Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hương Sơn đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền các xã, thị trấn tổ chức giải ngân cho vay đúng đối tượng, quản lý chặt chẽ, hiệu quả nguồn vốn chính sách. Nhờ vậy, đã tạo điều kiện cho hàng ngàn hộ dân thoát nghèo, ổn định cuộc sống và nhiều hộ trở thành những điển hình làm kinh tế giỏi với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, góp phần cùng địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội.
Cán bộ Ngân hàng chính sách xã hội huyện tổ chức các phiên giao dịch trực tiếp với khách hàng tại các xã, thị trấn
Gia đình chị Nguyễn Thị Lan, ở thôn 6, xã Sơn Hồng vốn là một hộ nghèo. Hai vợ chồng và con cái ra ở riêng, có sức lao động nhưng không có vốn để phát triển sản xuất. Năm 2016, trong lúc khó khăn, chị được biết về chủ trương vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội dành cho các hộ nghèo và cận nghèo, chị đã tìm hiểu và đăng ký gia nhập tổ tiết kiệm vay vốn.
Từ nguồn vốn vay ban đầu 50 triệu đồng, được cán bộ ngân hàng chính sách và tổ chức hội nông dân hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, anh chị đã đầu tư chuồng trại mua 3 con hươu để chăn nuôi. Lấy ngắn nuôi dài, gây dựng từng bước, qua 3 đợt vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội từ chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo và giải quyết việc làm với tổng số tiền 110 triệu đồng, chị đã đầu tư có hiệu quả vào mô hình chăn nuôi hươu, đem lại cuộc sống ổn định. Chị Lan phấn khởi chia sẻ: "Nhờ có nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội nên gia đình tôi mới thoát được nghèo và có cuộc sống như hôm nay. Cán bộ ngân hàng và địa phương đã tận tình hỗ trợ thủ tục vay vốn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, đưa tôi vào tổ vay vốn tiết kiệm nên đã tạo động lực rất lớn cho gia đình vươn lên trong phát triển kinh tế, con cái được ăn học đầy đủ, tôi vô cùng biết ơn".
Cán bộ Ngân hàng chính sách xã hội và tổ trưởng tổ vay vốn các thôn thường xuyên quan tâm động viên, hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn một cách có hiệu quả
Xã Sơn Hồng hiện có 12 tổ vay vốn do 4 tổ chức hội đảm nhận ủy thác với tổng dư nợ trên 16,5 tỷ đồng cho 345 hộ vay vốn. Trong đó hộ vay nhiều nhất là 3 chương trình với nguồn vốn vay 110 triệu đồng, hộ vay thấp nhất số tiền 30 triệu đồng. Thông qua tổ vay vốn, hộ nghèo và các đối tượng chính sách không những được vay vốn kịp thời, mà còn được hỗ trợ về mặt khoa học kỹ thuật, được tư vấn, hướng dẫn sử dụng nguồn vốn có hiệu quả. Bình quân mỗi năm trên địa bàn có từ 5 đến 7 hộ thoát nghèo, hàng chục hộ phát triển kinh tế bền vững vươn lên khá giả. Chị Hồ Thị Hiên - PCT Hội nông dân xã cho biết "Các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng chính sách trong việc phổ biến, tuyên truyền chính sách đến với người dân, tạo mọi điều kiện, hướng dẫn bà con làm thủ tục vay vốn, định hướng cho bà con phát triển các mô hình phù hợp và hiệu quả. Nhờ đó, hộ nghèo ngày càng giảm, nhiều hộ sau khi thoát nghèo đã tiếp tục được vay các nguồn vốn để đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển mô hình, trở thành những điển hình trong phát triển kinh tế"
Mô hình chăn nuôi 7 con hươu của gia đình chị Nguyễn Thị Lan, thôn 6, xã Sơn Hồng phát huy hiệu quả nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện
Mô hình chăn nuôi quy mô 150 con dê lai của gia đình anh Nguyễn Văn Tân, thôn Tây Nam, xã Sơn Lễ đem lại nguồn thu trên 200 triệu đồng mỗi năm
Với chức năng hỗ trợ vốn nhằm phục vụ tốt hơn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn, thời gian qua, Ngân hàng chính sách xã hội huyện Hương Sơn đã chú trọng kiện toàn bộ máy tổ chức, tập huấn, hướng dẫn các văn bản chuyên môn nghiệp vụ của ngành cho cán bộ nhân viên, nhằm đảm bảo tinh thông nghiệp vụ, đáp ứng nhiệm vụ được giao. Bà Đào Thị Thái Bình - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Hương Sơn cho biết thêm: "Hàng tháng, công tác kiểm tra kiểm soát nội bộ thực hiện với nhiều phương pháp kiểm tra, như kiểm tra trực tiếp, gián tiếp, giám sát từ xa đối với nội bộ đơn vị và hoạt động tại Điểm giao dịch xã, hội nhận ủy thác, Tổ TK&VV, hộ vay. Thông qua điểm giao dịch xã, NHCSXH đã công khai các chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước, công khai danh sách hộ vay vốn, có nội quy giao dịch và hòm thư góp ý để người dân tham gia đóng góp ý kiến và giám sát hoạt động của NHCSXH, thực hiện quy chế dân chủ, công khai và tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương trong việc thực thi tín dụng chính sách tại cơ sở. Từ đó nguồn vốn tín dụng được đưa đến đúng đối tượng thụ hưởng, tín dụng đạt cao so với kế hoạch, chất lượng tín dụng được nâng lên".
Từ một hộ nghèo, gia đình chị Phạm Thị Thành, thoon4, xã Sơn Hồng đã vươn lên thoát nghèo và có cuốc ống, thu nhập ổn định từ chăn nuôi bò
Từ nguồn vốn của Ngân hàng chính sách xã hội, hàng ngàn hộ dân đã thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên trở thành những điển hình làm kinh tế giỏi
Hiện tại, Ngân hàng đang thực hiện ủy thác cho 94 tổ chức hội ủy thác cấp xã với 309 tổ tiết kiệm và vay vốn. Tổng nguồn vốn của Ngân hàng đến nay đạt trên 627 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay đạt 617,3 tỷ đồng.Nguồn vớn Ngân hàng chính sách đã phủ đến 100% thôn trên địa bàn toàn huyện.
Trong đó, cho vay hộ nghèo là 17,3 tỷ đồng; hộ cận nghèo 48,1 tỷ đồng; hộ mới thoát nghèo 281,8 tỷ đồng; học sinh sinh viên trên 30 tỷ đồng; giải quyết việc làm 77,5 tỷ đồng, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 43,2 tỷ đồng; cho vay khác phát triển chăn nuôi theo nguồn địa phương 8,5 tỷ đồng ….
Công tác phối hợp giữa Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện với chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể nhận ủy thác ngày càng chặt chẽ đã góp phần cùng địa phương thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu chung, tạo nhiều việc làm mới, nâng cao nhận thức của người dân trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, củng cố niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, góp sức cùng với địa phương xây dựng nông thôn mới./.