Hàng loạt chính sách, quy định mới quan trọng trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 1/2018: tăng lương tối thiểu vùng; áp biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi; sửa đổi quy định về thu tiền sử dụng đất; quy định mới về tính lãi tiền gửi giữa tổ chức tín dụng với khách hàng... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 1/2018.
10 luật có hiệu lực từ 1/1
: Từ ngày 1/1/2018, 10 luật có hiệu lực thi hành gồm: Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13; Bộ Luật Tố tụng hình sự; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật Trợ giúp pháp lý; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Luật Quản lý ngoại thương; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Luật Du lịch.
Tăng lương tối thiểu vùng từ 1/1
: Theo Nghị định số 141/2017/NĐ-CP ngày 7/12/2017, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp từ ngày 1/1/2018 như sau: Vùng : 3.980.000 đồng/tháng; vùng 2: 3.530.000 đồng/tháng; vùng 3: 3.090.000 đồng/tháng; vùng 4: 2.760.000 đồng/tháng. Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương cũ khoảng 180.000 - 230.000 đồng/tháng. Địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng được quy định theo đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh. Nghị định nêu rõ, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nào thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó. Trường hợp doanh nghiệp có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó. Doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu vùng cao nhất.
Sửa đổi quy định về thu tiền sử dụng đất:
Có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, Nghị định số 123/2017/NĐ-CP ngày 14/11/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.
Một trong những nội dung đáng chú ý của nghi định là hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp nhưng có nguồn gốc là đất ở sang đất ở của hộ gia đình, cá nhân thì không phải nộp tiền sử dụng đất.
Áp biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi
: Nghị định 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan có hiệu lực từ 1/1/2018. Trong đó, ban hành kèm theo Nghị định này là các phục lục về biểu thuế xuất khẩu theo danh mục mặt hàng chịu thuế; Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế; Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp đối với mặt hàng xe ôtô chở người từ 15 chỗ ngồi trở xuống (kể cả lái xe), đã qua sử dụng; Danh mục hàng hóa và thuế suất thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan đối với các mặt hàng thuộc diện áp dụng hạn ngạch thuế quan.
Mức tiền pháp nhân thương mại phải nộp để bảo đảm thi hành án:
Nghị định 115/2017/NĐ-CP ngày 16/10/2017 quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền pháp nhân thương mại phải nộp để bảo đảm thi hành án; việc tạm giữ, hoàn trả, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã nộp có hiệu lực từ 1/1/2018. Mức tiền nộp để bảo đảm thi hành án phạt tiền do cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền quyết định trong từng trường hợp cụ thể nhưng không dưới 50% và không cao hơn mức phạt tiền cao nhất quy định tại điều khoản được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với pháp nhân thương mại.
Chế độ ăn, mặc, chăm sóc y tế đối với người bị tạm giữ, tạm giam
: Có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, Nghị định số 120/2017/NĐ-CP ngày 6/11/2017 của Chính phủ quy định chi tiết về chế độ ăn, mặc, chăm sóc y tế đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; kinh phí bảo đảm thực hiện chế độ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; kinh phí bảo đảm chăm sóc, nuôi dưỡng đối với trẻ em dưới 36 tháng tuổi ở cùng mẹ trong cơ sở giam giữ; việc thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người nước ngoài.
Chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ
: Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 05/12/2017 về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ có hiệu lực từ 20/01/2018. Nghị định quy định cụ thể từng đối tượng, tiêu chuẩn áp dụng chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ.
Chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần
: Nghị định 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần có hiệu lực từ 01/01/2018.
Quy định về đầu tư ra nước ngoài về dầu khí
: Theo Nghị định số 124/2017/NĐ-CP ngày 15/11/2017 quy định về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí có hiệu lực từ 1/1/2018, để chuẩn bị đầu tư hoặc triển khai dự án dầu khí tại nước ngoài, nhà đầu tư được phép thành lập hoặc tham gia thành lập công ty điều hành tại Việt Nam, tại nước tiếp nhận đầu tư hoặc tại nước thứ ba theo quy định của pháp luật có liên quan, hợp đồng dầu khí và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế được chấp nhận chung.
Cơ chế đặc thù với doanh nghiệp xổ số
: Nghị định 122/2017/NĐ-CP ngày 13/11/2017 quy định một số nội dung đặc thù về cơ chế quản lý tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với doanh nghiệp kinh doanh xổ số; Sở Giao dịch Chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam có hiệu lực từ 01/01/2018.
Vi phạm hành chính về xây dựng phạt đến 1 tỷ đồng
: Có hiệu lực từ ngày 15/01/2018, Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở. Theo đó, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực hoạt động đầu tư xây dựng là 1 tỷ đồng; trong lĩnh vực khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở là 300 triệu đồng. Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với tổ chức (trừ một số trường hợp). Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
Tổ chức và hoạt động của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước
: Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý có hiệu lực từ 01/01/2018. Trong đó, Nghị định quy định rõ tổ chức và hoạt động của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước. Cụ thể, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước (Trung tâm) có Giám đốc, Phó Giám đốc, Trợ giúp viên pháp lý, viên chức và người lao động khác. Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm phải là Trợ giúp viên pháp lý. Trung tâm có thể có các bộ phận chuyên môn thích hợp để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập.
Tiêu chí Đồn biên phòng vùng sâu, vùng xa:
Theo Nghị định số 114/2017/NĐ-CP ngày 9/10/2017quy định về Đồn biên phòng thuộc vùng sâu, vùng xa, có hiệu lực từ 1/1/2018, Đồn biên phòng thuộc vùng sâu, vùng xa là những Đồn biên phòng có một trong các tiêu chí sau: Đóng quân và quản lý các xã miền núi, xã đảo, vùng biển có địa hình tự nhiên phức tạp, hiểm trở, chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, xa trung tâm hành chính cấp huyện; Đóng quân và quản lý các xã miền núi, hải đảo có phụ cấp khu vực từ 0,2 trở lên và phụ cấp đặc biệt từ 30% trở lên theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Đóng quân và quản lý các xã, phường thuộc địa bàn trọng yếu về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Quản lý chặt chẽ cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam:
Nghị định số 121/2017/NĐ-CP ngày 6/11/2017 quy định xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam có hiệu lực từ 1/1/2018. Nghị định này quy định về xây dựng, thu thập, lưu trữ, xử lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam.
Quy định mới về tính lãi tiền gửi với khách hàng
: Từ ngày 1/1/2018, phương pháp tính lãi trong hoạt động nhận tiền gửi, cấp tín dụng giữa tổ chức tín dụng với khách hàng được thực hiện theo quy định tại Thông tư 14/2017/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành.
Nguyên tắc niêm phong, mở niêm phong vật chứng:
Có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, Nghị định số 127/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 quy định khái niệm, nguyên tắc; trình tự, thủ tục; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm thực hiện niêm phong, mở niêm phong các loại vật chứng trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Quy định chế độ báo cáo về điều tra hình sự:
Nghị định 128/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 quy định chế độ báo cáo về điều tra hình sự có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Nghị định này quy định về nguyên tắc thực hiện chế độ báo cáo, nội dung, hình thức báo cáo; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện chế độ báo cáo về điều tra hình sự.
Thu Huyền (Theo Thư viện pl)