan sắc, dịu dàng, nết na, xinh đẹp ở làng Bảo Thượng, xã Tình Diệm, huyện Hương Sơn.
Từ khi đang còn tuổi thơ ông đã chịu ảnh hưởng rất lớn về tình cảm của người mẹ đối với mảnh đất và con người Hương Sơn, mặc dù bà đã theo chồng về sinh sống tại đất Hưng Yên nhưng Hương Sơn là vùng đất nghèo nơi có phong cảnh đẹp, con người sống có tình, có nghĩa, thủy chung nên hàng năm ông đã cùng mẹ thường hay trở về thăm lại quê ngoại. Năm 1739 Lê Hữu Trác cùng mẹ là bà Bùi Thị Thưởng và 3 anh em đã trở về sinh sống tại mảnh này cho đến khi qua đời.
Đại danh y Hải Thượng lãn ông Lê Hữu Trác với môn đệ
Trở về với mảnh đất Hương Sơn, dấu chân của ông đã lặn lội khắp các chốn vùng miền rừng núi để tìm sự sống, học nghề thuốc, đến với người bệnh, làm bạn với muông thú, hươu nai, cỏ cây nơi chốn thâm sơn cùng cốc, rồi xây nhà, làm vườn, trồng thuốc, chữa bệnh, viết sách, làm thơ và lập nên khu vườn đào Hải Thượng, dựng lên chùa Tượng Sơn để rồi cuối đời an nghỉ ở nơi núi Cánh Diều.
Năm 1782, khi nghề thuốc của ông đã trở thành danh y nổi tiếng lan tỏa khắp nơi, đang bình yên vui sống với mảnh đất mà ông đã gắn bó, bỗng một hôm quan chánh đường Hoàng Đình Bảo có sắc chỉ triệu ông về kinh để chữa bệnh cho Trịnh Sâm, Trịnh Cán. Khi nhận được tin trong đầu ông như sét đánh bên tai. Nổi day dứt khi phải tạm xa mảnh đất yêu thương máu thịt này cứ bịn rịn mãi trước lúc chia tay. Suốt thời gian hơn một tháng trên đường từ Hương Sơn đến đất Thăng Long rồi vào phủ chúa, trong nỗi suy tư của ông luôn hướng về phía trời Tây nơi có ngôi nhà nhỏ ở vùng rừng núi Hương Sơn. Ông đã bộc bạch trong Thượng kinh ký sự rằng: “Tôi ở trong nhà U trai; trước sân vài ba cây trổ hoa, kết quả, ngậm hương mang tuyết, ánh mặt trời chiếu xiên ngang, tạo nên những bóng hình tựa các bà phi nơi sông Tương ngồi quỵ. Những con rắn mối đuổi nhau chạy từng đàn. Thỉnh thoảng mùi hương lạ bay qua. Chốn tây viên, trong ao phẳng lặng, cá nhởn nhơ nhô lên lặn xuống mà hớp lấy bóng trăng hoặc nuốt lấy làn sóng. Những con chim oanh hay hót, do chân tính của trời phú cho, thời thường tới những chỗ có bóng mát mà nhảy nhót tung tăng. Lúc ấy tôi dắt tiểu đồng trèo lên núi, đưa mắt ngắm khói mây, biết bao hứng thú! Lại thả câu ở đình Nghinh Phong, hoặc gảy đàn cầm trong nhà “tị huyên”, hoặc đọc sách ở đình “Tối quảng”, hoặc chơi cờ ở nhà “Di chân” rồi ngủ tại đó. Tùy ý tìm thú vui, ngày ngày thường say sưa mới quay về” (1).
Lãn Ông ngày đêm đến nhà thuyền chài thăm bệnh
Gần một năm trời được sống vương giã trong phủ chúa để chữa bệnh cho quan thần với đủ thứ của ngon, vật lạ và được cung phụng đủ đầy nhưng trong tâm trí của ông luôn hướng về nơi quê nhà: “... nơi cùng sơn tuyệt lĩnh, mây đầu non trăng mặt biển, một thú u nhàn mến tiếc chẳng rời, không biết khi nào mới được quay trở về đánh bạn cùng lũ hươu nai, chuyện trò mỗi chiều tà với bọn ngư tiều”.(2). Trở lại chốn quê nội chốn Hưng Yên, gặp lại người tình năm xưa đã nạp đủ lễ vấn danh và lễ nạp thái nhưng phải hồi cư về đất Hương Sơn mà ông đã dứt bỏ ra đi. Sau khi bị ruồng bỏ mối tình đầu, người con gái ấy đã quyết định xuống tóc đi tu nơi cửa Phật, nổi day dứt tình ái thuở hàn vi đã làm cho ông rất ân hận muốn chuộc lại lỗi lầm bèn nêu ý mong được đưa người tình năm xưa trở về với đất mẹ Hương Sơn nơi đó có ngôi chùa Tượng Sơn bên bờ sông Ngàn Phố trên một vùng đất đẹp, thơ mọng để phụng dưỡng tuổi già nhưng người con gái đó đã từ chối vì: “Quan nhân có hậu tình, còn tôi chẳng gặp chồng, cái thân cô khổ cũng là do số mệnh vậy, có dám oán trách ai” (3).
Cảm tác thơ ca
Chuyến trở lại đất Thăng Long lần ấy được trở về quê nội Hưng Yên - trong ký ức bao nổi niềm thuở hàn vi ở nơi chốn chôn nhau cắt rốn nhưng tình sâu nghĩa nặng vẫn không thể nào buông bỏ được mảnh đất Hương Sơn. Khi được quan Chánh Đường cho phép rời Kinh thì vội vàng chia tay để trở lại đất mẹ Hương Sơn.
Trở về mảnh đất đã gắn bó máu thịt cả cuộc đời, Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác đã căn dặn các môn đệ “khi ông mất thì con diều sáo hàng ngày vẫn thả rơi ở đâu thì ở đó là nơi an nghỉ vĩnh hằng của ông”
Ngày nay trên mảnh đất Hương Sơn khắp mọi nơi đều in đậm dấu ấn tình sâu, nghĩa nặng mà Đại danh y Lê Hữu Trác đã để lại.
Nhà thờ Lê Hữu Trác (Núi giả - Hồ Sen)
Vườn đào Hải Thượng là một vùng đất sơn thủy hữu tình thuộc thôn Bảo Thượng, xã Sơn Quang (nay là xã Quang Diệm) nơi đây có núi non vây quanh bốn phía. Nhân dân nơi đây sống hòa thuận bên nếp nhà tranh xung quanh vườn đào. Đây là vùng đất gạo trắng, nước trong, vườn cây hoa trái bốn mùa tươi tốt, đàn ông thì khỏe mạnh cương trực, đàn bà thì dịu dàng nết na, xinh đẹp. Là người rất yêu thiên nhiên nên Lê Hữu Trác đã chọn mảnh đất này làm nơi sinh sống. Tại đây ông đã cho dựng lên đây một ngôi nhà gỗ 4 gian bằng gỗ mít xoan làm nơi nghỉ dưỡng, đón khách, xem mạch, kê đơn chữa bệnh và đàm đạo thơ ca với các môn đệ. Xung quanh ngôi nhà được trồng các loại hoa màu ngô, khoai, đậu, lạc và một số loại cây ăn quả. Đặc biệt trong vườn ông cho trồng rất nhiều cây đào. Đào là cây tượng trưng cho mùa xuân, cánh hoa đỏ thắm, hương sắc rực rỡ - là biểu tượng của “Đoàn viên - kết nghĩa” thể hiện tấm lòng chung thủy của Lê Hữu Trác với quê hương. Gần cạnh gốc vườn ông cho dựng nên một công trình Núi Giả, Hồ Sen. Hồ Sen hình bán nguyệt ôm lây chân núi, đây là nơi vừa làm nơi lấy hướng gió để xem mạch, chữa bệnh nhưng cũng chính là nổi niềm mà Lê Hữu Trác muốn tỏ ý như một con thuyền nối giữa núi non và sông nước Hương Sơn.
Sinh thời, dòng họ Lê Hữu và bản thân Lê Hữu Trác đã xuất gia đi tu tại chùa hoặc quy y thọ bồ đề tâm giới tại chốn cửa phật.
Chùa Tượng Sơn
Về sinh sống trên mảnh đất Hương Sơn ông đã chọn một vùng đất rất đẹp, bằng phẳng bên bờ sông Ngàn Phố thuộc xã Sơn Giang, ở đó phía sau có có núi Seo Voi, phía tây có có khe nước chảy từ dãy núi Đại Huệ đổ về để xây dựng chùa Tượng Sơn. Khởi nguồn của việc xây dựng chùa được bà Đặng Phùng Hầu (mẹ đẻ bà Bùi Thị Thưởng là thân mẫu đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác) kế thất tả hữu điển quận công Bùi tướng công đã có ý muốn lập ra chùa với tên chữ Tượng Sơn Tự để làm nơi tu niệm. Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác cùng anh trai Lê Hữu Tán và mẫu thân bà Bùi Thị Thưởng đã hoàn thành việc xây dựng chùa với mục đích dưỡng tâm thờ Phật, đồng thời cũng là để quy y phụng thờ liệt tổ nội ngoại của Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác là họ Lê Hữu và họ Bùi. Sau khi xây xong ngôi chùa Lê Hữu Trác đã dành phần lớn thời gian lưu lại tại đây để mở phòng mạch chữa bệnh cho dân, chủ yếu là dân nghèo làng vạn chài mưu sinh bằng nghề đánh cá dọc sông Ngàn Phố, phần thì dành thời gian để hoàn thành các tác phẩm: “Hải Thượng y tông Tâm Lĩnh” gồm 28 tập với 66 quyển bằng chữ Hán nôm về y học, biên soạn các cuốn “Y Trung quan kiện” (1780), “Y Hải cầu nguyện”, “Thượng kinh ký sự” (1783), “Vận khí bí điển” (1786).
Mộ Lê Hữu Trác
Hơn 40 năm đẫm mình với mảnh đất vùng rừng núi Hương Sơn, dấu chân của người thầy thuốc đã in dấu trên mọi nẻo đường của vùng sơn cước mênh mông này, mỗi gốc cây, ngọn cỏ đều mang hơi ấm của Hải Thượng Lãn Ông, đến lúc tuổi già ông đã chọn cho mình một nơi an nghỉ ngàn thu.
Là người rất yêu mến và gắn bó với thiên nhiên, lại là người rất giỏi về thuật xem địa lý, phong thổ, nho, y, lý số nên ông đã chọn cho mình một ví trí an nghỉ ở gần khe Nước Cắn, xã Sơn Trung - nơi địa linh có thế: “Tả toàn long thu hữu toàn thủy”, mong muốn tiếng thơm của mình luôn lưu giữ ngàn thu, để lại cho hậu thế người dân nơi đây một cuộc sống ngày càng phong lưu, phát đạt. Ngôi mộ được đặt ở vị trí rất đẹp: Đầu lấy núi Minh Tự làm hậu chẩm, chân lấy núi Đại Hàm làm án đường che chắn tự nhiên. Tảng đá trắng ở lưng chừng núi làm điểm tựa định hướng cho hậu duệ cháu con tìm về mộ tổ. Đứng từ trên đỉnh núi Minh Tự nhìn quanh ta sẽ thấy được toàn bộ thế núi, hình sông đẹp như một bấc tranh của đất trời Hương Sơn. Bên phải có khe Nước Cắn suốt đêm ngày nước chảy rì rào, trước mặt là dòng sông Ngàn Phố trong xanh nước chảy lững lờ giữa một vùng đồi núi, ruộng đồng, làng mạc. Bao quanh ngôi mộ là hoa, lá, sim, mua… cùng tiếng hót líu lo của chim rừng và hương thơm tỏa ngát của hoa dại suốt bốn mùa.
Đến với Hương Sơn hôm nay, sông núi ngàn năm còn đó mà tiền nhân thì đã vắng bóng ngàn thu. Nhưng “Thác là thể phách, còn là tinh anh”, Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác mãi mãi trường tồn với sông núi Hương Sơn.
[1] + [2] + [3] Trích trong Thượng Kinh Ký Sự