Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là một danh nhân lớn của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XVIII. Hiện nay, tỉnh Hà Tĩnh tập trung triển khai nhiều hoạt động hướng tới kỷ niệm 300 ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác vào năm 2024.

Khu Mộ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh

 

1. Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sinh năm Giáp Thìn 1724, quê ở làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên. Thân sinh Lê Hữu Trác là Lê Hữu Kiều (1691 - 1760) đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Tuất niên hiệu Vĩnh Thịnh 4 (1718) đời Lê Dụ Tông. Thân mẫu là bà Bùi Thị Thưởng, con gái Tướng công Bùi Diệm Đăng, quê ở xứ Bàu Thượng, xã Tình Diệm, huyện Hương Sơn.

Cũng như Nguyễn Du có cha là người xứ Nghệ (Tiên Điền - Nghi Xuân), mẹ là người Kinh Bắc (Bắc Ninh). Ông được thừa hưởng truyền thống của một gia đình, dòng họ khoa bảng, trâm anh thế phiệt, lại ở vùng “nhất Kinh kỳ, nhì Phố Hiến”. Khi về Hương Sơn, được tắm mát bởi dòng sông Ngàn Phố hiền hòa, thơ mộng, chính vì vậy, trong con người Lê Hữu Trác đã hội đủ những phẩm chất thanh lịch, hào sảng của người Hưng Yên, cộng với cái khí chất “chịu khổ nhẫn nại, cần cù kiệm ước đã quen nề nếp. Kẻ sĩ không chuộng hoa phấn, yên cảnh bần hàn”(1) của người xứ Nghệ... Tất cả những điều đó đã kết tụ, tạo nên một Lê Hữu Trác thật đặc biệt.

Không những là Đại danh y kiệt xuất mà còn là một nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học xuất sắc trong lịch sử Việt Nam thế kỷ XVIII, Lê Hữu Trác đã để lại một sự nghiệp trước tác đồ sộ với các tác phẩm nổi tiếng như Hải Thượng Y Tông tâm lĩnh, Thượng kinh ký sự, Châu ngọc cách ngôn, Đạo lưu dư vận quyển, Nữ công thắng lãm, Bảo thai thần hiệu diễn ca, Vệ sinh yếu quyết…

Về mục đích làm thuốc, ngay trong bài giảng đầu tiên về phương pháp hành y (Y nghiệp thần chương), Lê Hữu Trác đã viết: "Nghề làm thuốc tức là một nghề cầm cái sinh mệnh của con người ở trong tay mình. Nhung đối với các y giả ở đời, phần nhiều coi là một nghề rất dễ, riêng ta đây thời lại coi là một nghề rất khó… Vả chăng, ta tuy chuyên theo về nghề làm thuốc nhưng thực ra thời cũng không ham đi chữa bệnh. Vì chỉ e rằng đi chữa cho nhiều người, thời sẽ bị nhầm nhiều, bị nhầm nhiều thời sẽ bị âm báo nhiều. Như thế thời chẳng có khác gì cầu lấy phúc mà lại rước lấy tội. Bởi thế nên không bày tủ thuốc, không sắm dao cầu, không mong ai mời, chẳng cầu ai tạ. Chỉ đối với những con em trong họ hàng, bà con trong làng xóm, tình không thể bỏ được, nghĩa không thể chối được thời vô luận là người nhớn hay trẻ con, hoặc cắt thuốc, hoặc cốt cầu lấy khỏi bệnh, còn tiền nong thời tùy ý”(2).

Về lối chữa bệnh của Lê Hữu Trác, Đại học sĩ Trương Quốc Dụng (1797 - 1864) trong Thoái thực kỳ văn ghi lại câu chuyện: Có một người họ Nguyễn ở làng Hoàng Cần (cùng làng với Trương Quốc Dụng) lúc trẻ bị bệnh đau bụng, chữa gần một năm không khỏi nên đến xin gặp thầy Huân (Lê Hữu Trác) để chữa bệnh. Khi đến nhà thầy Huân thấy một tấm biển treo trước của nhà, nhắc người bệnh đến đây chớ nói bệnh trước, đợi thầy xem mạch đoán chứng, không sai thì mới chữa; nếu sai tức là kiến thức chưa đủ, xin tìm thầy thuốc giỏi khác. Đến khi thầy Huân thăm bệnh, nói đúng y như bệnh tình của ông họ Nguyễn. Sau khi được chữa khỏi bệnh, ông họ Nguyễn bèn mổ lợn thổi xôi, cầm một thỏi bạc đến tạ ơn, thầy Huân nói: “Tiền thuốc hôm trước thật ra không đến nửa, song vì ông cũng có tiền, nên tôi lấy cả để giúp những người nghèo không trả được mà thôi”(3). Trương Quốc Dụng nói rõ thêm: “Sách của thầy có Lãn Ông Y Án lưu truyền ở đời. Đời sau ca ngợi y thuật mà không biết thầy còn là một bậc cao sĩ”(4)..

Qua câu chuyện trên của Trương Quốc Dụng, có thể thấy, đây là một cách đoán bệnh, chữa bệnh và lấy tiền công thật đặc biệt, hiếm có của Lê Hữu Trác. Khi người bệnh đến khám thì ông yêu cầu không trình bày bệnh trước, khi lấy tiền công thì ông lấy của người giàu nhiều hơn, mục đích là để “chia bớt cho người nghèo”… Thử hỏi, trước và sau ông, có mấy người làm được như thế?

Trong cuộc sống thường nhật, ta thấy Lê Hữu Trác còn là một người rất biết “ăn chơi”. Trong tác phẩm Thượng Kinh ký sự, ông bộc lộ: “Lúc còn bé, tôi ở trong Kinh cùng mấy anh em kết bạn thành một thi xã. Chúng tôi hẹn nhau mỗi năm hai lần vào mùa xuân và mùa thu đến Hồ Tây, đem đủ rượu và đồ nhắm thuê ba bốn chiếc thuyền buông ra giữa hồ du ngoạn. Tiếng đàn ca hát vang cả bốn phía. Đêm khuya, chúng tôi về chùa Trấn Vũ ngủ. Có khi chơi đến bốn năm hôm mới về"(5). Hay ngay ở đoạn mở đầu của thiên ký sự, Lê Hữu Trác viết: “Tôi thường dắt tiểu đồng lên núi. Tha hồ ngắm cảnh khói mây để tiêu khiến; hoặc ngồi ở đình Nghênh phong mà buông câu; hoặc ngồi ở lầu Tị huyện mà gảy đàn; hoặc ngồi ở đình Tối quảng mà đọc sách; hoặc ngủ trước bàn cờ ở nhà Di chân. Tha hồ vui thú. Thường ngà ngà say mới về"(6). Trước lúc giã nhà lên Kinh: “Ngày 14, làm lễ tế tiên thánh, tiên hiền rồi hát một chầu. Ngày 16, bọn học trò thấy tôi sắp đi xa, lại bày một bữa tiệc hát nữa"(7). Trong Thượng Kinh ký sự, còn có rất nhiều cảnh uống rượu, thưởng trà, gảy đàn, những thú chơi tao nhã, phong lưu… Đây cũng chính là mảng màu phản ánh trung thực nhất con người rất đời thường của Lê Hữu Trác, bởi ông vốn xuất thân từ con nhà quyền quý, nhiều đời hưởng lộc triều đình.

Tuy không trực tiếp ra làm quan, nhưng theo Lê Trần Đức trong bài viết “Nguyễn Hoành và Nam Dược cục”, in trên Tạp chí Đông y, số 146, năm 1977 cho biết thì dưới triều Tây Sơn, vua Quang Trung cho lập cơ quan Nam Dược cục, chuyên lo việc trồng chế thuốc với thảo mộc, nguyên liệu bản địa. Cơ quan này do Nguyễn Hoành làm trưởng, Nguyễn Quang Tuấn làm phó, và “được sự giúp đỡ của hai danh thủ đương thời là Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và Nguyễn Gia Phan”(8). Như vậy, theo tư liệu này thì có nghĩa, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã từng ra giúp triềuTây Sơn về mặt Y học.

Dưới triều Nguyễn, các sách thuốc của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã được khắc in thành các mộc bản. Những mộc bản này hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Bắc Ninh và đã được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Trương Tú Dân (Trung Quốc) đã hết lời ca ngợi “có thể coi Hải Thượng Lãn Ông là y thánh của Việt Nam... Giả sử coi Nguyễn Du là Gớt (Goethe) của Việt Nam thì cũng không ngần ngại gì mà không gọi Lê Hữu Trác là Lý Thời Trân (1518 - 1593, nhà y học lớn của Trung Hoa đời Minh) của Việt Nam"(9). Trần Văn Giáp đánh giá: “ông học người xưa mà không hề tự hạn chế mình trong khuôn khổ người xưa. Bất cứ vấn đề gì, đều có tính sáng tạo thích hợp với hoàn cảnh, với điều kiện tự nhiên: Nghiên cứu mở rộng thêm, áp dụng với nhiều kinh nghiệm, bổ sung những thiếu sót, giải thích cho rõ ràng, có hệ thống cho dễ hơn"(10).

Trong Lược truyện các tác gia Việt Nam, Trần Văn Giáp nhấn mạnh thêm: “Ông là một người tài cao mà thức thời đạt thế, cương quyết bỏ học khoa cử, bỏ đường quan lại, đem tài năng chí khí xây dựng sự nghiệp trên nền y học; suốt trong thời gian hơn 30 năm, ông nỗ lực phấn đấu cho sự nghiệp ấy và đã thành công. Ông đã xây dựng được một nền y học Việt Nam toàn diện, về lý luận, về phương pháp điều trị, về dược vật, thiên về dùng dược vật Việt Nam"(11).

Sau khi qua đời (năm 1791), đến năm 1834, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã được rước vào thờ ở Y Miếu Thăng Long. Năm 2016, cùng với Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Thiếp và Nguyễn Du, tỉnh Hà Tĩnh đã chọn Hải Thượng Lãn Ông để đúc tượng và đưa vào thờ tại Văn Miếu Hà Tĩnh.

2. Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được xếp hạng di tích quốc gia tại Quyết định số 34 VH/QĐ ngày 09/01/1990 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Di tích này có các điểm chính gồm Khu lưu niệm Lê Hữu Trác ở xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn. Đây là nơi Lê Hữu Trác đã sống 44 năm để làm thuốc, làm thơ, chữa bệnh, dạy học và hoàn thành bộ Hải Thượng y tông tâm lĩnh. Khu Mộ là nơi yên nghỉ của Đại danh y Lê Hữu Trác nằm dưới chân núi Minh Tự, xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn. Khu Tượng đài Lê Hữu Trác nằm trên đỉnh núi Minh Tự, cũng thuộc xã Sơn Trung.

Sau khi Lê Hữu Trác qua đời (1791), dòng họ và nhân dân trong vùng đã lập mộ xây lăng, lập đền thờ theo phong tục tập quán địa phương. Mộ do chính Lê Hữu Trác lựa chọn địa điểm, Nhà thờ được lập trong vườn nhà. Các hoạt động tế lễ Lê Hữu Trác mỗi năm thường diễn ra vào hai dịp: Lễ Phật đản và ngày kỵ Lê Hữu Trác. Các hoạt động này được diễn ra ngay tại Mộ, Nhà thờ Lê Hữu Trác và chùa Tượng Sơn. Trải qua thời gian, ngày càng có rất đông người dân địa phương và du khách gần xa, nhất là những gia đình ân nhân vốn được Lê Hữu Trác cứu mạng, đã tìm đến Mộ và Nhà thờ Lê Hữu Trác để bày tỏ sự biết ơn, ngưỡng mộ Đại danh y. Khi người dân về viếng Mộ và Nhà thờ Lê Hữu Trác ngày càng đông thì sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng gắn liền với Khu di tích Lê Hữu Trác cũng dần hình thành.

Cũng từ đây, hàng năm người dân xã Sơn Trung; Sơn Quang (cũ) và các vùng lân cận đã đứng ra tổ chức lễ hội “Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác” nhân ngày giỗ của ông. Lễ hội ban đầu được tổ chức với quy mô cấp xã, do cộng đồng bà con nhân dân xã Sơn Trung làm chủ thể, sau đó, đã được nâng tầm lên quy mô cấp tổng, cấp huyện. Các hoạt động chính thường diễn ra, gồm: dâng hương tại mộ, cúng tại nhà thờ, cầu siêu cầu an tại chùa Tượng Sơn, hội thi thả diều sáo, đua thuyền, đánh cờ người, vật tay…

Vào những năm đầu của thế kỷ XIX (1800 - 1944), lễ hội truyền thống Hải Thượng Lãn Ông được tổ chức thường niên tại các xã miền núi huyện Hương Sơn. Từ năm 1945 đến năm 1975, do ảnh hưởng của chiến tranh nên một số nội dung chi tiết trong phần lễ và phần hội được lược bớt. Tuy vậy, lễ hội vẫn không năm nào bị đứt đoạn nhờ sự bảo tồn, gìn giữ của con cháu dòng họ, bà con và các tăng ni, phật tử các xã miền núi huyện Hương Sơn.

Từ năm 1985 lại nay, nhất là sau khi Mộ và Khu lưu niệm Lê Hữu Trác được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch) xếp hạng di tích Lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, thì lễ hội ngày càng phát triển về cả quy mô, nội dung và hình thức thể hiện.

Trên địa bàn huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh hiện nay, Lễ hội Lê Hữu Trác là một trong những lễ hội có quy mô lớn nhất, được tổ chức đều đặn, bài bản nhất. Bộ Y tế và ngành Y tế cả nước hàng năm cũng đều tổ chức các hoạt động dâng hương tưởng niệm tại khu di tích. Các hoạt động lễ hội Lê Hữu Trác vừa có yếu tố truyền thống (tế lễ), vừa kết hợp với những yếu tố hiện đại (thả diều, đua thuyền, vật tay, lễ cầu siêu, thả hoa đăng…) đã làm cho lễ hội ngày càng thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia. Sức sống của lễ hội ngày càng lan tỏa, bền chặt.

Mộ và Khu lưu niệm Lê Hữu Trác là di tích nguyên gốc duy nhất, gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp y đức của Lê Hữu Trác. Mộ là nơi an nghỉ của Lê Hữu Trác từ khi mất (năm 1791) đến nay, tuy đã có một số lần trùng tu, tôn tạo nhưng vị trí mộ, hướng mộ, hình thức mộ không thay đổi. Nếu nhìn từ trên cao xuống, Mộ giống như một cánh diều nằm giữa núi rừng, giữa một không gian bao la, thanh bình, yên tĩnh. Trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, đây là một khu lăng mộ rất hiếm và độc đáo, không có hình thức tương tự. Nhà thờ Lê Hữu Trác (Thượng điện trong Khu lưu niệm) cũng là một di tích nguyên gốc. Ngôi nhà này chính là nơi gắn bó gần như cả cuộc đời của Lê Hữu Trác, đây cũng chính là nơi Lê Hữu Trác đã sinh sống, nghỉ ngơi, bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Đặc biệt, tại ngôi nhà này, Lê Hữu Trác đã viết trọn bộ Hải Thượng Y Tông tâm lĩnh. Tượng đài Lê Hữu Trác cũng là một hạng mục khá hấp dẫn, đây là Tượng đài Lê Hữu Trác lớn nhất trong cả nước hiện nay. Vị trí xây dựng Tượng đài nằm trên ngọn núi Minh Tự, nơi gắn liền với cuộc đời làm thuốc, vui thú cảnh núi rừng Hương Sơn của Lê Hữu Trác.

Tại Mộ và Khu lưu niệm Lê Hữu Trác hiện còn lưu giữ một số tư liệu, hiện vật quan trọng như các bản sách thuốc của Lê Hữu Trác được viết vào những năm đầu thế kỷ XX, sách thuốc Hải Thượng Lãn Ông toàn thư (viết năm 1942), sách Y gia tâm lĩnh (viết năm 1950), một số dụng cụ bào chế thuốc của Lê Hữu Trác… Những tư liệu, hiện vật này là vô cùng quý giá, hữu ích cho công tác nghiên cứu về Lê Hữu Trác nói riêng, cũng như nghiên cứu về y học cổ truyền nói chung. Khuôn viên Khu lưu niệm Lê Hữu Trác còn trồng bảo tồn rất nhiều chủng loại cây thuốc nam quý, có thể xem như là nguồn gen dự trữ quan trọng cho y học cổ truyền hiện nay.

Mộ và Khu lưu niệm Lê Hữu Trác có lịch sử hơn 230 năm. Trải qua nhiều biến động của lịch sử, thiên nhiên khắc nghiệt, di tích xuống cấp, về sau từng bước được trùng tu, tôn tạo lại. Trước năm 1975, do hoàn cảnh đất nước có chiến tranh nên Mộ và Khu lưu niệm Lê Hữu Trác chủ yếu do dòng họ và nhân dân địa phương trông coi, bảo quản. Cảnh quan khu vườn và nhà Lê Hữu Trác cơ bản vẫn được giữ nguyên, vườn thuốc và các cây dược liệu vẫn được trồng tại đây. Năm 2004 - 2011, Viện Bỏng quốc gia đã thực hiện dự án trùng tu, tôn tạo quần thể di tích Lê Hữu Trác với các hạng mục như Tượng đài, Mộ, Khu lưu niệm với tổng kinh phí gần 40 tỷ đồng.

Hằng năm Bộ Y tế, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, các Sở Y tế trong toàn quốc đều về thăm Mộ và Khu lưu niệm Lê Hữu Trác. Tỉnh Hà Tĩnh cũng xác định đây là di tích trọng tâm trọng điểm để đầu tư bài bản, quy mô nhằm thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Hiện nay, tại vùng đất Hương Sơn, Hà Tĩnh, những ảnh hưởng của Lê Hữu Trác vẫn rất còn rất đậm nét. Những di tích gắn liền với Lê Hữu Trác vẫn được người thân và nhân dân địa phương giữ gìn cẩn thân. Ngoài Mộ và Khu lưu niệm còn có Nhà thờ họ Lê Hữu ở xã An Hòa Thịnh, chùa Tượng Sơn ở xã Quang Diệm cũng là nơi những nơi được trùng tu, bảo tồn cẩn thận và ngày càng phát huy giá trị trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Hội Đông y Việt Nam, Hội Đông y Hà Tĩnh, Hội Đông y huyện Hương Sơn cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động nghiên cứu, bốc thuốc, trao đổi kinh nghiệm tại Khu di tích.

3. Ngày 30/11/2022, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ban hành Kế hoạch số 127-KH/TU ngày 30/11/2022 về Tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, của tỉnh trong 03 năm 2023 - 2025, trong đó có nội dung Kỷ niệm 300 năm ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724 - 1791) vào năm 2024.

Hiện nay, tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai việc lập hồ sơ khoa học trình Bộ Ngoại giao Việt Nam để trình Tổ chức UNESCO vinh danh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Hồ sơ đã được Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng thuận cao. Tháng 11/2022, hồ sơ đã được Nhà nước Việt Nam trình lên Ủy ban UNESCO và đã có 4 nước là Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Ấn Độ đồng thuận, ủng hộ. Cùng với đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cũng đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn triển khai lập hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích, để qua đó làm cơ sở bảo tồn, phát huy tốt giá trị của Khu di tích này.

Với những công hiến to lớn của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác cùng những giá trị văn hóa - lịch sử đặc biệt của Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác ở huyện Hương Sơn, việc xếp hạng quốc gia đặc biệt đối với Khu di tích này là rất cần thiết. Sự chủ động của tỉnh Hà Tĩnh cũng là bước đi, lộ trình đúng đắn, hợp lý hiện nay./.

 

(1) Bùi Dương Lịch (2018), Nghệ An ký, (Nguyễn Thị Thảo dịch và giới thiệu), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 259.

(2) Nguyễn An Nhân (1942), Sách thuốc Hải Thượng Lãn Ông toàn thư, Nam dược Thư quán, Hà Nội, tr. 11.

(3) Trương Quốc Dụng (2019), Thoái thực ký văn, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, tr.249.

(4) Trương Quốc Dụng (2019), Thoái thực ký văn, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, tr.249.

(5) Lê Hữu Trác (1989), Thượng kinh ký sự, Nxb Thông tin, Hà Nội, tr.88.

(6) Lê Hữu Trác (1989), Thượng kinh ký sự, Nxb Thông tin, Hà Nội, tr.7.

(7) Lê Hữu Trác (1989), Thượng kinh ký sự, Nxb Thông tin, Hà Nội, tr.11.

(8) Lê Nguyễn Lưu, Phan Tấn Tố (2007), Vua Minh Mạng với Thái y viện và ngự dược, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.258.

(9) Nhiều tác giả (2021), Danh nhân Hà Tĩnh, (Tái bản), Nxb Dân Trí, Hà Nội, tr.319.

(10) Lê Nguyễn Lưu, Phan Tấn Tố (2007), Vua Minh Mạng với Thái y viện và ngự dược, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.254.

(11) Trần Văn Giáp (1972), Lược truyện các tác gia Việt Nam, (Tái bản), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.317.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH HƯƠNG SƠN
    Thống kê: 9.192.613
    Trong năm: 937.296
    Trong tháng: 116.373
    Trong tuần: 29.653
    Trong ngày: 1.785
    Online: 67