Thả diều là thú vui giải trí đã có từ lâu, thu hút nhiều người tham gia, không chỉ mang lại niềm vui cho trẻ nhỏ mà còn làm thỏa đam mê của nhiều người lớn khi có thời gian rảnh rỗi. Tuy nhiên, khi thả diều cần thận trọng, nhiều người đã thả diều gần đường điện, trạm biến áp, tiềm ẩn hiểm họa khôn lường, điều đó không chỉ vi phạm pháp luật mà còn nguy hiểm đến tính mạng.
Những năm trở lại đây, sự cố do diều gây ra trên địa bàn huyện Hương Sơn đã xảy ra không ít. Tại các bãi đất trống, sân vận động… tình trạng người dân đến tập trung thả diều khá nhiều, đặc biệt là thanh thiếu niên. Không khó để bắt gặp nhóm thanh niên khoảng 5-6 người đang cùng nhau thả diều. Bên cạnh đó, diều được dùng để thả hầu như là diều sáo, để sở hữu được loại diều này tốn không ít công sức và số tiền không nhỏ. Vì vậy người dân nên cân nhắc lợi - hại mà diều mang lại.
Diều sáo do người dân bỏ lại sau khi gây sự cố
Đã có những trường hợp diều bay vướng vào đường dây điện đang vận hành gây ra chạm, chập điện, cháy nổ. Người chơi diều nếu không có kinh nghiệm xử lý dẫn đến bị điện giật, ảnh hưởng đến tính mạng nếu cố tình áp sát đường dây điện, trèo lên cột điện để gỡ diều bị vướng; không chỉ làm hư hỏng thiết bị điện, nghiêm trọng hơn là gây mất điện cả khu vực, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân và nguy cơ gây tai nạn điện cho người.
Dây diều quấn vào đường dây gây sự cố, mất an toàn nghiêm trọng.
Ông Phạm Việt Hùng - Phó giám đốc Điện lực Hương Sơn cho biết: “Thời gian qua, trên địa bàn xảy ra nhiều vụ diều vướng vào lưới điện. Công nhân điện lực phải tháo gỡ rất vất vả, thậm chí phải cắt điện. Khi phát hiện có người thả diều trong vùng có nguy cơ xảy ra sự cố điện, người dân cần báo ngay với điện lực, chính quyền địa phương để yêu cầu thu diều kịp thời, ngăn ngừa các sự cố trên lưới điện, tránh gây nguy hiểm cho người thả diều”.
Công nhân Điện lực Hương Sơn thực hiện tháo gỡ, thu gom diều gây sự cố.
Nhằm bảo vệ hành lang lưới điện, điện lực đã phối hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền, ngăn chặn kịp thời hành vi thả diều gần khu vực đường dây điện, đặc biệt là lưới điện cao áp; thường xuyên kiểm tra, xử phạt nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm. Khuyến cáo người dân tuyệt đối không được tự ý trèo lên cột điện, dùng sào gỡ diều khi bị vướng mà phải báo ngay cho đơn vị quản lý, vận hành can thiệp để tránh nguy cơ tai nạn.
Chính quyền, công an chung tay cùng với điện lực không kể ngày đêm.
Có thể nói, chơi diều là một thú vui, một hình thức giải trí và thư giãn, còn là một nét văn hóa xưa. Song, đây là một thú vui mà lợi bất cập hại. Vậy nên, thả diều ở đâu, ở chỗ nào để không nguy hiểm, không gây sự cố lưới điện là điều cần được người chơi diều quan tâm thực hiện. Ngoài sự cố gắng của ngành điện còn rất cần sự hỗ trợ, phối hợp của các cấp chính quyền, người dân trong việc quản lý, bảo đảm an toàn hành lang lưới điện ./.