Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (sinh năm 1724 – mất năm1791) là đại danh y của dân tộc. Ông sinh ra trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động: Trịnh Nguyễn phân tranh, chế độ phong kiến khủng hoảng, nhân dân cực khổ, các cuộc khởi nghĩa của nông dân liên tiếp nổ ra. Trước hoàn cảnh đó, Lê Hữu Trác đã có sự lựa chọn của riêng mình. Đó là vứt bỏ danh lợi, phục vụ nhân dân bằng khoa học y học, lấy tư tưởng nhân đạo, bác ái, chữa bệnh cứu người với quan điểm “chỉ muốn người đời không có bệnh” làm mục tiêu phấn đấu của đời mình.

Khu mộ Hải Thượng Lãn Ông 

 

Như chúng ta đã biết, khi nhận xét và đánh giá một nhân vật lịch sử, việc đặt chủ thể nghiên cứu trong một hoàn cảnh lịch sử cụ thể để có những kết luận tổng quan là hết sức cần thiết. Một nhân vật lịch sử luôn được gắn trong một thời kỳ lịch sử nhất định. Một cá nhân mang tầm ảnh hưởng lớn hoặc sẽ làm cho xã hội đương thời phát triển theo hướng hưng thịnh lên, hoặc sẽ làm cho xã hội bị chậm tiến. Ngược lại, bối cảnh lịch sử lại là tiền đề khách quan hết sức quan trọng, thế ứng đổi giữa nhân vật lịch sử với điều kiện lịch sử chính là yếu tố tạo nên thời thế của một con người.

Lê Hữu Trác lớn lên giữa lúc chế độ phong kiến trong cơn khủng hoảng nghiêm trọng, xã hội Việt Nam rối ren cực độ. Nhà Trịnh đoạt quyền vua Lê, chúa Trịnh và chúa Nguyễn tranh nhau chia cắt đất nước để cai trị. Giai cấp thống trị sống xa hoa trụy lạc. Bản thân các vua chúa bắt nhân dân xây dựng các cung điện, chùa chiền. Năm 1729, chúa Trịnh Cương huy động dân phu, quân lính sửa gấp hành cung Cổ Bi. Chúa Trịnh Giang lên thay chúa Trịnh Cương, tháng 10/1730, sai phá hành cung Cổ Bi để lấy vật liệu sửa chữa hai chùa Quỳnh Lâm và Sùng Nghiêm. “Sửa chữa xây dựng hai ngôi chùa này, công việc phiền phức nặng nề, phải dỡ lấy gỗ ở phủ Cổ Bi thả xuống sông chở xuôi để cung cấp vào việc xây dựng. Lại hạ lệnh cho dân ba huyện Đông Triều, Thủy Đường và Chí Linh phải gánh vác công việc này, sẽ miễn cho một năm số tiền góp về đê đường và bưu đình. Về sau, lại bắt dân khơi đường sông để việc vận tải được lưu thông, dân phải kéo gỗ, xe đá, thường có hàng vạn người làm, ngày đêm không được nghỉ ngơi”[1].  Trong “Thượng kinh ký sự” (kể truyện lên kinh), Lê Hữu Trác cũng phải sửng sốt trước cảnh giàu sang của chúa Trịnh: “Tôi nghĩ bụng mình vốn con quan, sinh trưởng trong chốn phồn hoa, chỗ nào trong cấm thành mình cũng từng biết. Chỉ có việc trong phủ chúa là mình chỉ mới nghe nói thôi. Bước chân đến đây mới hay cái cảnh giàu sang của vua chúa thực khác hẳn người thường”.

Ảnh du khách dâng hương tại lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác 2023

 

Ở Đàng Ngoài, chúa Trịnh Giang, Trịnh Doanh hiếu sắc, hoang dâm vô độ. Đến Trịnh Sâm cũng vậy, vì say mê Đặng Thị Huệ, bỏ bê việc triều chính. Chúa Trịnh Sâm truất thế tử Trịnh Khải (con trai trưởng đã lớn) để đưa con của Đặng Thị Huệ là Trịnh Cán còn ít tuổi lên thay. Phe phái của Đặng Thị Huệ là nhóm quận công Hoàng Đình Bảo – Đặng Thị Huệ được dịp nắm hết quyền hành. Năm 1782, Trịnh Sâm chết. Phe Trịnh Khải nổi dậy đánh giết nhóm Hoàng Đình Bảo, Đặng Thị Huệ, phế Trịnh Cán. Quân Tam phủ - chỗ dựa chính của Trịnh Khải, được thế cậy công, thả sức tung hoành. “Quân sĩ hoành hành cướp bóc, phàm tộc thuộc hai nhà họ Đặng, họ Hoàng và những nhà kia trước phát giác việc Trịnh Khải, họ cướp phá hầu hết… Từ đấy, kiêu binh ngày càng càn rỡ, viên quan cai quản không thể nào thống trị khống chế được, chỉ ràng buộc lỏng lẻo mà thôi”[2]. Ở Đàng Trong, các chúa sống xa hoa, chúng xây cung điện, đền chùa, mở hội hè, cúng tế, ăn uống, tiền của đổ đi như nước. Các gia đình quý tộc, quan lại cao cấp cũng nhân đó xây dựng dinh thự “la liệt hai bên bờ thượng lưu sông Phú Xuân và con sông nhỏ ở Phủ Cam”. Bọn quyền thần đua nhau ăn chơi xa xỉ, nuôi các đội tuồng chèo, ca kĩ chuyên phục vụ các cuộc yến tiệc. Đặc biệt, từ khi Nguyễn Phúc Khoát chết, Nguyễn Phúc Thuần lên thay, mới 12 tuổi. Quyền hành tập trung trong tay Trương Phúc Loan. Theo sử cũ, trong nhà Loan “vàng bạc, châu báu, gấm vóc đầy rẫy; nô bộc, trâu ngựa không biết bao nhiêu mà kể”. Nội bộ chính quyền phân chia bè cánh. Những người chống đối Nguyễn Phúc Loan đều bị giết hại, cách chức.

Để có nhiều tiền của tung vào cuộc sống xa hoa, giai cấp thống trị đặt ra nhiều chế độ bóc lột hà khắc: Thuế khóa, nô tỳ, phu phen, tạp dịch. Ví dụ như việc thi hành phép đánh thuế muối định như sau: “Đặt chức giám đương trông coi. Phàm dân miền biển người nấu muối gọi là “táo đinh”, người buôn muối gọi là “diêm hộ”, đều được miễn thuế khóa và giao dịch. Số muối nấu ra sẽ liệu lượng đánh thuế hai phần mười làm muối công. Người diêm hộ phải có chứng chỉ của viên giám đương mới được vào trường xưởng mua muối; trước mua muối công, sau mới đến muối của táo đinh. Việc mua hoặc bán đều phải có giấy tờ làm bằng cứ”[3]. “Việc trưng thu quá mức đến nỗi cạn hết vật lực mà không đủ cung, thành ra bần cùng và phải bỏ nghề nghiệp. Có người vì thuế sơn sống mà phải chặt cây sơn, vì thuế vải lụa mà phá khung cửi, cũng có kẻ vì phải nộp gỗ cây mà bỏ cả rìu búa, vì phải nộp cá tôm mà xé lưới chài… vì phải nộp bông chè mà bỏ hoang vườn tược. Làng xóm náo động…”[4].

Bộ máy quan lại cồng kềnh, tham nhũng. Ngay cả trường thi phong kiến là nơi thi thố tài năng “kén chọn hiền tài”, thu hút sự nỗ lực của kẻ sĩ bao đời nay, cũng bị bọn thống trị biến thành nơi buôn bán danh lợi. Trong 4 năm (1736 – 1740), Trịnh Giang bốn lần quy định thể lệ mua quan bán tước. Không chỉ mua quan bán tước, phủ chúa còn đặt “tiền thông kinh”, ai nộp 3 quan thì được miễn khảo hạch để vào thi Hương. “Vì thế, người làm ruộng, người đi buôn, cho chí người hàng thịt, người bán vặt, cũng đều làm đơn nộp tiền xin thi cả. Ngày vào thi đông đến nỗi giày xéo lẫn nhau, có người chết ở cửa trường. Trong trường thi, nào mang sách, nào hỏi chữ, nào mượn người thi thay, công nhiên làm bậy, không còn biết phép thi là gì. Những người thực tài, mười phần không đậu một…. Từ khi kẻ nịnh thần đề nghị đổi phép thi, hạng sinh đồ 3 quan đầy cả thiên hạ. Người trên do đó lấy tiền mà không ngại, kẻ dưới nộp tiền để được đỗ mà không thẹn, làm cho trường thi thành chỗ buôn bán”[5].

Chiến tranh phong kiến đã làm cho các làng xã, các địa phương xa trung ương tách khỏi sự quản lý trực tiếp của nhà nước. Bọn cường hào địa chủ địa phương không những tìm mọi cách chiếm đoạt ruộng tư của dân và còn lũng đoạn ruộng đất công vốn đã bị nhà nước cắt xén rất nhiều. Điều này, dẫn đến hình thành hàng loạt địa chủ lớn có hàng trăm mẫu ruộng, thậm chí có người có đến 3.000 mẫu ruộng rải ra ở nhiều huyện. Sự chiếm đoạt ruộng đất của giai cấp địa chủ căng thẳng đến mức, năm 1728, chúa Trịnh Cương đã phải kêu lên: “Ruộng đất rơi hết vào nhà hào phú, còn dân nghèo thì không có một miếng đất cắm dùi”.

Sản xuất nông nghiệp đình trệ, bế tắc vì ruộng đất nằm trong tay vua chúa quan lại, phú hào. Nghề thủ công, thương nghiệp có sự phát triển nhưng giai cấp phong kiến bảo thủ chiếm độc quyền kinh doanh, đặt thuế nặng nề, gây phiền nhiễu cho thương nhân trong và ngoài nước. Chiến tranh tranh giành quyền lực giữa các tập đoàn phong kiến diễn ra liên miên cộng với chế độ thuế khóa, phu phen tạp dịch làm cho đời sống nhân dân vô cùng cơ cực. Lụt lội, mất mùa liên tiếp xảy ra. “Dân bị đói, giá gạo cao, mà ruộng chiêm thì khô nẻ, công việc làm ruộng không được tiện lợi. Người sang trọng phải nhòm từng cửa để xin làm thuê hoặc vay mượn mà cũng không đắt, họ họp nhau ăn cắp, ăn trộm, nhân dân không được yên nghiệp làm ăn”[6]. Suốt mấy năm “trấn Nghệ An mất mùa đói kém, thây chết đói nối liền với nhau”[7]. Đặc biệt, vùng Hải Dương, quê hương của Lê Hữu Trác là một trong những miền quê chịu đau thương nhất. Sau 18 năm chịu cảnh binh đao, ruộng đất bị bỏ hoang, chết chóc vô kể, những người dân sống sót còn lại phải đi bóc vỏ cây, bắt chuột để ăn. Sử cũ ghi: “Từ cuối năm Vĩnh Hựu (tháng 8/1741), trộm cướp ở khắp nơi nổi dậy. Vùng Hải Dương càng nhiều hơn. Dân gian bỏ cày cấy… dắt díu nhau đi kiếm ăn đầy đường. Giá gạo cao vọt, 100 đồng tiền không được một bữa no. Nhân dân nhiều nơi phải ăn rau, ăn củ, đến nỗi ăn cả thịt rắn, thịt chuột, chết đói chồng chất lên nhau. Số dân còn lại mười phần không được một. Làng nào vốn có tiếng là trù mật cũng chỉ còn lại 5, 3 hộ mà thôi”.

Trước hoàn cảnh đó, nông dân nổi dậy chống lại chế độ phong kiến trở thành một yêu cầu tất yếu. Chống phong kiến chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, có các cuộc nổi dậy của nhà sư Nguyễn Dương Hưng (1737), Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ và Vũ Trác Oánh (1739), Nguyễn Hữu Cầu tức Quận He (1741 -1751), Nguyễn Danh Phương tức Quận Hẻo (1740 – 1750), Hoàng Công Chất (1739 – 1769), thổ tù Toản Cư (1741), Lê Duy Mật (1738 – 1770). Triều đình, mà chủ yếu là các chúa Trịnh đã phải vất vả và huy động toàn bộ lực lượng để đàn áp và họ đã dựa vào tính phân tán của các cuộc khởi nghĩa nông dân để “bẻ đũa từng chiếc”, làm cho các cuộc khởi nghĩa thất bại. Tuy thất bại, nhưng đây là hồi chuông báo động cuộc khủng hoảng của chế độ phong kiến ở Đàng Ngoài. Chống phong kiến chúa Nguyễn ở Đàng Trong, tiêu biểu có cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn do Nguyễn Huệ lãnh đạo (năm 1771), đánh đổ chính quyền chúa Nguyễn (năm 1775) và đánh tan quân can thiệp Xiêm (năm 1785). Rồi Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc lật đổ chính quyền Lê – Trịnh (năm 1786) và tiêu trừ quân phong kiến Mãn Thanh (năm 1789). Như vậy, các phong trào nông dân chống phong kiến ở đầu thế kỷ XVIII lần lượt thất bại do hạn chế của thời đại nhưng đã góp phần làm cho lực lượng phong kiến đã suy yếu càng suy yếu, chế độ xã hội lung lay, hệ thống tư tưởng phong kiến phân hóa. Chỉ đến phong trào Tây Sơn do anh hùng áo vải Nguyễn Huệ lãnh đạo vào cuối thế kỷ XVIII giành được thắng lợi, lật đổ tập đoàn phong kiến Lê – Trịnh, đặt nền móng cho việc thống nhất đất nước.

Tất cả những điều này đã tác động đến cuộc đời của Lê Hữu Trác. Nếu như trong chế độ phong kiến, tư tưởng cầu danh cầu lợi là phổ biến. Phần đông các nho sĩ đương thời chen nhau trên đường công danh, đi theo tập đoàn phong kiến để được vinh thân phì gia. Một số ít thì không có cách gì để giúp dân, họ đành phải rút về ẩn cư. Còn Lê Hữu Trác có sự lựa chọn của riêng mình. Ông sinh ra trong một gia đình có dòng dõi công khanh. Cha là Lê Hữu Mưu, đỗ đệ giáp tiến sĩ, làm Thị lang Bộ công triều Lê Dụ Tông, gia phong chức ngự sử, tước Bá (và truy tặng Thượng thư). Ông nội là Lê Hữu Danh, đậu đệ nhị giáp tiến sĩ, làm quan đến chức Hiến sứ, tặng phong tước Bá. Bác là Lê Hữu Hỷ, đậu đệ tam giáp tiến sĩ, làm Giám sát ngự sử, tước Bá. Chú là Lê Hữu Kiều, đậu đệ tam giáp tiến sĩ, làm Thượng tư Bộ Lễ, tặng phong Quận công. Anh là Lê Hữu Kiên tự Trọng Tín, đậu đệ tam giáp tiến sĩ, làm Tham chính, gia ban Thị lang Bộ công, triều Lê Hiển Tông. Em con chú là Lê Hữu Dung đậu tiến sĩ, làm Phó sứ, tặng phong tước Bá. Lê Hữu Trác, hồi nhỏ theo cha đi học ở kinh thành Thăng Long nổi tiếng là người thông minh, học giỏi. Đến năm Kỷ Mùi 1739, ông 20 tuổi thì cha mất, phải thôi học. Về nhà tiếp tục đọc sách, thi vào tam trường, rồi sau không đi thi nữa.

Năm 1740, nghĩa quân của Hoàng Công Chất đánh chiếm Khoái Châu (sát huyện Yên Mỹ). Lê Hữu Trác khi ấy là một thư sinh 20 tuổi, đang mê mải đèn sách. Ông chạy lánh nơi này qua nơi khác. Có người bảo: “Binh lửa khắp nơi, con trai thời loạn, há chịu già đời ở phòng sách mãi sao?”. Vì vậy, ngoài việc dùi mài kinh sử, ông lại được một nhà ẩn sĩ họ Vũ ở Đặng Xá dạy cho môn học “Thiên nhân”. Sau một năm nghiên cứu binh thư, luyện tập nghề võ, ông ra tòng quân, ý muốn đem ứng dụng cái sở học của mình. Nhờ biết trù tình kế hoạch quân sự thích hợp, ông cầm quân thường thắng trận. Tuy nhiên, qua mấy năm sống trong hàng ngũ quân đội Trịnh, ông nhìn rõ sự thối nát của chính quyền nhà Trịnh không có lợi cho dân, nhất là cảnh đau thương chết chóc, tàn sát nhân dân do bọn phong kiến gây nên, ông càng không muốn phục vụ tập đoàn phong kiến nhà Trịnh nữa. Vì vậy, mấy lần thống tướng của chúa Trịnh muốn đề bạt, nhưng ông đều từ chối. Nhân khi được tin người anh ở Hương Sơn vừa mất, Lê Hữu Trác liền viện cớ xin về nuôi mẹ và nuôi cháu thay anh. Thế là ông “bẻ tên cởi giáp” ra khỏi hàng ngũ quân đội Trịnh, về lo liệu việc nhà.

Về Hương Sơn, Lê Hữu Trác nặng gánh gia đình, phải làm ăn vất vả, nhưng ông vẫn trau dồi học thuật “đọc sách, mài gươm”. Do đó, cơ thể ngày một suy yếu. Ông mắc bệnh nặng. Chữa đến vài năm mà bệnh không khỏi, ông phải tìm đến nhà lương y Trần Độc ở Rú Thành (Nghệ An) để chữa. Dưỡng bệnh ở đó hơn một năm, nhân khi nhàn rỗi, ông mượn sách thuốc “Cẩm nang Phùng thị” để đọc. Lê Hữu Trác vốn thông minh học rộng nên chóng hiểu sâu y lý, ông càng thấy thú vị và say mê. Lại thấy làm nghề y là thiết thực ích lợi cho mình, vừa có điều kiện giúp đỡ mọi người, nên ông quyết chí học thuốc.

Khỏi bệnh về nhà, Lê Hữu Trác tiếp tục nghiên cứu sách thuốc. Năm 1750, Hải tướng quân của chúa Trịnh vây đánh nghĩa quân Nguyễn Hữu Cầu ở Bào Giang (xã Bào Hẫu, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An), bạn bè của ông tòng quân khá đông, có người đề bạt ông với tướng Trịnh, nên có quân lệnh về đón. Lê Hữu Trác phải đến yết kiến, tướng Trịnh bí mật bảo ông đem quân ra Cao Châu đánh úp phía sau viện binh của đối phương và hứa hẹn sau khi thành công sẽ được phong hầu bái tướng. Nhưng ông nghĩ thầm “Chí hướng về công danh lợi lộc như nước chảy mây bay, mình vất bỏ lâu rồi” nên ông cương quyết từ chối, lấy cớ còn phải nuôi mẹ già không thể đi xa được.

Với ý định đó, Lãn Ông về Hương Sơn ở nơi hẻo lánh, cố tìm thầy kết bạn để học thuốc. Trong khi chưa gặp được ai, Lê Hữu Trác đã tìm đọc hết các sách thuốc. Sau một thời gian, Lê Hữu Trác gặp được ông lang họ Trần ở làng Đỗ Xá bên cạnh, Lãn Ông đã học hỏi và tìm tòi. Vài ba năm sau, ông đã bắt đầu chữa được một số bệnh thông thường trong gia đình, thôn, xã. Nhưng ông thấy y lý thật sâu rộng, nên năm 1754, ông lên kinh đô tìm thầy để học thêm. Tiếc là không gặp được thầy giỏi, ông tự mua thêm sách rồi trở về Hương Sơn tự nghiên cứu. Sau 10 năm, ông đã nổi tiếng ở vùng Hoan Châu (Nghệ Tĩnh).

Từ năm 1760, ông mở lớp huấn luyện y học cho đồ đệ. Mặc dù hoàn cảnh khó khăn, Lãn Ông luôn tạo điều kiện để trao đổi kinh nghiệm với bạn đồng nghiệp và giao lưu y học với người nước ngoài, tổng hợp những kinh nghiệm trong dân gian, sưu tầm những vị thuốc mới phát hiện để nghiên cứu trên lâm sàng. Sau mấy chục năm đúc rút kinh nghiệm thực tiễn, Lê Hữu Trác biên soạn bộ sách “Hải thượng y tông tâm lĩnh”. Trong khi Hải thượng Lãn Ông biên soạn sách thuốc, có một bạn thủ khoa họ Trần đến thăm, thấy một chồng sách thuốc mới viết trịnh trọng bày trên bàn, bèn tỏ ý chỉ trích nghề y muốn hướng Lãn Ông cùng đi theo con đường sĩ hoạn, nói: “Đạo lý rất lớn, nhưng gọi là đạo tức là lối trị nước”. “Cho nên các nhà nho đời này qua đời khác đều học… để làm bước thang phú quý lừng lẫy công danh, còn như việc làm thuốc chỉ là một nghệ thuật mà thôi”. Lãn Ông thở dài và cương quyết trả lời: “Ý kiến của bạn hiền cố chấp như thế chẳng khác gì để con đường phẳng mặc cho gai góc mọc đầy, bỏ đường thẳng mà bước vào lối tắt ngoắt nghéo”. Ông ví đạo y như con đường phẳng và coi bước thang phú quý như lối tắt ngoắt nghéo. Ông lại phân tích, đại ý nói: Xưa có câu “Đạo làm thuốc cũng không khác gì đạo làm tướng”, đạo là khắp cả mọi sự vật trong trời đất, cái gì yên dân giúp đời là đạo, bất cứ việc nhỏ hay việc lớn đều như nhau. Làm nghề thuốc trị bệnh cứu người “chinh kỳ tính mệnh” có khác gì làm tướng. Với quan điểm vững chắc và ý chí kiên quyết, Lê Hữu Trác đã chữa bệnh thành công cho nhiều người dân.

Năm 1782, Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác bị điều vào kinh chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán (con chúa Trịnh Sâm). Ông được Trịnh Sâm khen “hiểu sâu y lý” ban thưởng cho 20 suất lính hầu và bổng lộc ngang với chức quan kiểm soát bộ Hộ để giữ ông lại. Nhưng Lãn Ông thấy nếu nhận thưởng chịu ơn thì khó lòng rời kinh đô trở lại Hương Sơn được, nên ông giả ốm không vào chầu, sau lại viện cớ tuổi già mắt hoa, tai điếc thường ốm yếu để được trọ ở ngoài.

Du khách thắp hương tại nhà thờ Lê Hữu Trác trước khi tổ chức Hội thảo về Lê Hữu Trác

 

Trong thời gian ở kinh đô, Lê Hữu Trác muốn trở về thăm cố hương Hải Dương của mình, nhưng mãi đến tháng 9/1782, sau đòi hỏi kiên quyết của ông, chúa Trịnh mới cho phép. Đang ở quê, ông lại có lệnh triệu về kinh vì Trịnh Sâm ốm nặng. Nhận được lệnh triệu, ông đành trở về kinh để chữa bệnh cho chúa Trịnh Sâm. Ông chữa cho Trịnh Sâm khỏi bệnh và được trọng thưởng. Sau đó, chúa Trịnh Sâm chết, Trịnh Cán lên thay. Bản thân Trịnh Cán ốm dai dẳng, Lê Hữu Trác buộc ở lại chữa bệnh cho chúa. Tuy nhiên, trong lòng Lê Hữu Trác nóng lòng muốn trở về quê (Hương Sơn) nên tìm kế thoát lui, may có người tiến cử một lương y mới, ông lấy cớ người nhà ốm nặng rời kinh. Ngày 2/11/1782, Lãn Ông về đến Hương Sơn.

Việc Lê Hữu Trác phải lên kinh đô và phải chữa bệnh cho chúa là tuân theo mệnh lệnh của chính quyền, là bổn phận của người thầy thuốc. Nhưng sau khi hy vọng tìm người bỏ tiền để in bộ sách “Tâm lĩnh” không thành và sau khi đã về thăm quê nội ở Hải Dương cùng bạn bè thân hữu thì việc lưu lại ở kinh thành phồn hoa là một điều làm cho ông khó chịu. Ông đã quen nếp sống lành mạnh êm đềm ở thôn quê với bà con nông dân chất phác. Ông lại càng chán ghét cảnh sống xa hoa của vua chúa và quan lại trên xương máu của người dân; cảnh tranh giành quyền lực của bọn vua chúa (nhóm phò Trịnh Khải – con vợ cả của Trịnh Sâm nổi dậy chém giết Chánh Đường và truất ngôi Trịnh Cán). Lê Hữu Trác tự hào đã giữ vẹn phẩm giá và tính mệnh “không tham danh lợi nên khỏi nhục, biết đường tiến thoái nên khỏi nguy”. Trong những năm cuối đời, Lê Hữu Trác sống cuộc sống thanh cao, tập trung cho sự nghiệp y học của mình.

Như vậy, Lê Hữu Trác sinh ra và lớn lên giữa lúc chế độ phong kiến Lê, Trịnh đang tan rã, các cuộc khởi nghĩa của nông dân nổ ra. Trong hoàn cảnh đó, tầng lớp sĩ phu ở nước ta lâm vào một cuộc khủng hoảng tư tưởng trầm trọng. Đó là lựa chọn giữa hai con đường: Đi theo tập đoàn phong kiến được quyền cao chức trọng thì ắt phải đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nông dân, một việc phi nghĩa của những nho sĩ chân chính đương thời. Hoặc là người biết lẽ phải mà chán ghét chế độ phong kiến thì lại tìm lối sống ở trong triết học Lão, Trang hay tôn giáo, để rủ tay với cuộc đời. Riêng Lê Hữu Trác đã tìm ra chân lý. Ông chán ghét chế độ bấy giờ, hoài nghi khi còn ở trong quân đội Trịnh: Không biết việc làm của mình để làm gì? Để phục vụ ai? Nhưng lòng thương đồng bào đói khổ đã mở ra cho ông một con đường thênh thang để đi theo nhân dân, phục vụ nhân dân bằng khoa học y học và nhân đạo nhân thuật. Đó là con đường chân chính nhất của nhà khoa học Lê Hữu Trác từ chỗ chán nản hoài nghi sang chỗ hành động tích cực để giúp ích cho đời và khỏi mang tiếng là người vô dụng. Nó đã chỉ đạo tư tưởng y học của ông và tạo cho ông một tinh thần quyết tâm để thực hiện chí lớn của mình. Đó là sự nghiệp xây dựng y học để bảo vệ sức khỏe cho dân tộc.

Hải Thượng Lãn Ông xứng đáng là tấm gương sáng để hậu thế học tập về y đức sáng ngời, tinh thần phục vụ người bệnh vô điều kiện, tinh thần nghiên cứu khoa học, sự trao truyền kiến thức, tiếp thu thành tựu khoa học nước ngoài.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập II, Nhà xuất bản sử học, Hà Nội, năm 1961.

2. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập III, Nhà xuất bản sử học, Hà Nội, năm 1961.

3. Phan Thư Hiền, Nguyễn Thị Thúy (biên soạn), Trăm năm, ngàn năm… Hải thượng Lãn Ông, Nhà xuất bản Đại học Vinh, Nghệ An, năm 2016.

4. Hồ sơ di tích lịch sử - danh nhân Đền thờ và mộ Lê Hữu Trác (xã Sơn Quang- huyện Hương Sơn – tỉnh Hà Tĩnh), năm 1989.

5. Nguyễn Quang Ngọc, Tiến trình lịch sử Việt Nam, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, năm 2007.

6. Nguyễn Văn Thịnh (biên soạn), Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác, Ty Văn hóa Hải Hưng (Thư viện tỉnh), Hải Hưng, năm 1970.

7. Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập II, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, năm 1999.

8. Trương Hữu Quýnh (chủ biên), Phan Đại Doãn, Nguyễn Cảnh Minh, Đại cương lịch sử Việt Nam, tập I, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, năm 2007.

9. Viện nghiên cứu Đông y, Thân thế và sự nghiệp y học của Hải Thượng Lãn Ông, Nhà xuất bản y học và thể dục thể thao, Hà Nội, năm 1966.

 

 

[1] Quốc sử quán triều Nguyễn (1999), Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập II, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, trang 478.

[2] Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập II, Sđd, tr. 762

[3] Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập II, Sđd, tr. 430

[4] Trương Hữu Quýnh (chủ biên), Phan Đại Doãn, Nguyễn Cảnh Minh (2007), Đại cương lịch sử Việt Nam, Tập 1, NXB Giáo dục, Hà Nội, tr. 399

[5] Phan Huy Chú (1961), Lịch triều hiến chương loại chí, tập II, Nhà xuất bản sử học, Hà Nội, tr. 19

[6] Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập II, Sđd tr. 730

[7] Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập II, Sđd tr. 735


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH HƯƠNG SƠN
    Thống kê: 8.866.810
    Trong năm: 1.119.634
    Trong tháng: 130.947
    Trong tuần: 29.302
    Trong ngày: 816
    Online: 117