Ngày 12 tháng 11 năm Giáp Thìn (1724), một ngôi Sao Khuê xuất hiện trên bầu trời thôn Văn Xá, làng Lưu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương, (nay thuộc Xã Lưu Xá, huyện Yên Mỹ tỉnh Hưng Yên). Ánh sáng của ngôi Sao Khuê ấy đã soi đường cho các Thầy Thuốc Việt Nam suốt hơn 200 năm qua, cho đến tận ngày nay. Ngôi sao ấy chính là: Danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác
1. Lê Hữu Trác - Một Danh y có nếp sống bình dị, không màng danh hoa phú quý
Danh Y Lê Hữu Trác xuất thân từ một gia đình nổi tiếng với việc đỗ đạt khoa bảng, có nhiều người làm quan to trong triều đình. Cha ông là Lê Hữu Mưu, thời trẻ đã đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ, được nhà vua phong chức Ngự sử. Chú ruột là Lê Hữu Kiều đỗ tiến sĩ và làm quan thời Trịnh Doanh, Trịnh Sâm, từng trấn thủ đất Nghệ An. Từ khi còn nhỏ Lê Hữu Trác đã bộc lộ tài năng thiên bẩm trong việc học hành, tinh thông sử sách. Ông đã được cha đưa lên Kinh thành Thăng Long học tập và đã đậu Tam trường thi Hương. Tính cách ông hào sảng, thích giao du nên được mọi người yêu mến. Ngay cả chúa Trịnh cũng rất quý mến ông. Tuy nhiên không lâu sau được tin cha mất, ông phải về quê chịu tang và chu tất công việc gia đình.
Những năm Lê Hữu Trác đang độ tuổi thanh niên, xã hội loạn lạc với cuộc Trịnh - Nguyễn phân tranh chia đôi đất nước, rồi khởi nghĩa Tây Sơn nổ ra, khiến muôn dân lầm than đau khổ, ông đã quyết rời bỏ sách vở, luyện tập võ thuật, nghiên cứu binh thư, xung vào quân ngũ nhằm giữ yên xã tắc. Trong quân ngũ một thời gian, Lê Hữu Trác nhận được hung tin: Anh trai cả mất vì bạo bệnh, nên ông xin giải ngũ, về Hương Sơn phụng dưỡng mẹ già và chăm nuôi các cháu nhỏ mồ côi. Tại quê mẹ Hương Sơn, Hà Tĩnh, ông bị cảm nặng, chạy chữa suốt hai năm mà không khỏi. May thay sau đó Lê Hữu Trác đã được Trần Độc, một Lương Y nổi tiếng người Nghệ An, học rộng biết nhiều chữa khỏi bệnh cho ông. Với con mắt tinh đời, nhận thấy dung mạo của Lê Hữu Trác là người thông minh đức độ nên Lương Y Trần Độc đã đem hết hiểu biết Y học của mình truyền lại cho Lê Hữu Trác.
Vốn là người thông minh, Lê Hữu Trác mau chóng hiểu sâu Y lý, nhận ra nghề Y không chỉ lợi cho mình mà còn giúp được người đời, nên ông quyết chí học thuốc. Đã từng là một bệnh nhân trở thành Thầy thuốc vì vậy ông rất hiểu những nỗi khốn khổ của người bệnh, nhất là những bệnh nhân nghèo. Do đó trong việc chữa bệnh, Hải Thượng Lãn Ông lấy việc cứu người làm trọng, người bệnh nặng chữa trước, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn. Đặc biệt Ông là người không tham danh lợi phú quý giàu sang. Ông yêu thích tự do và cuộc sống thanh đạm, trong sạch giản dị nơi quê nhà. Năm 30 tuổi, Lê Hữu Trác đã khước từ lời mời của chúa Trịnh, kiên quyết ở lại quê mẹ Hương Sơn, Hà Tĩnh chuyên tâm chữa bệnh cứu người. Tuy nhiên sau một thời gian, muốn nâng cao hiểu biết về Y học, Lê Hữu Trác đã lên Kinh đô mong tìm kiếm thêm được nhiều kiến thức trong biển Y Lý mênh mông. Sau một thời gian học tập, ông lại rời bỏ chôn kinh kỳ phồn hoa, quay về quê mẹ chữa bệnh cứu người. Tại đây với hiểu biết rộng về Y lý, ông đã chẩn đoán bệnh rất chính xác, kê đơn bốc thuốc rất hay, chữa được nhiều bệnh nan y, lại không màng danh lợi, vì vậy tên tuổi của Lê Hữu Trác nhanh chóng vang xa, vượt khỏi vùng Hương Sơn chật hẹp, bay đến tận Kinh thành Thăng Long và khắp mọi miền đất nước. Danh thơm lọt vào tai chúa Trịnh Sâm, Chúa liền triệu Lê Hữu Trác ra Thăng Long để chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán đang bị bệnh hiểm nghèo. Không chỉ chữa bệnh giỏi, mà Hải Thượng Lãn Ông còn lập những hội Y học, mục đích quy tụ những danh y khắp mọi miền đất nước để giao lưu, tâm sự, chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau. Đồng thời với tâm nguyện truyền lại những kiến thức Y học của mình cho các thế hệ sau, Lê Hữu Trác đã mở những lớp dạy học để truyền nghề. Học trò theo học ông rất đông.
2. Lê Hữu Trác - Một Thầy thuốc coi trọng Y đức
Hải Thượng Lãn Ông quan niệm rằng: “Đạo làm Thuốc là Nhân thuật”. Đây là tư tưởng chủ đạo suốt cuộc đời làm Thầy thuốc của Ông. “Nhân thuật” có thể hiểu nôm na là Nghệ thuật làm người - Nghệ thuật cứu người. Người Thầy thuốc phải lo cái lo của người, vui cái vui của người, lấy việc giúp người làm mục đích hành nghề, không cầu lợi kể công. Trong bộ Y tông tâm lĩnh, Hải Thượng Lãn Ông đã nêu Chín điều Y huấn cách ngôn. Khi nghiên cứu về “Y Huấn cách ngôn”, một tạp chí Y khoa của Pháp Concuors Médical đã nhận xét rằng: “Ở chín điều di huấn cách ngôn, ngoài những điểm giống như “Lời thề Hyppocrate”, còn có phần đầy đủ hơn, đi sâu vào lòng người”.
Danh Y cũng khẳng định rằng người Thầy thuốc phải có đủ 8 đức tính, đó là: Nhân - Minh - Đức - Trí - Lượng - Thành - Khiêm - Cần (quan tâm đến người khác -sáng suốt, đức độ - rộng lượng - thành thật - khiêm tốn - chăm chỉ). Đồng thời ông cũng chỉ ra 8 tội cần tránh của lương y: Lười - Keo - Tham - Dối - Dốt - Ác - Hẹp hòi - Thất đức. Bản thân Hải Thượng Lãn Ông đã nêu tấm gương sáng chói việc thực hiện những điều răn dạy ấy. Thấm nhuần đạo lý từ ngàn xưa của dân tộc “Thương người như thể thương thân”. Ông đã đi bộ hơn ba mươi dặm để chữa bệnh cho một bệnh nhân ở huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Có lần trong đêm khuya sương gió lạnh lùng. Ông đã vượt qua núi Thiên Nhẫn để cấp cứu cho một bệnh nhân ở Nam Đàn, Nghệ An. Hải Thượng Lãn Ông đã từng chữa một ca bệnh đậu mùa rất nặng cho một em bé con nhà thuyền chài nghèo khổ bên bờ một con sông heo hút. Không những chữa lành bệnh cho em, mà ông còn không lấy tiền thuốc, tiền công. Ngoài ra, ông còn cứu trợ gia đình bệnh nhân gạo, củi, dầu đèn…
Hải Thượng Lãn Ông đã nêu tấm gương sáng cho người đời về sự chăm chỉ cần cù, dày công nghiên cứu, tích lũy kiến thức. Mặc dù rất tôn trọng học tập kiến thức của lớp người trước (như Lương Y Tuệ Tĩnh 1930-1400), nhưng Hải Thượng Lãn Ông không câu nệ vào sách vở. Y thuật của ông có giá trị lâu dài bởi vì ông chịu lắng nghe đồng nghiệp, kể cả học trò, đồng thời áp dụng kinh ngiệm của lớp người đi trước một cách có chọn lọc, linh hoạt sáng tạo, không hề rập khuôn máy móc. Từ đó ông đã tìm đúng căn nguyên của bệnh tật và vạch ra phác đồ điều trị phù hợp với đặc điểm phong thổ, khí hậu và con người Việt Nam. Hải Thượng Lãn Ông đã thực hiện nhuần nhuyễn phương châm “Nam Dược trị Nam Nhân”. Do đó Ông vừa chữa bệnh vừa nghiên cứu khoa học. Ông ghi chép lại một cách đầy đủ những thành công và cả những thất bại của mình trong hai cuốn “Y Dương Án” và “Y Âm Án” để cho đời sau rút kinh nghiệm. Ông còn sưu tầm được hàng nghìn phương thuốc hay của lớp người đi trước và trong dân gian, chính ông đã tìm ra được hơn ba trăm vị thuốc Nam rất có giá trị cho đến tận ngày nay.
Có thể nói rằng trong lịch sử Y học Việt Nam, Hải Thượng Lãn Ông đã đặt nền móng cho việc xây dựng “Y Thuật” với cuốn Hải Thượng Y tông tâm lĩnh gồm 28 tập, 66 quyển. Bộ sách Hải Thượng Y tông tâm lĩnh là Bách Khoa toàn thư y học thế kỷ 18 - Một cuốn sách mà trên thế giới cũng rất hiếm trong thời kỳ đó. Cuốn sách là tinh hoa của Y học nhân loại và Y Dược học cổ truyền Việt Nam. Trong tác phẩm này Hải Thượng Lãn Ông đã đề cập đến hầu hết các lĩnh vực: Nhi khoa, Nội khoa, Ngoại khoa, Phụ khoa, Thương khoa, Truyền nhiễm, Cấp cứu… đến những vấn đề vệ sinh phòng bệnh, thậm chí cả những cách chế biến món ăn dưỡng sinh, mà theo ngôn ngữ Y học hiện đại đó là các “Thực Phẩm Chức Năng”.
Lưu ý rằng, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác không những là Thầy thuốc mà ông còn là người có tâm hồn lai láng văn thơ. Bộ sách Hải Thượng Y tông tâm lĩnh không chỉ là một công trình nghiên cứu Y học xuất sắc thời kỳ trung đại, có giá trị to lớn về Y học, mà còn có giá trị lớn về văn học, lịch sử, triết học. Thượng kinh ký sự là một tác phẩm văn học vô cùng quý giá của Văn học Việt Nam. Trong nhiều năm qua tác phẩm Thượng kinh ký sự đã đưa vào giảng dạy ở trường Trung học phổ thông. Ngoài ra, Hải Thượng Lãn Ông cũng để lại cho hậu thế những bài thơ thấm đẫm tình người, mà bài “Gửi người tình cũ” dưới đây là một ví dụ:
Vô tâm, khiến lỡ duyên người
Gặp nhau thêm để ngậm ngùi xót xa
Nụ cười mà lệ tuôn sa
Sóng xuân đã cạn, nét hoa vẫn còn
Kiếp này kết nghĩa anh em
Kiếp sau xin được nên duyên vợ chồng
Phụ ai, ai nỡ phụ lòng
Đành thôi ôm một mối tình dở dang.
(Bản dịch từ nguyên tác chữ Hán của Trương Việt Linh)
3. Lê Hữu Trác là một tấm gương sáng cho muôn đời, xứng đáng được tôn vinh không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới
Hơn 200 năm qua tấm gương của Danh y Hải Thượng Lãn Ông đã chiếu sáng trên bầu trời Việt Nam nói chung và trong lĩnh vực Y tế nói riêng. Cuộc đời và sự nghiệp của ông đã truyền cảm hứng cho các thế hệ Thầy thuốc Việt Nam. Lớp lớp các thệ hệ Thầy thuốc Việt Nam đã xây dựng nên một nền Y học Việt Nam mang đậm tính khoa học, dân tộc và đại chúng. Đặc biệt là thế hệ các Thầy thuốc ở những năm đầu của thế kỷ 20 cho đến nay, như Giáo sư - Bác sĩ Hồ Đắc Di (1900-1984), Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (1909-1968 ), Giáo sư - Bác sĩ Đặng Văn Ngữ (1910-1967), Giáo sư - Bác sĩ Tôn Thất Tùng (1912-1982), Giáo sư - Bác sĩ Đặng Văn Chung (1913-1999) với biệt danh là Bàn tay vàng.
Mặc dù xuất thân từ gia đình trâm anh thế phiệt, được đào tạo trong nước và đã từng theo học ở những trường Y danh giá của của nước Pháp, nhưng Bác sĩ Hồ Đắc Di, Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã từ bỏ cuộc sống giàu sang nơi đất khách quê người, trở về Việt Nam mở Nhà Thương chữa bệnh cho đồng bào. Cám cảnh trước bệnh dịch do ký sinh trùng gây ra cho người Việt, sau khi đỗ đạt cao ở trường Đại học Y học Đông Dương, Bác sĩ Đặng Văn Ngữ - Cha đẻ của thuốc Kháng sinh - đã đi du học Nhật Bản. Noi theo tấm gương của Hải Thượng Lãn Ông, Bác sĩ Đặng văn Ngữ đã say sưa nghiên cứu và đã có nhiều báo cáo khoa học có giá trị, đặc biệt ông đã tìm ra giống nấm sản sinh ra penicillin và đó có lẽ là giống nấm penicillin đầu tiên ở Nhật Bản. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, theo lời kêu gọi của Bác Hồ, ông đã rời bỏ mọi công danh ở Nhật, trở về Việt Nam chữa bệnh cho đồng bào và chiến sĩ đang anh dũng kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Người ta kể rằng Bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã dùng cơ thể mình để thử nghiệm những loại vacxin do chính ông đã tìm ra….
Chúng ta có thể khẳng định rằng, Bác sĩ Tôn Thất Tùng là một người học trò xuất sắc của Hải Thượng Lãn Ông về học tập nghiên cứu. Từ năm 1935 đến 1939, khi còn là một sinh viên Y khoa, chỉ với một dao nạo thô sơ, Bác sĩ Tôn Thất Tùng đã phẩu tích trên 200 lá gan của tử thi để nghiên cứu các mạch máu, vẽ lại thành các sơ đồ đối chiếu và ông đã bảo vệ thành công một cách xuất sắc luận án Bác sĩ Y khoa với đề tài “Cách phân chia mạch máu ở gan”. Luận án này là tiền đề cho phương pháp “Mổ gan khô” hay là còn gọi là phương pháp “Tôn Thất Tùng” (Ton That Tung’s method) nổi tiếng ở Việt Nam và trên thế giới sau này…
Nhiều lắm, nhiều lắm,… kể sao hết những tấm gương Thầy thuốc vì Tổ Quốc hy sinh, vì Nhân dân phục vụ trên khắp mọi miền tổ quốc Việt Nam thân yêu trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc.
Theo lời dạy của Bác Hồ “Lương Y như từ mẫu”, hết lớp Thầy thuốc này đến lớp Thầy thuốc khác đã xây dựng nên nền Y học Việt Nam mang tính nhân bản thấm đượm Y đức của Hải Thượng Lãn Ông.
4. Kết luận
Cuộc đời và sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông đã để lại cho dân tộc ta niềm tự hào to lớn. Noi gương ông, lớp lớp Thầy thuốc Việt Nam đã học tập rèn luyện đạo đức của người Thầy thuốc, luôn luôn sẵn sàng vì Nhân dân phục vụ, vì Tổ quốc hy sinh. Nhiều Thầy thuốc đã được phong danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân, Thầy Thuốc Ưu tú, được trao tặng nhiều Bằng khen và Huân huy chương các loại. Trong cơn dại dịch Cô-vít vừa qua, nhiều Y Bác sĩ, nhân viên Y tế đã ngày đêm cứu chữa bệnh nhân, bất chấp hiểm nghèo kể cả việc lây bệnh. Có người đã bị lây nhiễm từ bệnh nhân mà tử vong.
Tuy nhiên càng tự hào về những thành tựu của Y học Việt Nam mấy mươi năm qua bao nhiêu, chúng ta càng buồn lòng bấy nhiêu về những tiêu cực của ngành Y tế nước ta hiện nay. Do thiếu rèn luyện tu dưỡng Y đức, nên một số Y bác sĩ, trong đó có cả những lãnh đạo cấp cao của ngành Y tế đã quên mất “Lời thề Hyppocrate”, quên hết những Lời dạy về Y đức của Hải Thượng Lãn Ông, nên đã đánh mất phẩm chất Lương y như từ mẫu của người Thầy thuốc. Có những người đã sa vào vòng lao lý. Điều đó khẳng định rằng những điều răn dạy về Y dức của Hải Thượng Lãn Ông hiện nay vẫn còn nguyên giá trị và việc tuyên truyền giáo dục Y đức của Danh y là một việc làm rất cấp thiết hiện nay trong ngành Y tế nói riêng và trong xã hội nói chung.
Với phong cách sống giản dị giàu lòng nhân ái, với những đóng góp to lớn của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đối với nền Y học của nhân loại, ông rất xứng đáng được tôn vinh là Danh nhân văn hóa thế giới. Hy vọng rằng trong một ngày không xa, điều đó sẽ thành sự thật./.