1. Bàn về thể tài du ký nói chung và sự phát triển của văn xuôi du ký chữ Hán thế kỷ XVIII-XIX, các nhà lí luận đã xác định: “DU KÝ - Một thể loại văn học thuộc loại hình ký mà cơ sở là sự ghi chép của bản thân người đi du lịch, ngoạn cảnh về những điều mắt thấy tai nghe của chính mình tại những xứ sở xa lạ hay những nơi ít người có dịp đi đến. Hình thức của du ký rất đa dạng, có thể là ghi chép, ký sự, nhật ký, thư tín, hồi tưởng, miễn là mang lại những thông tin, tri thức và cảm xúc mới lạ về phong cảnh, phong tục, dân tình của xứ sở ít người biết đến. Thể loại du ký có vai trò quan trọng đối với văn học thế kỷ XVIII- XIX trong việc mở rộng tầm nhìn và tưởng tượng của nhà văn” ...
Bước sang giai đoạn thế kỷ XVIII-XIX, thể tài du ký có bước phát triển mạnh mẽ với nhiều tác phẩm chữ Hán trường thiên, đặc biệt với Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác (1724 - 1791)[1]... Trên thực tế, đối với văn học trung đại nói chung - đặc biệt với thể tài du ký và văn xuôi du ký chữ Hán thế kỷ XVIII-XIX nói riêng - các tác phẩm đều thể hiện rõ đặc điểm giao thoa, đan xen, thâm nhập, chuyển hóa, hỗn dung và tích hợp thể loại theo nhiều hình thức và mức độ khác biệt nhau.
2. Lược giản sự mô tả quá trình phát triển của thể tài văn xuôi du ký chữ Hán thế kỷ XVIII-XIX, chúng tôi tập trung khảo sát các đặc điểm thuộc về hình thức cấu trúc, nghệ thuật thể hiện và các phương diện thể tài, thể loại, thể văn, thể thơ, giọng điệu, phong cách sáng tác đan xen trong các tác phẩm Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác.
Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác. Tác phẩm được hoàn thành vào cuối năm Quý Mão, Cảnh Hưng 44 (1783). Chỉ xét về mặt thể loại cũng đã thấy có nhiều ý kiến khác nhau. Khởi đầu, Nguyễn Trọng Thuật tóm tắt chi tiết nội dung tác phẩm và nhận xét: “Cụ liền cất bút chép lấy những sự lịch du và những án chữa bệnh trong khi thượng Kinh, đề là Thượng kinh ký sự, phụ xuống cuối bộ Tâm lĩnh, thành 65 quyển. Quyển du ký ấy vừa thơ vừa ký, văn thái phong lưu, thật là một cuốn văn du ký kiệt tác mới xuất hiện ra ở trong văn học giới Việt Nam ta xưa nay. Từ đó khuếch trương thêm cái y hội đã tổ chức trước, giảng tập cho đạo đồ mà ưu du chung lão”[2]; nhóm Trần Văn Giáp xác định: “Thượng kinh ký sự (văn, sử)…”[3]; Đỗ Đức Dục xác nhận: “Một tập ký sự độc đáo trong văn học Việt Nam xưa”, “thực chất là một bản trần thuật và phân tích những diễn biến tâm lý khá sâu sắc và độc đáo”, “sự phân tích tâm lý đó, xuất hiện lần đầu tiên còn hãn hữu trong văn học đương thời”[4]; Nguyễn Lộc định danh: “Tập ký sự bằng chữ Hán của nhà y học… Thượng kinh ký sự là một tác phẩm ký sự bằng chữ Hán rất có giá trị trong văn học Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX, xứng đáng xếp sau Hoàng Lê nhất thống chí”[5]; Lại Nguyên Ân xếp loại: “Về phương diện văn học, đáng lưu ý nhất là tác phẩm Thượng kinh ký sự, một tập bút ký ghi lại hành trình lên kinh đô, vào phủ khám chữa bệnh”, “Tập ký sự kể việc bắt đầu từ lúc tác giả đang sống với mẹ tại Hương Sơn (Hà Tĩnh) thì có chỉ triệu ra Kinh (Thăng Long) chữa bệnh cho chúa… Thượng kinh ký sự mang giá trị tư liệu lịch sử đáng kể. Cách tả thực ở tầm nhìn gần của tác giả đem lại những đoạn văn, những tình tiết đặc sắc, hiếm thấy trong văn xuôi chữ Hán (truyện ký, truyền kỳ) và truyện thơ Nôm thời trung đại… Trong tác phẩm còn có nhiều bài thơ chữ Hán vịnh phong cảnh và bộc lộ tâm trạng của tác giả”[6]; Trần Nghĩa nhấn mạnh: “Thượng Kinh ký sự là tập du ký của Lê Hữu Trác…”[7]; thêm nữa, Nguyễn Đăng Na đi sâu phân tích: “Quyển cuối cùng của bộ sách nói trên (Hải Thượng Lãn Ông y tông tâm lĩnh – NHS chú) là một tác phẩm ký đặc sắc: Thượng kinh ký sự… Tuy lấy ký sự, một loại hình văn xuôi nghệ thuật làm thể tài ghi - thuật, nhưng âm hưởng của tác phẩm như một bài thơ trữ tình chứa chan niềm tâm sự của tác giả (…). Trước thời thế và nhân tình, không ngăn được nỗi ưu sầu, Lãn Ông đã mượn thơ giãi bày tâm sự. Chất thơ ca, du ký, nhật ký, ký sự… hòa quyện với nhau khó mà tách bạch. Đấy là nét riêng ở Thượng kinh ký sự mà những tác phẩm khác không có”[8], v.v…
Nhận diện chung về đặc tính thể tài du ký cũng như tính chất giao thoa cả về cảm hứng sáng tác, nội dung hiện thực và hình thức thể loại của Thượng kinh ký sự, dịch giả Phan Võ đã nhấn mạnh trong bài Tựa:
“Tập Thượng kinh ký sự này giới thiệu một cách rất sinh động thi sĩ Lãn Ông…
… Như cái tên của tác phẩm, nó là một tập ký sự khá đơn giản…
… Nhưng tập ký sự có vẻ vắn tắt này lại có một giá trị khá lớn đối với văn học và sử học…
… Con người Lãn Ông trước hết là một con người kiên nghị…
… Con người Lãn Ông là một nhà thơ ẩn dật…
… Con người Lãn Ông lại là một nhà văn có giá trị. Ngày xưa, học chuộng về từ chương, không mấy ai viết văn tự sự kể những việc hàng ngày. Quyển này gần như là quyển duy nhất trong nền văn học cổ. Ở đây người thực chép việc thực. Văn của Lãn Ông là một lối văn tinh tế...
… Nhưng đối với đời sau, nó lại còn quý giá ở chỗ nó vẽ lại những sự thực của lịch sử. Nó làm ta thấy lại một cách sinh động cuộc sống của chúa Trịnh, sinh hoạt giao du của tầng lớp công khanh, nho sĩ…, nó làm ta thấy lại thành Thăng Long cách đây hai trăm năm, trong đó có nhiều di tích nay không còn nữa. Đó là những điều không thể có trong một quyển sử cũ.
Ở các nước, những quyển ký sự của những người đương thời là những tài liệu rất quý báu để người đời sau có một cái nhìn sinh động về thời đã qua. tưởng không nên xem như là một câu chuyện phiếm của thầy thuốc Lãn Ông”[9]…
Nhận diện từ góc độ kết cấu tác phẩm, nhà nghiên cứu Nguyễn Lộc phân tích: “Tập ký sự mở đầu lúc Lê Hữu Trác đang sống ở quê mẹ, tại Hương Sơn (Hà Tĩnh) thì bỗng có chỉ triệu ra kinh chữa bệnh. Ông không muốn đi nhưng không thể không đi. Tác giả thuật tâm sự của mình trên con đường lên kinh, vừa chán chường vừa luyến tiếc cảnh sống ở quê hương. Tác giả cũng chú ý mô tả chi tiết từng chặng đường cụ thể, có chỗ nên thơ, có chỗ cheo leo gập ghềnh, như đoạn qua đèo Ba Dội. Sau đó, tác giả tả quang cảnh của kinh đô, nhất là quang cảnh trong phủ chúa Trịnh, kể việc giao du, tiếp xúc của ông với các công khanh Nho sĩ ở kinh thành. Lê Hữu Trác chỉ muốn trở về quê, ông than thở: “Bấm đốt tay tính lại đã ba mươi năm nay, mình tưởng đâu sẽ không sa vào cái vòng danh lợi, thế mà nay đến nỗi này, chẳng khác chi một thằng tù”. Tác phẩm kết thúc với việc ông về lại Hương Sơn trong tâm trạng hân hoan của một người “thân mắc vào vòng danh lợi nhưng vẫn không bị lợi danh mê hoặc. Ra đi thung dung, trở về ngất ngưởng”[10]…
Điều này cho thấy nhận thức chung của học giới về tính chất giao thoa, đan xen giữa tư duy nghệ thuật tự sự và trữ tình, văn xuôi và thi ca, kể sự và ngụ tình, kể chuyện và đối thoại, tự thuật và ngoại đề, ghi chép thực tại và hồi cố,… đã đồng thời xuất hiện trong cùng một tác phẩm Thượng kinh ký sự.
3. Tuân theo đặc điểm thể tài du ký, vai trò chủ thể tác giả “tôi” được đặt ở vị trí thứ nhất, vừa là người dẫn truyện và tạo dựng cốt truyện theo một định hướng thống nhất. Với vẻ ngoài là một xử sĩ, ẩn sĩ song con người thực của Lê Hữu Trác hiện diện quả không đơn giản, luôn tồn tại hai trạng thái khác biệt, vừa tự tin vừa hoài nghi, vừa rất mực ý thức về dòng dõi, tài năng của mình vừa như gián cách nhún nhường.
Phù hợp với tâm thế kiêu sang kiểu nhà Nho, kẻ sĩ, Lê Hữu Trác tạo nên lối viết khiêm xưng khác lạ trong diễn ngôn bộc lộ, phản ánh phẩm chất, tư cách và tài năng cá nhân mình qua lời người khác. Học giả Nguyễn Trọng Thuật phân tích và nhận xét: “Ông Viên Hình là người rành thơ nhất ở đồng thời với cụ có khen thơ của cụ rằng: “Thơ của ông thực là ý tại ngôn ngoại mà nghe ra hàm súc bất tận”. Lại cô Đặng tiểu thư là một nhà nữ thi sĩ trứ danh ở thời ấy cũng nói: “Thơ của Tôn bá, ý tại ngôn ngoại, đáng làm mô phạm cho nhà thi học”. Ấy thơ của cụ hay như thế mà cụ thì không muốn hay lấy một mình, lại muốn cho ai ai cũng biết cách làm thơ hay nữa, cụ nói: “Thơ quý ở ý, ý quý ở xa, để người ta phải nghĩ mới tới, thế là một thượng cách trong nghề làm thơ đó”. Vậy thì cụ lại kiêm cả thi hào thi học mà làm một nhà”[11]…
Sự phong phú trong diễn ngôn tạo nên phức hợp giọng điệu trong Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác tiếp tục được Nguyễn Trọng Thuật nắm bắt, diễn giải cụ thể: “Văn thì hay viết lối cổ văn, hùng hồn mà uyên súc lắm, và cũng lại một giọng “ý tại ngôn ngoại” như là thơ, mà sở trường nhất là về thể ký sự. Cụ xử vào cái thời thế danh phận không minh, ngôn luận rất không được tự do, thế mà xem một bài Tự tự và một quyển Du ký, lấy cái địa vị của một người bần y, cất cái ngòi bút của một nhà hàn sĩ mà miêu tả được cả bao nhiêu cái chân tướng của một xã hội bấy giờ để truyền bá ngay hiện thời, nào cái tư tưởng của phái “khoa cử chi học”, cái phong lưu đạo vị ở nơi nham huyệt, nào cái cảnh trí của giang sơn, cái dư vận của đế đô, cái cao sang của nhà vương hầu; cho đến các việc bình dân sĩ nữ, dù dở dù hay, cứ việc chép thực, ngụ bao ngụ biếm, tùy người xem ra, thật là một lối văn chương thâm túy khôn ngoan vậy”[12]…
Nhận diện tính đa dạng của bút pháp và hình thức diễn ngôn, nhà nghiên cứu Nguyễn Huệ Chi đi sâu phân tích: “Ngòi bút tự vẽ chân dung của Lê Hữu Trác là ngòi bút rất mực chân tình. Không chút giấu giếm khi mổ xẻ những nét trái ngược trong tư tưởng, những lối sống “hai mặt” đối với giai cấp phong kiến thống trị, cái hình ảnh của chính Lãn Ông đã có ý nghĩa điển hình cho một loại người trung gian trong xã hội cũ. Nhưng bên cạnh thành công đó, Lê Hữu Trác còn khắc họa được nhiều bức tranh xác thực về cái xã hội Kinh kỳ vào khoảng cuối thế kỷ XVIII. Phải nhận rằng về mặt này, tác phẩm của ông là một tập tài liệu quý giá, tuy chưa đạt đến tầm bao quát hiện thực rộng lớn của Hoàng Lê nhất thống chí. Lê Hữu Trác biết dựng lại cuộc sống đúng với không khí của nó, từ một tiếng chim ríu rít, một mùi hương, đến một quang cảnh rộn rịp của vương phủ, với lính tráng tấp nập, những cái cáng “chạy thật lực, bạ ai bất kể sang hèn, cũng đâm xổ vào”, cho đến cả cái vẻ im lìm của lầu gác nguy nga ẩn hiện trong đêm, những dãy hành lang quanh co bất tận, những ao hồ, cây cối và mầu vàng mầu đỏ của sơn son thếp vàng… Là nhà văn có năng lực dùng cảm giác để đưa người đọc tiếp xúc thẳng với sự việc, Lê Hữu Trác đã vẽ lại cái cảnh vào thăm thế tử Trịnh Cán gọn gàng như một màn kịch ngắn, trong đó người xem hồi hộp theo dõi từng bước đi của tác giả, cùng sống với những ấn tượng mới lạ của ông khi phải vượt qua những cái cột lớn mấy người ôm không xuể, đi vào trong những khoảng tối mênh mông của cung điện, chui qua màn gấm liên tiếp để rồi đột ngột hiện ra một vùng ánh sáng rực rỡ, với hình ảnh một ông chúa con ngồi trên sập vàng, mặc áo đỏ, mở miệng khen: “Ông này lạy khéo”, trong khi đó ở các cửa ngách phía sau, lấp ló nhiều khuôn mặt cung nữ tô son trát phấn, ánh nến chiếu vào càng thêm lóng lánh”[13]…
Xem trong Thượng kinh ký sự, Lê Hữu Trác thường dùng lối nói khiêm xưng “tôi là kẻ hèn mọn nơi quê mùa”, “kẻ hèn mọn nơi thảo dã”, “tai điếc mắt hoa, dám đâu cầu mong tiến thủ”, “chớ như tôi nay học cạn tài hèn, vô dụng với đời, may có được chút nghề mọn để kiếm ăn, không ngờ bỗng chốc đến nông nỗi này. Quả là điều hưởng thụ không xứng đáng với tài đức”, và bảo thơ mình “lời lẽ quê mùa”, “viển vông quê mùa”, “đâu dám múa rìu qua mắt thợ”; song khi khác ông lại tỏ thái độ cao đạo, ý thức sâu sắc về vị trí, vai trò con người cá nhân mình gián cách qua lời các bạn đồng liêu và giới quan chức. Với lối khiêm xưng và vẻ cao đạo kiểu nhà nho, ông ý thức về mình bằng việc mượn lời khen của thánh thượng “hiểu sâu y lý”, còn giáo quan ở An Việt thì nói: “Tôi vẫn nghe tiếng cụ như sấm động bên tai”, quan thị nội nói: “Cụ nức tiếng ở kinh đô”, “không ai không quý mến cái phong thái cao thượng của cụ”, “người ta nói thơ của cụ ai xem cũng phải khen là hay”… Và đã hơn một lần Lê Hữu Trác thầm tự khen mình: “Không ngờ từ đó, những thơ mà tôi làm dọc đường vâng chiếu chỉ lên kinh lại được người ta truyền tay nhau chép lại”; “Tiếng tăm của tôi bấy giờ vang khắp phủ. Lúc ngồi thường thấy có người nhìn trộm. Thơ của tôi ngày nay cũng làm cho bậc vương hầu cảm động. Thì ra thơ có ích thật chứ không phải chơi” (!)… Cứ như thế, Lê Hữu Trác hiện tồn giữa cuộc đời, phân thân giữa “khôn thật” và “ngây giả”, giữa “ai kia” với “thân này”, giữa “danh” với “hư danh”[14]…
4. Về cơ bản, Thượng kinh ký sự là câu chuyện kể về những ngày đến kinh thành Thăng Long chữa bệnh cho chúa Trịnh, trong đó đan xen giữa kiểu du ký công vụ và ghi chép theo phong cách tự thuật, hồi ức, nhật ký, ký sự, truyện ký văn học…
Cảm hứng Đi - XEM trở thành tiếng nói chủ đạo trong toàn bộ thiên du ký. Có thể nói tất cả các nhân vật, sự kiện, cảnh vật ở đây đều là sự thật, được tác giả chứng kiến, trải nghiệm và ghi chép lại. Toàn bộ sự thật được tôn trọng bởi lối ghi chép theo phong cách chép sử, theo thời gian tuyến tính, nhiều khi ghi rõ cả ngày tháng và địa điểm, nhân chứng, sự kiện. Chính trên cơ sở này mà Thượng kinh ký sự vốn được viết liền mạch, không chia chương đoạn, song dịch giả Phan Võ vẫn chủ động phân chia và đặt tên theo mười tiểu mục: Giã nhà lên kinh - Vào Trịnh phủ - Nhớ quê nhà - Làm thuốc và làm thơ - Đi lại với các công khanh - Tình cờ gặp người cũ - Ngâm thơ, thưởng nguyệt - Về thăm cố hương - Vào phủ chúa chữa bệnh - Trở về quê cũ(9)… Trên cơ sở ghi chép những điều tai nghe mắt thấy, Lê Hữu Trác đặc biệt quan tâm đến những danh lam thắng cảnh trên đường đi, từ đó kết hợp và chuyển hóa chuyến đi mang tính công vụ, nghĩa vụ thành cuộc du ngoạn thi vị. Bên cạnh những hoạt động chữa bệnh theo nghĩa vụ, ông triệt để tận dụng thời gian để ngắm cảnh, thăm lại cố đô Thăng Long, thăm bạn, thăm quê nhà, quê vợ, thăm dòng sông bến nước xưa cũ và chiêm nghiệm lẽ đời. Đan xen giữa câu chuyện thực, cảnh thực là những hồi ức, suy tưởng về cha anh, về một thời thơ bé, về nghĩa tình với một bà sư vốn là người năm xưa mình từng dạm hỏi. Đặc biệt trong Thượng kinh ký sự còn khoảng bốn mươi bài thơ cảm tác, tự thuật, đề vịnh, xướng họa của chính Lê Hữu Trác và những người khác. Hầu như đi đến đâu, gặp danh lam thắng cảnh nào ông cũng “tức cảnh sinh tình” và đề thơ. Đơn cử trường hợp tích hợp, đan xen, hỗn dung thơ ca trong văn xuôi:
“Ngày hai mươi hai, tôi cùng tùy tòng đi trước. Nhìn ra mé tây, một dải núi non trập trùng, ẩn ẩn hiện hiện trong đám mây trắng. Dọc đường đi lại thấy có mấy ngọn núi nhỏ đứng chơ vơ, ánh chiều vàng chen nhau nhuộm đầy cánh đồng. Đi đến Long Sơn (nay thuộc làng Nhân Sơn, xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An - NHS chú), thấy thế đất như hình vòng cung, cổ thụ um tùm, mát râm rất thích, lại có những tảng đá chồng gác lên nhau, xếp rất đều đặn. Tôi bảo những người khiêng cáng dừng lại, nghỉ ngơi, dạo chơi một lát rồi làm một bài thơ đề vào vách đá:
Y sơn cương tác tự,
Bàng thạch giá sơn chung.
Tế vũ miêu xuân thảo,
Minh hà lạc vãn tùng.
Nhân ngâm tàn chiếu lý,
Điểu ngữ loạn lâm trung.
Phụng chiếu xu hành dịch,
Cần lao tiếu Lãn Ông.
(Chùa dựng bên gò núi,
Vách đá gác lầu chuông.
Mưa xuân tươi ánh cỏ,
Ráng chiều đọng cành thông.
Thơ ngâm trong nắng nhạt,
Chim kêu rối giữa rừng.
Vâng chiếu đường rong ruổ,
Vất vả cười Lãn Ông)[15].
Một trường hợp khác, khi vào phủ chúa Trịnh, Lê Hữu Trác vừa chú ý quan sát cảnh quan, con người, công việc vừa độc thoại, bộc lộ suy nghĩ riêng vừa có làm thơ đề vịnh:
“Tôi bèn sửa soạn áo mũ, lên kiệu vào phủ. Lúc đó người hầu đi trước dẹp đường, phu kiệu rảo chạy y như ngựa phi. Tôi bị một chuyến xóc lên xóc xuống, khổ không xiết nói. Đi tới cổng phủ, quan truyền mệnh dẫn qua hai lần cửa nữa rồi rẽ phía trái, tôi ngẩng đầu nhìn, thấy bốn bề tám phía chỗ nào cũng cây cối um tùm, chim kêu ríu rít, trăm hoa đua nở, gió thoảng hương trời. Hành lang lan canh quanh co, nối tiếp song song. Người giữ cửa truyền báo lệnh công đi lại tíu tít như mắc cửi. Vệ sĩ canh gác cửa cung, ra vào phải có phù hiệu. Tôi nghĩ thầm trong bụng:
- Mình vốn cũng là con em nhà quan, sinh trưởng ở nơi phồn hoa, khắp chốn trong cấm thành, chỗ nào cũng từng quen thuộc, duy có quang cảnh phủ Chúa thì chỉ được nghe nói tới mà thôi. Nay được đến đây, mới biết là sự giàu sang của vua chúa, quả là không ai có thể sánh kịp.
Bèn làm một bài thơ để ghi nhớ:
Kim qua vệ sĩ ủng thiên môn,
Chính thị nam thiên đệ nhất tôn.
Họa các trùng lâu lăng bích hán,
Châu liêm ngọc hạm chiếu triêu đôn.
Cung hoa mỗi tống thanh hương trận,
Ngự uyển thời văn anh vũ ngôn.
Sơn dã vị tri ca quản địa,
Hoảng như ngư phủ nhập đào nguyên.
Dịch:
Cung cấm oai nghiêm lính giáo vàng,
Nơi đây bậc nhất cõi trần nam.
Lầu cao gác vẽ mây xanh vút,
Thềm ngọc rèm châu nắng sớm tràn.
Thơm ngát hoa cung làn gió thoảng,
Vẹt kêu vườn ngự tiếng đưa sang.
Quê mùa chưa biết nơi thanh lịch,
Ngư phủ đào nguyên luống ngỡ nàng”[16]....
Ví dụ thứ ba, Lê Hữu Trác thăm Hồ Tây, bất giác hoài niệm những ngày tuổi trẻ, bạn trẻ, tình trẻ, ngậm ngùi những còn mất trước thời gian và tiếp tục cất lên lời thơ:
“Vừa qua khỏi núi đá ở giữa hồ, nhìn ánh trời sắc nước, long lanh sóng gợn, đàn cò đàn uyên ương lượn lờ bãi nước. Trên bờ, bóng cây ở Ly cung um tùm thấp thoáng, khi ẩn khi hiện. Trên bãi, một dãy lâu đài. Cỏ hoa đua tươi, khoe hồng phô biếc. Trong đám thuyền chài nổi lên tiếng hát ngắn lướt trong bóng chiều. Chuông chùa khua rộn như giục mặt trời lặn đi.
Tôi ngồi ở trong thuyền, vô cùng sảng khoái. Nhìn xa thấy một nơi điện gác nguy nga, bóng tùng rợp đất. Tôi bảo chèo thuyền tới, mới biết là chùa Trấn Quốc bèn sai người lái thuyền vào bờ.
Tôi lên bờ, ngồi một mình trên một tảng đá bên gốc cây cổ thụ, phóng mắt nhìn ra khắp phía, xao xuyến nỗi lòng, rưng rưng mắt lệ, những người theo hầu ngạc nhiên hỏi duyên cớ. Tôi nói:
- Khi còn nhỏ ở Kinh đô, tôi đã từng cùng với mấy người quen kết bạn làm thi xã, hò hẹn cùng nhau, hàng năm xuân thu hai lần cùng tới Hồ Tây vui chơi. Mỗi khi đến đây thì sửa soạn đầy đủ rượu và đồ nhắm, rồi thuê ba bốn chiếc thuyền chài, chèo buông ra giữa hồ dong chơi, tiếng đàn sáo vang vọng bốn bề, tới đêm khuya thì về chùa Trấn Vũ, ngủ trọ. Có khi năm ba ngày mới trở về. Than ôi! Ngày nay bạn bè nhiều người đã khuất, bây giờ nhìn cảnh động lòng. Nào ngờ, mé tây mấy gốc cây già, bờ nước một dải rừng trúc, hồ rộng phía trước, gác chuông nẻo sau, đây đó còn nguyên như cũ. Ngắm cảnh vật nhớ người, cho dù gan dạ có là sắt đá đi nữa thì cũng phải mềm ra.
Bèn gạt lệ xuống thuyền quay về, muôn nỗi sầu não không sao dứt được. Bèn ngâm một bài thơ để vợi bớt nỗi lòng:
Tây Hồ nhất biệt tam thập xuân,
Phục khóa khinh thuyền quá lãng tần.
Cách ngạn lâu đài sơn thượng lập,
Thượng phương tiếu ngữ thủy trung văn.
Ly cung thụ sắc phân tàn chiếu,
Trấn Vũ chung thanh loạn xuất tần.
Phong cảnh y y tiền dạng tại,
Không ta bất kiến cựu thời nhân.
Dịch thơ:
Hồ Tây xa cách chốc ba mươi,
Lại cưỡi thuyền con lướt sóng chơi.
Bờ cách lâu đài ngang núi dựng,
Chùa trên nghe vọng tiếng cười vui.
Ly cung cây cối chiều nghiêng nắng,
Trấn Vũ lời chuông loạn đổ hồi.
Phong cảnh vẫn như năm tháng trước,
Người xưa không thấy ý khôn nguôi.
Đi tới đền Trấn Vũ thì lên bờ mà về”[17]…
Nói riêng về thơ trong Thượng kinh ký sự, Lê Hữu Trác sáng tác, tích hợp, đan xen thêm các thể thất ngôn bát cú, ngũ ngôn, tứ tuyệt; có khi gồm một bài đến liên hoàn hai, ba, bốn bài; có khi trong bốn bài lại vừa có bát cú, có ngũ ngôn, có tứ tuyệt. Nhìn rộng ra, trong thơ xướng họa có khi chủ động ra đề xướng, có khi viết bài họa; có khi đối ẩm, gặp gỡ trực tiếp, có khi trao đổi gián tiếp qua thư từ; có khi thả buông bài thơ, có khi kèm thêm lời bình (kể cả chép lại bài thơ kèm lời bình của khách thơ, bạn thơ); có thơ của “Nhóm thơ cũ”, “Thơ họa của người xa Thổ Khối”, thơ của các quan Hình công, Giám sinh, cựu Thiểm bình, quan châu Vạn Ninh, quan Thị nội tả, quan Hùng tả, quan Trấn thủ Lạng Sơn, quan Đốc đồng Lạng Sơn, quan Viên hình, tri huyện Ngự Thiên, cháu ngoại Giám sinh Trần, Tri phủ Tiên Hưng, Vĩ Khiêm công, quan Trung hùng, tiểu thư họ Đặng, Hàm Xuyên hầu… Bàn về đặc tính hỗn dung thể loại, Hà Thị Thanh Nga xác định: “Là một tác phẩm thuộc loại tác phẩm tự sự, tuy nhiên, trong Thượng kinh ký sự không chỉ có văn xuôi mà còn đan xen nhiều bài thơ của chính Lê Hữu Trác. Phải nói rằng Lê Hữu Trác có một tâm hồn cực kì nhạy cảm. Mỗi lúc tức cảnh sinh tình ông đều làm thơ. Chỉ tính riêng khoảng thời gian đi đường từ Hương Sơn lên thành Thăng Long ông đã làm đến chín bài thơ Đường luật để bộc lộ nỗi lòng. Cả chín bài thơ này đều mang một nỗi buồn man mác vì phải từ biệt vườn xưa núi cũ với nỗi cô đơn thăm thẳm”[18]…
5. Lời kết
Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác là tác phẩm văn xuôi du ký chữ Hán mở đầu và tiêu biểu thế kỷ XVIII-XIX (tiếp theo có Tây hành kiến văn kỷ lược của Lý Văn Phức, Hải trình chí lược của Phan Huy Chú, Tây hành nhật ký của Phạm Phú Thứ). Có thể xác định Thượng kinh ký sự thuộc những tác phẩm du ký trường thiên, phản ánh chuyến đi theo mệnh lệnh nhà chúa, triều đình. Về cơ bản, tác phẩm Thượng kinh ký sự đã kết hợp thỏa đáng tâm thế “du ký công vụ” với tiếng nói con người cá nhân, sử dụng thể tài ký, ghi chép người thật việc thật, tuân theo trật tự thời gian tuyến tính và mở rộng biên độ hình thức thể loại với việc xuất hiện hàng chục bài thơ Đường luật; vừa gia tăng tiếng nói trữ tình ngoại đề, độc thoại nội tâm, hồi ức, kỷ niệm; vừa nhấn mạnh lối viết khảo tả địa lý - hành chính; vừa vận dụng rộng rãi hình thức ghi nhật ký chính xác với phác thảo cảnh quan, chân dung con người và cuộc sống thực tại…
Nhìn chung, tác phẩm Thượng kinh ký sự đã kiến tạo và mở rộng biên độ thể loại văn xuôi du ký chữ Hán thời trung đại, thu nạp vào trong nó những phong cách thể loại khác nhau, góp phần phát triển thể tài du ký thế kỷ XVIII-XIX đạt trình độ cổ điển, chuẩn mực cả về nội dung và hình thức nghệ thuật./.
[1] Xin xem Nguyen Huu Son (2012), “The Thematic Forrms of Travel Notes Prose Written in Old Chinese Script in the 18th-19th Centuries and the Genre Amplitude Extreme Lines (Thể tài văn xuôi du ký chữ Hán thế kỷ XVIII-XIX và những đường biên thể loại)”, Vietnam Social Sciences, N0 6 (152), p. 79-91.
[2]. Nguyễn Trọng Thuật (1923), “Một nhà danh nho và danh y của nước ta ngày xưa: cụ Lãn Ông” (kỳ 1), Tạp chí Nam phong, số 69, tháng 3, tr. 199-200.
[3]. Trần Văn Giáp (Chủ biên) (1962), “Lê Hữu Trác, 1724-1791”, Lược truyện các tác gia Việt Nam, Tập I, Nxb Sử học, Hà Nội, tr.336.
[4]. Đỗ Đức Dục (1989), “Một tập ký sự độc đáo trong văn học Việt Nam xưa”, Về chủ nghĩa hiện thực thời đại Nguyễn Du. Nxb. Văn học, Hà Nội…
[5]. Nguyễn Lộc (1984), “Thượng kinh ký sự”, Từ điển văn học, Tập II. Nxb, Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.387.
[6]. Lại Nguyên Ân (1995), “Lê Hữu Trác - Thượng kinh ký sự”, Từ điển văn học Việt Nam, Quyển I, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.177-178, 432-433.
[7]. Trần Nghĩa (1997), Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam, Tập I, Nxb Thế giới, Hà Nội, tr.655.
- Trần Nghĩa (2001), “Giới thiệu văn bản”, Thượng kinh ký sự (Lê Hữu Trác). Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 5.
[8]. Nguyễn Đăng Na (Tuyển chọn và giới thiệu) (2001), Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, Tập II, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.219-220.
[9]. Phan Võ (1959), “Tựa”, Thượng kinh ký sự (Kể chuyện lên kinh) (Lê Hữu Trác), Nxb Văn hóa, Hà Nội, tr.7-8.
[10]. Nguyễn Lộc (2004), “Thượng kinh ký sự”, Từ điển văn học (bộ mới), Nxb Thế giới, Hà Nội, tr.1707-1708.
[11]. Nguyễn Trọng Thuật (1923), “Một nhà danh nho và danh y của nước ta ngày xưa: cụ Lãn Ông” (kỳ 1), Tạp chí Nam phong, số 70, tháng 4, tr.293-294.
[12]. Nguyễn Trọng Thuật (1923), “Một nhà danh nho và danh y của nước ta ngày xưa: cụ Lãn Ông” (kỳ 1), Tạp chí Nam phong, số 70, tháng 4, tr.294.
[13]. Nguyễn Huệ Chi (1970), “Lê Hữu Trác và con đường của một người trí thức, trong cơn phong ba dữ dội nửa cuối thế kỷ XVIII”, Tạp chí Văn học, số 6, tr.70-71.
[14]. Xin xem Nguyễn Hữu Sơn (2000), “Nhà ẩn sĩ nhập thế”, Điểm tựa phê bình văn học, Nxb Lao động, Hà Nội, tr.275-279.
[15]. Lê Hữu Trác (2001), Thượng kinh ký sự (Bùi Hạnh Cẩn dịch chú; Trần Nghĩa giới thiệu), Nxb Văn học, Hà Nội, tr.20-21…
[16]. Lê Hữu Trác (2001), Thượng kinh ký sự (Bùi Hạnh Cẩn dịch chú; Trần Nghĩa giới thiệu), Sđd, tr.39-41.
[17]. Lê Hữu Trác (2001), Thượng kinh ký sự (Bùi Hạnh Cẩn dịch chú; Trần Nghĩa giới thiệu). Sđd, tr.142-143…
[18]. Hà Thị Thanh Nga (2015), Thể tài du ký văn xuôi chữ Hán thế kỷ XVIII - XIX. Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.130-131.