Bộ luật hình sự năm 2015 được Quốc hội khóa 13, kỳ họp thứ X thông qua ngày 27/11/2015, đã sửa đổi căn bản và toàn diện các nội dung của Bộ Luật Hình sự năm 1999, bắt đầu có hiệu lực thi hành từ 01/7/2016.
Bộ luật hình sự năm 2015 gồm 26 chương 426 điều (so với Bộ luật hình sự năm 1999 đã tăng 02 chương với 72 điều), trong đó giữ nguyên 17 điều, bãi bỏ 08 điều, bổ sung mới 49 điều và sửa đổi, bổ sụng 362 điều. Bộ luật hình sự năm 2015 có nhiều nội dung đổi mới, bao quát cả phần những quy định chung lẫn phần các tội phạm cụ thể; trong đó có những nội dung mang tính đột phá trên tinh thần tiếp thu thực tế và đổi mới nhận thức về chính sách hình sự, về vấn đề tội phạm và hình phạt, với những điểm mới cơ bản như sau:
Bộ luật Hình sự năm 2015, bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm các tội trong lĩnh vực kinh tế, cụ thể (tại các điều: Điều 2, Điều 6, Điều 8, Điều 33, các điều từ Điều 74 đến Điều 89; đồng thời xác định cụ thể điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại (Điều 75) và quy định 31 tội phạm thuần túy là các tội phạm trong lĩnh vực kinh tế và môi trường mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự (Điều 76).
Bổ sung nhóm các tội phạm về môi trường (Chương XIX) theo hướng cụ thể hóa các hành vi phạm tội gây ô nhiễm môi trường, tội vi phạm quy định về xử lý chất thải nguy hại (các Điều 235, 236)) tăng mức phạt tiền (cả phạt chính và phạt bổ sung) đối với các tội phạm về môi trường) quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với 09 tội thuộc chương này;
Bãi bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội phạm đồng thời mở rộng đối tượng không bị áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình. Bãi bỏ hình phạt tử hình đối với 08 tội, trong đó có 05 tội là bỏ hoàn toàn gồm: Tội hoạt động phỉ; Tội cướp tài sản (Điều 168); Tội phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 303); Tội chống mệnh lệnh (Điều 394); Tội đầu hàng địch (Điều 399); 03 tội bỏ hình phạt tử hình trên cơ sở tách ra từ các tội có quy định hình phạt tử hình trước đó gồm: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193); Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249); Tội chiếm đoạt chất ma túy (Điều 252);
Bộ luật Hình sự năm 2015, bổ sung đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình là người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử (Điều 40 Khoản 2, Điểm c); mở rộng thêm 02 trường hợp không thi hành án tử hình gồm: Người từ đủ 75 tuổi trở lên và người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn (Điểm b, c Khoản 3 Điều 40). Quy định cụ thể trong trường hợp này sẽ chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân (Điều 40 Khoản 4 và Điều 63 Khoản 6) nhằm góp phần hạn chế hình phạt tử hình trên thực tế .
Đối với người dưới 18 tuổi bổ sung nguyên tắc, việc xử lý người chưa thành niên phạm tội phải “Bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên” (Khoản 1 Điều 91 BLHS);
Bộ luật Hình sự năm 2015, quy định nguyên tắc: “Khi xét xử, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa” (Khoản 4 Điều 91), thay vì quy định như trước đây là phải đánh giá cân nhắc việc áp dụng hình phạt trước nếu xét thấy không cần thiết thì mới áp dụng các biện pháp giáo dục, phòng ngừa (Khoản 4 Điều 69 BLHS năm 1999);
Đồng thời nhằm tăng cường tính minh bạch, qua đó nâng cao hiệu quả việc phòng ngừa tội phạm đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi, BLHS quy định rõ hơn trách nhiệm hình sự người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, cụ thể: xử lý trách nhiệm hình sự ngay đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi thực hiện một trong 07 tội phạm; quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm
rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng
đối với một số tội cụ thể (mà không phải chịu trách nhiệm về tất cả các tội phạm như trong BLHS năm 1999 (Điểm a, b, c, d, e , Khoản 2 Điều 12 BLHS);
BLHS năm 2015, đã bổ sung 03 biện pháp có tính chất giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội khi họ thực hiện tội phạm mà cơ quan có thẩm quyền xét thấy không cần thiết phải xử lý hình sự đối với họ gồm: Khiển trách (Điều 93); Hòa giải tại cộng đồng (Điều 94); Giáo dục tại xã, phường, thị trấn (Điều 95).
Tội phạm mới được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015 bao gồm: Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147); tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người (Điều 154); tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân (Điều 167); tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại (Điều 187); tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán (Điều 212); tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm (Điều 213); tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (Điều 214); tội gian lận bảo hiểm y tế (Điều 215); tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (Điều 216); tội vi phạm quy định về cạnh tranh (Điều 217); tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản (Điều 218). Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí (Điều 219); tội vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 220); tội vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 221); tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 222); tội thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 223); tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 224); tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (Điều 230); tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã (Điều 234); tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông (Điều 238); tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng, cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật (Điều 285). Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng (Điều 291); tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 292); tội sử dụng trái phép tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh (Điều 293); tội cố ý gây nhiễu có hại (Điều 294); tội cưỡng bức lao động (Điều 297); tội bắt cóc con tin (Điều 301); tội cướp biển (Điều 302); tội đăng ký hộ tịch trái pháp luật (Điều 336); tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép (Điều 348); tội vi phạm quy định về giam giữ (Điều 388); tội gây rối trật tự phiên tòa (Điều 391); tội ra mệnh lệnh trái pháp luật (Điều 393) và tội chiếm đoạt hoặc huỷ hoại di vật của tử sỹ (Điều 418).
Bộ luật Hình sự mới cũng đã bãi bỏ 5 tội bao gồm: Tội hoạt động phỉ, tội đăng ký kết hôn trái pháp luật, tội kinh doanh trái phép, tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế.
Trong phần các tội phạm đã cụ thể hóa được các tình tiết mang tính chất định tính, như: các tình tiết “Gây hậu quả nghiêm trọng”, “Gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”; “Số lượng lớn”, “Số lượng rất lớn”, “Số lượng đặc biệt lớn”; “Thu lợi bất chính lớn”, “Thu lợi bất chính rất lớn”, “Thu lợi bất chính đặc biệt lớn”; “Đất có diện tích lớn”, “Đất có diện tích rất lớn”, “Đất có diện tích đặc biệt lớn”; “Giá trị lớn”, “Giá trị rất lớn”, “Giá trị đặc biệt lớn”; “Quy mô lớn” là các tình tiết định tội, định khung tăng nặng hình phạt của các Điều luật có quy định các tình tiết này, nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc áp dụng các quy định này hiện nay.
Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung chế định đồng phạm theo hướng quy định cụ thể nguyên tắc người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành(Khoản 4 Điều 17);
Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi quy định liên quan đến hành vi che giấu tội phạm và không tố giác tội phạm theo hướng loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người che giấu hoặc không tố giác tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự, trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác; người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện mà người bào chữa biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác.
Bộ luật Hình sự năm 2015, bổ sung 03 trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự: Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội; rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ và thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên tại các Điều 24, 25 và Điều 26BLHS;
Bộ luật Hình sự mới sửa đổi chính sách xử lý đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội theo hướng hạn chế hơn việc truy cứu trách nhiệm hình sự so với BLHS năm 1999, đồng thời bổ sung trường hợp thành lập, tham gia nhóm tội phạm là một trong những hành vi chuẩn bị phạm tội (Điều 14);
Bộ luật Hình sự năm 2015 cụ thể hóa các trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự (Điều 29) theo hướng: phân biệt trường hợp đương nhiên được miễn trách nhiệm hình sự và trường hợp có thể được miễn trách nhiệm hình sự; bổ sung một số trường hợp có thể được miễn trách nhiệm hình sự nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.
Những điểm mới trên của Bộ luật hình sự năm 2015 góp phần bảo vệ và thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngày 25/5/2016 vừa qua Hội đồng phối hợp PBGPL huyện, cán bộ chuyên viên Phòng Tư pháp, trưởng các ban, ngành đóng trê n địa bàn huyện cùng lãnh đạo UBND xã và công chức tư pháp hộ tịch các xã, thị trấn đã được tập huấn về Bộ Luật Hình sự, Bộ luật Dân sự. Theo kế hoạch trong thời gian tới Phòng Tư pháp sẽ tổ chức tuyên truyền tới tận các thôn xóm trên địa bàn huyện, nhằm nâng cao hiểu biết của người dân về các bộ luật này./.
Thu Huyền