Trong những năm qua, xã Sơn Tây là một trong những địa phương tích cực đi đầu trong thực hiện mô hình "Tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng", đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tiếp tục phát huy kết quả ấy, những ngày này, địa phương đang ra quân thực hiện việc tích tụ ruộng đất, đồn điền đổi thửa tại những khu vực đất sản xuất trong quy hoạch của địa phương. Phong trào được nhân dân hưởng ứng tích cực.
Đồng chè 2 năm tuổi tại xứ Cây Gạo đã cho thu nhập cao và ổn định cho 12 hộ tiên phong trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Cách đây hơn 2 năm, khu vực xứ đồng Cây Gạo là vùng đất bỏ không, cây cỏ mọc um tùm, làm bãi chăn thả gia súc. Sau khi xã đưa vào quy hoạch chuyển đổi, họp dân bàn bạc, tạo mọi điều kiện về máy móc, thiết bị, san lấp mặt bằng... đã có 12 hộ dân đăng ký đầu tư chuyển đổi trồng chè công nghiệp.
Đến nay, sau 2 năm trồng, chăm sóc, đồng chè với diện tích trên 10ha phát triển tốt, đem lại nguồn thu nhập khá cao và ổn định cho bàn con nhân dân.
Bà con nhân dân xã Sơn Tây tham gia lao động, giải phóng mặt bằng thực hiện dồn điền đổi thửa
Gia đình chị Bùi Thị Hương, thôn Cây Tắt là một trong những hộ tiên phong nhận đất trồng chè với diện tích 5 sào. Bình quân mỗi ngày gia đình thu hái khoảng 5 yến chè búp tươi, nhập cho xí nghiệp chè Tây Sơn với giá ổn định, thu về trên 300 ngàn đồng. Chị Hương phấn khởi chia sẻ: "Phải nói là bà con nhân dân chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi, thu nhập từ cây chè công nghiệp cao gấp nhiều lần so với trồng các loại cây màu. Bình quân mỗi năm chúng tôi thu hoạch 9 tháng, ngày nào cũng có thu nhập cả, nên đời sống đã được nâng lên rất nhiều. Nếu chủ trương của xã thực hiện tích tụ ruộng đất để chuyển đổi trồng chè thì gia đình tiếp tục tham gia để phát triển kinh tế tốt hơn".
Trên cơ sở kết quả khả quan trong công tác tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, xã Sơn Tây tiếp tục quy hoạch vùng, lựa chọn những vùng sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, kém hiệu quả kinh tế để thực hiện đề án "Tích tụ ruộng đất, dồn điền, đổi thửa" từng bước tăng năng suất, hiệu quả trên cùng đơn vị diện tích.
Toàn bộ khu vực dồn điền đổi thửa là đất sản xuất cây màu của 100 hộ dân với 211 thửa đất nhỏ lẻ, manh mún
Đợt này, địa phương thực hiện tích tụ ruộng đất tại xứ đồng 208, thôn Tân Thủy với diện tích trên 10ha. Đây là đất sản xuất cây màu của 100 hộ dân với 211 thửa đất manh mún, nhỏ lẻ. Qua khảo sát, đánh giá thực trạng, xã Sơn Tây đã chỉ đạo thôn họp dân, tuyên truyền, bàn bạc để tạo sự đồng thuận cao trong công tác dồn điền, đổi thửa.
Với sự tích cực, năng động và cách làm hợp lòng dân của địa phương, 100% hộ dân có đất tại xứ đồng 208 đã đồng thuận với tinh thần phấn khởi, tự nguyện hiến cây, tham gia lao động để san ủi mặt bằng thực hiện các nội dung phần việc. Bà Đào Thị Huyền - trưởng thôn Tân Thủy, xã Sơn Tây cho biết: "Chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ thực trạng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn hiện nay, những ưu thế trong việc tích tụ ruộng đất, đồn diền đổi thửa và những chính sách hỗ trợ của địa phương... Từ đó, người dân rất đồng thuận và tích cực thực hiện, tạo điều kiện để thôn ra quân thực hiện công tác dồn điền đổi thửa đảm bảo tiến độ đề ra, sớm bàn giao mặt bằng, diện tích đất để nhân dân sản xuất kịp thời vụ. Nhiều hộ dân còn đề xuất thôn tiếp tục cho dồn điền, đổi thửa tại những vùng sản xuất khác kể cả đất ruộng, đất màu, để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trong sản xuất"
Việc dồn điền, đổi thửa sẽ đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho bà con nông dân trong sản xuất, canh tác, vừa khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, bỏ hoang đất sản xuất, hình thành vùng sản xuất tập trung, thửa ruộng lớn, vừa tạo điều kiện thuận lợi trong tưới tiêu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả, giá trị trên đơn vị diện tích.
Xã Sơn Tây huy động máy móc hỗ trợ nhân dân cải tạo, san lấp mặt bằng để thuận lợi trong việc dồn điền, đổi thửa...
Sau khi hoàn thành việc cải tạo mặt bằng, quy hoạch sản xuất, địa phương sẽ nhanh chóng thực hiện việc đo đạc, bàn giao thửa đất cho bà con nông dân để đưa vào xản xuất cây màu vụ Đông Xuân. Bước tiếp theo sẽ bàn bạc, thống nhất để chuyển đổi toàn bộ diện tích xứ đồng 208 sang trồng cây chè công nghiệp trong những năm tiếp theo, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, đời sống nhân dân. Ông Cao Văn Đức - Chủ tịch UBND xã Sơn Tây vui mừng cho biết thêm "Sau khi dồn điền đổi thửa thành công tại thôn Tân Thủy, Ban chỉ đạo xã sẽ tiến hành thực hiện tại các xứ đồng khác. Đồng thời, chúng tôi cũng trích nguồn ngân sách để hỗ trợ nhân dân thực hiện quá trình dồn điền, đổi thửa và có kế hoạch xây dựng hệ thống đường giao thông, cơ sở hạ tầng phục vụ công tác tích tụ ruộng đất, đồn điền đổi thửa và chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất tập trung".
Thực hiện thành công việc tích tụ ruộng đất, dồn điền đổi thửa và chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương phát huy tiềm năng, lợi thế, nâng cao năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích, góp phần nâng cao thu nhập người dân, thực hiện xây dựng NTM một cách bền vững./.