Thời gian qua, câu lạc bộ (CLB) diều sáo huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, đã khởi động chế tác Diều sáo truyền thống trên địa bàn huyện, nhằm hướng tới chào mừng kỷ niệm 300 năm ngày sinh và tổ chức UNESCO vinh danh Đại danh y Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác được là danh nhân văn hóa thế giới vào năm 2024.
“Để làm được những con diều sáo theo phương pháp truyền thống của cha ông truyền lại, đảm bảo đúng tiêu chuẩn, người chơi diều sáo cần phải chú trọng đến trọng lượng, kích cở vừa nhẹ, vừa bền, bay cao, tiếng sáo kêu trầm. Người chơi diều phải rất kỳ công chuẩn bị vật liệu, tìm chọn những cây tre vào tháng 11 và tháng 12 âm lịch hàng năm để tuyển chọn làm khung diều, cây tre có lóng (đốt) thưa, không có mắt kiến (mắt đui). Sau đó đem cây tre ngâm dưới ao trong vòng một tháng rồi vớt lên phơi khô, khi làm diều thì mang ra chẻ thành nan, rồi dùng dao vót cho trơn tru theo thiết kế của mình. Sau khi làm khung xong, dùng loại giấy bản kết hợp nhựa quả hồng tươi, nhựa quá mít, hoặc nhựa quả sắn, để dán theo khung hình rồi đem phơi khô. Muốn có âm thanh trầm mặc bay bổng từ tiếng sáo phát ra trên bầu trời, người chơi diều thường sử dụng gốc cây tre mỡ có mắt đui; gỗ vàng tâm hoặc gỗ bộp, rồi dùng dao khoét miệng sáo cho cân xứng với kích thước chiều dài của sáo.
Sau khi hoàn thiện cả diều lẫn sáo, ta dùng giây dù buộc vào thân diều, chờ đến mùa hè có gió Lào thổi mạnh, chọn những địa điểm an toàn, không ảnh hưởng đến hành lang lưới điện thì mang diều ra thả để diều bay lượn trên bầu trời, còn người thì ngồi dưới đất để thưởng thức những âm thanh phát ra khi trầm, khi bỗng từ miệng sáo, khiến cho chúng ta cảm nhận một điều huyền bí đang bay lơ lững giữa bầu trời xanh thẳm, mà tấm lòng cảm thấy khoan thai, sâu lắng đến lạ thường” Anh Trần Văn Hồng, CLB diều sáo 38 Hương Sơn, cho biết.
Hiện nay, người chơi diều sáo đã chế tác ra nhiều mẫu diều làm bằng chất liệu các bon, trọng lượng vừa nhẹ, kích cở khung cánh diều dài từ 05 đến 09 mét, khi thả diều phải cần tới 04 người phối hợp thì diều mới bay lên được. Theo xu thế hiện nay, người chơi không dùng bằng giấy bản, mà dùng chất liệu vải mềm chống thấm nước, dùng chỉ khâu vào khung chứ không dùng các loại nhựa cây truyền thống như trước đây các cụ thường sử dụng.
Một số hình ảnh của câu lạc bộ (CLB) diều sáo 38 Hương Sơn thực hiện, chế tác trong thời gian vừa qua tại xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn-Hà Tĩnh.
Các thành viên trong CLB diều Hương Sơn đang tập trung chẻ tre làm khung sườn, sau đó dùng các loại vật liệu khác để hoàn thiện sản phẩm diều.
Các thành viên trong CLB đang lắp ráp diều sáo để trình diễn nhân kỷ niệm 300 năm ngày mất Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Vời thú chơi đam mê diều, các thành viên đang lắp đặt chú diểu khủng tại nhà thầy Nguyễn Văn Tuân, trú tại xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn.
Cánh diều đạt giải cao được BTC trưng bày tại nhà thờ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác thuộc Thôn Bàu Thượng, xã Quang Diệm.
Các thành viên trong CLB diều Hương Sơn tạo mẫu diều mang hình ảnh lá cờ VN, trong rất đẹp mắt.
Cận cảnh chú diều khủng được các thành viên chế tác bằng chất liệu các bon cùng kết hợp với loại vải lụa mền để hứng gió khi bay cao
Hiện CLB diều sáo Hương Sơn đang sở hữu nhiều loại diều làm các chất liệu khác nhau.