.
Bộ sách "Hải Thượng y tông tâm lĩnh" do Đại danh y Lê Hữu Trác biên soạn. Ảnh internet.
1. Từ điểm nhìn của thế kỷ XXI (cụ thể lúc này là năm 2022) nhìn về quá khứ, đặc biệt với trường hợp Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724 - 1791), có ưu thế gì? Thứ nhất, độ lùi thời gian đã có ngót 300 năm, nghĩa là cung độ thời gian đã quá đủ để cho hậu thế chiêm nghiệm, ngắm nhìn, suy ngẫm, xác định một đỉnh cao từ phía chân trời xa (Đây cũng là quãng thời gian mà Thi hào Nguyễn Du từng ước tính để nhân loại có đủ điều kiện, dữ liệu, tọa độ thiết yếu để có thể “thấy” và chia sẻ với ông về những điều mà chính ông đã trải nghiệm, “sở kiến”, thấu cảm: “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”). Thứ hai, dữ kiện, dữ liệu về Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, từ ngày tháng năm sinh, ngày tháng năm mất, tiểu sử, hồ sơ lý lịch, đến con người, cuộc đời, hành trạng, sự nghiệp và trước tác,… đã được hậu thế sưu tầm, tập hợp, đến lúc này, về cơ bản là đầy đủ, xác đáng… Thứ ba, đây cũng là quãng thời gian đủ để kiểm nghiệm, kiểm định những phát kiến, đóng góp của ông cho cuộc đời, cho nhân thế, đặc biệt cho khoa học Y học về cả Y đức, Y lý, Y thuật. Thứ tư, thế kỷ XXI (thời điểm hiện nay là 2022) hoàn toàn thuộc về một thời đại mà thế giới mang tính phẳng, toàn cầu hóa; tất cả mọi lĩnh vực, phương diện, phương tiện của đời sống nhân loại phát triển, đủ giúp cho việc đánh giá quá khứ (mà cụ thể ở đây là trường hợp Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác) theo các tiêu chí khoa học đáng tin cậy (ngay cả các tiêu chí của UNESO về đánh giá tầm vóc và giá trị văn hóa của các danh nhân, di sản).
Từ điểm nhìn của thế kỷ XXI qua những lăng kính, tọa độ trên, chúng ta có đủ cơ sở để xác định tầm vóc danh nhân và giá trị di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Ông thực sự là một đại danh y, nhà văn hóa lớn, nhà văn độc đáo của Việt Nam. Sinh ra trong một gia đình và dòng họ cao khoa hiển hoạn([1]), nhưng sau khi thi đậu tam trường, Lê Hữu Trác không đi thi nữa mà chuyển sang hướng khác, từng nghiên cứu binh thư, võ thuật, thậm chí là “cầm quân” (“lương tướng”) nhưng rồi tập trung theo con đường Lương y, và thực sự trở thành bậc đại danh y. Con đường đến với nghề y và trở thành bậc đại danh y của Lê Hữu Trác dĩ nhiên không bằng phẳng, dễ dàng, và điều quan trọng là không phải ngẫu nhiên hay do thời thế tạo nên; cái chính là do sự lựa chọn dứt khoát xuất phát từ ý thức, bản lĩnh và quan niệm đúng đắn về nghề y của ông. Cũng từ đây, ông phải chuẩn bị các thứ vốn: vốn văn hóa, vốn sống và trải nghiệm, vốn tri thức về nhiều lĩnh vực khác nhau (“Nho, y, lý, số” – theo cách khái quát của người xưa),… và triển khai thực thi tất cả các thứ vốn ấy vào hoạt động thực tiễn: chữa bệnh cứu người, làm thuốc, dạy học, soạn sách, “trước thư lập ngôn”,… Có thể xem Hải Thượng Y tông tâm lĩnh là biểu hiện kết tinh các thành tựu và giá trị về nhiều lĩnh vực, phương diện mà Lê Hữu Trác gửi lại cho hậu thế.
2. Lê Hữu Trác viết/ biên soạn Hải Thượng Y tông tâm lĩnh trong trong khoảng 30 năm cuối đời (ông cho biết, tập đầu được hoàn thành năm Canh Dần thời Cảnh Hưng, tức năm1770). Hải Thượng Y tông tâm lĩnh gồm 28 tập/ 66 quyển, được coi là bộ “Bách khoa thư Y học” đầu tiên của Việt Nam. Xin được ghi lại vắn tắt nội dung tinh thần của 66 quyển (Q) nhằm giúp cho việc hình dung cấu trúc tổng thể bộ sách một cách thuận lợi hơn([2]).
- Quyển 1: Nội kinh yếu chỉ (trích những điểm thiết yếu của kinh điển đông y).
- Quyển 2: Y gia quan niệm (phân tích và tổng hợp lý luận cơ bản về âm dương, ngũ hành, tạng phủ, kinh lạc, khí huyết, chẩn đoán, mạch học, bệnh lý, trị pháp).
- Quyển 3, 4, 5: Y hải cầu nguyên (những qui luật về sinh lý và nguyên tắc trị liệu).
- Quyển 6: Huyền tẫn phát vi (về tiên thiên thủy hỏa - "Mệnh môn”, cơ năng sinh lý, bệnh lý của chân thủy, chân hỏa, và phép chữa).
- Quyển 7: Khôn hóa thái chân (bàn về hậu thiên tỳ vị, cơ năng tiêu hóa, tác dụng của khí huyết, bệnh lý và phép chữa).
- Quyển 8: Dạo lưu dư vận (biện luận và bổ sung những điểm y lý chưa rõ hay còn thiếu ở các sách xưa).
- Quyển 10 và 11: Dược phẩm Vị yếu (về dược tính 150 vị thuốc Bắc, Nam phân loại theo ngũ hành).
- Quyển 12 và 13: Lĩnh nam bản thảo (quyển thượng chép 496 vị thuốc nam thừa kế từ Tuệ Tĩnh, quyển hạ chép 805 vị bổ sung về công dụng hoặc mới phát hiện thêm).
- Quyển 14: Ngoại cảm thống trị (về đặc tính bệnh ngoại cảm ở nước ta và các phương thuốc sáng chế để điều trị theo các thể bệnh).
- Quyển 15 đến 24: Bách bệnh cơ yếu; bệnh học nội khoa (10 Q, còn thiếu 8 Q).
- Quyển 25: Y trung quan kiện (tóm tắt phương pháp điều trị các bệnh).
- Quyển 26, 27: Phụ đạo xán nhiên (chuyên về phụ khoa).
- Quyển 28: Tọa thảo lương mô (chuyên về sản khoa).
- Quyển 29 đến 33: Ấu ấu tụ trị (chuyên về nhi khoa)
- Quyển 34 đến 43: Mộng trung giác đậu (chuyên về bệnh đậu mùa, 10 quyển).
- Quyển 44: Ma chẩn chuẩn thăng (chuyên về bệnh sởi).
- Quyển 45: Tâm đắc thần phương (70 phương thuốc chọn lọc từ sách Cẩm nang của Phùng Triệu Trương).
- Quyển 46: Hiệu phỏng tân phương (29 phương thuốc hiệu nghiệm do Lãn Ông sáng chế).
- Quyển 47, 48, 49: Bách gia trân tàng (ghi trên 600 phương thuốc kinh nghiệm thu lượm trong nhân dân và thừa kế của ngoại tổ ông là Bùi Diệm Dăng).
- Quyển 50 đến 57: Hành giản trân nhu (ghi hơn 2000 phương thuốc chọn lọc từ các bản thảo đời trước như Nam được thần hiệu - Tuệ Tỉnh hay thu thập trong dân gian).
- Quyển 58: Y phương hải hội (Tập hợp phương thuốc của các nhà, 200 “phương”).
- Quyển 59 - 60: Y dương án (17 bệnh án chữa khỏi) và Y âm án (12 bệnh tử vong).
- Quyển 61: Truyền tân bố chỉ (“Châu ngọc cách ngôn”, thâu tóm những điều cốt yếu về quy tắc chẩn đoán, biện chứng, dùng thuốc trị bệnh).
- Quyển 62 - 63: Vệ sinh yếu quyết (về dưỡng sinh, vệ sinh phòng bệnh).
- Quyển 64: Bảo thai thần hiệu toàn thư giải âm
- Quyển 65: Nữ công thắng lãm (về các món ăn và các chế biến).
- Quyển 66: Thượng kinh ký sự (Ký sự lên kinh đô).
Nhìn bộ sách trong tính hệ thống chỉnh thể, không khó để thấy rằng Hải Thượng Y tông tâm lĩnh không chỉ đề cập, bàn luận tới hầu hết các vấn đề của Y học/ Đông y mà còn đề cập tới những vấn đề khác. Những vấn đề của Y học/ Đông y đành rằng là nội dung chủ yếu của bộ sách, nhưng không phải không có quan hệ với các vấn đề và nội dung của nhiều lĩnh vực khác (nhân học, văn hóa, tư tưởng, văn học,...). Cả logic hình thức và logic nội tại của của bộ sách qua 66 quyển cho thấy tính thống nhất của bộ sách và dụng ý của Lê Hữu Trác. Hải Thượng Y tông tâm lĩnh là một di sản, một công trình mang tính tổng hợp, “nguyên hợp”, tính hệ thống chỉnh thể. Chính vì vậy, ngoài những thành tựu lâu nay trong tìm hiểu, nghiên cứu về Hải Thượng Y tông tâm lĩnh theo hướng tách rời các bộ phận/ lĩnh vực, đã đến lúc, cấp thiết, cần nhìn bộ sách trong tính hệ thống chỉnh thể của nó. Có thể tiếp cận Hải Thượng Y tông tâm lĩnh theo những hướng mới, đặc biệt là hướng từ nhân học và nhân học văn hóa, điều này sẽ giúp cho người nghiên cứu có thêm nhiều phát hiện khoa học sát đúng và toàn diện, đầy đủ hơn đối với Lê Hữu Trác & Hải Thượng y tông tâm lĩnh…
3. Căn cứ vào văn bản Hải Thượng Y tông tâm lĩnh và nhìn nó trong mối liên hệ với con người, cuộc đời và hoạt động của tác giả, không khó để thấy rằng, nhiều tư cách (hay phương diện) của một nhân cách - trí tuệ - tâm hồn lớn hội tụ thật đẹp ở Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Trước hết, với tư cách là một người thầy thuốc, Lê Hữu Trác xứng danh là một lương y, hơn thế, đại danh y. Hiếm có trường hợp nào như Lê Hữu Trác, ông vừa là nhà lập thuyết (bao hàm cả ba phương diện cơ bản: Y đức, Y lý, Y thuật), vừa là nhà thực hành (trực tiếp sáng chế thuốc và trực tiếp chữa bệnh) đồng thời là người kiểm định cả phần lý thuyết và thực hành của mình. Hơn ai hết, ít nhất là trong thời đại ông, Lê Hữu Trác thấy trước những khả thi và bất khả thi, những thành công và thất bại của người thầy thuốc với các phương thuốc trong chữa bệnh cứu người; những “Y dương án” (các loại bệnh án có thể chữa được), “Y âm án” (những bệnh án khó hoặc không chữa được), trên cơ sở đó, tìm bài học kinh nghiệm và dự báo tương lai cho hậu thế ngành y tìm phương giải quyết.
Tiếp nhận và đánh giá như thế nào về Lê Hữu Trác trong tư cách một người thầy thuốc ở các phương diện trên? Câu hỏi này từng đã được khá nhiều nhà nghiên cứu và thực hành y học tìm câu trả lời. Có thể kể đến một số công trình và bài viết: “Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và bộ Hải Thượng Y tông tâm lĩnh” (bài giới thiệu khái quát của BS. Phó Đức Thảo trong cuốn Hải Thượng Y tông tâm lĩnh, Nxb Y học, 1997, tái bản: 2005; “Những bài học lớn của Hải Thượng Lãn Ông”, GS.BS. Hồ Đắc Di, Tạp chí Đông y số 110-111/ 1999?); Tài danh Y học Việt Nam và Thế giới (Lê Gia Vinh, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2001); Thân thế và sự nghiệp y học của Hải Thượng Lãn Ông (Lê Trần Đức, Viện Nghiên cứu Đông y, Nxb Y học và Thể dục thể thao, Hà Nội, 1965); Kỷ yếu HTKH Kỷ niệm lần thứ 250 ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (Nhiều tác giả, Nxb Y học, 1970); 37 bài báo nhỏ đăng chủ yếu trên 2 tờ tạp chí Đông y và Y học cổ truyền (trong đó chỉ có 30 bài bàn về y thuật với các vấn đề như Bệnh án ho ở trẻ em, Chứng phong thấp, Bệnh án phụ khoa, Nhi khoa, Lãn Ông bàn về tỳ vị, Quan niệm của Lãn Ông về chứng nôn nghén, thai lậu, động thai, Chứng phong thấp, Thấp nhiệt, Huyết áp cao, v.v…). Có thể nói, số công trình tìm hiểu, nghiên cứu về Lê Hữu Trác với tư cách là một lương y, đặc biệt trên phương diện Y thuật còn mỏng, chưa xứng tầm với Hải Thượng Lãn Ông. Ở đây, xin được đặt kỳ vọng vào các nhà khoa học Y học, nhất là các BS Đông y,…
Trong tư cách một đại danh y, Lê Hữu Trác có cả một hệ thống quan điểm, lý luận, từ y đức, y lý, y thuật, đến dược, di dưỡng… Về Y lý và Y thuật có thể có những điểm ngày nay không còn phù hợp hoặc do lịch sử vượt qua (việc vận dụng quan điểm Nho giáo/ “Nho lý”: “Học nghề y phải nên thấu suốt Nho lý”; việc vận dụng thuyết Kinh dịch/ “Dịch lý” liên quan đến âm dương, ngũ hành: “Học Kinh dịch đã rồi mới nói đến việc làm thuốc”,…) nhưng về cơ bản vẫn mang tính giá trị bền vững. Về Y đức, quan niệm của Lê Hữu Trác với những nét lớn (“Nhân là một đức tính cơ bản”, “là điều kiện tiên quyết để vào nghề y” - quyển Y âm án; “Người thầy thuốc cần có tám chữ: Nhân, Minh. Đức, Trí, Lượng, Thành, Khiêm, Cần”; cần tránh tám chữ/ 8 tội: “lười”, “keo”, “tham”, “dối”, “dốt”, “ác”, “hẹp hòi”, “thất đức” - Y âm án),… vẫn đầy tính thuyết phục, và chắc chắn có sức sống trường tồn.
Thứ hai, với tư cách là một tác gia văn học, Lê Hữu Trác vừa là nhà thơ, vừa là nhà văn; có phong cách, cá tính tài hoa, độc đáo; có đóng góp quan trọng cho lịch sử văn học dân tộc.
Lê Hữu Trác để lại một khối lượng thơ không nhỏ, có thể phân thành hai loại.
Loại thứ nhất là thơ “diễn ca”. Loại thơ này được dùng như một phương tiện/ cách thức để chuyển tải nội dung y học, vì vậy ông chỉ chú trọng vần, nhạc tính, giúp cho người đọc dễ nhớ, từ đó mà vận dụng vào phòng bệnh, chữa bệnh… Có đến hàng trăm bài thơ, đoạn thơ mang tính diễn ca các nội dung y học (về các loại bệnh và cách chữa, các bài thuốc và cách dùng;…) bằng cả chữ Hán và chữ Nôm theo các thể ngũ ngôn, thất ngôn, lục bát, kể cả văn biền ngẫu (Châu ngọc cách ngôn chọn lọc những điều tinh hoa của học thuật, soạn theo thể văn biền ngẫu)… Rất đáng chú ý: Vệ sinh yếu quyết (quyển hạ: Vệ sinh yếu quyết diễn ca) gồm 1171 câu lục bát.
Loại thơ thứ hai - thơ nghệ thuật (Y lý thâu nhàn lái ngôn phụ chí - những bài thơ sáng tác trong thời kỳ làm thuốc; các bài thơ trong Thượng kinh ký sự). Loại thơ này đậm tính trữ tình, dạt dào cảm xúc, ngôn ngữ tinh tế, giàu tính tạo hình và biểu cảm, xứng đáng là những áng thơ đích thực, sáng tác theo cảm hứng và quy luật đặc thù của nghệ thuật thi ca.
Đặc biệt Thượng kinh ký sự (Ký sự lên kinh đô)([3]) - phần cuối cùng (quyển 66) của bộ Hải Thượng Y tông tâm lĩnh đã đưa Lê Hữu Trác vào danh sách các tác gia lớn của văn học Việt Nam. Có thể xem Thượng kinh ký sự vừa như một tác phẩm độc lập, vừa như là phần kết hoặc là “vĩ thanh” có chủ ý của Lê Hữu Trác đối với bộ Hải Thượng Y tông tâm lĩnh. Thượng kinh ký sự tái hiện một cách chân thực bức tranh hiện thực xã hội phong kiến Việt Nam nửa sau thế kỷ XVIII với nhiều mảng màu sắc nét (hiện thực Kinh đô và cung vua, phủ chúa; hiện thực xã hội chốn kinh thành; hiện thực quê nhà và các vùng miền trên lộ trình Lê Hữu Trác lên Kinh đô (Hà Nội). Ở đây cũng có cả một thế giới nhân vật (người thật, việc thật) phong phú, từ bậc vua chúa, quý tộc, đám quan lại đến các hạng người khác trong xã hội; đặc biệt là hình tượng cái tôi và hình tượng tác giả - một cái tôi, một tác giả ưu thời mẫn thế, không màng danh lợi, luôn có cái nhìn sắc sảo, tinh tế, bao quát sát thực thế giới hiện thực và con người; một cái tôi, một hình tượng tác giả vừa trong vai một lương y, vừa trong vai một nghệ sĩ ngôn từ, tất cả vì vận mệnh và số phận con người.
Thượng kinh ký sự từng được đánh giá là “một cuốn du kí kiệt tác” (Nguyễn Trọng Thuật); “ngoài giá trị văn học tập ký sự còn là một sử liệu vô giá”; “thiên phóng sự duy nhất của văn học cổ viết về người thực, việc thực một cách sinh động với lối hành văn giản dị, tinh tế” (Phan Võ); “thiên du ký độc nhất vô nhị” (Phạm Thế Ngũ); “cho thấy một tâm hồn giàu cảm xúc, bút pháp tinh tế, kín đáo” (Bùi Duy Tân); “một tập ký đầy tính văn học - thuật việc tỏ lòng hết sức chặt chẽ, miêu tả thì quan sát tinh tường, tỏ lòng thì thành thực trung hậu, làm hiện lên rõ ràng một nhân cách thanh cao, trong sạch”, “đánh dấu trình độ ký văn học cổ điển Việt Nam đạt đến trình độ cao, có tính chất đột phá, sáng tạo” (Trần Đình Sử); “là tác phẩm ký nghệ thuật đích thực đầu tiên của Việt Nam”, “không chỉ là đỉnh cao, là sự hoàn thiện thể ký Việt Nam thời trung đại, mà còn là mực thước cho lối viết ký sau này” (Nguyễn Đăng Na); v.v... Đấy là những nhận xét xác đáng.
Thứ ba, với tư cách là một hiện tượng văn hóa/ nhà văn hóa, ở Lê Hữu Trác và Hải Thượng Y tông tâm lĩnh, càng có nhiều điều cần phải được tiếp tục nghiên cứu.
Nhìn từ phương diện/ tư cách này, người nghiên cứu sẽ có những thuận lợi hơn trong đối sánh Lê Hữu Trác với nhiều hiện tượng văn hóa lớn trên thế giới trên cả hai trục đồng đại và lịch đại. Đây cũng là góc nhìn và là nguồn cảm hứng mãnh liệt lay thức nữ nhà văn Pháp Yveline Féray chọn hai nhân vật trong lịch sử trung đại Việt Nam để “phục dựng” chân dung họ bằng tiểu thuyết lịch sử: Nguyễn Trãi([4]) và Lê Hữu Trác([5]). Y. Feray cho biết, sau khi viết về Nguyễn Trãi, bà tiếp tục viết về Lãn Ông nhằm “tìm đến sự hiệp thông thực sự về văn hóa và phản bác điều khẳng định của Kipling “Đông là Đông và Tây là Tây có trong một số người. Tôi hy vọng từ nay (...) tôi được trở về với nền văn hóa Xentơ gốc rễ của mình” (Yveline Féray, Lời tựa cho bản dịch tiếng Việt tiểu thuyết Lãn Ông).
Với tư cách là nhà văn hóa, trước hết, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác không chỉ am hiểu mà còn vượt lên, biết tổng hợp, tinh lọc các giá trị văn hóa ngoại lai (các triết thuyết: Nho, Phật, Lão, Lý dịch, Kinh dịch, Âm dương, Ngũ hành,.../ trong thời đại ông, lúc bấy giờ, văn hóa phương Đông tuy là văn hóa khu vực nhưng cũng có ý nghĩa như văn hóa quốc tế) và giá trị văn hóa truyền thống bản địa, ở cả hai nguồn bác học và dân gian, từ thế kỷ thứ XVIII trở về trước); tổng hợp, tinh lọc tri thức từ nhiều trước tác của tiền nhân, nhất là trên lĩnh vực y học (Bảo sinh diên thọ toàn yếu, Toàn thư của Cảnh Nhạc, Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh, v.v...). Tổng hợp, tinh lọc các nguồn tri thức để làm gì? Để đúc kết, phổ biến, và kế thừa, trên cơ sở đó, bằng bản lĩnh và tài năng của mình, kiến tạo nên sản phẩm mới, giá trị mới và đưa vào thực tiễn ứng dụng (chữa bệnh cứu người, làm thuốc, đào tạo học trò, truyền bá y đạo, nhân đạo)... Với vốn văn hóa uyên thâm, vốn sống phong phú, tài năng sáng tạo và tấm lòng nhân ái bao dung không dễ có, Lê Hữu Trác nỗ lực không ngừng trong trước thư lập ngôn, lập thuyết và đưa nó vào thực tiễn ứng dụng. Ở ông, nói đi đôi với làm, lý thuyết gắn liền với thực tiễn, thực hành... Tất cả các trước tác và hoạt động của ông đều thực sự và triệt để hướng về Chân - Thiện - Mỹ.
Tư cách nhà văn hóa ở Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, một mặt là sự “tổng hợp” tư cách một đại danh y và tư cách một nhà văn lớn, mặt khác là sự “vượt lên”, mở rộng hơn nhờ những hoạt động, ứng xử phong phú, đa chiều của ông. Ông vừa là một mẫu hình lương y tận hiến, một mẫu hình của nhà văn sáng tạo, vừa là một mẫu hình trí thức/ kẻ sĩ biết “xuất”, “xử”/ “hành”, “tàng” tỉnh táo trên cơ sở lấy nghĩa lớn và đức nhân làm trọng. Có thể thấy trong tư cách nào và ở lĩnh vực hoạt động nào, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đều tỏ ra thực sự là một nhân cách, trí tuệ và tâm hồn lớn. Ông là một tấm gương thực sự về lao động, học tập và sáng tạo; một nhân cách lớn, sống chỉ biết vì dân, vì con người, vì nghĩa cả.
Có thể thấy sự tương đồng, gặp gỡ giữa Lê Hữu Trác và nhiều danh y nổi tiếng thời cổ - trung đại, không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở nhiều nơi trên thế giới bao hàm cả phương Đông và phương Tây.
Ở trong nước, với Danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh (Nguyễn Bá Tĩnh, 1330 - ?), Lê Hữu Trác một mặt có kế thừa, mặt khác phát triển tư tưởng và thành tựu, nhất là quan điểm “Nam dược trị Nam nhân” (Thuốc Nam chữa người Nam – cần hiểu đây là quan điểm y thuật/ học thuật, hoàn toàn mang tính khoa học). Tiếp bước Tuệ Tĩnh, Lê Hữu Trác để lại cho đời những trước tác quý giá. Sau Lê Hữu Trác với Hải Thượng Y tông tâm lĩnh, có Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888) với Ngư Tiều vấn đáp y thuật - một trường hợp “văn y kết hợp” cũng hết sức độc đáo, có nhiều điểm gặp gỡ với tiền nhân (Lê Hữu Trác) ở cả ba phương diện Y đức, Y lý, Y thuật…
Ở ngoài nước, trước hết với Trung Hoa, các danh y nổi tiếng cùng thời và về trước, dường như không có ai mà Lê Hữu Trác không biết. Ông tham khảo, tiếp thu kinh nghiệm và thành tựu y học của họ nhưng luôn luôn với tinh thần sáng tạo, thậm chí phản biện mạnh mẽ, sắc sảo, quyết tạo cho được bản sắc riêng của “Nam nhân” (người nước Nam). Lê Hữu Trác cũng có khá nhiều điểm gặp gỡ, trương đồng với các danh y nổi tiếng của Trung Hoa, tiêu biểu như: Tôn Tư Mạc (550 - 691) - một tài năng lớn nhưng chỉ chuyên tâm nghiên cứu y thuật, soạn sách; không làm quan; đề cao y đức; coi trọng số phận người bệnh; Lý Thời Trân (1518 - 1593) - “ông tổ” của các bài thuốc Trung y; không màng công danh; cũng ngót 30 năm gần cuối đời mới hoàn thành bộ sách Bản thảo cương mục (bộ sách hoàn thành năm 1578, nhưng phải đợi đến ba năm sau khi ông qua đời (1593), mới được khắc in (1596). Bộ sách được xem là “Từ điển bách khoa về dược vật học”, là “tác phẩm y học hoàn chỉnh và chi tiết nhất trong lịch sử Đông y Trung Quốc”, năm 2010 đã được UNESCO ghi danh là Di sản tư liệu thế giới, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Với Hippocrates (460 - 375 (?), TCN) từ phương Tây xa xôi về cả không gian và thời gian - người được xem là “ông tổ” của Y học và là người thầy thuốc vĩ đại nhất lịch sử thời cổ đại Hy Lạp, Hải Thượng Lãn Ông của Việt Nam cũng có những điểm tương đồng trong y đức và y thuật. Có thể thấy những gặp gỡ kỳ lạ trong quan điểm y đức của Lê Hữu Trác (được thể hiện tập trung trong Y huấn cách ngôn, thuộc tập đầu bộ Hải Thượng Y tông tâm lĩnh) với quan điểm y đức của Hippocrates (được thể hiện tập trung trong Lời thề/ Hippocratic Oath, ít nhất là ở các điểm: Ý thức truyền nghề; Sự chỉ dẫn mọi điều có lợi cho người bệnh; Ý thức tránh mọi điều xấu và bất công; Suốt đời hành nghề trong sự vô tư và nhân ái; Vì lợi ích người bệnh, tránh mọi hành vi xấu xa, tránh cám dỗ phụ nữ và trẻ em”)... Theo dõi tư tưởng y học của Hippocrates (được thể hiện qua các bài giảng, bệnh án, một số tiểu luận triết học của ông,... về sau được tập hợp trong “Tập sao lục Hippocrates”/ Corpus hippocraticum, gồm 60 văn bản), có thể thấy trong quan điểm y lý, y thuật của Hải Thượng Lãn Ông cũng có những điểm gần gũi trương đồng với Hippocrates (như quan điểm về việc tìm hiểu và xác định nguyên nhân bệnh tật ở con người; về một số vấn đề sản khoa, nhi khoa, dinh dưỡng; v.v)...
Lê Hữu Trác và Hải Thượng Y tông tâm lĩnh hiện đã được giới thiệu, tìm hiểu và nghiên cứu ở một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Hoa Kỳ,... Điều này cho thấy sức ảnh hưởng và sự lan tỏa từ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và di sản ông để lại là rất lớn. Lê Hữu Trác thực sự mang tầm vóc quốc tế của một danh nhân văn hóa lớn, đủ sức lãnh sứ mệnh nêu gương và truyền cảm hứng cho nhân loại nếu được UNESCO giao trọng trách.
([1]). Theo những khảo cứu mới đáng tin cậy gần đây, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sinh ngày 27.12.1724, trong một gia đình và dòng họ có nhiều người đỗ đạt cao, tại tại thôn Văn Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương – nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) nhưng phần lớn cuộc đời gắn bó với quê mẹ (thôn Bàu Thượng, xã Tĩnh Diệm, huyện Hương Sơn, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An - nay là xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh).
([2]). Xin xem chi tiết ở Hải Thượng Y tông tâm lĩnh, Nxb Y học, 4 tập, 2005 (tái bản).
([3]). Năm 1782, Lê Hữu Trác được triệu ra kinh đô chữa bệnh cho Thế Tử Trịnh Cán. Sau một năm, chứng kiến bao nhiêu chuyện ở Kinh đô, về lại quê nhà (từ 02.11.1782 đến tháng 11.1783), Lê Hữu Trác hoàn thành Thượng kinh ký sự.
([4]). Yveline Féray, Vạn Xuân (Dix Mile Printemps), Nguyễn Khắc Dương dịch, Nxb Văn học & Sudestasie, 2004.
([5]). Yveline Féray, Lãn Ông (Monsieur le Paresseux), Lê Trọng Sâm dịch, Nxb Văn nghệ TP HCM, 2005.