Những ngày qua, nhiệt độ trên địa bàn Hà Tĩnh nói chung, huyện Hương Sơn nói riêng giảm mạnh, rét đậm rét hại gây ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển của cây mạ. Trước thực trạng đó, bà con Nhân dân các địa phương đã triển khai các biện pháp chống rét, chăm sóc cho mạ phát triển.
Người dân xã Sơn Ninh bón thêm tro bếp nhằm giữ ấm cho mạ
Tưới nước thường xuyên nhằm cung cấp nước, đảm bảo độ ẩm cho mạ phát triển
Theo kế hoạch, vụ Xuân 2024 huyện Hương Sơn gieo cấy trên 4.693 ha lúa, với cơ cấu các giống lúa lai Nhị ưu 838, Thái Xuyên 111, Lai thơm 6, Long Hương 8117. Cùng với đó, huyện cũng cơ cấu thêm các giống đại trà sản xuất qua nhiều năm, nhiều vùng sinh thái, thổ nhưỡng như HT1, N98, Nếp 87, Khang dân đột biến, Khang dân 18, Xuân Mai, Bắc Thịnh và các giống mới có tiềm năng về năng suất, chất lượng như Hà phát 3, Hương Bình, Hana số 7…
Mạ đã phát triển từ 2,5 đến 3 lá. Bà con Nhân dân cần kiểm tra thường xuyên để phát hiện và phòng trừ sâu bệnh kịp thời
Cùng với một số diện tích gieo thẳng, nhiều địa phương đã hướng dẫn bà con Nhân dân gieo mạ trên sân để cấy bằng máy gắn động cơ, nhất là tại các vùng tích tụ ruộng đất đã hình thành các ô thửa lớn, thuận lợi đưa máy cấy vào thực hiện. Hiện nay các trà mạ đã xuống giống từ 10 – 13 ngày, cây mạ phát triển từ 2,5 – 3 lá. Thời tiết hiện nay diễn biến bất lợi, rét đậm rét hại cả ngày và đêm. Bà con Nhân dân đã triển khai các biện pháp chống rét truyền thống như bón thêm tro bếp để giữ ấm, đồng thời tưới nước ngày 2- 3 lần nhằm đảm bảo độ ẩm cho cây mạ phát triển. Bên cạnh đó, bà con cũng thường xuyên kiểm tra, phát hiện sâu bệnh để phòng trừ kịp thời.