Trong những năm qua, cùng với việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, Đảng và Nhà nước ta luôn có sự quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật sâu rộng trong quần chúng nhân dân coi đó là một nhiệm vụ chính trị quan trọng để pháp luật đi vào thực tiễn, đi vào nhận thức của từng người dân.

Hương Sơn là một huyện miền núi, 32 xã, thị trấn với gần 12 vạn dân, 272  thôn, xóm; 11 % dân số theo đạo thiên chúa giáo, nền kinh tế còn chậm phát triển, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, trong khi đó dân cư phân bố không đồng đều giữa các đơn vị hành chính với nhau.Vì vậy, việc nâng cao nhận thức pháp luật để từ đó xây dựng ý thức sống và làm việc theo pháp luật là một nhiệm vụ quan trọng; là thách thức lớn đối với cơ quan tư pháp. Ngày 20/6/2012 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam  thông qua Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013.

Qua 3 năm tổ chức triển khai thực hiện, với các hình thức PBGDPL không ngừng được đổi mới, nội dung bám sát và phục vụ kịp thời việc triển khai thực hiện và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Các ngành, các cấp đã tổ chức triển khai tuyên truyền pháp luật với nhiều hình thức đa dạng, đổi mới như: Thông qua hội nghị, hội thi, tập huấn nghiệp vụ, ngày pháp luật, tờ rơi, băng đĩa, trợ giúp pháp lý lưu động… trong đó phổ biến pháp luật trực tiếp được hơn 200.000 cuộc, với hơn 100 người tham dự/1 lượt. Phổ biến giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông qua các thiết chế văn hoá cơ sở, thông qua chương trình “Pháp luật và đời sống”, nhằm đi sâu phổ biến, giới thiệu một cách kịp thời các văn bản pháp luật mang tính thời sự thiết thực. Ngoài ra còn tiến hành biên soạn in ấn hơn 15.000 tờ rơi, tài liệu, hơn 1000 băng đĩa pháp luật phát miễn phí về tận 272 thôn, xóm. Hệ thống tủ sách pháp luật thường xuyên được bổ sung với hàng trăm đầu sách. Hàng năm, phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh tổ chức 03 đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại 30 xã thuộc vùng sâu, vùng xa, xã 135. Thông qua các cuộc trợ giúp pháp lý, những vướng mắc của người dân được giải quyết kịp thời, thấu đáo. Công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường được các cấp các ngành đặc biệt là ngành giáo dục quan tâm. Đội ngũ giảng dạy pháp luật được tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật

Các cuộc thi, hội thi đã thu hút hơn 20.000 người tham dự; thông qua công tác xét xử lưu động của Tòa án nhân dân cũng tuyên truyền phổ biến pháp luật một cách có hiệu quả.  Công tác vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, hoạt động hòa giải ở cơ sở, cam kết không vi phạm pháp luật. Các phong trào vận động của nhân dân đã góp phần tích cực đấu tranh phòng chống tội phạm các tệ nạn xã hội…Đài truyền thanh các xã, thị trấn đã phát thanh được 5.190 lượt, thời lượng từ 5 đến 10 phút.

Thông qua tổ chức Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tổ chức được hơn 80 cuộc, với 8.000 lượt người tham dự; treo 100 băng rôn, khẩu hiệu, 50 panô, tổ chức nhiều cuộc tọa đàm với hàng trăm người tham dự. Ngoài việc áp dụng đa dạng các hình thức PBGDPL, công tác tổ chức, củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác PBGDPL cũng được quan tâm, chú trọng và được thực hiện thường xuyên nhằm nâng cao hơn nữa trình độ, năng lực, chất lượng của đội ngũ làm công tác PBGDPL. Hiện nay, trên địa bàn huyện báo cáo viên pháp luật cấp huyện gồm 25 đồng chí và 1.898 tuyên truyền viên pháp luật xã, thị trấn; 272 tổ hòa giải, 1.904 hòa giải viên.

Bên cạnh đó, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật thường xuyên được rà soát và kiện toàn. Hiện nay, Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện có 29 thành viên được thành lập và hoạt động theo Quyết định 1016/QĐ-UBND ngày 28/4/2016, đảm bảo thành phần theo quy định Quyết định 27/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, công tác PBGDPL trong thời gian qua vẫn còn một số khó khăn, hạn chế nhất định, đó là vẫn còn một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đến công tác PBGDPL một cách thường xuyên, từ đó dẫn đến công tác tuyên truyền, PBGDPL đôi lúc, đôi nơi chưa được thường xuyên, liên tục, 1 bộ phận làm công tác này chưa có nhiều kỹ năng nên chưa thu hút được nhiều người nghe. Bên cạnh đó, việc đầu tư kinh phí hỗ trợ cho công tác PBGDPL ở cơ sở còn hạn chế, không đủ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra.

Từ những kết quả bước đầu, có thể khẳng định, Luật PBGDPL và các văn bản hướng dẫn thi hành đã được quán triệt một cách sâu sắc và thực hiện nghiêm túc, quy định này đã từng bước đi vào cuộc sống, đã và đang phát huy hiệu quả trên thực tế. Công tác PBGDPL đã được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể quan tâm chỉ đạo kịp thời, xác định đây là một nội dung quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và cả hệ thống chính trị. Đây là một trong những tiền để để xây dựng huyện nhà ngày càng giàu đẹp và phát triển hơn, thực hiện thắng lợi các mục tiêu theo tinh thần của Nghị quyết số 01 Đảng bộ khóa XXII của huyện, sớm đưa các xã về đích nông thôn mới, nâng cao ý thức của người dân “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, hạn chế thấp nhất các vi phạm pháp luật phát sinh trong cộng đồng dân cư.

Thu Huyền


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ hành chính
PHÁT THANH HƯƠNG SƠN
Thống kê: 9.142.347
Trong năm: 951.525
Trong tháng: 117.069
Trong tuần: 32.778
Trong ngày: 130
Online: 67