Với mục đích cùng giúp nhau phát triển nghề nuôi ong lấy mật, một số hộ dân ở xã Quang Diệm đã liên kết thành lập Tổ hợp tác nuôi ong Tình Diệm. Không chỉ khai thác được tiềm năng, lợi thế của địa phương mà còn khơi dậy tính tự chủ, mạnh dạn làm kinh tế theo mô hình kinh tế tập thể của các thành viên, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con.
Tổ ong được bà con đặt dưới tán cây ăn quả vừa đảm bảo an toàn, thoáng mát, vừa tạo thuận lợi cho đàn ong lấy mật
Ông Hồ Văn Bình ở thôn Đồng Phú, xã Quang Diệm là một trong những hộ nuôi ong có truyền thống từ lâu. Tuy nhiên trước đây gia đình chỉ nuôi nhỏ lẻ, theo kinh nghiệm là chính, chủ yếu tự cung, tự cấp, hiệu quả kinh tế thấp.
Năm 2010, được tham gia lớp tập huấn về nuôi ong do địa phương tổ chức, ông đã mạnh dạn đầu tư nhân đàn. Từ chỗ nắm vững kỹ thuật nuôi, kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn, đàn ong của gia đình phát triển rất tốt, cho hiệu quả kinh tế thấy rõ.
Năm 2020, với sự hỗ trợ tích cực từ cấp ủy, chính quyền, ông cùng 12 thành viên nuôi ong khác trong xã đã tham gia vào THT nuôi ong Tình Diệm. Từ đó, các thành viên có điều kiện để hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong vấn đề nuôi ong, khai thác mật và ổn định đầu ra sản phẩm.
Hiện tại, gia đình ông có 60 đàn ong, mỗi năm thu hoạch trên 8 tạ mật ong, thu nhập trên 120 triệu đồng. Đối với người nông dân sản xuất nông nghiệp đơn thuần thì nuôi ong đem lại kinh tế cao và ổn định. Ông Bình chia sẻ: "Tham gia vào THT chúng tôi có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Thứ nhất là được học tập về kỹ thuật, có điều kiện tốt để các thành viên cùng nhau trao đổi, chia sẻ trong quá trình nuôi ong, đặc biệt là hỗ trợ nhau trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm và ổn định đầu ra sản phẩm. Nhờ đó mà hiệu quả kinh tế cũng ngày càng phát triển, các thành viên trong tổ rất phấn khởi"
Khai thác mật ong đảm bảo đúng chu kỳ, đủ độ chín nên mật ong của các thành viên THT luôn đạt chất lượng cao, tiêu thụ dễ dàng và ổn định
Xã Quang Diệm là địa phương khá thuận lợi trong phát triển nuôi ong lấy mật, bởi có diện tích cây ăn quả và rừng khá lớn, các loại cây hoa màu được trồng đa dạng, nên ong có đủ nguồn thức ăn tạo mật.
Nghề nuôi ong ở đây dù đã có từ rất lâu nhưng chủ yếu là tự phát, nuôi theo kiểu truyền thống và chưa được trang bị kỹ thuật bài bản nên năng suất, chất lượng chưa cao, việc tiêu thụ sản phẩm còn gặp khó. Để khai thác tiềm năng, lợi thế địa phương, nâng cao đời sống nhân dân, xã đã vận động các hộ nuôi ong thành lập HTX, THT để hỗ trợ nhau trong sản xuất, khai thác và tiêu thụ.
Nuôi ong lấy mật kết hợp với trồng các loại cây ăn quả, hoa màu đang là hướng đi hiệu quả tại địa phương, nhằm đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Ông Lê Khánh Toàn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Quang Diệm cho biết: "Được sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Hội Nông dân xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng, tạo điều kiện về tập huấn khoa học kỹ thuật, vay vốn cho các hộ dân tham gia nghề nuôi ong. Từ đó, bà con mạnh dạn đầu tư phát triển tăng đàn, chú trọng đến chất lượng mật. Đặc biệt, trên địa bàn có HTX mật ong Cường Nga, vừa thu mua sản phẩm cho bà con, vừa hỗ trợ trong việc tinh lọc, chiết xuất mật ong nguyên chất, đảm bảo an toàn và chất lượng cho các hộ nuôi ong. Hiện chúng tôi đang tiếp tục động viên bà con tham gia vào HTX, THT để phát triển nghề một cách thuận lợi và bền vững hơn"
Nuôi ong lấy mật thì điều kiện cần thiết phải có vườn đủ rộng để đặt các thùng ong và đảm bảo nguồn phấn hoa dồi dào. Nuôi ong tốn ít thời gian và công chăm sóc, song đòi hỏi người nuôi phải khéo léo, tỉ mỉ và cần mẫn.
Tham gia vào THT, ngoài việc được hỗ trợ về giống, vốn để phát triển đàn, các thành viên còn được tư vấn, chia sẻ kỹ thuật nuôi ong và các phương pháp tạo chúa, san đàn, quay mật… Đồng thời, hướng dẫn quy trình làm thùng ong, cầu ong sao cho phù hợp với điều kiện thời tiết của từng mùa để ong phát triển tốt, cho ra nhiều sản phẩm.
Nhờ áp dụng chặt chẽ quy trình nuôi ong an toàn với nguồn thức ăn tự nhiên, không sử dụng thuốc kháng sinh, đàn ong của THT phát triển ổn định, ít bị bệnh, số lượng đàn không ngừng tăng lên.
Cán bộ hội Nông dân xã quan tâm bám sát các hộ nuôi ong để kiểm tra, tháo gỡ khó khăn và động viên, khuyến khích các hộ dân phát triển nghề một cách bền vững
Hiện tại, THT có gần 600 đàn ong đang cho khai thác mật, hộ nhiều có tới 100 đàn, hộ ít cũng khoảng 30 đàn ong. Trước khi thu hoạch hoặc xuất bán, sản phẩm mật ong đều được THT kiểm tra kỹ lưỡng, trải qua khâu tinh lọc bằng hệ thống máy thủy phần nên chất lượng nâng lên rõ rệt, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, tiêu thụ dễ dàng. Ông Lê Khánh Ngọc - Thôn Yên Long, xã Quang Diệm phấn khởi cho biết: "Mật ong của chúng tôi được người tiêu dùng ưa chuộng, tiêu thụ ổn định bởi vì chúng tôi luôn đặt chất lượng lên hàng đầu. Các thành viên trong THT đều tuân thủ kỹ thuật nuôi, chu kỳ thu hoạch để mật đạt chất lượng cao nhất. Sau khi khai thác bằng máy quay ly tâm thì mật ong được đưa đến cơ sở OCOP để tinh lọc qua máy thủy phần, đóng chai, dập nắp, dán nhãn để đưa đi tiêu thụ. Toàn bộ quy trình đều được đảm bảo an toàn và chất lượng"
Cùng với việc nuôi ong lấy mật, các hộ thành viên còn bán ra thị trường các sản phẩm như: Ong giống, sáp ong, sữa ong chúa và các đồ dùng để nuôi ong, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Từ hiệu quả của mô hình THT nuôi ong Tình Diệm, xã Quang Diệm đang tiếp tục động viên, khuyến khích nhân dân tham gia vào THT và thành lập các mô hình kinh tế tập thể khác phù hợp với từng vùng dân cư; Đồng thời, hỗ trợ phát triển thương hiệu mật ong địa phương để người nuôi ong yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đem lại nguồn thu nhập cao và bền vững./.